Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Lịch sử cuộc viễn chinh xứ Nam Kỳ năm 1861 - Phần 3


Ngày 10 tháng 4, từ mờ sáng, ta lại đổ đi tìm xem đồn địch ở đâu. Một đoàn trinh sát do đại úy pháo binh du Chauffaut hướng dẫn (gồm bộ binh Tây ban nha, một đại đội bộ binh, một đại đội thủy quân đánh bộ) băng đồng mà đi. Tên dẫn đường An nam trước hết dẫn họ đi xéo qua phải; vì bị quân ta hối thúc quá và sau đó thì đánh hắn, hắn bèn đổi hướng đi và dẫn cả đoàn trinh sát của ta thẳng tới sát My-tho. Cả toán quân cải nhau huyên náo và hổn loạn; trong khi ấy bọn lính Tây ban nha gốc người Tagal và một chiếc ghe An nam hai bên bắn nhau vài phát.



Ðoàn trinh sát lại quay về; trên đường bị một khẩu đại pháo không biết từ đâu bắn tới một quả: vài người trong đoàn cho rằng chổ đại pháo bắn ra tức đúng là đồn địch rồi: vài người khác thì cho rằng chưa chắc Trung úy hải quân ( thuộc công binh) đề nghị dùng ghe đổ xuống Rach-run-ngu xem sao. Ghe bị bắn, nhưng tìm ra đồn và ông quay ghe ngược trở về. Việc dùng ghe thám thính như thế nguy hiểm lại chưa có phép của cấp trên. Vài nông dân cho biết rằng kinh không có canh phòng và các đồn đều di tản hết rồi.

Trinh sát thì quá mơ hồ, nhưng ta lại phải mang quân tiến lên. Trong tình thế này, vì không biết đích xác đồn ở đâu, nên ta cứ kể như đồn địch đã di tản hết chỉ còn lưu lại một ít pháo binh; vì thế vị chỉ huy du Quillo cho lịnh trung tá Bourdais cứ tiến đánh My-thô. Ông chỉ thị cho trung tá Bourdais phải hết sức cẩn thận và cũng cho ông này biết là sáng nay ta vừa bị một phát đại pháo nhưng không biết ở đâu bắn tới. Trung tá Bourdais dẫn ba đại đội quân tăng viện, bộ binh, thủy quân, thủy quân đánh bộ tiến về Mỹ-thô, tất cả là ba trăm người. Họ có lịnh khi gần đến My-thô còn độ hai ngàn thước thì dừng lại chờ đạo quân viễn chinh đi sau. Vào ba giờ chiều, các toán quân của trung tá Bourdais xuống tàu sa-lúp, phía trước là các pháo hạm: cả đoàn lên đường, pháo hạm số 18 dẫn đầu mang cờ hiệu của trung tá Bourdais; tiếp theo là các pháo hạm 31, 22, 16. Pháo hạm 20 bỏ neo ở lại không theo đoàn tàu._Một lúc sau có lẽ chính đồn địch mà ta tìm kiếm từ hai ngày nay (đồn thứ năm) bắt đầu nổ súng. Các pháo hạm của ta cứ nhắm hướng phỏng chừng mà bắn trả, rồi tiếp tục tiến lên. Ta vẫn không biết đính xác đồn địch ở đâu hết. Bất thình lình, đồn hiện ra ngay trước mặt chỉ cách bốn trăm thước, đúng vào một khúc quanh của con kinh. Pháo hạm số 18 đi đầu có mang cờ hiệu của trung tá Bourdais bắn một quả đạn.

Ðồn An nam liền bắn trả ba quả, ba quả đạn An nam đều có hiệu lực. Một rớt lên tàu, một làm bị thương một quân lính của ta; quả thứ ba làm bay mất quả tim và cánh tay trái của trung tá Bourdais. Tức thời pháo hạm 18 vọt lên, theo sau là pháo hạm 31. Cả hai được các pháo hạm 16 và 22 dàn ra yểm trợ. Bốn đại pháo nòng 30 có khía phóng đạn liên hồi vào đồn An nam. Ðồn bị lủng nát, quân phòng ngự bỏ đồn rút lui. Quân Pháp liền chiếm đồn._Kể từ lúc đó kinh Bưu điện được hoàn toàn khai thông.

Như vậy là đường My-thô được khai thông bằng cái chết của đại úy hải quân Bourdais. Quân sĩ đều phát lộ niềm xúc cảm khó tả, lẫn lộn giữa chiến công và mất mát: thôi ta cứ để những xúc cảm đó gắn bó với nhau. Sức mạnh của xúc cảm làm cho mọi người phải bật lên tiếng kêu Trời; nhưng rồi từ từ cũng lắng xuống. Người ta phủ lên xác của ông một lá cờ Tam Tài để làm vinh danh ông, và cũng có thể là để che cảnh tượng khủng khiếp đừng cho những người còn đang chiến đấu phải nhìn thấy. Khi thu nhặt các phần thi thể, ta tìm được cánh tay của ông, nhưng trái tim thì tìm không thấy. Trong suốt tám ngày trước đây, ngày nào ông cũng phá được một đồn hay san bằng một đập. Ông tiến lên, xô ngã những chướng ngại trước mặt bằng cánh tay lúc nào cũng nôn nóng, những cảnh chết chóc và hấp hối không làm sờn lòng hay nhụt chí của ông. Ðó là hình ảnh của cuộc đời ông.

Ông chưa đầy bốn mươi tuổi; và vừa thăng chức đại úy thuyền trưởng đại chiến hạm trong vinh dự, trong cái tuổi mà người khác còn trong cấp bực thứ yếu. Không phải vì thiếu sĩ quan mà ông đã được thăng cấp, tiếng vang từ Paris cho biết: chính tiếng nói của chỉ huy trưởng và của cả đoàn quân viễn chinh đã đem đến cho ông cấp bực ấy. Nhưng ông đã ngã xuống khi vừa thấy đích, trợt chân trên một vũng máu. Chúng ta phải sống. Ông ta không còn nữa. Chẳng có gì xảy ra cả.

Ðại úy hải quân Desvaux nhận quyền điều khiển các pháo hạm thay thiếu tá, không hành quân nữa. Việc tưởng niệm một ngưòi chiến hữu thì toàn thể quân sĩ ai cũng cho là phải nhưng đã làm ngưng trệ việc hành quân: làm cho cả đoàn quân mất công đầu, tức là chiếm My-thô trước tiên. Chỉ chậm trể có vài giờ mà đành mất ưu thế: My-thô đã lọt vào tay chuẩn đề đốc Page.

Ðêm 11 tháng tư, lại có thêm quân bổ sung từ Saĩgon xuống nhập vào đoàn viễn chinh: vì ta chưa biết chắc là chỉ cần trở bàn tay để chiếm thành hay phải vây hãm lâu dài. Viện binh gồm có một đội pháo binh nòng 12 có ngựa kéo, phân đoàn 4 pháo binh mang theo ngựa và xe tải đạn, vì cho đến giờ này ta vẫn phải dùng sức người thay ngựa. Ngày 12 tháng tư, tất cả đạo quân đều tụ họp tại làng Tam-léon; tiền quân ta đóng cách thành địch chỉ có một ngàn năm trăm thước; trung úy Aigueparses chỉ huy toán tiền quân gồm năm mươi bộ binh đóng tại một bìa rừng cau và dừa, phía sau khu rừng dừa là thành phố My-thô. Ðường cái đã làm lại, tất cả các cầu cũng bắc lại. Ðoàn pháo hạm bỏ neo phía trước đạo quân một quảng ngắn, cách thành địch một ngàn năm trăm thước, pháo hạm bắn vào thành bẩy quả đạn súng cối có khía. Vào khoảng 11 giờ sáng, ta thấy một đám khói bốc lên ngay cửa vào tỉnh My-thô. _ Quân viễn chinh qua nhiều lần tăng viện, đã trở thành một lực lượng chín trăm người. Riêng dàn pháo binh, không kể đại pháo trên tàu sa-lúp và các ca-nô vũ trang, đếm được mười tám miệng lửa, trong số này có sáu súng cối._Ngày 13 tháng tư, đã biết rõ địa thế nên quân ta tiến lên:gồm công binh mang thang, súng cối miền núi, hỏa tiển, bốn đại đội thủy quân đánh bộ. Ta cũng bố trí để phòng hờ địch tấn công ta từ bên ngoài thành: bằng cách cho đại đội 4 bộ binh làm xung kích đi trước dò đường và tìm vị trí thuận lợi để tấn công. Trung tá du Quillio đang nghĩ cách ra tay đánh úp vào thành. Khi quân ta tiến gần khoảng cách chỉ còn bằng tầm đạn của địch thì lại thấy cờ tam sắc phất phới trên tường thành từ lúc nào rồi. Ngày hôm sau, 14 tháng tư, quân sĩ mới kéo vào bên trong thành.

Ðoàn chiến hạm của chuẩn thủy sư đề đốc Page, tiến từ cửa biển vào theo đường thủy mà ta đã khổ công dò tìm; hạm đội oanh liệt và gan dạ phá chông trên sông Cambodge dưới lằn đạn của địch tiến đến sát thành My-thô khoảng hai giờ sáng ngày 12 tháng 4. Thành đã bỏ trống, thủy thủ đoàn chiếm thành không phải nổ một tiếng súng nào cả.

Một mặt đoàn thám thính của ta sáng ngày 10 tháng 4 đã tiến đến thẳng trước mặt thành My-thô, một mặt đoàn pháo hạm cũng oanh liệt tiến lên làm cho quân địch mất tự tin; đến đêm 11 một đoàn trinh sát khác của ta lại xáp đến gần thành chỉ còn cách 200 thước, đồng thời trên sông Cambodge đoàn chiến hạm của thủy sư đề đốc Page cũng bắt đầu nhả đạn, người An nam bị áp lực ở mặt tiền tuyến và cả hậu tuyến. Họ rút lui.

Sự trùng hợp có vẻ bất ngờ của hai lực lượng xử dụng hai phương tiện hành quân khác nhau thật sự đã được nghiên cứu trước và chuẩn bị từ trước. Ngày 6 tháng 4, vị phó đề đốc Charner cho chỉ huy trưởng chiến dịch My-thô biết trước là có thể trông cậy vào một lực giúp sức hiện diện kịp thời trên sông Cambodge;’’Hai tàu Lily và Sham-Rock, vắng mặt từ tám hôm nay, không theo đoàn quân chiến dịch My-thô; ý đồ của tôi là cho hai pháo hạm đi theo hai tàu này để cố tìm đường biển đưa vào sông Cambodge.’’._Vị chỉ huy trưởng phải chờ đến ngày 8 tháng tư mới có thể thẩm định được việc di chuyển của hạm đội trên sông Cambodge từ cửa biển vào và khả năng phòng thủ của địch hai bên bờ. Trên bờ đạo quân viễn chinh cũng tỏ ra đang thắng thế và sắp tiến đến gần My-thô. Lúc này chính là lúc có thể phối hợp hai đạo quân: một từ biển vào và một do chỉ huy du Quilio dùng sông rạch để đem quân đến My-thô Vì vậy trong ngày 8 tháng tư phó thủy sư đề đốc Charner đưa các lời huấn thị như sau cho chuẩn thủy sư đề đốc Page còn đang đóng quân gần Bien-hoa:

‘’Tôi giao cho ông hai tàu Lily và Sham-Rock, sau khi thăm dò sông Cambodge xong sẽ bất thần quay về Saĩgon để được tiếp tế.

‘’Ông có thể trương cờ hiệu của ông trên bất cứ chiến hạm nào trong đoàn chiến thuyền mà ông thích: trên chiến hạm Fusée, Lily, Sham-Rock, hay cả trên chiếc Dragonne cũng được, tàu này hiện đang giữ vị trí tiền quân của ta.

‘’Ông phải hành động cẩn thận, ông phải hết sức nỗ lực theo đường biển ngược sông Cambodge để đánh My-thô, trong khi đó trên bộ đoàn quân viễn chinh sẽ ngược Rach-run-ngu đánh liên tục vào thành.

‘’Tôi tiếc rằng, ngoài số quân và chiến hạm sẵn có, tôi không thể giao cho ông hơn nữa. Ðiều tối quan trọng dưới mắt tôi là kết quả trận này có thể tháo gở cho hoàn cảnh khó khăn của ta hiện nay. Hạm đội của ông xuất hiện trên sông Cambodge chắc chắn sẽ đánh lạc hướng quân địch, góp phần làm cho My-thô mau xụp đổ và làm cho quân thù phải sớm điều đình.’’

Chuẩn thủy sư Page rời Bien-hoa ngày 10 thang 4, vào 10 giờ sáng, bằng tàu Fusée do đai úy Bailly điều khiển. Theo sau có tàu Lily và Sham-Rock. Ông vượt các bãi cạn ở cửa sông Cambodge, gần đó có tàu Dragonne do đại úy Galey đang thả neo làm tiền đồn; đại pháo hạm Dragonne cũng tháp tùng theo dẫn đầu và chỉ đường cho cả hạm đội. Vào hai giờ sáng thì hạm đội thả neo cách đập thứ nhất 400 thước. Thật may mắn cho ta đêm tối đen chưa từng thấy, không có một ánh sao nào trên trời, ta phá cọc và cừ để lấy đường cho tàu; trong khi đó các đồn địch bắn loạn xạ. Sáng ngày 11, hạm đội ngược sông Cambodge bằng nhánh phía nam nhưng lại phải ngừng lại nơi đầu một hòn đảo vì có đập chắn; hòn đảo chia sông thành hai nhánh (nhánh nam và nhánh bắc). Hai bên đập có đồn canh giữ, mỗi đồn có 18 khẩu pháo. Ngày 12 tháng tư, đoàn tàu nã pháo vào hai đồn, đồng thời phá cừ cọc để đi. Vào một giờ rưỡi trưa, hạm đội thả neo trước thành My-thô chỉ cách thành có 200 thước; nhưng thành My-thô đã di tản trước đó ba giờ đồng hồ rồi. Thủy thủ đoàn của hạm đội do trung úy hải quân Desaux hướng dẫn chiếm thành và thượng cờ tam sắc. Ðạn súng cối do cánh quân trên bộ của ta phóng vào thành trong các ngày 12 và 13 tháng 4 may mắn không trúng quân sĩ nào của ta trong thành.

Sông Cambodge nằm vào mặt nam của thành phố My-thô, sông Run-ngu nằm bên phía đông. Ðối với kinh Bưu điện thì thành phố nằm trên hữu ngạn. My-thô là một vùng nhà cửa rộng lớn, nhà lợp bằng lá dừa lùn theo tập quán của người An nam, nhìn xa giống như nhà lợp rơm của ta. Bộ mặt chung của thành phố có vẻ nghèo nàn; nhưng dọc theo kinh Bưu điện thì nhà cửa có vẻ thanh nhã một cách đáng nể; nhà xây cất theo lối nông thôn, nối nhau liên tục, mái lợp ngói nổi bật trên những vùng trồng dừa và cau, tất cả cho thấy vẻ phong lưu, thỉnh thoảng vài nhà tỏ ra thật giàu có. Ta chỉ có thể dùng cảnh hào hoa của Cho-quan và kinh Tàu mới có thể so sánh được cảnh tượng hai bên bờ Rach-run-ngu mà thôi. Cây dừa ở đây to lớn hơn các cây ta thấy ở Saĩgon: quân viễn chinh đánh My-thô uống thật là đã khát.

Thành My-thô xây cất theo lối Âu-châu. Thành vuông vức có ụ làm pháo đài. Hào chung quanh rộng có nước; tường thành cao rất dầy. Vài nơi chung quanh thành là đầm lầy, vì vậy sức phòng thủ do công trình nhân tạo còn có thiên nhiên hỗ trợ nữa. Khí giới của thành My-thô thì có đại pháo nòng lớn. Thành kiểm soát hết sông Cambodge và các đường thủy đổ vào sông này. Do đó thành có một vị trí chiến lược quan trọng. Hơn nữa My-thô còn là vựa thóc lại vừa là thị trường lúa gạo quan trọng của cả đế quốc An nam. Nếu trong mùa mưa mà đánh thành My-thô khi có thêm ba tỉnh miền nam hỗ trợ, thì quả thật ta không thể nào đánh nổi.

Vị phó vương của sáu tỉnh, trước khi bỏ thành, thả hết người thiên chúa giáo, ông nói với họ rằng ‘’Hãy cứ đi theo các bạn người Pháp của quý vị’’. Ðó là một gương nhân từ mà về sau cả người An nam và kể cả kẻ thù của người An nam tức là người Pháp chúng ta không ai làm nỗi. Ông cho đốt hết các kho nhà nước,và cả các xâu tiền kẽm. Ta chẳng còn vớt vát được gì.

Gạo cháy dở dang bán giá rẻ mạt chỉ để nấu rượu gọi là sam-chou, một loại rượu trắng của người An nam. Tiền kẽm chỉ có giá khi còn bó lại thành xâu. Buộc lại thì công nhiều lắm, vì thế tiền mất hết giá. Tại các ụ đóng ghe ta cướp được vài thuyền quan thật đẹp bằng gỗ giá tị là một loại gỗ rất quí. Ta liền tu sửa các ghe cướp được, trang bị khi giới, đem tăng cường cho hạm đội của ta.

Quyết định của địch quân rút bỏ thành My-thô làm cả đoàn quân tăng viện do chỉ huy trưởng viễn chinh đưa từ Saĩgon xuống trở nên vô ích. Tóm lại tất cả cuộc hành quân chỉ gồm có giai đoạn chuẩn bị chớ không đánh đấm gì cả, thôi cũng là chuyện may. Tin thắng trận My-thô đến tai của vị chỉ huy trưởng và đại tướng de Vaissoigne khi hai ông thân hành đi thăm mặt trận Mỹ thô. Chiến thắng giúp cho vị chỉ huy có thể lần lượt phân phối đưa quân đội giữ nhiệm vụ ở các nơi khác, Quân lính hầu hết là quân tình nguyện. Trước khi thành My-thô mất đã có vài đám mưa rào báo hiệu mùa mưa đã tới, mưa gây ra tình thế càng ngày càng khó khăn hơn, có vẻ như muốn cho thấy là ý kiến của những người trước đây chống lại việc tiến đánh My-thô là có lý. Thư từ quân lính gửi đi theo từng chuyến định kỳ, tức ngày 11 tháng 4, chắc phải nhắc tới việc này. Nhưng thành My-thô lại mất quá sớm vào ngày 12 tháng tư; vì thế khi tàu đưa thư Écho đến Singapour thì trong số thư chống lại việc tiến đánh My-thô cũng có cả thư báo tin chiến thắng thành My-thô gửi về Pháp.

Ðề đốc thủy sư cử một sĩ quan đóng tại My-thô đại diện cho ông ở đây: trước khi rời My-thô ông hoạch định cho vị sĩ quan này những gì phải làm và những gì không nên làm.’’ Quyền lực của ông là quân binh, hành chính và chính trị. Ông đừng quên là kẻ thù còn trước mặt: vậy phải bảo trì pháo binh và bộ binh. Vùng lãnh thổ tứ giác giữa các sông Cambodge, Bưu diện, Thương mại và khúc sông Vàm-co tây là do quân ta chiếm cứ. Dân chúng sẽ được thông báo về việc thành lập lãnh thổ ta bằng một tuyên cáo. Ðối với người dân lương thiện ông áp dụng sự công minh, khoan dung và nhã nhặn. Ông chống lại cướp bóc để che chở họ. Ông không nên tìm cách tự ý bành trướng việc chinh phạt của người Pháp. Dân chúng ở phía bắc vùng tứ giác ta nên xem như đồng minh hơn là kẻ thù. Giải hết tù về Saigon. Chuyển hết thương mại về Saĩgon. Saĩgon phải là trung tâm thương mại duy nhất của ta.’’ Nhờ sự tín cẩn đặc biệt của thủy sư đề đốc đối với mình nên đại úy hải quân Devaux mới được giao những trọng trách lớn lao như vậy trong suốt mấy tháng đầu tiên sau khi chiếm My-thô. Phó thủy sư đề đốc chỉ huy trưởng, trước khi quay về tổng hành dinh ở Saĩgon, đã giải quyết hết những gì liên hệ đến việc phòng thủ My-thô: bốn trăm người đóng giữ thành. Ðại pháo của hải quân thì đem dùng trang bị cho thành mới chiếm.

Toàn thể pháo binh đánh bộ trở về Saĩgon, quân sĩ pháo binh trở lại đóng chỗ cũ trong thành phố Tàu và dọc theo các chùa như trước kia để chờ qua hết mùa mưa. Tình trạng sức khoẻ của quân lính đi đánh My-thô suy xụp một cách nghiêm trọng; vào cuối tháng tư, các bịnh viện chật cứng bịnh nhân sốt rét và thổ tả. Trong lúc đánh nhau con người sống một đời sống giả tạo: khi nghỉ ngơi, ta cứ tạm cho như vậy, thì sự thực lại trở về với họ, vi trùng của tinh thần và thể xác phát sinh và bành trướng: tình thần buồn nản, xác thân rã rời. Mùa mưa thật sự đến rồi, cả Nam kỳ miền nam biến thành một vùng đầm lầy mênh mông. Bầu trời mất hết vẻ trong sáng: từng chập trời đổ mưa như thác. Chỉ có cảnh xanh tươi của miền nhiệt đới là tồn tại, ngoài ra chẳng có gì khác hơn là màu tối tăm của mưa dông đầy trời. Mùa màng thay đổi trên quê hương ta hình như cũng phù hợp với bản tánh dễ biến đổi của ta. Nơi xứ Nam kỳ y trang muôn thuở của thiên nhiên, lúc nào cũng như nhau, tạo cho ta một nỗi buồn thảm vô biên. Dịch tả vẫn hoành hành: nạn nhân vẫn lẩn quẩn trong đám quân đi đánh My-thô. Vị chỉ huy tiểu đoàn của công binh là Allizé de Matignicourt chết liền sau khi ngã bịnh có hai ngày. Thế là kỳ viễn chinh sau hết đã làm thiệt mất hai vị sĩ quan lớn. Trung tá Bourdais bị quân thù giết; trung tá Allizé, kém may mắn hơn không có cái vinh dự đó, đã bị dịch thổ tả mang đi. Dịch tả trong mười lăm ngày đã gây chết chóc nhiều hơn là đại pháo và súng bắn trong một trận hỗn chiến.

Ðám táng của ông là một tang lễ thật lớn. Gần như tất cả sĩ quan của toàn thể đạo quân viễn chinh đều hiện diện: công binh, pháo binh, thủy quân, bộ binh, thủy quân đánh bộ, các cơ quan bịnh viện đều có cử người đại diện. Ðoàn người đưa đám chật ních cả nghĩa trang của người An nam, mà bây giờ đây đang chôn đầy người Pháp. Mười hai cái hố đào sẵn ở nghĩa trang ngập nước do cơn mưa từ tối hôm qua, mưa đã biểu lộ sự đau đớn của mình bằng màu nước hòa với chất sét trong đất trở nên đỏ như máu. Gió mùa tây-nam lộng hành mang đến cho bầu trời những đám mây màu chì: một cảnh nữa đêm nữa sáng bao phủ mặt đất, buồn thảm hơn cả một ngày nhật thực. Mưa trút như thác đổ: hình như có sự giận dữ nào đó đã vơ hết mưa gió để ném xuống mặt đất từng mảng lớn. Những nỗi niềm chán nản và yếu mềm đã thấy xuất hiện trong nhóm dân đi chiếm thuộc địa. Mục đích của chúng ta trở nên tối tăm: ta tự hỏi biết bao nhiêu nhân mạng phải hy sinh để được lợi ích gì đây? Chung quanh ta đều thiếu thốn tất cả, thiếu cả trời cả đất; xem kìa những lỗ huyệt há hốc sẵn sàng chờ đón ta, khép kín bạn hữu của chúng ta, giống như những tiếng điểm danh của con Quái vật sẵn sàng ngấu nghiến chúng ta. Ta chỉ biết khẩn cầu và chờ đợi một tiếng nói vương lên giúp ta sức mạnh và chịu đựng để chống chỏi với những tại họa này. Bỗng có một người bước ra, tiến đến bờ huyệt cất lên những lời nói đó:

‘’Thưa quí vị, người ta nói rằng mãnh đất này, để trả thù cho việc xâm lược của ta, đã nuốt sống cái tinh khiết nhất của dòng máu chúng ta. Chính vì thế, mà chúng ta đã nhìn thấy tận mắt những vị chỉ huy của quân đoàn nổi danh đã ngã xuống, như Labbé, Deroulède, Livet; và ngày hôm nay một lỗ huyệt mở ra để đón phần thân xác của trung tá Allizé.

‘’Cái chết của trung tá Allizé là một cái tang chung. Các vị chỉ huy của ông tôn vinh ông vì kiến thức rộng rãi của ông và sự can trường vững chắc của ông; thuộc hạ của ông thương mến ông vì tính tình nhã nhặn của ông. Ông đã đem đời mình đóng góp cho công cuộc đánh chiếm My-thô: sự hy sinh đời sống cao cả của ông làm cho chúng ta vững tâm hơn là làm cho chúng ta xao xuyến; sự hy sinh này rồi đây sẽ làm nẩy nở được chăng công trình mà tất cả chúng ta bắt buộc phải làm!’’

[6] Một đại đội thủy quân đổ bộ, đại đội 7, đại úy Galache điều khiển ; hai súng cối nòng 16 và 200 quả đạn cho mỗi khẩu, trung úy pháo binh Savilly trách nhiệm diều khiển; hỏa tiển chiến thuật ; 1 tàu sa-lúp trang bị một súng cối nòng 15 do trung úy hải quân Vicaire điều khiển ; pháo để phá các đập chắn ; các tấm tôn để sửa chữa các pháo hạm bằng sắt bị thủng. Trung úy hải quân Delassaux, giữ vai trò quản lý đạo thủy quân đổ bộ đi cùng tàu với vị chỉ huy là Desvaux.

CHƯƠNG VII

Cục diện Nam Kỳ miền duới sau khi thành Kì hòa và thành My-thô bị mất. - Chỉnh đốn binh bị. - Tổ chức dân sư.


Chiến thắng Kì hòa và Mỹ-thô gây tiếng vang vô cùng rộng lớn trên toàn cỏi Á - châu. Bọn phưu lưu dẫy đầy trên các vùng biển nước Tàu kéo nhau đổ đến Saĩgon,_ từ dân miền núi Fo-kien, dân đảo Hải nam, dân Quảng đông, dân Ả rập, Ấn độ, cho đến dân các bộ lạc Karing và Xong. Bọn phưu lưu người Âu châu tại Shang-haĩ, Hong-kong, Batavia và Manille vì còn e ngại các cuộc biểu dương lực lượng quân sự còn có thể xảy ra nên vẫn đứng xa chờ đợi. Người An nam bị rúng động mạnh. Họ nhiều lần khoe khoan với triều đình Xiêm la và Cao miên là người Pháp không thắng họ được, họ thường dẫn chứng các trận đánh ở Touranne như là các chiến thắng vẻ vang của họ, tuy có những lần tạm thời thua chạy nhưng không phải vì thế mà họ thất bại. Vị phó vương An nam cho các quan chức của hai tỉnh vừa bị mất hay rằng ông không thể ra lịnh gì cho họ cả trước khi có sự chuẩn y của triều đình Huế. Từ nghìn xưa đến giờ vẫn thế, cứ mỗi lần có sự xáo trộn ở Nam kỳ miền dưới là giặc cướp xuất hiện khắp nơi; tình trạng xã hội tại hai tỉnh lỵ xinh đẹp của ta là Saĩgon và My-thô lâm vào mối nguy bị tan rã là vậy.

Trong hoàn cảnh đó, vị tổng tư lịnh nghĩ rằng nên tạm thời ngưng việc chinh phạt, nếu không muốn trông thấy phần lãnh thổ đã lọt vào tay ta lâm vào cảnh điêu tàn. Quân sĩ đã kiệt lực, thương vong quá nhiều do dịch tả, sốt rét, kiết lỵ; mùa mưa biến Nam kỳ miền dưới thành một vùng lầy lội mênh mông, hồ ao rải rác khắp nơi; quả thật là những lý do mạnh mẻ để ngưng việc đánh chiếm thêm. Ðây là lúc mà người Pháp phải tự xử lý những hậu quả do chính mình gây ra sau khi chiếm đoạt một vùng lãnh thổ ba ngàn dậm vuông và đuổi hết những người cầm quyền cũ. Sau đây là lời một vị hoàng đế Ðông phương đã nói với một vị thái thú Trung đông: ‘’Ông nghỉ rằng tôi có thể đứng từ xa để cai trị được không? Tại sao các ông đến đây để chinh phạt chúng tôi, mà lại không cai trị nổi chúng tôi?’’ Tất cả phương châm của chiến tranh chinh phạt đều nằm trong nét dễ hiểu này.

Vì vậy các cuộc hành quân đều ngưng lại, các hoạt động quân sự được giới hạn trong khu vực lãnh thổ thuộc hai tỉnh đã chiếm mà thôi. Thành Kì hòa bị san bằng đã trả lại cho con sông Don-naĩ một quang cảnh tuyệt vời; đối với sông Cambodge, sau khi thành My-thô đã bị chiếm, quang cảnh cũng trở lại như xưa Ðó là hai con sông tuyệt đẹp, mà ta hoàn toàn chủ động dễ dàng với những phương tiện sẵn có. Tuy nhiên, sông không thể so sánh với núi hay sa mạc trên phương diện biên thùy, nhất là trong một xứ mà người dân rất thích sống lưu động trên sông nước. Thật ra thì vùng Lưỡng Hà  này mới chỉ bao gồm có tỉnh Bien-hoa, giữa Nam kỳ miền dưới và lãnh thổ Huế còn có cả một vùng núi non làm biên giới thiên nhiên. Ta chỉ có thể so sánh nơi đây là vùng Lưỡng Hà khi nào chiếm hết toàn thể lãnh thổ mà thôi. Xâm chiếm tức khắc không thể thực hiện được vì các lý do vừa kể: quân lính kiệt lực, mùa mưa và tình trang hổn loạn hiện nay.

Cũng đúng lúc để ta đặt lại vấn đề có nên đánh chiếm thành Bien-hoa hay không và nếu đánh gục đường tuyến địch trên sông Don-naĩ để đặt đầu cầu trên đất địch, tức là Bien-hoa, thì có lợi ích như thế nào? Ðánh chiếm vị trí này để mở đường lên phía bắc, thì quả là người An nam sẵn sàng dưng cho ta, chỉ cần báo trước họ là đủ; nhưng vào thời điểm này chỉ là một chiến thắng quân sự vô nghĩa. Một khi đánh chiếm Bien-hoa sẽ đưa tới hai quyết định ta phải chọn: hoặc là tàn phá hết vị trí này hoặc là chiếm giữ. Giải pháp thứ nhất đưa đến một hậu quả vô bổ; giải pháp thư hai đưa đến một hậu quả nguy hại.

Vậy thì Bien-hoa là gì? Là vỏn vẹn một vị trí ranh giới. Ví như chúng ta phá hủy Bien-hoa, người An nam sẽ rút về hậu tuyến, tức trên đường ra Huế, như thế họ lọt ra ngoài tầm kềm tỏa của ta. Hiện nay là mùa rất thuận lợi cho việc đào xới. Ta có thể tin rằng họ sẽ chờ ta đánh và dành cho ta những bất ngờ bằng cách đào hào đắp lũy cố thủ với các chướng ngại phòng ngự phụ thuộc mà họ thành thạo một cách phi thường. Tóm lại chẳng có lợi gì cho ta cả.

Còn nếu ví như ta chiếm giữ vị trí này. Bien-hoa sẽ trở thành một đầu cầu của ta nằm hẳn trên đất địch, nhưng lại hoàn toàn cô lập. Nếu chúng ta muốn phong tỏa nhanh chóng Bien-hoa, cũng như phong tỏa Saĩgon trước kia, thì cần có năm trăm quân, một số đồn nhỏ để nối liền với tỉnh Gia-dinh, một số pháo hạm để làm chủ trên nhánh sông Bien-hoa. Tất cả những chuyện này cũng chỉ để xua quân An nam được bốn đến năm dặm trên đường ra Huế, chẳng có ích lợi gì thêm cho phần lãnh thổ thuộc địa của ta đã chiếm.

Theo ý kiến chung cũng như theo nguyên tắc quân sự thì trong hoàn cảnh như thế ta nên chú ý vào bối cảnh toàn diện hiện nay mà không nên để ý đến khía cạnh riêng của một vấn đề; vì vậy không thể nào có quyết định gởi một đạo quân viễn chinh đi đánh Biên-hòa. Sông Don-naĩ là một biên giới tạm thời; hữu ngạn thuộc về ta, tả ngạn thuộc người An nam trừ ra hai vị trí trên tả ngạn ta phải giữ: một là ngôi làng thiên chúa giáo nằm đối diện với Saigon, hai là Fou-yen-mot do ta trang bị mạnh mẽ để kiểm soát toàn vùng. Làng thiên chúa giáo trung thành với ta, bảo vệ họ là chính đáng và rất đúng trên phương diện chính trị. Fou-yen-mot dùng để canh chừng toàn xứ, và cũng là nơi ta lấy gỗ để bán; ngoài ra khi cần thiết ta sẽ xuất quân từ đây để đánh bọc hậu vào phía bắc Bien-hòa khi cần chiếm vị trí này.

Ðể khống chế toàn lãnh thổ ta thiết lập hệ thống bố trí quân sự như sau:

Thành lập một đường tuyến chiến lược chắc chắn từ đồn Testard, các đồn Tong-keou, đồn Oc-moun, đồn Tay-theuye cho đến thành Tay-ninh, các đồn lũy liên đới hỗ trợ với nhau, kéo dài từ Saĩgon dọc theo biên giới giữa Nam kỳ và vương quốc Cao-miên. Sông Don-naĩ sâu, tàu bè cở lớn có thể lưu hành dễ dàng vào sâu tới sáu mươi dặm trong đất liền kể từ bờ biển; trên sông tấp nập tàu bè chuyên chở lớn nhỏ, hộ tống hạm, pháo hạm. Như thế kể như tại tỉnh Saĩgon và mặt giáp ranh với tỉnh Bien-hoa ta có hai đường tuyến quân sự, hỗ trợ nhau và cách nhau từ năm đến tám dặm. Ðường tuyến thứ nhất gồm các lực lượng lưu động trên sông, có khả năng hiện diện khắp nơi; có thể đặt đại pháo ở hàng trăm vị trí khác nhau để nhắc nhở cho quân thù là bất cứ một manh nha khởi nghĩa nào cũng sẽ bị quân sĩ tăng viện của ta đến tận nơi để trừng trị. Ðường tuyến thứ hai gồm có thành đồn trải dọc song song với sông Don-naĩ. Về phía sông Cambodge, My-thô là trại quân lớn và ta có cả một hạm đội canh chừng mạnh mẽ khắp phần tứ giác phía đông và phía tây, kiểm soát tất cả kinh rạch và sông Cambodge. Quân sĩ hành quân ngoài Saĩgon lên tới 1 425 người, như thế ta đã chiếm tối đa diện tích lãnh thổ mà ta có đủ sức để giữ.

Nếu như quân An nam dám mạo hiểm để tấn công ta thì cách bố trí vừa thấy đủ sức chống lại họ. Bị đẩy lui về Bien-hoa quân An nam thấy phía sau quân ta có thể dồn lại dễ dàng bất cứ chỗ nào để đánh tan họ nếu họ có ý muốn tấn công. Cho đến bây giờ, nếu ví như ta chưa đủ sức ngăn chận các cuộc hành quân từ Huế vào, thì đã có các biên giới thiên nhiên giữa Nam kỳ miền nam và Nam kỳ miền trung bảo vệ: đó là vùng núi non xuất phát từ núi Vi. Phần đất của người Âu châu chiếm giữ dựa vào dãy núi đá, về phía nam thì có sông Cambodge làm ranh giới và ba tỉnh miền nam áng ngữ, không có gì phải sợ quân địch xua quân từ miền bắc; nhưng thực ra ta lại gặp phải nhiều khó khăn trong việc bình định phần lãnh thổ đã chiếm. Người An nam không để ta yên một lúc nào hết, họ dung túng giặc cuớp trong khắp Nam kỳ miền dưới. Các tỉnh Ha-tien, An-gian, Vinh-long phì nhiêu một cách kỳ lạ, họ hoàn toàn có thể tự túc được. Chỉ cần vỏn vẹn một vài hiệu lịnh của triều đình, một vài tuyên cáo, không hơn không kém là các tỉnh này sẽ lọt ra khỏi lãnh thổ thuộc địa tương lai mà ta hoạch định thiết lập cho nước Pháp. Ðiều khó khăn để ta biểu dương uy quyền của kẻ xâm lăng là bản chất thiên nhiên của toàn vùng, nơi này gồm hàng ngàn đường sông rạch có thể so sánh với một vùng Kabylie đầy sông ngòi. Sông rạch tạo ra một hệ thống mạng lưới quá rộng lớn đầy kẻ hở không thể ngăn chận hết sự xâm nhập của người An nam

Khi toàn lãnh thổ rộng lớn từ bờ biển Tàu cho đến ranh giới Cao miên lọt vào tay ta, thì các quan chức của triều đình Huế từ các cấp tổng đốc, phou và huyen đều bỏ trốn hết; nhưng các chánh tổng, xã trưởng và các viên chức hội đồng xã đều ở lại làng của họ. Các điều khoản trong tuyên cáo của ta vào tháng ba và tháng tư 1861 bảo đảm luật pháp, tài sản và phong tục cho họ. Ta không vội gì áp dụng những công thức tuyệt vời của Tây phương mà chỉ nên bảo đảm tài sản sẵn có, tìm cách tránh cho họ những thói xấu mà họ chưa hề biết, nhất là cứ để họ như trước, tức là người nông dân lo trồng lúa và đánh cá. 

Thật vậy, nếu có một đường hướng chung để giúp ta cai trị thì ta phải sớm khám phá ra nó, càng sớm càng hay, sau khi ta xâm chiếm Saĩgon và My-thô. Vị chỉ huy trưởng Pháp phải đối đầu với một dân tộc mà luật lệ của họ, phong tục của họ ông ta đều mù tịt; ngôn ngữ họ dùng là một trong ba ngôn ngữ của cả vũ trụ này mà khi nói lên thì giống như hát. Những người thông ngôn thì thiếu, hành chánh An nam bị nứt rạn, một nữa nhân viên đã bỏ trốn. Sau hết ta có thể xem như dân tộc An nam bị những người lãnh đạo của họ bỏ rơi, đang thèm khát tự do, sẵn sàng bảo vệ đức tin Thiên Chúa của mình. Ta phải công nhận khi bước chân vào sâu trong lãnh thổ Nam kỳ miền dưới, ta nhận thấy ngay dân chúng được nhào nặn theo lối uy quyền phụ hệ của Á châu. Ta cũng có ngay cảm giác là các quan chức Nam kỳ khác xa với các quan chức hành chánh hèn nhát và lạm quyền của Tàu. Về phần người theo thiên chúa giáo, trước đây thì họ trốn lánh; nhưng trên đường chinh phạt My-thô, khi các pháo hạm đem đến nhiều chiến thắng cho thấy người An nam càng ngày càng khó bảo vệ vùng tứ giác, thì họ ra mặt ngay và biến những người ngoại đạo thành một thứ nô lệ .Trong số quân sĩ của thành Kì hòa và My-thô, người nào không rút về Bien-hoa hoặc các tỉnh miền nam Cao miên thì làm giặc cướp để sinh sống; sau đó họ lại trở về đầu quân và gây thêm nhiều lẫn lộn và bối rối cho ta. Chỉ cần những xáo trộn thật nhỏ cũng có thể nguy hại đến phong tục của một dân tộc, dân Nam kỳ miền dưới gánh chịu nạn cướp bóc là thế. Trong những ngày đầu, sau tiếng sét giáng xuống thành Kì hòa, một mối kinh sợ bao trùm tâm hồn người An nam. Nổi kinh hoàng bị người Âu châu xâm chiếm họ giữ kín không nói ra; các làng mạc xin đầu thú và xin ta cử người cai quản. Trước bộ tham mưu của ta, các xã trưởng và chánh tổng nối đuôi nhau không ngớt. Họ quỳ gối và dập đầu để thỉnh nguyện, theo cái tư thế tuy đã thành khuôn mẫu ở Á châu, nhưng lại va chạm mạnh đến quan niệm của người Âu châu về nhân phẩm con người. Bằng một dọng như cầu kinh của người An nam, họ vừa run vừa cầu khẩn ta đừng bỏ rơi dân chúng trong thôn xã của họ và bày tỏ sự sợ hải giặc cướp hoành hành.

Hoàn cảnh đặc biệt đó cho thấy ngay các quyết định ta phải làm. Ngay trước mắt là cơ cấu thị xã của họ ta phải giữ nguyên một cách cẩn thận. Các cấp bực của triều đình Huế, như tổng đốc, tỉnh trưởng, quận trưởng đều trốn hết, phần sợ hãi người Pháp phần vì trung thành với hoàng đế An nam. Vị chỉ huy trưởng của ta đưa một số sĩ quan đến những nơi còn bỏ trống để làm đại biểu cho mình bên cạnh dân chúng An nam. Vai trò của họ đối với dân An nam vừa chinh phục xong cũng giống như các đại biểu gọi là Missi Dominici  ở thế kỷ thứ mười tám. Một số mang chức phou, một số mang chức huyen. Họ vẫn dùng lại ấn dấu của người An nam, vì dưới con mắt người Á châu điều này rất hệ trọng. Chức vị của các đại biểu hoàn toàn có tánh cách dân sự; nhưng họ có thể trưng tập quân đội được cử bên cạnh để trợ lực cho mình và để bảo đảm uy quyền. Vì vậy ở mỗi tỉnh, mỗi quận đều có một vị chỉ huy quân sự và nhân viên dân sự. Các ông phou và các ông huyen cứ mỗi tám ngày là phải phúc trình với vị chỉ huy trưởng về tình hình trên toàn xứ. Ranh giới lãnh thổ vẫn giữ nguyên như trước, các vị đại biểu chỉ huy các cơ quan An nam vừa kể không được vượt quá giới hạn các thành phố và làng mạc đã qui định trong khu vực của mình.

Việc cử người đại diện cho chính quyền Pháp trong vòng tứ giác từ phía đông do biển bao bọc cho đến biên giới sát với nước Cao miên cũng chẳng phải là việc khó khăn gì; cái khó là họ không biết tiếng An nam mà phải đối đầu với những trường hợp phản bội và những người thông ngôn chỉ biết nói bập bẹ.

Tại xứ này bắt buộc phải biết tiếng An nam và tiếng Tàu để giao dịch và viết lách văn thư, nhưng đó là những thứ ngôn ngữ ta không hiểu thấu nổi. Cần có sự cải tiến chung cho Á châu bằng cách đưa hai mươi bốn chữ cái vào ngôn ngữ của họ để làm sáng tỏ bất thần cả một thế giới huyền bí mà ta có thể bị gạt gẩm dễ dàng; tất cả đều quanh co, lắc léo. Trong số các rào cản mà Á châu dùng ngăn chận ta thì chữ viết là thành trì kiên cố nhất. Người Âu châu nào cũng khựng lại trước những chữ viết bằng dấu gẩy gập lại, giống như tâm trí con người sống ở cái phần đất này trên thế giới đã do ảnh hưởng chung quanh mà bị méo mó đi. Sách vở tiếng An nam ta có vào năm 1861 vỏn vẹn chỉ có một cuốn tự điển, giá bán khá đắt, gồm một vài ngữ vựng dịch ra bằng bốn thứ tiếng: muốn hiểu các ngữ vựng này thì phải biết tiếng la tinh, vì thế không thể nào phổ biến tiếng An nam một cách thỏa đáng cho quân sĩ nào của ta chỉ biết đọc qua loa. 

Vị chỉ huy trưởng liền cho phiên dịch gấp rút một sách ngữ vựng Pháp-Annam và Annam-Pháp: hệ thống dấu do cha Al. Rodes sáng chế ra được giữ nguyên để soạn sách ngữ vựng, hệ thống dấu dùng để xác định cách chuyển dọng trong một ngôn ngữ giống như hát mà không cần phải ghi chú thêm. Quyển sách này phải đem đi in tận bên Ấn độ:vì cách đánh dấu quá khó làm trở ngại rất nhiều cho việc ấn loát. Trong khi chờ đợi sách phổ biến, ở Saĩgon có hai trường học được thành lập, một dùng đào tạo thông ngôn, một dùng để dạy tiếng Pháp cho trẻ con An nam. Trường thứ nhất do một linh mục sẵn sàng chiếu cố giúp ta, ông này biết rành tiếng An nam, thật là một điều hiếm hoi, kể cả những người nói được ngôn ngữ này cũng không biết rành rọt được như ông. Ông buộc lòng phải ứng biến mà tạo ra một phương pháp giảng dạy khác hơn cách mà ông đã học, và ông đã vui lòng thực hiện việc này cho quân đội viễn chinh. Học trò của ông gồm một số sĩ quan và nhất là thủy quân và lính bộ có phép đặc biệt cho miễn công tác, họ là những người quyết tâm lưu lại luôn trong xứ. Hầu hết người Pháp nào kiên trì đeo đuổi việc học đều trở thành những người thông ngôn mà ta có thể tin được phần nào. Trường học tiếng An nam góp công giúp nền quản lý của Pháp thoát ra khỏi ảnh hưởng giáo điều Cơ đốc, vì các vị giám mục xem sự quản lý của Pháp là thiếu hạnh kiểm; có một danh từ la tinh đại khái ám chỉ điều này như một sự mưu mẹo, lạm quyền và tham nhũng giống như của châu Á.

Trường học tiếng An nam còn mang lại một điều tốt nữa. Hiểu biết một ngôn ngữ là phương tiện hay nhất để thấu hiểu phong tục của một dân tộc: muốn hiểu một chữ hay những cách nói lắc léo của một ngôn ngữ thì phải hiểu chữ này hay cách nói như thế được đem dùng vào những trường hợp nào. Vài chữ và vài cách diễn đạt đơn sơ nhất đã hé mở cho ta thấy phía sau cái vẻ đau buồn rộng lớn của người An nam là cả một thế giới ý tưởng vô cùng phong phú: nếu hiểu rằng người An nam cũng là con người thì sự hung bạo của ta sẽ bớt đi. Nhưng khi ta trừng phạt nặng nề những kẻ nào làm hại ta thì cũng là một việc dễ hiểu thôi. Khi ta biết được một chữ, ta thường hay lập đi lập lại;ta sẽ kính nể một dân tộc hơn khi ta có thể nói được ngôn ngữ của họ, nhất là một ngôn ngữ khó cực kỳ như vậy. Sau hết ta cũng tự lấy làm lạ có những người Pháp chịu rời bỏ xứ sở của mình để cùng sống với một dân tộc xa xôi; đương nhiên họ chấp nhận sẽ chết ở đây, cuộc sống lưu vong là mục đích của đời họ; điều lạ lùng này đã làm xúc động và sưởi ấm một vài con tim với một chút lòng từ thiện thiên chúa.

Mục đích của trường học thứ hai là dạy tiếng Pháp cho trẻ em An nam. Việc dạy tiếng Pháp mới có lần đầu trong xứ An nam: vì từ trước người An nam học ngoại ngữ chỉ gồm có tiếng la tinh và tiếng Anh. Giáo điều thiên chúa ở các tỉnh đều giảng bằng tiếng la tinh. Theo thông lệ hoàng đế Tự Ðức mỗi năm gởi mười lăm học sinh trẻ sang Singapour học tiếng Anh.

Tiếng An nam và tiếng Pháp đồng lượt được truyền bá là giai đoạn tối cần trong việc chinh phạt của ta, kết quả lại tạo ra một thứ ngôn ngữ chung giống như ngôn ngữ sabir người Ý đã mang đến cho nước Thổ nhỉ kỳ. Nhưng phải nói rằng người Tàu tích cực hơn người An nam vì họ là những người đầu tiên được ta huấn luyện. Mỗi tối, người buôn bán ở Saĩgon và Cho-leun sau khi ghi chép sổ sách xong thì họ thay phiên nhau lập đi lập lại bài học mà họ gọi là học tiếng Pháp. Một vài thành ngữ quy ước và vài tiếng Mã lai cũng thường nghe nhắc đi nhắc lại trong các mẩu đối thoại dùng như những điểm chuẩn cho dể hiểu nhau. Việc chiếm đóng Canton từ trước và sự sinh sống lẫn lộn giữa một ngàn năm trăm cu li người Tàu và quân đội Pháp cho thấy một vài dấu hiệu chứng tỏ bắt đầu có sự hiểu ý lẫn nhau. Củng như tất cả các dân tộc chọn chủ nghĩa hình thức, lễ độ là cả một khoa học xã hội; những thương gia từ khắp miền biển Tàu đổ về đây chăm chú nghiên cứu học hỏi cách ăn nói, cười hỏi, xã giao của các người lính thủy và lính bộ; quân lính của ta là những người duy nhất mà họ có thể gần gủi để tìm hiểu tập quán người Âu châu. Các dân tộc Á châu đều có tinh thần nhất quán trong cách suy luận: không có một thương gia nhỏ nhoi nào ở Saĩgon này mà lại không tin rằng mình đã đánh giá đúng nước Pháp sau khi mới tiếp xúc với một người dân Pháp duy nhất; nói một cách khác thì họ tin rằng một người cai và một vị đại tướng cũng đều có cùng một cách cư xử như nhau.

Vì thế đã phát sinh một ngôn ngữ chung, mặc dù ảnh hưởng của Anh ngữ cho đến nay vẫn hết sức là mạnh; ngôn ngữ chung đã phát sinh từ khi có hai mươi ngàn quân Pháp sang đánh bên Tàu và sau đó kéo xuống đánh chiếm Nam kỳ.

Một vài sĩ quan trong số người được cử nắm giữ các chức vụ hành chính chịu khó học tiếng An nam và nghiên cứu phong tục của người An nam. Nhưng sau những hung bạo của chiến tranh, việc học hỏi dù có đi chăng nữa cũng mang rất nhiều thiển cận. Tinh thần suy nghĩ bình đẳng thật là hiếm hoi; trong một vài trường hợp đặc biệt lắm mới có một người Âu châu chịu hạ cố mà nhìn xuống xem những gì đã xảy ra cho một dân tộc nổi danh man rợ, để đủ sức hy sinh mà trút bỏ định kiến có sẵn của mình đối với họ. Vào thế kỷ mười bẩy và mười tám, vài người hiểu biết rộng rãi và nhiều nghị lực như Pallu du Ruault, giám mục Héliopolis, Pigneau de Behaine, giám mục Adran, đại tá công binh Victor Olivier không tin rằng họ đã hy sinh đời mình một cách vô ích để khai hóa cho người An nam. Thật quả họ là những người Pháp vĩ đại mà vết tích công trình vẫn còn đó, từ biển Tàu cho đến ranh giới tận cùng của đế quốc An nam! Họ biết cách làm lắng xuống cái ngạo mạn của một dân tộc khuấy động nhất và hiếu chiến nhất ở Á châu .Người An nam đều nghe họ. Nhưng tất cả những gì mà họ quan sát thấy đã theo họ mà mất mát khi họ vĩnh viễn ra đi Có lúc người Hòa lan và người Anh cũng làm như họ nhưng đều thất bại: ví dụ như Crawfurth và Mackensie chẳng hạn. Cho đến mãi gần đây, cũng chưa có ai biết rõ ràng về đặc tính nhân chủng của người An nam. Khi đi sâu và sống chung trong làng mạc của họ, giữa ruộng đồng và rừng rú của họ, ta mới nhận ra những nét đặc biệt của tánh tình người An nam; trước đây ta chỉ biết cơ cấu quản lý thôn xã, tổ chức hành chính và tánh khí đặc biệt chung của các dân tộc Á châu nơi họ mà thôi; trong đó gồm có sự kính trọng tập thể làng mạc và uy thế vương quyền. Một vài nét mà ta nhận thấy trên diện mạo và tính tình người An nam còn xa mới tượng trưng được bản chất toàn diện của họ; nhưng phải nói hẳn ra đó là duy nhất những gì mà ta có thể hy vọng đã quan sát được đúng. Hình như cũng có một sự trùng hợp nào đó trong những thiếu sót của chân dung người An nam mà ta không biết được; càng tìm cách xác định cho thật đúng, ta càng nhận ra một cách rõ ràng những điều ta chưa biết nơi họ. Nghiên cứu về đặc tính, diện mạo và tinh thần người An nam không phải là một chuyện vô bổ không hợp thời trong hoàn cảnh chiến tranh ở Nam kỳ như hiện nay: tìm hiểu tường tận về khả năng và phong tục của dân tộc An nam cho ta thấy một cách hùng hồn những thiếu sót mà người Pháp đã vấp phải.

CHƯƠNG IX

Diện mạo của người An nam. - Ðặc tính tinh thần. - Sự chuyên chế phụ hệ.


Người An nam là một sắc dân thuộc giống người mà các nhà nhân chủng học xếp vào giống Mông cổ. Họ có vẻ nhỏ con. Hai chân cứng cáp, hông nhỏ, thân dài và gầy, vai khá rộng, ngực nở nang, các bắp thịt cổ cũng vậy, đầu có kích thước tương xứng với cả thân hình, hai bàn tay nhỏ nhưng ngón dài có nhiều mấu. Nước da tùy thuộc theo trình độ giáo dục, địa vị xã hội và công ăn việc làm; màu da thay đổi từ màu sáp ong đến màu gỗ gụ. Trán tròn, hai bên thái dương lõm vào và xương gò má nhô cao; cặp mắt đen, chỉ hơi xếch một chút, toát ra một vẻ dịu dàng, buồn thảm và rụt rè. Mũi thì quá rộng về phía trên: đó là nét đặc biệt chung của gương mặt Á châu. Người đàn ông An nam khoảng ba mươi tuổi mới có râu; ngay khi có râu cũng chỉ lưa thưa ở môi và càm. Ðàn ông để tóc dài, giống như tóc của người Tàu trước thời kỳ bị giặc Mông cổ xâm chiếm; cách nay sáu mươi năm một số dân miền núi Fo-kien vẫn còn để tóc dài chống lại lịnh phải cạo đầu do người Mông cổ thống trị ban ra. Người đàn ông An nam coi trọng việc để tóc, họ búi tóc để hở hai vành tai. Người giàu đội khăn nhiễu Tàu che búi tóc, khăn nhiễu xếp thật khéo và rất nghệ thuật; người nghèo ra đường không đội khăn; đôi khi ta thấy họ xổ tóc, vừa lắc đầu vừa giũ tóc, cổ ngữa thẳng ra giống hệt cử chỉ của người phụ nữ. Người đàn ông An nam có dáng đi thật lạ và khoan thai: nhất là đầu có một dáng dấp đặc biệt, chắc là do búi tóc gây ra. Ta có thể nghĩ rằng vì cách để tóc mà người Tàu, người An nam so với người Âu châu đầu và cổ có giáng dấp khác nhau. Nhưng phong tục làm ngạc nhiên người Âu châu hơn hết tại phần đất Á châu này là nhuộm răng đen, thật không đẹp chút nào cả: trông xa giống như rụng hết răng. Người An nam, giống như tất cả các dân tộc Mã lai lúc nào cũng nhai trong miệng nhiều thứ hợp lại gồm lá trầu, cau, thảo quả, vôi, có khi thêm cả thuốc lá nữa. Hương liệu này có mùi vị rất dễ chịu nhưng rất cay và chát. Nếu ta cho rằng người An nam răng đen là vì ăn trầu là sai: răng của họ nhuộm đen bằng một loại thuốc nhuộm làm bằng các vị thuốc Tàu. Nhiều người đàn bà Âu châu ở Macao cũng lén ăn trầu nhưng răng họ vẫn trắng.

Y phục của một dân tộc thường bị chi phối bởi bản chất cơ thể của họ. Y phục của người đàn ông An nam là áo dài cài nút ở bên hông, quần cắt theo lối Tàu đoan trang hơn quần của ta, chân mang dép da đỏ. Ấy là y phục của người An nam có vị thế, giàu có hoặc là thương gia; còn hầu hết dân dã, nông dân và những người sinh sống trên ghe thuyền, thì chỉ dùng một miếng vải rộng buộc bằng dây lưng gọi là can-chian. Trẻ con thì hoàn toàn trần truồng.

Tuy nhiên cũng có vài đứa mặc một miếng vải hình trái tim che bộ phận sinh dục. Trẻ con cạo trọc chỉ chừa vài chỏm tóc ở vài chỗ trên đầu. Y phục của phụ nữ cũng không khác của đàn ông bao nhiêu: cũng áo dài lụa và quần. Mặc quần bốn màu rực rỡ là cách ăn mặc thật thanh lịch của phụ nữ, vải màu ráp theo chiều dọc. Dáng đi của người phụ nữ có vẻ quả quyết lạ lùng. Ai thấy họ đi trên đường phố Saĩgon sẽ để ý ngay, trên vai có một con két lông xanh, hai cánh tay đong đưa có lẽ là để đánh nhịp theo bước chân? Áo lụa ôm sát với thân người phô trương tất cả vẻ thiên nhiên của thân hình h6], tôi đi chơi. Mới nhìn hai hành động này có vẻ không phù hợp với nhau nhưng thật sự hết sức hợp lý: một năm chỉ có hai mùa lúa nên họ có nhiều thì giờ vui chơi, lối sống như thế đã trở thành phong tục của họ.

Người An nam trồng một ít mía đủ cho nhu cầu mà thôi. Ðường mía của họ rất ngon, trong chiến dịch 1861 ta tìm thấy nhà nào ở tỉnh Gia-dinh cũng có. Trong xứ cũng có vài nơi trồng cây chàm làm thuốc nhuộm và trồng bông vải với phẩm chất rất tốt. Nam kỳ sau này có thể cung cấp bông vải cho thị trường Âu châu. Nhưng không phải chuyện gì đương nhiên cũng có, muốn gặt hái thì cũng phải có người trồng, phải phối hợp nhiều cố gắng, và phải có hòa bình.

Ðất Nam kỳ miền dưới phì nhiêu, người dân có nhiều phương tiện để trở nên sở hữu chủ mảnh ruộng của mình, dân làng cho nhau mượn trâu để làm việc, triều đình Huế cho vay tiền và ưu đải canh nông trên hết; tất cả các điều vừa kể giúp người dân An nam sinh sống dễ dàng và không nghĩ đến việc vượt biển mà di cư đi nơi khác. Nền giáo dục của họ cũng không khuyến khích họ bỏ xứ, chưa kể họ đã có sẵn bản chất luyến tiếc đất đai của họ. Luật pháp quốc gia cấm việc vượt biên, và người An nam thì rất tôn trọng luật pháp. Người ta không gặp một người An nam nào trên đất Tàu, Phi luật tân, đảo Java hay Ấn độ thuộc Anh. Chỉ trên đất Xiêm la có một số trại người An nam bị vua Xiêm bắt về làm nô lệ trong những lần đánh nhau với hoàng triều Huế.

Chính những lý do kể trên đã giúp người dân Nam kỳ không làm cu li, đời sống và nhà cửa quá dễ dàng; nếu cần họ chỉ việc dọn đi nơi khác trong xứ để làm ăn mà không cần vượt ra khỏi biên giới. Nhưng hình như mối giây buộc chặt họ với đất đai chỉ có tính cách bề ngoài mà thôi. Khí lúa đã gặt và bó xong, thì người nông dân trở thành người chèo chống trên mặt sông ngòi, di chuyển khắp nơi trên đất Nam kỳ. Trong một số trường hợp, vì sợ bắt làm nô lệ hoặc vì áp lực chính trị, họ có thể kéo nhau bỏ hết nguyên một tỉnh để ra đi. Họ để lại phía sau cả một sa mạc hoang tàn cho kẻ địch. Cũng chính vì thế mà sau một trong các lần xâm lược của Cao miên trước đây vào Nam kỳ dân chúng tỉnh Gia-dinh đồng loạt bỏ đi hết.

Cách giải quyết như thế, hình như rất phù hợp với tính tình của người An nam, và không giống với bất cứ một dân tộc nào khác ở Á châu. Họ chịu vặn mình để nhịn nhục, dù có lấy tay để xiết họ thì họ cũng tìm cách lọt ra và biến mất, đó là thái độ và hành động mà họ đã chọn. Khi ta ngược đải họ, họ sẽ bỏ đi ngay nếu có thể được; họ không thích bất cứ gì có vẻ nóng nẩy và giận dữ. Vì sự mù tịt của người Âu châu về ngôn ngữ của họ, nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, và vì nhu cầu tránh bỏ mọi phiền phức đối với người da vàng bại trận, mọi quyền hành ta đều giao cho những thuộc hạ ở cấp thấp nhất, họ thực thi bằng những cử chỉ sỗ sàng, giận dữ và hung bạo. Thái độ của người An nam trong hoàn cảnh đó là nhịn nhục và không phán đoán, phục tùng trước một sức mạnh mà họ coi là điên rồ và mù quáng; tất cả cho ta thấy một thứ gì âm ỉ, ghê sợ không kềm hãm được và đó cũng đủ cho thấy sự khác biệt giữa hai giống dân.

Cũng phải nói cho rõ là cái đám tạp dân Á châu tại Saĩgon không thể gây cho ta những ý tốt về các dân tộc tại đây, nhất là đối với dân tộc An nam. Người ta vẫn nói rằng người An nam bị úa tàn khi giao tiếp với nền văn minh của chúng ta, giống như những vị thuốc mà ta đưa cho họ không thích hợp với cơ thể của họ, hay nói đúng hơn là với tính khí của họ. Có ai tin rằng trong số đám người kia đang cuối đầu bị dẫn đi làm lao động có những kẻ đã đủ sức đương đầu một tiếng rưỡi đồng hồ với quân đội Pháp trang bị vũ khí tối tân? Nhưng thật ra ta chỉ nhận thấy những biến cố hằng ngày đập vào mắt mà thôi, ta phải nhìn sát vào quang cảnh của một dân tộc đang bị đưa vào ách nô lệ thì mới hiểu được tại sao họ đã liều lĩnh chiến đâu đến cùng. Người An nam có nhiều can đảm, có thể nói là họ rất hào hùng trong hoàn cảnh kho khăn của họ; nhưng đánh giá đúng những điều này thật khó cho ta, những ý nghĩ nẩy mầm và phát triển trong đầu một người Á châu hoàn toàn khác với chúng ta; vì lẽ không có gì tương đồng để xét đoán vì thế trên phương diện này ta chỉ nên nhìn vào những điều quan sát hơn là đưa ra những kết luận. Trong xứ An nam con người hòa mình trong đám đông hình như không thấy để lộ một cá tính riêng biệt nào hết, sự tôn thờ hoàng triều đã san bằng mọi con người, không có ai nhô đầu cao hơn kẻ khác: nơi đây không còn có chỗ cho sự ganh đua; trong một số đạo quân Âu châu thì trái lại sự ganh đua thật là náo nhiệt. Người An nam chiến đấu mạnh khi họ tự tin rằng họ sẽ đẩy lui được quân địch. Vì vậy mà trong một ngày may mắn quân đội ta đã làm lung lay lòng tin của địch khi họ dựa vào những chướng ngại phòng thủ mà họ cho là ta không phá nổi; khi họ tháo chạy thì tán loạn như một đàn chim vụt cất cánh, họ chui vào các bụi rậm như một con cọp, đối với họ không phải là một sự nhục nhã khi biết rằng không còn cách gì chống cự được 

Cũng chính là những con người như thế đã dùng lao chống lại súng các-bin của ta trên đồng ruộng My-thô._ Sau các trận chiến ở Touranne và Saĩgon vào những năm 1859 và 1860 ai cũng tin chắc rằng chiến thuật của họ là cố thủ trong các thành đồn kiên cố mà thôi, họ không dám đánh dàn trận với ta hoặc phưu lưu trên địa thế trống trải. Các trận Go-cung, các trận khởi nghĩa năm 1861 và 1862 chứng minh rằng chẳng những họ dám chiến đấu với ta trên địa thế mà còn dám khơi chiến với chúng ta trên các loại mặt trận như vậy.

Trận chiến mà người An nam gánh chịu trong gần sáu năm đã biến đổi hẳn chiến thuật chung về tấn công cũng như phòng thủ, nhưng khí giới thì vẫn thế, không thay đổi gì. Rõ ràng là sau khi thành Kì hòa bị mất, họ cũng mất hết tin tưởng vào thành lũy mênh mông và các chướng ngại phụ thuộc mà họ thiết lập một cách vô cùng tài tình; nhưng họ vẫn chỉ tiếp tục dùng lao, súng hỏa mai cổ lổ mồi bằng đá lửa, pháo vác trên người, súng nòng 4 cũng vác trên vai mà bắn. Tuy các dàn đại pháo là phần duy nhất có một chút giá trị nào đó trong số khí giới của người An nam: họ đã dùng đại pháo trong các cuộc khởi nghĩa để gây khó khăn cho ta. Họ rất thích các loại đại pháo và xử dụng rất giỏi. Không biết họ tìm đâu ra mà nhiều đại pháo như vậy? Ta thấy chỗ nào cũng có: một phần họ chôn dấu trong rừng, đánh dấu cẩn thận để dễ tìm, một phần thì họ dấu dưới các đống lúa gạo, kho bọng. Tóm lại họ thích tiếng nổ của thuốc súng; giống như cái say mê của trẻ con người Tàu, họ thích pháo như thế nào thì họ cũng thích tiếng nổ của đại pháo như vậy.

Còn nói về bản chất của chính người lính, ta có thể nói rằng họ quen chiến trận, và những biến cố sau này đã cho ta hiểu rõ hơn bề trong của bản tính người An nam. Uy quyền của triều đình Huế bị nứt rạn ở các tỉnh do quân Pháp chiếm tạo dịp cho một số người nhiều nghị lực đứng lên tạo lập công danh, nhất là khi họ thấy căn bản sinh tồn của dân tộc họ bị hăm dọa. Những người lãnh đạo các nhóm du kích sau khi đã ăn gan  và uống vài ly sam-chou, họ thề thà chết quyết tâm đánh giặc Pháp, rồi họ lên đường. Hầu hết những người này phải chết một cách khốn đốn và nhục nhã, nhưng hình như cái chết của họ không làm thối chí họ hàng và bè bạn họ.

Ngoài cái can đảm của người An nam mà những vị lãnh đạo can trường đã truyền lại cho họ, ta còn thấy trong đó có sự dị đoan khủng khiếp nữa. Khi một người đồng đội bị giết, họ liền mổ thây móc lấy tim còn thoi thóp để chia nhau mà ngấu nghiến. Sau đó họ tiến lên, không có gì cản nỗi: họ có đầy gan. Có một nhà tu người An nam tỏ ra là người rất hào hùng và quả quyết, cách đây vài năm đích thân tìm đường ra Huế để kiện tụng: vì có người muốn đuổi ông ta để chiếm đất. Một tên chánh đảng cướp biết tin tìm đến ngôi nhà mà ông tá túc trên đường ra Huế. Khi đến nơi anh tướng cướp thấy có một người chết vừa được tắm rửa. Những người chung quanh đang lo tẩm liệm liền chỉ xác chết mà bảo chính là xác của nhà tu, nhưng thật sự những người này nói dối để tìm cách cho nhà tu trốn đi. Tên trùm đảng cướp liền nói rằng: ‘’Nếu quả thật như vậy thì để xem có công hiệu đúng như người ta nói không: hắn phải có gan lớn lắm mới dám ra tới Huế mà kiện thưa’’. Thế rồi bọn cướp moi tim xác chết mà ăn. Từ đó nhà tu lặng câm, không hó hé gì nữa. Ông ta là người lanh lợi và thận trọng, theo lời đồn đải thì ông ta có nhiều thoi vàng và bạc, thật quả ông ta vừa chết hụt.

Truyền thống ăn gan của các trùm đảng cướp cũng như nhục hình áp dụng trong phần đất này của Á châu có thể làm cho ta tưởng lầm là một quôc gia vô nhân đạo. Nhưng ta có thể khẳng định ngược hẳn lại, người An nam rất khiếp sợ cảnh máu rơi. Ở Âu châu, giết người thường đi đôi với cướp bóc: vì giết người là để bảo đảm việc cướp bóc dễ dàng; bọn cướp bóc An nam chỉ lột sạch nạn nhân nào lọt vào tay họ nhưng không giết; trước năm 1859, chưa chắc đã có đến ba vụ giết người trong một năm. Ta không nói đến những năm sau này, vì án mạng ta đều ghép vào tội chính trị. Sau hết luật pháp An nam, giống như ở Xiêm la và bên Tàu quy tội hết cho cả làng, đó cũng là cách chận đứng sự lan tràn tội phạm. Trong xứ An nam án mạng xảy ra là một chuyên cực kỳ hệ trọng, luật của người An nam buộc họ sống theo bản tính thiên nhiên của họ tức là không bao giờ giết chóc.

Sự khiếp sợ máu rơi không cấm cản được sự độc ác của họ theo lối Á châu; có nghĩa là họ áp dụng hình phạt bằng cách tra tấn mà chỉ có quỷ sứ thoát ra từ địa ngục mới sáng chế ra được. Ta hãy thử tìm hiểu nguyên do vì đâu lại có sự mâu thuẩn giữa việc sợ hãi máu rơi và sự tàn bạo, hai hành động thật trái ngược nhau. _Say mê chế độ, viễn tưởng ấu thời dai dẳng đeo đuổi con người An nam trong hoàn cảnh thực tế mơ hồ, tin các lý thuyết do trời định, sự lẫn lộn giữa quy luật tôn giáo và chính trị, nhân viên nhà nước quá đông và uy quyền quá mạnh, tất cả tạo ra thần quyền mà đầu não là Hué, thần quyền đó đã áp đặt bàn tay của mình lên những động lực tế nhị nhất của linh hồn con người, để xúc phạm, nhào nặn làm cho linh hồn úa tàn. Sau khi san bằng tất cả mọi linh hồn họ lại làm tan tành thể xác bao bọc cái linh hồn đó. Từ tác dụng này đến tác dụng khác, tránh sao chẳng có liên hệ, có thể vì thế mà ta không ngạc nhiên gì khi thấy nhân viên của một chánh quyền phụ hệ và chuyên chế, bẻ gẩy, cắt cụt, tháo gở con người từng mảnh như một hình nộm. Tội ác không thể tha thứ trong xứ là phản nghịch hoàng triều, tội phạm bị xử lan-ti: tức bị xẻ thây làm trăm mảnh, xong bỏ hết vào một cái lu đem đặt trước nhà của kẻ tội phạm. Phải hiểu rằng trong đầu của các dân tộc này khi đày đọa xác chết tức làm gia tăng hình phạt cho nặng nề thêm. Hình phạt có nhiều loại, ta có thể kể ra đây những loại khủng khiếp nhất : như kéo thân phạm nhân trên những thân tre cắt dọc, thân tre cắt như hằng ngàn lưỡi dao cạo; kẹp bằng kềm nguội hay nung đỏ; dùng dao sét rỉ; lưỡi cày nung nóng; ghế có đóng đinh nhọn; kể cả bỏ rắn vào quần kẻ bị kết án nữa.

Tuy nhiên người An nam tuy khéo léo tạo ra nhiều phương pháp nhục hình lại không biết dùng thuốc độc tràn đầy trong rừng rú của h, và mặc dù tình trạng chiến tranh không hề dung tha do ta gây ra, những người bị đắm thuyền được tiếp đón, nuôi dưỡng, lại còn được giúp để đưa tin tức; khi ta đến cứu thì thấy họ được tiếp đải trọng hậu hơn cả một số những nơi tử tế mà ta có thể biết trên bờ biển Âu châu. Ðó là một vài nét cho thấy một dân tộc không thiếu tình nhân đạo.

Người An nam chấp nhận phút khổ hình cuối cùng với một thái độ giản dị, trầm tĩnh, đáng kính nể: không một cử chỉ nào, không một lời nói nào cho thấy sự thất vọng, sợ hãi, hay hèn nhát. Trong một số khá lớn các trường hợp ta chỉ thấy có một người An nam duy nhất đã khóc, đó là một thanh niên còn nhỏ chưa đến tuổi trưởng thành.Trong vòng tháng sáu năm 1861, khi đầu quân sĩ viễn chinh được treo giá thêm một lần nữa, và khi bản tuyên cáo của triều đình Huế sớm lọt vào tay ta thì ta bắt được hai mật sứ trẻ mang các bảng tuyên cáo này của triều đình gần Tran-bam; hai mật sứ giống trẻ con hơn là vị thanh niên. Ta giải hai đứa nhỏ này về Saĩgon để đưa về tổng hành dinh trên mẫu hạm của đề đốc là chiếc Impératrice - Eugénie. Khi còn đang trên sông Don-naĩ chúng xin ta ban cho chúng một ân huệ; chúng xin với một vẻ giản dị và hồn nhiên đến nỗi lúc đầu ta cũng không nghĩ đến mục đích của những lời van xin đó: hai đứa xin phép ta được nhảy xuống sông để tự tử. Tất cả người An nam đều biết lội: nhưng ta không nghĩ rằng hai đứa bé tìm cách trốn, thật sự là chúng xin được tự tử, có thể vì sợ bị tra tấn; theo chúng thì khi bị bắt tức là phải chịu tử hình. Cái tuổi cực kỳ trẻ thơ của hai tội phạm thật là đáng chú ý, và trong trường hợp này sự thương hại lớn hơn những lý do chính trị.

Ta tự đặt câu hỏi từ đâu đã phát sinh ra sự trong sáng như vậy mà ta có thể so sánh với sự thanh thản ở cấp bực của linh hồn? Có phải bên trong họ có một hình ảnh nào đó đã an ủi họ, như một lời hứa hay một kỷ niệm chẳng hạn? Họ có so sánh giữa sự sống và cái chết hay không, hay họ xem cái chết còn tốt đẹp hơn sự sống? Có phải là bản chất tôn giáo hay tánh khí của họ đã trợ lực cho họ? Chắc chắn không phải là bản chất tôn giáo rồi: ta không thấy gì khác biệt trên phương diện này giữa người An nam thiên chúa giáo và người An nam ngoại đạo; những người ngoại đạo rất tin những pháp lý của vị Phật sau cùng, nhưng những giáo lý của ông Phật không vượt lên tới cấp bậc tư tưởng thiên tính, và ông Phật chỉ là một vị thánh lương y mà thôi. Còn người theo thiên chúa giáo thì ngày nay ta đã biết giá trị của họ thế nào rồi. Những gì làm cho người An nam rắn rỏi là ý chí của họ, điều này làm họ khác hẳn với các sắc dân khác ở Á châu. Chính ở những kẻ yếu kém sự linh hoạt và mềm dẻo của trí tuệ càng phát hiện một cách rõ rệt hơn, chính đó là bản chất của tính khí người An nam. Thường thường đàn bà và trẻ con An nam tỏ ra can đảm và liều lĩnh hiếm có.

Người đàn bà An nam được tự do hơn bất cứ một nơi nào ở Á châu. Người ta kể rằng ảnh hưởng của họ rất lớn nơi thôn quê làng mạc. Nếu có một người nông dân nào bị tù tội phi lý, vợ hắn bế con trên tay tìm đến cổng quan mà kêu oan: không ai có thể cản nổi bà này. Người phụ nữ trong các sách truyện An nam, cũng như trong những mẫu đối thoại chuyển thành thơ mà họ hát tay đôi với nhau giữa đồng ruộng, hoặc trong các vở kịch giản dị trên ghe thuyền ta đều thấy một dáng dấp, một âm dọng cực kỳ diệu dàng và tế nhị của người phụ nữ; điều này cho thấy rõ ràng đặc tính cá biệt của người đàn bà An nam trên toàn cỏi Á châu. Ta tự hỏi còn có gì diệu dàng và chất phác hơn những lời ta thán của một người si tình ngõ lời với một gốc chanh?

‘’Tôi xin chào và khen ai trồng chanh _ tôi muốn hái quả chanh ngon. _ Khi thấy hoa thấy trái, tôi thấy tâm hồn của chanh; _ nhưng đụng phải gai, nên tôi phải tránh, _ Có biết bao nhiêu những kẻ tài tử giai nhân _ dòm ngó săn đón chung quanh _ Chanh ơi! tôi muốn bước tới chỗ thương yêu: nhưng chanh từ chối._ Tại sao, tàn nhẫn quá, chanh làm cao quá vậy, có phải chanh coi thường tôi chăng?’’

Hôn nhân và mai táng là hai sự kiện quan trọng nhất trong đời người An nam, trong những trường hợp này người nghèo cũng được ngang hàng như người làm lớn hay người giàu có: tức là họ được mặc áo dài rộng màu mè và thêu hình vẽ, thông thường chỉ dành riêng cho các bậc quan; ngay cả quan quân khi gặp đám cưới hay đám ma của một người nhà quê, dù thấp hèn cách mấy đi nữa, cũng phải xuống ngựa và nhường bước cho đám đông.

Ðám cưới có tới sáu lễ; nhưng thông thường thì chỉ giữ có ba, có khi còn giữ hai lễ mà thôi, như sau: người thanh niên phải tìm một người làm môi giới báo trước cho cha mẹ người con gái rồi chọn ngày và giờ. Ðúng ngày đã chọn, người con trai cùng với người mai và các người chứng thân hành đến nhà cha mẹ cô gái. Một người trong số những người chứng bưng một mâm khảm sa cừ, trên mâm có bày trầu, trái cau, vôi, thảo quả, và trong một cái hủ nhỏ có một cặp bông đeo tai, tất cả được phủ bằng một tấm lụa đỏ. Mọi người đều mặc áo dài lễ phục; mâm cau có người đi kế bên che lọng. Người con trai dâng trầu cau cho cha mẹ cô gái: nhưng không mời cô này gì hết.

Lễ thứ hai cũng giống lễ thứ nhất. Ðúng ngày gọi là đính hôn, người con trai, người mai và các người làm chứng lại thân hành đến nhà cha mẹ người con gái. Trên mâm có một cặp vòng đeo tay chạm hình tám con thú tượng trưng thích nghi theo tình trạng sắp làm vợ của người con gái. Nhiều người khác trong đám đội mâm có để ba áo dài và một cái quần. Lễ vật đều có đậy khăn đỏ và che lọng. Người ta cũng thấy dẫn theo một con heo đen để làm lễ vật.

Lễ đính hôn xong. Mười lăm ngày sau là lễ hợp hôn. Người con trai đã đính hôn lại tới nhà cha mẹ của nguời hôn thê với nghi lễ giống như trước. Anh ta dẫn cô dâu về nhà mình, có cha mẹ cô gái và tất cả những người làm chứng đi theo; tất cả dự tiệc thật lớn, tiệc chấm dứt vào lúc sáu giờ chiều, vì người An nam không ăn đêm. Cha mẹ cô dâu rút lui; nhưng trước đó, vài người ứng khẩu đọc thơ, theo nghĩa trong đó là chúc hai vợ chồng hoà thuận, hạnh phúc và có nhiều con. Ðôi khi người con trai thưa với cha mẹ vợ là nhà chưa được tươm tất, tiện nghi để đón vợ mình về xin hẹn thêm ba ngày nữa. Ðó là cách nói thật thà ngõ ý mình không phải người hấp tấp.

Trẻ con An nam có bẩm tính linh hoạt, tự tin và gây sự. Chúng có vẻ mặt rất cởi mở, bầu bỉnh và khả ái: càng lớn, vẻ dịu dàng mất đi; hai gò má nhô ra nhiều hơn sự cần thiết; hai má nhô lên nơi người An nam như là một biến đổi về cơ thể, tình cảm cũng thay đổi trên nét mặt. Không phải là chuyện lạ khi thấy trẻ con đứng cách xa vọt miệng gán cho người lính của ta một tiếng kỳ cục. Cha mẹ của những đứa trẻ thì ngồi chồm hổm ở ngưỡng cửa, họ càng có vẻ buồn bã bao nhiêu thì vẻ mặt của trẻ con lại vô tư bấy nhiêu. Cái tương phản lộ liễu đó chẳng qua là tại chiến tranh mà ra. Trong bốn cuộc chiến tranh leo thang liên tiếp, người An nam trở nên âu sầu và buồn thảm quá chừng, người thì mất nhà, người thì mất cặp trâu, kẻ thì mất ruộng. Chỉ có con cái của họ là hưởng được cái cảnh nhộn nhịp biến đổi không ngừng làm chúng thích thú.

Người An nam có thói ham mê cờ bạc cao độ. Những phu khuân vác do công binh ta mướn ở các công trường xây cất khi vừa lãnh lương xong được vài đồng kẽm là tụm nhau mà đánh bạc, họ chơi bằng cách nắm tay và chơi chẵn lẻ. Cử chỉ của họ chính xác, co giật cực kỳ mau lẹ. Trò chơi thật mau ngã ngũ: thoáng là đã thua sạch, chỉ có một người ăn duy nhất. Họ lại mượn trước tiền lương của ngày hôm sau và tiếp tục chơi. Thường những người ở vùng biển, sống bằng nghề chuyên chở giữa vùng ven bờ và My-thô, ra đi trên những ghe thật đẹp chở đầy ắp hàng hóa, khi về thì thua hết vì cờ bạc, chỉ còn có cái can-chian trên người.

Những người An nam ta thấy lúc nào cũng hối hả đem những gì họ kiếm ra để chơi cờ bạc và hình như họ không tìm thấy sự thích thú khi tom góp của cải để làm giàu; họ có những rung cảm cao độ về cảnh nghèo khó. Bài thơ sau đây, mà ta thấy họ hát trên khắp các mặt sông rạch ở Nam kỳ miền dưới, sẽ nói lên điều đó. Bài thơ không có tên tác giả. Người thông dịch An nam lúc nào cũng nhắc lại rằng:’’ Ở An nam, người ta làm nhiều thứ lắm, nhưng không bao giờ tìm cách phô trương giá trị của chuyện mình làm.’’

‘’Cảnh nghèo đói ơi, mi nói cho ta nghe._ Tại sao mi theo ta từng bước, chẳng khi nào mi để ta yên?_ Cảnh vườn hiu quạnh, cỏ mọc đầy._ Căn nhà ba cột, nhìn mái nhà dòm thấy trời xanh._Phần số của ta chỉ có bấy nhiêu đó. Trước cửa chủ nợ đòi khan hết tiếng, trong nhà con nít đói khóc hết hơi._ Số phận của ta phải chịu nghèo; nhưng cảnh nghèo chỉ còn vài năm nữa mà thôi, _ Rõ ràng đâu phải ai cũng nghèo hoài.’’

Khi ta nhìn vào các dân tộc sống ở những nơi tận cùng của Á châu, thì không thể nào ta lại không chú ý tới người Tàu; ta thấy họ khắp nơi, chỗ nào cũng có, sống riêng hay trà trộn với dân chúng địa phương.

Người Tàu rất đông tại Nam kỳ miền dưới: tập thể của họ gồm khoảng chừng 30 000 gia đình trước khi người Pháp xâm chiếm; ngày nay con số đó tăng lên gấp bội. Họ có nội qui, điều lệ đóng góp; nắm hết nội thương, ngoại thương trong xứ. Họ có tinh thần hấp thu và khả năng hoà mình dễ dàng với hoàn cảnh chung quanh, điều này giúp họ bành trướng ở An nam và ở những nước khác khi họ tụ tập lại; chỉ cách Saĩgon có mấy dặm ta thấy Cho-leun giống như là trên đất Tàu. Những người giàu có hay khá giả nếu có lấy vợ người An nam thì họ ép buộc người đàn bà phải sống trong chỗ tối tăm kín đáo, không được hoạt động gì cả; người đàn bà mất hết tự do và ảnh hưởng của mình trong gia đình và xã hội, không như khi họ lấy chồng người An nam. Người Tàu trả một số tiền gọi là thuế thân và khỏi đi lính, nếu không đóng thì không được mua đất và không được ghi tên trong sổ bộ của nhà vua. Người An nam phải chịu đựng ảnh hưởng của người Tàu và không thích họ chút nào. Họ gọi người Tàu là quiet, danh từ có tính cách miệt thị; nhưng khi họ cần đến người Tàu giúp đỡ, và chuyện này thường thấy xảy ra, thì người Tàu là ‘’các vị sáng suốt’’.

Người Tàu xâm nhập khắp nơi. Mặc dù chiến tranh, cướp bóc hiểm nguy đủ loại, nhưng chính người Tàu ngược xuôi trên khắp miền kinh rạch, đi vào từng nhà người nông dân An nam dọc theo từng con kinh, thương lượng, thông thường là bằng cách hăm dọa, để mua trọn mùa lúa của họ. Cứ như vậy mà từ nhà nông dân này qua nhà nông dân khác họ mua lúa từng số lượng nhỏ rồi chở về My-thô hoặc Cho-leun. Từ đó việc buôn bán và chuyển lên tàu lớn thì cũng giống như ở Âu châu hoặc các nơi khác ở Viễn đông; tại Singapour cũng một phương pháp như vậy. Chuyện gì xảy ra ở Singapour thì cũng xảy ra ở Saigon, không tránh khỏi được. Người Tàu tự làm môi giới buôn bán với nhau, không cần trung gian chi phí, gom hết lợi nhuận và tạo ra những gia tài kếch xù Người Âu châu,_ nói chung người Anh và những người Âu châu khác,_ phải qua tay bọn thương gia địa phương: người Anh ở Singapour chỉ là người nhận ký gởi hàng hoá và thu tiền hoa hồng môi giới mà thôi. Những gia tài thật sự kếch xù ở trong tay người Tàu, trước kia họ chỉ là những người làm thủ công nghệ ở Quảng châu hay Hải nam. Việc người Âu châu đến Saĩgon không làm nao núng người Tàu chút nào, họ không sợ sự cạnh tranh của người Âu châu. Họ tin tưởng ở cách làm ăn của họ, người Âu châu không thể nào xâm nhập vào nổi. Trong thời buổi khó khăn, dưới sự xâm chiếm của Pháp, mặt ngoài họ giả như theo về phía quan quân An nam, và họ cũng có theo thật, chẳng qua là lúc đó My-thô và các tỉnh miền nam vẫn còn trong tay người An nam và người An nam còn đủ sức đảm bảo việc thương mại của họ.

Trung tâm xâm nhập của người Tàu vào An nam là Cho-luen, chỉ cách Saĩgon có hai dặm. Ðó là một thành phố hoàn toàn Tàu. Dân Tàu ở đây gồm có bẩy bang hội, mỗi bang có một người cầm đầu gọi là hong-phoo; các người hong-phoo đeo một cái nút màu vàng là dấu hiệu của khoan dung và uy quyền._ Sau trận đánh chùa Clochetons năm 1860, ta thấy hết sức rõ ràng là thị trường tàu vỉnh viễn sẽ lọt vào tay ta, các người hong-phoo đều xin ta bảo trợ, và ta đã chấp thuận.

Dân Tàu ở Nam kỳ miền dưới hàng năm vẫn tăng lên một cách đáng kể vì số thủy thủ người Tàu hàng loạt đổ đến từ Fo-kien, Kouang-ton và Hải nam. Sau các biến cố Kì hòa và My-thô ta thấy dân khắp nơi đổ xô đến đây, những người nghèo đói và bần cùng vì nghiện ngập thuốc phiện hoặc vì cờ bạc, bọn cướp bóc hết thời cũng nhập vào số đó, tuy cũng có người làm ăn nhưng khó phân biệt họ với cái cặn bả do miền biển Tàu thải ra như vừa kể trên; họ là những người có nghề nghiệp,_ như thợ hồ, thợ lợp nhà, thợ mộc làm nhà, làm tàu, thợ rèn,_ kể cả một vài người khá giả mang theo vốn liếng để kinh doanh.

Xin ngưng ở đây những nhận xét về các nhóm dân ở Nam kỳ miền dưới. Nghiên cứu chính thức của chính phủ ta về họ hình như chỉ dựa vào những tình trạng mới thích ứng của họ về sau này thôi.

Người An nam tôn thờ vua như cha mẹ của mình, như một giáo chủ, một người ở bậc tối thượng, chuyên chế, nhưng không độc tôn. Hình thức chính phủ không khác gì chế độ chuyên chế phụ hệ ở Tàu, người An nam được giáo huấn trong chế độ như vậy. Hoàng đế là một người cha; tùy tùng của hoàng đế có quyền như người trưởng tộc; thần dân thuộc hàng con cái mãn đời: hoàng đế tại triều đình gọi dân là con đỏ, xit-eu , để ám chỉ màu da của trẻ con mới đẻ, vì lẽ người cha càng thương môt đứa con hơn khi thấy nó càng yếu đuối. Ý tưởng này cảm động biết bao nhiêu nếu mà thực hiện được! Nhưng nếu con người chỉ là một đứa trẻ yếu đưối, không xứng đáng, không đủ sức tự bước đi và suy nghĩ thì sao!

Hoàng đế An nam, như đã nói, không phải là người chuyên chế độc tôn: các thành viên của hội đồng tư vấn có thể bắt vua nghe theo mình bằng văn bản hoặc bằng lời biện luận cương quyết. Các văn bản mà ta tìm thấy trong cung mùa hè của các hoàng đế Tàu cho ta một ý niệm về sự tự do lạ lùng trong các lời diễn đạt của các quân sư.

Hoàng đế nhận lãnh phụ cấp một cách minh bạch: mỗi tháng, bộ trưởng ngân khố quốc gia cấp một số tiền mà ta có thể biết rõ ràng; nhưng số tiền này không đáng kể lắm, nếu ta cứ tạm so sánh với số tiền của công chúa vợ hoàng tử kế vị sẽ rõ: bà này mỗi tháng lãnh được năm mươi xâu tiền và năm phần gạo. Tuy nhiên hoàng đế An nam có các nguồn lợi khác, và được xem như một trong các hoàng thân giàu nhất Á châu. Giống như vua Xiêm, ông có quyền làm thương mãi, trên thực tế ông là thương gia lớn nhất trong nước. Ở Ðông phương điều này không làm hại đến uy quyền của ngôi vua.

Tại Huế, hoàng đế cũng có tổ chức những buổi xuất hành trọng thể; nhưng ông cũng thường du hành với một đoàn tùy tùng thật ít người. Trong trường hợp trọng thể thì đi đầu có hai quân sĩ truyền lệnh: thông báo là hoàng thượng sắp xuất hiện, phải tránh bước nhường đường. Kế đó là các quan cởi ngựa và cởi voi, sau cùng mới đến hoàng đế. Phía sau là đoàn tùy tùng che lọng khá đông đảo. Dân chúng quì gối hai bên đường: nhưng vẫn có quyền đến gần để dâng lên vua đơn thỉnh nguyện của mình. Một vị quan cao cấp bên cạnh hoàng đế đứng ra nhận đơn; thường là chính hoàng tử con vua thân hành nhận đơn. Những người đưa đơn ngậm ở miệng một tờ giấy màu xanh. Tục lệ này là do sự tích thật xưa: có một người oan ức nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi xô, bèn ngậm một tờ giấy xanh trong miệng mà kêu khóc, tiếng kêu oan lên đến tận trời. Ta thấy trẻ con An nam ngày nay cũng hay chơi trò thổi còi bằng cách dùng lá dừa quấn làm còi, đó cũng là cách tượng trưng chuyện đưa đơn vừa kể. Ta thấy những người kêu oan trên đường, cất lên những tiếng kêu khóc, giọng ré lên rất cao hoặc ồ xuống rất trầm, họ cố gắng thay đổi âm điệu.

Hoàng đế An nam có một vợ do mẹ chọn, ông tiếp nhận người vợ chính thức trước hội đồng bô lão đúng theo nghi lễ quy định. Ngoài ra ông có thêm bẩy bà thứ phi. Hoàng cung xây cất tại một địa thế có vị trí trắc trở của thiên nhiên, trong cung chỉ có đàn bà hầu cận. Các hoạn quan chỉ canh giữ gần cửa thành nơi hoàng đế tiếp các vị đại quan vào những ngày nhất định; nhưng sự hiện diện của hoạn quan vẫn là trường hợp đặc biệt; ta có thể nói chung quanh hoàng đế chỉ có đàn bà.

Chỉ cách đây mười hai năm, hoàng đế An nam còn phải thân hành ra đến biên giới Tàu, áo mão trịnh trọng, tiếp sứ thần của hoàng đế Tàu để làm lễ đăng vương. Nhưng hoàng đế hiện nay thì lên ngôi tại Hué.

Khi Hoàng đế lên ngôi thì phải bỏ tên cũ của mình và không được phép dùng tên này nữa, đồng thời một số chữ khác cũng cấm không được dùng Tu-duc gọi là Haong-giâm: chữ haong bị cấm trên khắp nước; người ta không được phép dùng trong khi nói chuyện, thi cử giấy tờ bộ đời._ Than, là tên mẹ của một trong số các hoàng đế An nam, dân gian cấm không được dùng tên Than trong một thời gian, và trên toàn nước phải gọi là Thiet. Mẹ vua Tu-duc tên là Thi: hiện nay người ta gọi là Thim trên toàn cỏi An nam. Chẳng những các cuộc tranh luận trong dân chúng cũng phải tránh tiếng này; nhưng ngay cả trong những dịp hệ trọng hơn mà nhà nho nào lỡ dùng chữ này trong văn thư cũng bị xử đánh bằng gậy. Việc đánh đòn là điểm đặc biệt làm tổn thuơng đến sự nhậy cảm của người Âu châu, nhất là trên đất Pháp; nhưng thật ra hoàng đế An nam bắt toàn dân phải đọc trại đi một chữ hoàn toàn không phải vì sự chuyên chế độc đoán, mà đây chỉ là một qui ước về lễ độ theo đúng tục lệ mà thôi.

Tên họ ở nước An nam có tầm quan trọng đặc biệt và khác lạ hơn cả với bên Tàu. Trên toàn nước không có hơn quá bốn mươi họ. Người An nam thêm vào họ một chữ nữa ám chỉ các đức tính tốt, sự xinh đẹp, hoặc dựa vào mùa màng, thiên nhiên: như suan tức là mùa xuân, quê là quế; gen-seng là một loại thuốc thảo mộc tuyệt vời.

Các viên chức nhà nước khi được bổ nhiệm thường chọn cho mình một tên mới có tính cách trừu tượng không phải là tên cũ của mình, nhưng là tên để đặt cho quận, cho tổng hay cho làng. Vì thế lần lượt làng bỏ tên cũ và chọn tên mới có vẻ Tàu, êm tai hơn, hoặc để tránh không có chữ nào cấm: vì tính thận trọng của nho sĩ trong sự tôn trọng luật lệ. Kể từ ngày đó, tên làng chính thức được dùng trong mọi giấy tờ hộ tịch; nhưng dân làng vẫn dùng tên cũ trong khi nói chuyện, dần dần cho đến lúc tên chính thức trở nên quen thuộc, tên cũ gác qua một bên rồi quên đi, hoặc có trường hợp lại đổi qua một tên mới nữa khi có quan chức mới đến thay.

Ở An nam người ta có thể đổi tên mà không cần thủ tục gì cả; nhưng cấm không được dùng tên của bạn bè, của một người quen biết: vì đó là một sự lăng nhục. Như ta thấy, những ý tưởng này thật khác biệt với quan niệm thiên chúa giáo hay La mã liên hệ đến việc bảo hộ hay nhận con đỡ đầu.

Mỗi tỉnh do một quan tổng đốc cai quản, quan tổng đốc có hai cấp: cao và thường, tùy theo tầm quan trọng của tỉnh mình cai quản. Nam kỳ miền dưới, như mọi người đều biết, có sáu tỉnh, ba tỉnh lớn và ba tỉnh nhỏ, trước đây hợp lại làm một phó vương quốc đặt dưới uy quyền tối thượng của một đại biểu triều đình Huế gọi là king-luoc. Các phụ tá của vị tổng đốc gồm quan thuế vụ, quan án, một vị tướng giữ việc quân sự và một quan văn. Duới tổng đốc là các quan-phou và quan-huyen nắm giữ những đơn vị hành chính trong tỉnh, tương đương với tỉnh và quận của ta .Cũng không phải quá dài dòng khi cần xác nhận ở đây là các danh từ ta tạm dùng để chỉ định tương đương tỉnh trưởng và quận trưởng không có cùng định nghĩa như trên đất Pháp. Một tỉnh trưởng Pháp có thể viết văn thư trực tiếp lên cấp bộ trưởng, trái lại vị quan phou không có quyền này. Một vị quan-huyen hiếm hoi lắm mới phúc trình những việc mình làm lên quan- phou mà ta gọi tương đương là tỉnh trưởng. Ông ta không cần chứng tỏ sự hiện diện thường trực của mình cũng như sự tùy thuộc của mình vào cấp trên tức quan phou theo nghĩa thông thường mà nói.

Các quan-huyen là cấp bực thấp nhất trong các quan chức chính thức do nhà nước tuyển chọn bằng thi cử, không bắt buộc có liên hệ mật thiết gì hết với nơi mà ông đến nhậm chức. Dưới ông là chức sắc hội đồng xã do dân chỉ định: một số người ở hội đồng xã chịu trách nhiệm trực tiếp với nhà nước, nên có tánh cách chính thức, một số khác chỉ liên hệ trực tiếp với dân mà thôi. Người cai quản trực tiếp dưới quan-huyen là caĩ-tong; đó là người quản lý của tổng; vị caĩ-tong được chọn ra trong số muời hai hay mười lăm xã trưởng bằng cách bầu cử. Như vậy là ta đang nói đến tầng thấp nhất trong mô hình kim tự tháp mà đỉnh chóp là hoàng đế: tầng thấp nhất chính thực là dân gian trong nước và những người tự họ bầu ra, tượng trưng là cấp làng mà cách tổ chức như sau:

Trước nhất có ong-xa. Ở Pháp ta gọi là ‘’ông xã’’: ông có ấn dấu và giữ việc đối ngoại, trực tiếp trình tấu với quan nhà nước. Ông được dân bầu và phải được nhà nước chuẩn y. Ông thực thi quyền hành trong ba năm, sau ba năm nếu quản lý tốt thì được cử vào hội đồng xã.

Dưới ong-xa có hai ly-truong phụ tá. Có những làng quá nhỏ không có ong-xa mà chỉ có một ông ly-truong cai quản, làng sẽ tùy thuộc vào xã trưởng của làng cạnh bên. Chức sắc thấp nhất của hội đồng xã là pho-ly trợ tá cho ly-truong, sau cùng là các ong-huong phụ giúp các pho-ly.

Ðó là các viên chức vừa tùy thuộc vào chính quyền lại vừa tùy thuộc vào dân làng; nhưng ngoài ủy ban hành chính liên hệ thường xuyên với chính quyền tỉnh và quan chức nhà nước còn có cả một hệ thống đẳng cấp rất uy thế, mặc dù không có tính cách chính thức gì hết; một vài người trong đẳng cấp này còn đứng cao hơn cả ông xã trưởng.

Ðẳng cấp này là ong-ca, một người cao niên đã làm nhiều việc tốt, đã từng là xã trưởng. Ðó là vị ‘’cao niên nhất trong lớp người lớn tuổi’’. Làng nào có nhiều vị cao tuổi đáng kính như vậy thì dân làng rất là hãnh diện và làng được đặc biệt ân sủng. Ðối với người An nam sự kính trọng tuổi già cũng lan rộng ra đến việc kính trọng những cổ thụ trăm năm, mà họ coi là một biểu tượng của sự phồn thịnh. Vị bô lão tức ong-ca còn có quyền trên trước ngay cả với ông xã trưởng, nhất là trong các yến tiệc và ở chùa.

Sau ong-ca là huong-thanh, chức vị như một cố vấn xã, có quyền đưa ra ý kiến và ứng cử đại biểu. Huong thanh là người có học của làng. Huong-hao là người thủ quĩ. Ông ứng tiền cho nông dân khi thất mùa, mặc dù giàu có và luôn luôn có vẻ hào phóng nhưng ít khi ông xóa nợ cho người nghèo. Ông cũng là người làm chủ lễ và dạy dỗ cho trẻ em cách chào hỏi, vâng dạ, thưa gởi. Dân cũng phải tuân theo những khuyến cáo của ông để khi các phou va huyen có xuống thì được suông sẻ._Ong cai dĩnh có trọng trách bảo trì dinh thự nhà nước và chùa chiền._ Các người ap giống như các thừa phát lại của ta, vì cấp bực thấp không gọi bằng ong. Người ta cũng chọn trong số những người ap để làm cai hướng dẫn từng nhóm mười người đi làm xâu. Họ cũng được cử làm vệ sĩ nữa._ Sau hết là ở mỗi phủ có một ong-huong-diong, trông giữ thành đồn, đây là một chức vụ mới đặt ra khi đánh nhau với người Pháp. Vai trò của họ rất quan trọng trong các cuộc khởi nghĩa.

Ông xã xét xử những lỗi nhẹ, tội nhẹ; nhưng khi có ai phạm lỗi nặng và trọng tội thì ông phải đưa lên trình quan án của tỉnh. Ông có một số người tùy tùng là các vệ sĩ để sai thi hành lịnh của ông; nhưng trên thực tế ông có hết làng để sai bảo; gần như không bao giờ có lính: trong việc giải quyết các vấn đề nội vụ ở An nam ta không bao giờ thấy sự hiện diện của người lính.

Các hình phạt mà ông xã áp dụng là việc đánh đòn. Người chịu tội nằm sấp bụng, người xử phạt dùng roi để đánh vào hai mông lột trần. Nếu thấy có vết roi phạm trên thắt lưng, thì người cầm roi sẽ bị phạt phải chịu đòn. Thường khi chịu đòn thịt văng lên không khí. Dân chúng, ngoài sự trừng trị khốc liệt vì trọng tội ra, thì bị phạt như trẻ con: người già như người trẻ đều bị roi vọt. Những tay cự phách ở Pháp về các cách trừng trị sầu não nhất cũng chưa chắc có dịp nhìn thấy một người lớn tuổi phải nằm xấp trong cái tư thế nhục nhã như vậy, và khi đứng lên thì run rẩy, mặt đầy nước mắt. Nhưng phải nói gì đây khi những người chứng kiến xem đó là một cách làm gương rất hữu hiệu, và ta có nên tin hay không khi nghĩ rằng có một số người trong tận cùng thâm tâm của họ lại thích trông thấy sự đau đớn của xác thân bị hành hạ?

Người xã trưởng rất ngại bị roi vọt. Nhưng đôi khi việc xử đòn lại là một vinh dự, một niềm hãnh diện công khai trước dân chúng. Khi một xã trưởng bị phạt roi bởi tận tình đòi hỏi quyền hạn của dân trong làng, thì ông được dân chăm lo săn sóc và trọng vọng. Người dân biết ơn; cả làng mang tiền đến cho ông; để tránh ý diễu cợt đối với một người phải chịu oan, dân chúng bảo nhau rằng vị xã trưởng tuy chịu đòn nhưng rất hãnh diện.

Ðôi khi chuyện phạt đòn chỉ là hình thức: chánh tổng hay xã trưởng chỉ sửa sai răn dạy cả hai phía đi kiện mà thôi; sau đó không xong mới xét xử._ Khi có một kẻ nào đưa đơn khiếu nại lên hoàng đế thì phải chịu ba mươi roi trước đã: đây là cách chịu tội đã xúc phạm đến hoàng thượng; nhưng không có nghĩa là đơn khiếu nại vì thế mà bị bỏ qua, thường là họ thắng kiện vẻ vang.

Nhưng không phải chỉ có các các quan chức nhà nước là có quyền phạt roi dân chúng; mà ngay những bô lão cũng có quyền. Các xã trưởng không chen vào: vì coi là một chuyện nội bộ trong gia đình. Khi đến thời kỳ đóng thuế thì chuyện phạt đòn xảy ra nhiều nhất ở Nam kỳ, vì nhiều người tuy bị phạt roi vẫn không chịu trả thuế; họ thà chịu đánh mà không trả thuế vẫn còn lợi hơn. Trong khi đó ta cũng phải nói thêm rằng chuyện phạt roi không xảy ra nhiều như ta kể chuyện đâu. Họ sống trong một chế độ rất hiền từ, như trong một gia đình mà thôi. Quan quân không hung dữ, uy quyền nhu nhược. Trong chế độ tồi tệ đó ta thấy một chiều hướng rất hoà hoãn không có gì cho thấy cảnh dân chúng bị trừng trị.

Tất cả sinh hoạt của người An nam đều phát huy và tập trung nơi làng mạc. Làng là nơi người An nam dựa vào để phát huy một chút tự do cho mình; làng cũng là một thể chế cho phép họ được hội họp và liện hệ với nhau. Ðể chỉ uy thế ngang nhiên của một người nông dân và vợ lên tìm quan án để biện giải người ta thường dùng lời phát biểu như sau:’’Coi kìa làng lên tới nơi rồi đó’’.

Các thể chế của làng giúp cho người nông dân An nam khéo léo, lanh lợi hơn người nông dân Âu châu. Họ biết tranh luận trong công việc liên hệ đến họ, biết luật lệ, quyền hạn của mình và đòi thực thi những điều lệ đó. Họ biết cách chào hỏi, cách ngồi, cách thỉnh nguyện đúng theo nghi lễ. Họ bầu trực tiếp xã trưởng của họ và các nhân viên khác nắm giữ hành chính trong làng xã. Căn nhà lợp lá dừa lùn của họ được kính trọng, đúng theo luật pháp. Nếu một tùy viên của quan phou hay quan huyen bước qua khỏi ngưỡng cửa là người đàn bà trong nhà tấn công liền.

Hệ thống cai trị của chính phủ An nam vừa hữu hiệu vừa bảo đảm mọi quyền hạn của người dân, không thấy gì sơ hở; trừ ra cá nhân con người bị mờ đi trong tập thể chung; có thể nói là mất hẳn. Vì được cư xử như thế, nên người An nam tuy bị kềm chế nhưng không nghi ngại cũng chẳng có cảm giác phải lệ thuộc sự điều khiển của nhà nước. Nếu sai lệch đều bị roi vọt; dưới vẻ tự do bề ngoài, đời sống tập thể ở làng mạc chỉ có thể tồn tại khi người nắm quyền còn đủ sức duy trì. Các ý tưởng chính trị, tinh thần trào phúng, cách diễn đạt bóng gió hoặc ý nhị, xa xôi, là nguồn động lực duy nhất của các dân tộc bị áp bức, không thấy xuất hiện trong dân chúng An nam , có thể người An nam không phải là một dân tộc bị áp bức. Tất cả những diễn biến tốt đẹp đó là do lòng kính mến pha lẫn sự sợ hãi đối vơi nhà vua mà ra. Tuy lòng kính mến và sợ hãi có giảm đi đối với các cấp đại diện của triều đình ở những nơi xa xôi trong nước.

Các biện pháp của ta áp dụng vào những tháng đầu năm 1861, như đã có nói trước đây, là phát huy chung quanh ý tưởng đạo đức và lương thiện: mục đích để tách xa người An nam khỏi những thói xấu mới phát sinh do chiến tranh và cố gắng giữ họ trong khuôn phép cũ để duy trì họ trong tình trạng dễ dạy, ngoan ngoãn như trước kia. Nhưng tiếc thay, phải công nhận rằng người Tây phương vì bản chất và định kiến quá nhiều, quả không thích nghi chút nào để quản lý người Ðông phương. Nền hành chánh pha trộn nhiều thứ làm mất đi đức tính tôn trọng con người của ta; đôi khi ta có thể nghĩ rằng tinh thần rộng lượng đối với kẻ yếu kém và người bại trận đã suy giảm trong số những người viễn chinh. Tính khí vẫn còn là một chướng ngại: người An nam quen tiếp xúc với quan chức của họ lúc nào cũng trầm lặng, chừng mực, họ không hiểu gì hết khi thấy ta múa may dận giử, mất kiên nhẫn, la hét, những tia máu làm mặt mày ta méo mó. Không hiểu biết ngôn ngữ làm cho mọi sự trở nên phức tạp và gây ra vô số tai họa, nhưng lỗi không phải hoàn toàn do những người mới đến. Sau hết nếu ta nhìn vào khía cạnh tinh thần hay trên phương diện thực tế của phương pháp trị dân bằng roi vọt của người An nam, ta sẽ thấy dưới nhãn quan của họ cách trừng phạt đó không làm tổn thương đến danh dự họ chút nào hết, ý tưởng là trẻ thơ đã không làm cho họ nghĩ tới phẩm cách cá nhân của mình. Người Pháp không thể nào giữ vai trò quyền uy phụ hệ để trị con cái như vậy được; họ cũng không ước mơ làm được chuyện đó Trong khi ấy họ lại cứ nghĩ là nên bảo tồn phương pháp trừng trị của những người cầm quyền cũ, không hiểu rằng một khi bản chất_tức đạo làm con_ đã mất đi thì phương pháp chỉ là giả tạo mà thôi. Ví dụ Âu châu vào thế kỷ thứ tám, khi hai mươi dân tộc khác nhau bị chinh phục và chịu chung một chính thể, mỗi người khi đem ra xử đều có quyền chọn lựa luật pháp áp dụng cho mình. Ví như nếu người An nam mà có cái quyền đó, chắc là họ không chọn luật lệ của ta mà họ sẽ đòi hỏi những quan án cũ của họ xét xử họ. Trước khi người Pháp đến, các dân tộc An nam được quản lý bởi một luật pháp pha lẫn tôn giáo, phép vệ sinh trong xã hội, chánh trị và đạo đức ; tất cả đều chi phối lẫn nhau và lẫn lộn với nhau. Một số điều rất đúng và cực kỳ khéo léo, không trái ngược với quy luật thiên nhiên chút nào Bộ luật liên hệ đến dân quyền của ngườI An nam được soạn thảo dưới thời hoàng đế Gia long sau nhiều thời kỳ giặc giã xâm lấn, vì giặc xâm lược thường thấy xảy ra. Trong bộ luật này, tính cách chuyên chế đặc biệt của Tàu vẫn còn nặng nề, nhưng ta thấy ảnh hưởng tục lệ Nhật bản thật sâu đậm; nổi bật hơn hết là tính chất hiền lành và chất phác đặc biệt của người An nam trong bộ luật.

Vì lý do thận trọng, vì chủ trương khai hóa nền văn minh thiên chúa của ta, ta có nên hủy bỏ không áp dụng đối với người An nam luật pháp dựa trên bộ luật còn nguyên vẹn của họ: chẳng hạn ta có nên giữ hình phạt đưa đến cái chết từ từ, và có nên dựa theo đẳng cấp các hình phạt ở Á châu hay không? Ta nghĩ rằng vừa có thể chứng tỏ việc bành trướng và sự hiện diện của kẻ xâm lược như ta, ta vẫn có thể kính trọng thói tục của người dân trong xứ. Sau hết nếu ta muốn tránh những nguyên do thúc đẩy người An nam lánh xa ta, thì một mặt phải cần dẹp bỏ quyền xử phạt quá sơ lược mà quan quân An nam áp dụng; và mặt khác các dân tộc An nam phải đạt được mức tin tưởng chắc chắn là sự khác biệt của ta đối với họ chỉ có trên vẻ mặt của ta, trong cử chỉ của ta; ta còn có những gì vượt cao hơn những thứ đó,và những khác biệt nếu có thì chỉ trên nguyên tắc mà thôi. Ví như ta có thiếu những đức tính tốt, và cả tính xấu của quan quân An nam, để không đủ sức cai trị họ, thì tốt hơn hết cho ta là cứ đem áp dụng cho họ chế độ cũ mà họ đã quen: nhưng tiếc thay kinh nghiệm thực tế đã cho thấy cách áp dụng này hoàn toàn thất bại.

Ngay cả chế độ mà triều đình Hué áp dụng cho họ và khống chế họ, người An nam trong một số trường hợp, đã bộc lộ một cách mạnh mẽ phẩm cách cá nhân của mình: ta có thể đưa ra ví dụ về sự can trường khi bị tra tấn, hành hạ và hành động tuẩn tiết của họ, điều này không phải phần lớn do ảnh hưởng từ lòng quyết tâm mà vì khí tiết nóng nảy và bướng bỉnh của họ đã trổi dậy. Trước mặt người khâm sai của triều đình, người dân An nam có cảm giác như một đứa trẻ nhỏ, nhưng trong lòng họ sẽ nẩy sanh tức khắc một mối tử thù khi có người ngoại quốc nào muốn cầm roi đánh họ. Nếu những ai coi người Á châu như một đàn cừu vô giác trước cái đẹp tinh thần thì thật quả là những người điếc đặc không đủ sức để hé mở lòng mình. Họ phải là những người hoàn toàn ngu dốt mới tin như vậy, họ không hiểu rằng chính những người Á châu đó đã từng rơi nước mắt khi nghe kể chuyện một vị lương y thông thái, con vua, một bậc thầy thánh thiện đã từ bỏ vợ con, ngai vàng, để đi thuyết giảng cho con người những quy luật thiên nhiên mà họ đã quên.

(Hết phần 3)   Phần 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét