Vào ba giờ chiều thì cho thổi kèn báo thức và thúc quân lên đường. Một đại đội thủy binh bộ chiến đặt ở lại với một ổ súng cối miền núi để giữ đồn Redoute ta vừa chiếm: làm hậu quân và giúp quân ta vẫn tiếp tục dựa vào chùa Caĩ-maĩ. Quân sĩ lên đường: pháo binh ở giữa xếp theo hàng dọc thứ tự từng giàn pháo một; bộ binh chia ra thành từng phân đội ngắn, xếp thành hai hàng dọc, bên phải một hàng, bên trái một hàng. Mặt đất dẽ cứng, phẳng, phủ một lớp rêu thật mỏng, xe chở đạn và xe quân nhu lăn bánh trên mặt rêu không gặp khó khăn gì cả, chân bước trên rêu cũng thấy thích thú. Quân ta tiến lên theo bên hông, bọc hậu phía sau quân địch, giữ cách xa, lọt ra ngoài tầm bắn của họ. Ðoàn quân đang đạt mục tiêu dự trù từ trước: tức tối nay phải cắm quân ở mặt tây thành An nam, chắn ngang đường rút lui của họ.
Khoảng bốn giờ, một toán quân địch, tầm quan trọng thật khó đoán, bất thần xuất hiện từ khu rừng chồi phía bên phải của ta; quân địch có nhiều voi trận, trương cờ đuôi nheo rầm rộ. Quân An nam muốn thử chận đường tiến của ta hay chỉ muốn di tản đem dấu bớt voi trận, xe quân nhu và quân trang cồng kềnh? Trong suốt trận chiến, biến cố này vẫn còn là một bí ẩn hoàn toàn, không ai biết được chủ đích của quân An nam. Họ tiến đến gần, nổ súng với bộ binh ta. Chỉ huy trưởng liền cho 3 ổ súng cối miền núi, ba trọng pháo nòng 4 tiến lên: sức bắn trả có hiệu lực ngay. Ðịch quân dừng lại, một phần rút vào trong thành, một phần đóng quân bên ngoài dựa vào tường thành của họ.
Quân ta buộc phải tạm dừng quân vì trận đụng độ nhỏ này, nhưng lại tiếp tục tiến lên. Khoảng sáu giờ chiều thì đến địa điểm cắm quân, tức là ngay sau thành Kì hòa. Nơi đây đồng ruộng không còn hoàn toàn trống trải nữa: có vài chòm cây rải rác, rừng chồi cũng rải rác một vài nơi. Một ngôi làng gồm vài căn nhà đổ nát dựa vào một đám cây cách thành địch chừng hai cây số. Thủy sư đề đốc đặt đại bản doanh tại một trong những căn nhà bỏ hoang trong ngôi làng này. Ngay lúc đó thì đại pháo trong thành Kì hòa cũng bắn ra vài phát hướng về phía làng. Một viên đạn xuyên ngang mái nhà đại bản doanh, đồng thời súng nhỏ cũng bất thần bắn tới tấp từ khu rừng chồi vào các lều cắm quân của ta. Bộ binh hướng về phía bìa rừng để chống trả loạt tấn công bất ngờ này. Lính Tây ban nha, tiếp theo là đại đội thuộc tàu Renommée và hai đại đội khác nữa tiến lên đánh xung kích. Ngựa kéo đại pháo đã tháo cương, vì thế phải dùng tay kéo hai khẩu pháo nòng 4 đặt vào vị trí. Quân địch thì không thấy đâu hết mà súng cứ xối xả thật can trường, suốt nữa tiếng đồng hồ.
Phải mất một lúc lâu mới di tản hết bộ binh đến một vị trí xa khu rừng để khỏi bị đánh bất ngờ. Pháo binh trở nên quá lộ liễu, liền đưa vài pháo thủ giữ vị trí xung kích: công binh cũng dàn ra. Trong khi đó ta cũng đã càn quyét xong khu rừng và cuộc nổ súng cũng im. Lính Tây ban nha, thủy quân, quân đánh bộ và các đạo công binh trở về đóng bên trong trại. Vài nhóm nhỏ lo nấu ăn. Phần còn lại thì quá mệt vì vừa phải chạy tới chạy lui đánh nhau, dọn trại, chẳng còn hơi sức đâu mà thổi lửa nấu ăn; họ đành ăn lương khô và uống nước lã, cũng may là cạnh trại có nhiều chỗ lấy nước. Thế cũng xong buổi ăn tối. Ăn xong mạnh người nào người nấy nằm dài ra đất._Rồi ngày mai đây, các khẩu thần công từ các hạm đội, các cỗ súng nòng có khía từ các chùa sẽ nhả đạn và ta sẽ nghe những tiếng nổ long trời. Phần chúng ta thì sẽ xông thẳng vào quân thù, hai đạo quân xáp trận, quân lính hai bên đánh xáp lá cà.
CHƯƠNG V
Quân Pháp-Tây ban nha tiến thẳng vào quân thù, chạm trán bên phải, ở giữa và bên trái hậu tuyến địch._Các tuyến phòng thủ An nam bị gãy sau một trận đánh sắt máu kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Suốt đêm thật yên lặng: kể cả hai bên không có một tiếng súng nào. Năm giờ sáng, pháo binh lên ngựa, mỗi người đều vào hàng ngũ của mình. Các toán quân di động chung quanh căn nhà dùng làm tổng hành dinh, một số quân đứng sẵn gần ngay chỗ được xắp xếp, một số phải đi quanh để tìm đúng vào vị trí của mình. Mười giờ tất cả đạo quân đã vào vị trí, ngay hàng thẳng lối, cách xa mặt bắc của thành Kì hoà khoảng hai cây số. Hai cánh quân đánh bộ hai bên, giữa là pháo binh. Cánh quân bên trái gồm có công binh đi đầu mang thang, kế là thủy quân bộ chiến và bộ binh; 4 đại pháo nòng 12, 5 đại pháo nòng 4 có khía, 2 súng cối miền núi thuộc hải quân tất cả dàn theo hàng ngang chiến đấu, tiến lên phía địch để yểm trợ cánh quân bên trái; cánh quân này cũng dựa theo đoàn pháo binh tiến lên. Cánh quân bên phải gồm có lính đánh bộ Tây ban nha, thủy quân đổ bộ: thủy quân xung kích thì đi đầu và giữ trách vụ như hôm qua tức là mở đường. Ba ổ súng cối miền núi kéo theo cánh quân bên phải; ba ổ súng này, nếu có thể, sẽ tập trung bắn phá ngay giữa mặt thành, giúp quân xung phong dễ dàng hơn._Kể cả hai cánh quân bên mặt và bên trái, toán quân nào và đại đội nào hôm qua đi hàng đầu thì hôm nay làm quân trừ bị đi sau.
Mặt đất cỏ dầy chằng chịt, úa vàng vì sức nóng mặt trời, không gây ra tiếng động nào; lính thổi kèn đã ngưng, không phóng ra những âm thanh man rợ nữa. Ta ngưng đánh trống, về phía địch cũng thế, thôi đánh chiêng và cũng ngưng đánh trống. Các đại pháo trong thành Kì hoà bắn ra, vang rền, tiếng nổ của súng địch có cường độ giống nhau nên rất dễ nhận, tiếng các quả đạn xé gió rít lên rồi im bặt, không có một tiếng động nào khác. Lúc này, trong đầu quân lính, ý nghĩ cũng chỉ xoay quanh hai chữ xung phong, và cách tiến lên thế nào cho chắc chắn, họ đã từng để lại phía sau xác chết và những người bị thương, họ không bao giờ lo sợ hiểm nguy. Họ không mặc áo thêu, không màu mè loè loẹt: quần áo chỉ có màu trắng với màu đen, may bằng vải len hay vải theo tiến lên xung kích; gồm tám mươi người tinh nhuệ xông lên mở đường. Có một mô đất duy nhất trong cáng đồng, cách tuyến địch độ một trăm năm mươi thước.
Ðại úy hải quân de Lapelin hướng dẫn cánh quân bên phải tiến lên vị trí mô đất này một cách can trường. Tại vị trí mô đất quân lính bắt đầu nhận ra các hầm chông đầu tiên cách đó năm mươi thước, tức là cách bờ thành một trăm thước. Các chướng ngại phòng thủ thứ yếu như hầm chông được phân bố hết sức là tinh xảo. Sáu hàng hầm chông có các rào cản ngăn cách, tức là có bẩy hàng cọc nhọn tất cả; tiếp theo là hai hào sâu sát tường thành có đóng chông tre vạt nhọn, nước và bùn ngập khoảng ba chân, sau hai lớp hào là bờ đất nghiêng dựa vào tường thành cắm chông nhọn tua tủa, trên đầu tường thành lại xếp một hàng bàn chông rất chắc chắn; chà gai cắm trên đất phủ lên các bàn chông: tay chân mà đổ máu rồi thì hết leo qua tường. Bờ tường thành cũng cao đến mười lăm chân. Hầm chông sâu năm chân: nghi trang bằng phên đan mỏng có trồng cỏ bên trên. Ðáy hầm cắm giáo hoặc cọc vót thật nhọn. Các chướng ngại này dùng để chận thú dữ thì đúng hơn là chận người, nhưng quân sĩ ta phải vượt qua. Trong lúc quân tấn công mò mẩm, chậm chạp, cẩn thận lần theo các miệng hầm chông thì súng hỏa mai và pháo binh địch gia tăng bắn gắt thêm. Trên khoảng đất một trăm thước trước bờ thành, tiếng khô khan của các cành cây bị gẫy vang lên liên tục, đạn rơi rào rào như đang rung cành để nhặt quả hồ đào. Nếu ai tưởng tượng nổi, thì cứ tưởng tượng xem những người mang thang, câu liêm, sào móc phải cực khổ như thế nào, và lính cầm súng phải vướng víu như thế nào, giữa nơi đầy cạm bẩy chướng ngại như thế, để vuợt tới đích mà không chết, không thương tích. Phần lớn quân sĩ mang thang, vì chậm chạp hơn các người khác, nên hoặc lọt hầm chông hoặc bị thương. Thang dùng để bắc ngang miệng hào làm cầu. Thang nhẹ làm bằng tre, không nặng quá ba mươi cân.
Hầu hết thang bị gãy khi quân lính bước lên. Tuy nhiên còn ba chiếc thang nguyên vẹn đem đến được vòng hào sau cùng. Nhưng khi đến được bờ đất dựa tường thành thì hai bên lại đánh nhau kịch liệt nhất, chưa từng thấy giữa người An nam và người Âu châu. Quân sĩ nào mà leo lên được tường thành, thì hoặc dùng thang, hoặc trèo lên vai các đồng đội, hoặc níu vào các cọc thấp của các bàn chông, họ bị bắn ngay trước mặt, hoặc bị nồi lửa của địch ném phỏng mặt mày, hoặc bị giáo đâm lọt ra ngoài. Những người trèo lên trước nhất trên tường thành, và trước khi bị đánh bật trở xuống, đều thấy một cảnh tượng khác hẳn khi trèo lên tường ngày hôm trước: bên trong trên bệ đứng bắn đầy lính phòng ngự, kẻ thì mang súng dài, kẻ thì mang giáo hay súng ngắn, rình quân ta bên ngoài trèo vào.
Ngay vào lúc ấy, tình thế trở nên nghiêm trọng, thì có lịnh ném lựu đạn. Hai mươi quả được ném ra, may mắn đều tới đích vì tầm ném gần như là thẳng đứng và thật nguy hiểm. Ba lính thủy ném được móc câu dính cứng phía bên trong của tường thành. Bọn quân An nam tháo gỡ không được vì vướng chà gai, bên ngoài ta thấy giáo mác của họ tua tủa nơi này thì biết; chà gai làm chướng ngại cho ta thì bây giờ lại gây trở ngại cho họ. Móc câu lại có tác dụng như cái bừa, phá ra được ba lỗ hổng. Nhưng các lỗ xa nhau quá, từ mười đến hai mươi chân, mỗi lỗ chỉ đủ cho một quân lính chui qua. Ba quân lính chui qua trước, một thuộc tàu Renommée, bị giết ngay; hai người kia thì bị thương. Cả ba bị xô ngược ra phía sau và rớt xuống hào. Quân lính khác theo sau, trèo lên tường rồi nhẩy xuống thềm đứng bắn bên trong, thềm thì trơn trợt vì máu me linh láng. Dọc chân tường la liệt xác quân An nam bị giết vì mảnh đạn bộc phá hay bị bắn.
Quân An nam ngưng đánh vì thấy rào gai bị phá thủng, rút xa vài phút trước khi quân Pháp ập vào, họ rút lui rất trật tự, thật chậm dọc theo bờ tường thành. Một nhóm quân lính của ta rượt theo, nhưng không ăn thua gì; vì địch quân rút hết vào một lớp thành khác trước khi quân Pháp đuổi tới. Quân chiến thắng liền vây quanh các vị chỉ huy của họ xem phải làm gì. Thật là đúng lúc; vì ta đang lọt vào một khu chung quanh đều có tường đất chắc chắn; trận chiến chưa ngã ngủ, còn phải tấn công một đợt nữa, mà ta thì không có chỗ nào để che núp trước một tuyến phòng thủ thật phi thường. Ðịch quân ngưng bắn một lúc, để quân lính của họ vào hết trong lớp thành mới, rồi lại tiếp tục bắn hết sức là mãnh liệt. Giống như ở Dettingue, ở Fontenoy, ta phải đánh nhau trên một mặt trận có tường kín mít chung quanh.
Ðể giúp theo dõi các giai đoạn của trận đánh ngày 25 tháng 2 năm 1861, ta cần hiểu sơ lược cách tổ chức phòng thủ trong thành Kì hòa. Cho đến giờ này, quân viễn chinh mới chạm trán với quân địch ở một giới tuyến nhỏ của thành Kì hòa chỉ dài một ngàn thước, tức là đồn Redoute. Thành Kì hòa thật rông lớn xây đắp theo hình vuông,(xem hình số 2).
Mặt hậu tuyến của thành Kì hòa có xây ụ phòng thủ nhô ra ở hai góc: mặt hậu tuyến là một thành hẳn hoi, xây kín, gọi là thành Giữa, dùng làm cổng sau cho cả doanh trại Kì hòa; thành Giữa nằm trên đường ranh hậu tuyến. Hai ụ phòng thủ hai bên và thành Giữa bảo vệ lẫn nhau. Tầm súng của địch trong thành có thể quét quân tấn công khi đến gần vùng ven biên, nơi mà quân ta phải xông vào. Hơn nữa, như ta thấy, vùng ven biên được bảo vệ bằng hầm chông, hào và bàn chông trong khoảng rộng một trăm thước kể từ chân tường thành.
Nhìn từ xa, ta thấy các ụ phòng thủ và thành Giữa đều thẳng băng, không có góc nào nhô ra hay thụt vào. Nhưng bên trong lại có một lớp tường thẳng góc với lớp tường bên ngoài và ngăn thành Giữa ra làm hai khu; tường ngăn có bệ đứng và có lỗ châu mai để bắn; lại có hào và một khoảng đất cắm cọc nhọn chéo nhau để bảo vệ thêm. Tường thành bên trong có hai ụ bắn nhô ra để làm ổ phòng ngự: trong các phúc trình của ta, vòng thành này ta đặt tên là đường tuyến thứ hai để dễ gọi. Ngay ở góc nơi hai bờ tường nối với nhau, có một cửa lớn đầy cạm bẩy, cửa giúp hai khu thông thương với nhau khi bình thường. Khu bên trái gọi là thành Quan, danh xưng ta đặt ra vì tại đây có một đồn cố thủ với thật nhiều chiến cụ, đến mười lần nhiều hơn nơi khác. Khu bên phải bố trí để chống trả tấn công nếu có từ khu bên trái sang, tức là có tường chắn và ụ nhọn lồi ra để phòng thủ, ngoài ra còn có một đồn cố thủ nằm trong góc.
Quân viễn chinh đụng độ phía bên phải, ở giữa rồi kế tiếp là phía trái của mặt phòng tuyến địch,_một phần quân trừ bị ( thủy quân bộ chiến) giữ trọng trách tấn công vị trí ụ phòng thủ phía trái, như vậy là ta có tất cả ba mũi tấn công. Nếu cả ba mũi tấn công đều đạt kết quả, và quân thù cũng bị đánh gãy tại ba nơi cùng một lượt, và cũng kể như họ rải đều lực lượng, thì địch sẽ bị thua toàn bộ trong một lúc, thay vì tháo lui từng chặn một, bên phải rồi bên trái. Nhưng sức đụng độ của cánh quân bên phải quá mạnh làm cho tuyến địch bị thủng sau mười lăm phút. Hai mũi tấn công kia phải mất ba lần lâu hơn. Thủy quân đổ bộ và lính Tây ban nha, cùng đánh bên cạnh nhau ngày hôm đó, đánh song sớm hơn đươc nữa giờ, họ lọt vào một vòng đai kín như lọt vào trong một cái bẫy vậy. Thái độ vững vàng của họ thật anh hùng, đã làm chuyển hướng một phần đáng kể lực lượng địch và gián tiếp tăng cường đắc lực cho sức tấn công của hai cánh quân ở giữa và bên trái.
Thủy sư đề đốc cởi ngựa, tư thế rất lộ liễu, ngay trước dãy hầm chông đầu tiên. Ðoàn lính bộ hộ tống gần như ai cũng bị thương. Cạnh bên ông là vị chỉ huy tổng hành dinh, đại úy hải quân Laffon de Ladébat, chỉ huy tư linh đại đội kỵ binh de Cools. Quân trừ bị vừa đến tăng cường cho cánh giữa, và nhất là cho cánh phải, vì địch gia tăng bắn riết tại đây. Chỉ còn một nữa đại đội ở lại coi chừng các túi quân trang; ba ổ súng cối miền núi đáng lý ra phải đâm thủng mặt trước của thành An nam, thì lại không có đủ người xử dụng. Lúc này trận chiến trở nên ác liệt vì cả hai bên đều cố gắng ra sức, một bên thì tấn công, một bên thì phòng thủ; tình thế thật nguy ngập.
Cái vô tình và thản nhiên của tạo hóa chung quanh càng làm nổi bật sự hăng hái cực độ của con người, trận chiến cứ lộng hành như một trận cuồng phong dữ dội dưới thái độ bình thản của bầu trời trong xanh. Những tiếng thét ‘’Hoàng đế muôn năm!’’ đã ngưng bặt từ lâu. Tiếng nổ lộp bộp của súng nhỏ bắn nhau, tiếng rít của đại pháo, thỉnh thoảng lại có tiếng rên siết của một người sắp chết tất cả là những nhân chứng duy nhất cho cái hăng hái cực độ của hai muơi lăm ngàn người mà một vách tường đất mỏng manh đã chia làm hai phe, cái vách tường với khoảng cách nhỏ nhoi mà ngưởi ta có thể đưa tay cho nhau, nhưng một bên thì muốn trèo qua, một bên thì cản lại. Biết bao nhiêu bảng tuyên ngôn, bao nhiêu sức huy động con người và tàu chiến, một khoảng đường cách xa sáu ngàn dậm, vàng bạc tiêu pha vô kể, để đi đến cái cảnh trước mắt này. Bốn mươi lăm phút tấn công không kết quả: sau những phút đầu hăng hái, phản ứng của quân lính trở nên yếu kém rõ rệt. Cường độ tấn công suy giảm mà cường độ phòng thủ thì tăng.
Trong khi ấy, khu bên trong thành nơi thủy quân và lính Tây ban nha lọt vào, tình trạng được quyết định như sau: tất cả nỗ lực của đám quân này dồn vào hai vị trí chính: vị trí thứ nhất là cổng thành Quan, nơi thông thương giữa hai khu, vị trí thứ hai là khu ở giữa của bức tường chắn ngang, đầu tường bên trong là ụ phòng thủ, đầu tường bên ngoài là cửa thành Quan. Nhưng hai chỗ dồn quân này hoàn toàn trống trải, không có chỗ núp; vị trí và tầm đạn của địch tại đây đã nghiên cứu trước, vì thế trong cái khoảng trống thảm thương này ngập tràn xác chết và bị thương.
Một trong những cố đạo tuyên úy của quân đoàn chạy tới chạy lui, hết người hấp hối này đến người hấp hối khác, cuối xuống họ và cầu kinh lẹ lẹ bằng tiếng la tinh. Chỗ này có kẻ bị thương còn đứng vững, hoặc đã ngã xuống rồi nhưng cố đứng lên, như trung úy hải quân de Foucault, trung úy hải quân Berger, các chuẩn úy Noẽl và Frostin; hạ sỉ hải quân Rolland bị mắt cá chân bể nát tự băng bó lấy rồi vừa lết vừa chiến đấu; người lính thổi kèn Pazier, lúc mới khởi sự tấn công đã bị trúng thương ngay trán, vẫn đứng dậy và thúc kèn tấn công. Cạnh đó trung úy hải quân Jouhaneau-Laregnère té xuống, cả phần hông bên trái bị văng mất; những người chạy đến cứu đều bị ông xua đi đánh tiếp và bảo cứ để mặc ông. Trong cái khoảng kín của khu này những người Tây ban nha như Jean Laviseruz và Bernabe Fovella đã ngã xuống và sau này ai cũng biết đến, nhưng cũng có những người khác nữa mà hành động cao đẹp của họ chẳng ai biết đến, kể cả đồng đội lẫn người chỉ huy của họ!
Cái thảm kịch kể trên đến giờ phút này cũng chưa ngã ngủ, nhưng rồi cũng chấm dứt. Mỗi người chỉ huy dẫn theo vài người tiến thẳng về phía tường chắn, băng qua hào, đến tận chân tường; đồng thời tại vị trí thứ hai, tức cửa thành Quan, ta cũng khởi sự tấn công cùng một lúc với nhóm ở giữa bức tường. Trung úy hải quân Jaurès, đệ nhị sĩ quan tùy tùng của thủy sư đề đốc, tập hợp vài người gan dạ lấy búa phá cửa nơi góc tường chắn; đồng thời thành giữa cũng bị công binh chiếm; thủy quân đánh bộ, bộ binh, đại đội quân địa phương do vị chỉ huy tiểu đoàn là Deleveau huấn luyện, hăng hái tràn vào phía bên trái. Tất cả quân An nam người nào chạy không kịp đều bị giết sạch; trận chiến chấm dứt bằng một cảnh tượng tàn sát cuối cùng.
Trong trận chiến này, ta có ba trăm người bị loại khỏi vòng chiến. Mười hai bị giết tại trận. Nhiều người bị thương không cứu được. Trung úy hải quân Jouhaneau-Laregnère thở hơi cuối cùng trong ngày hôm đó, sau năm tiếng đồng hồ quằn quại đau đớn vô cùng. Trung tá Testard thuộc thủy binh bộ chiến bị thương và ngày hôm sau mới chết. Những người bị thương không ai kêu la, hay thỉnh thoảng mới có vài người rên siết. Họ là những kẻ thật giản dị và đáng ngợi khen; vài người mà sự sống sắp từ giả họ mà họ không thốt ra một lời nào ta thán hay hối tiếc đã chết ở một nơi xa xôi, xa quê hương của họ là nước Pháp. Sự can trường tột bực đã cho thấy cái giá trị tinh thần của đạo quân viễn chinh Nam kỳ.
Một trăm năm mươi đại pháo, hai ngàn súng nhỏ Saint-Etienne tình trạng bảo trì hoàn hảo; đầu đạn tròn,đầu đạn súng cối chưa cho thuốc súng, hai ngàn ký thuốc súng; giáo, chỉa, kích cùng một số lớn tiền đồng được tìm thấy trong thành. Súng tay thì bắn bằng đá lửa ; đó là súng từ thời đệ nhất đế chế. Các quả đạn thuộc loại láng, bằng gang, đúc cũng khá tròn; thuốc súng cũng mịn, cán khá đều hạt. Trong thành Kì hòa không thấy có súng bắn bằng bùi nhùi lửa, cũng không có cung, không có nỏ. Ta còn tìm thấy một số bản đồ An nam; các bản đồ khá đúng giúp ta làm bản đồ trinh sát.
Danh sách quân lính trong đồn được cha Croc dịch ra; cha Croc thuộc Giòng truyền giáo xứ nước ngoài, và là thông dịch viên của vị tổng tư lịnh; danh sách cho thấy có 21 000 quân sĩ chính quy. Ngoài ra ta còn biết có một ngàn tá điền của quân đội, gọi là Don-dien. Trong thành này còn có thêm 10.000 nghĩa quân. Trong trận tấn công chính thì đám nghĩa quân này đóng giữ ở mặt giữa và hai cánh của thành Kì hòa. Nếu kể luôn quân số đóng giữ tại các đồn trên thượng lưu sông Don-naĩ khoảng mười lăm ngàn người, về phía quân Pháp và quân Tây ban nha hợp lại là tám ngàn quân lính, thì ta có thể nói rằng trong ngày 25 tháng hai, năm mươi ngàn người đã xáp chiến trong một khoảnh đất mà tiếng đại pháo có thể nghe thấy từ đầu này đến đầu kia.
Quân thù để lại ba trăm xác chết trong khu phía mặt và khu phía trái. Xác chết phần lớn là người Bắc kỳ, khoẻ mạnh và to lớn hơn những người Nam kỳ miền dưới; ngay khi đã chết, nét mặt họ vẫn hết sức là rắn rỏi.
Trận đánh ngày 25 khác hẳn với trận đánh ngày 24, về mặt chiến thuật và sức kháng cự của quân địch. Pháo binh bắn 204 quả súng cối và 36 thùng đạn: ‘’Ðây chỉ là một nữa số đạn đã được dùng so với ngày hôm trước, nhưng trận đánh lại gay go hơn và hăng say hơn’’. Vì tánh cách mãnh liệt và sáng chói của trận đánh này nên ta sẽ phân tích và nói đến nó nhiều hơn các trận đánh khác; ta nhận thấy trong trận này pháo binh can thiệp quá ít trong một thời gian cũng quá ngắn, phần tình báo cũng không đầy đủ. Bên địch có khả năng chận đứng các mưu toan tấn công của ta.
Trong trận ngày 25 pháo binh bị nắng rọi vào mắt vì thế phải xoay trở trong điều kiện bất lợi. Trận đánh ngày 24 cho thấy quân địch chịu đựng dễ dàng sức tấn công của ta ở khoảng cách xa nhờ vào công sự của họ làm bằng đất và cành cây, không cao lắm nên không bị xập, đạn đại pháo không gây hề hấn gì, đạn súng cối cũng chẳng công hiệu gì hơn. Vì vậy trong trận ngày 25 quân lính bắt buộc phải tiến gần để yểm trợ pháo binh và phải chịu thật nhiều gay go. Ðịa thế không có một chỗ nào để núp. Tình thế thật nguy hại: để tránh kéo dài tình trạng bất lợi vị tổng tư lịnh đã thu ngắn tác động pháo binh và xua quân tấn công, vì ông hoàn toàn tin tưởng ở quân sĩ. Nếu áp dụng cùng một chiến thuật như ngày 24 biết đâu thương vong còn cao hơn nữa, vì ta không phá được các lỗ hở để tấn công.
Nhiều sĩ quan đã thám sát địa thế từ chiều ngày 24 tháng hai đến sáng ngày 25. Tuy sự thám sát còn thiếu sót nhưng thật bổ ích. Thành An nam thấp và màu thì tiệp với màu đất, nên không thấy rõ các bố trí bên ngoài bờ thành của hậu tuyến địch. Ðể quan sát cách bố trí bên trong thành Kì hòa rộng lớn thì phải có chỗ cao để nhìn vào, ta chỉ có thể trông vào một bụi cây lớn duy nhất để trèo lên nhìn, bụi cây nằm lọt hẳn trong tầm bắn của địch vì gần ụ phòng thủ phía trái của thành. Xạ thủ địch đã núp trong đám rừng nhỏ này để phục kích ta chiều hôm trước, và ta đã phải khó nhọc lắm mới làm yên được tiếng súng của họ. Vì các lý do trinh sát không đầy đủ, không biết rõ cách phòng thủ bên trong thành địch, nên ngày hôm sau ta phải chậm tiến quân.
Quyết định sau cùng là đưa quân đến thật gần bên phía trái vì ta biết rõ phía này hơn. Quân lính đều thấy tầm quan trọng đó khi có lịnh tạm thời đừng lại để dốc toàn lực vào phía này. Từ vị trí trinh sát trên cây ta thấy có một lớp tường phòng thủ bên trong thẳng góc với tường thành phòng thủ bên ngoài, tường chia bên trong làm hai khu khác nhau; nhưng còn một chuyện nữa không đoán được là bức tường dùng để phòng thủ chống lại sức tấn công từ khu bên trái sang khu bên phải hay từ khu bên phải sang khu bên trái? Dựa vào trại Quan ở khu bên trái để đoán là khu này quan trọng hơn thế thôi. Chắc chắn là nếu ta biết trước tầm quan trong của khu bên phải, thì bắt buộc phải tránh khu này mà chỉ đưa quân vào đánh ở giữa và ụ phòng thủ bên trái mà thôi,và trước đó thì phải chiếm đóng khu làng dựa vào khu rừng có cây cao trước đã. Nhưng chiến thuật này chỉ đưa ra sau khi trận chiến đã kết thúc, làm sao biết trước để thực hiện như vậy.
Chống lại ý kiến này, ta cũng có thể cho rằng, ngay như việc trinh sát được thực hiện đầy đủ và chiến thuật vừa kể đem ra áp dụng, quân địch không bị lừa và phân tâm do thủy quân đổ bộ của ta và lính Tây ban nha đánh lạc hướng trong suốt ba mươi phút, mà lại dồn hết sức kháng cự vào phía trái thì biết đâu sẽ đẩy lui được quân ta và cũng phải hiểu rằng ngay cả việc trinh sát được thực hiện đầy đủ và chính xác giúp quân lính hăng say vượt qua tường thành nhưng biết đâu họ không còn đủ sức và bình tỉnh để tiếp tục chiến đấu như họ đã làm? Ai mà chẳng thấy những người lính bộ hay lính thủy vừa vấp ngã vừa lần mò từng bước trên miệng hầm chông quanh co để tìm đường tiến lên dưới lằn đạn địch. Nếu trinh sát thực hiện được và biết hết con số hầm chông thì bất cứ ai cũng sẽ kết luận rằng cuộc tấn công không thể nào thực hiện nổi. Nhưng sau cùng, trận chiến ngày 25 đã đem đến kết quả; mặc dù ta đã phải trả một cái giá tương xứng cho sự thành công này, đó là cái giá của sự may mắn trong chiến tranh. Thật vậy may mắn hay rủi ro có thể xảy ra trong bất cứ trận chiến nào, chỉ cần một chút xíu biến cố cũng có thể đem đến chiến thắng hay chuyển thành thất bại dễ dàng, chẳng hạn một cơn mưa rào bất thần, một bờ dốc bị máu hoặc nước mưa làm trơn trợt, một người lính nào đó nhào lên để hy sinh và bị giết.
Vị chuẩn đề đốc Page, theo kế hoạch dự trù từ trước, đã đánh chiếm nội trong ngày 25 tháng 2 tất cả các đồn trên thượng lưu sông Don-naĩ và nhất là trên sông Yen-lock. Sư đoàn đặt dưới quyền của ông gồm có các tàu Renommée, Forbin, Monge, Avalanche, pháo hạm số 31, tàu Sham-Rock, và tàu Lily. Tất cả các tàu này đều bị trúng đạn của địch, có nhiều người chết và bị thương.
Vị tổng tư lịnh đóng bản doanh trong khu trú ngụ của Quan trấn thành. Quân sĩ sau khi thu lượm các túi đeo lưng liền được đưa vào trú ngụ trong các nhà của quân An nam trước kia, dọc theo một con đường kéo dài cho đến phía bắc thành Kì hòa. Một nữa số bị thương được đồn Caĩ-maĩ chuyển về nhà thương Cho-quan. Số còn lại đưa vào một trạm cứu thương ngay trong thành Kì hòa. Chiều hôm ấy, các đoàn chuyên chở lấy đạn ở đồn Caĩ-maĩ thay vào số đã bắn khi đánh nhau buổi sáng và lấy thêm ba ngàn viên đạn nữa để thiết lập kho dự trữ trong thành Kì hòa. Trong vài ngày mà quân viễn chinh đã tiến sâu vào vùng đất địch, vì thế một kho đạn dược trung gian thật cần thiết.
Thái độ của người An nam trong ngày 25 thật là lạ, ta nhìn thấy được sự yếu kém về nghị lực của họ qua nét mặt không tỏ lộ của người Á châu. Cứ chỗ nào phải đánh nhau mặt giáp mặt thì họ sợ hãi cho đến nổi chỉ nghĩ đến chịu chết mà không chịu tiếp tục chống trả. Làm sao giải thích được việc này, nếu không công nhận đó là bản chất yếu kém về nghị lực của những giống dân phương Ðông. Chỉ có vài trăm người Âu châu mà cứ mỗi lần tiến đánh đều thắng hàng ngàn quân địch mặc dù rất dũng cảm, lần nào cũng vậy. Sự thua thiệt về khí giới không đủ để giải thích điều này: vì rõ ràng là họ đã chấp nhận đánh cận chiến, mà đánh cận chiến thì ưu thế của khí giới tối tân bị giảm đi; giết nhau sát ngay trước mặt thì một khẩu súng cổ xưa loại loe nòng hay một khẩu súng trường loại cac-bin cũng không khác xa bao nhiêu. Ngày 25 tháng 2, chuyện quân An nam không thối lui và hầu hết bị giết ngay trên thềm bắn là một chuyện gần như ngoại lệ. Chỉ vì họ nghĩ rằng, thứ nhất là quân Pháp và quân Tây ban nha không sao tràn qua được các hầm chông, kế tiếp là quân ta phải lui vì bị mâu và kích của họ đâm, hoặc bị bắn, hoặc bị pháo lửa và nồi lửa của họ ném ra.
Các đội quân viễn chinh tỏ ra hăng hái và đoàn kết. Những ai đã dẫn họ tiến lên đều có thể tự nhủ như Montluc:’’Tôi quay lại ba lần, đều thấy họ vẫn còn theo tôi’’. Lòng tin của họ lúc nào cũng nguyên vẹn, hiểm nguy làm cho kỷ luật thêm chặt chẻ. Tiếc thay, giữa vô số chướng ngại vật và khói mù mịt từ súng hỏa mai của địch, các vị chỉ huy chỉ thấy và công nhận thành tích của một số nhỏ những người chiến đấu bên cạnh mình mà thôi. Quần áo của họ đâu có chứng tỏ gì là những người lính thủy và lính bộ khác thường: cũng chỉ mặc áo len và đeo lon đã cũ nát. Người chỉ huy không thấy hết các thành tích của quân sĩ là một điều thật bi thảm mà tất cả mọi người đều phải gánh chịu, nhất là hàng binh sĩ cấp dưới. Nhưng rồi người ta cũng quên đi và không nghĩ tới nữa.
Thủy sư đề đốc cám ơn từ cấp bực cao nhất đến cấp bực khiêm nhường nhất trong quân đội về sự hào hùng và hy sinh của họ, cho đến cả tánh mạng của họ. Trong cùng một gian phòng, tất cả các cấp bậc đều họp chung với nhau, thủy sư đề đốc ngỏ lời công khai ngợi khen và tuyên dương công trạng một vài người. Tuyên dương công trạng là phần thưởng coi như cao quý nhất từ thời kỳ đệ nhất đế chế. Không có huân chương nào sánh bằng tuyên dương công trạng. Dù ta có ca ngợi quá lố đi nữa thì cũng không làm mất cái giá trị vĩnh viễn của sự tuyên dương, nó làm xúc động con tim mỗi người và làm sống dậy những kỷ niệm của một trận chiến máu lữa mà họ đã dấn thân. Trên cái mảnh đất xa xôi này, huân chương nào mà lại không xứng đáng để được thêm lời tuyên dương! Ai được tuyên dương đều nghĩ đến rồi đây cha mẹ mình và bạn bè mình sẽ biết đến công trạng của mình. Họ sẽ quên hết hiểm nguy và gian khổ đã trải qua; rồi bỗng nhiên cái khoảng không gian cách trở giữa người lính thủy, người lính bộ nơi cái xứ Nam kỳ xa xôi này và quê hương họ hình như đã vụt biến mất. Cái nhìn trìu mến của nước Pháp bên cạnh họ đã an ủi họ.
Bảng tuyên dương công trạng xếp ông trong danh sách quân đoàn thủy binh đổ bộ. Như vậy ông có thể thuộc toán thủy quân đánh bộ được đưa lên Chiến hạm Impératrice-Eugénie của đề đốc Charner trước khi tàu rời Thượng hải đi Nam kỳ, nhưng tôi nghĩ ông cũng có thể thuộc thủy thủ đoàn thường trực của tàu Impératrice-Eugénie ? Ông là một sĩ quan còn trẻ lắm, tội nghiệp, nước Tàu rất buồn ‘’chẳng có gì làm rung động con tim của người trai trẻ mới hai mươi lăm tuổi đời’’
CHƯƠNG VI
Quân viễn chinh đánh chiếm các vị trí Tong kéou, Oc-moun, Rach-gra và tiến lên tận Tram-ban. Toàn vùng bị chiến hạm và các đạo quân lưu động của ta lục soát. Trinh sát sơ khởi về Bien-hoa và My-tho.
Tầm quan trọng của chiến thắng ngày 25 phải đến hôm sau mới biết hết. Ngày 26 khi vừa hừng đông, một đội pháo binh trang bị đại pháo nòng 4 yểm trợ một đoàn thám sát đi sâu vào thành Kì-hòa, suốt chiều dài của thành đến tận kinh Avalanche. Bốn khu công sự của Kì hòa vừa mới vừa cũ đều lọt vào tay ta cùng một lúc. Quân An nam bị đánh bật khỏi khu thành Quan liền theo các ngõ tắt chạy về đồn Avalanche của họ dưới hỏa lực đại pháo ta bắn ra từ các chùa. Vị trí của đồn Avalanche nằm sát Saĩgon, phía tây-bắc của thành phố; chung quanh là nước và sình lầy, có cắm chông bạo bọc; cách phòng thủ khá rắc rối.
Nhưng từ đồn Avalanche quân An nam lại hối hả bỏ chạy, băng ngang vùng đầm lầy bằng hai lỗ trống trong bụi rậm giống như đường đi của thú dữ, quân Âu châu đưổi theo trong đầm lầy thật khó nhọc, vừa thương tích vừa lạc đường. Sau cùng quân An nam đến được con đường giám mục Adran, tại đây họ tổ chức lại, chuyển việc tháo chạy thành rút quân trong trật tự, tiến sâu vào vùng lãnh thổ của họ, qua các ngõ Tong-kéou, Oc-moun, Tay-theuye. Họ đem chôn hầu hết các cỗ súng chiến thuật trong các cánh rừng thưa, có ghi dấu hẳn hoi để sau này sẽ đào lên. Con đường Saĩgon được tự do lưu thông trở lại, ta cũng dẹp bỏ kho súng Caĩ-maĩ.
Trong những ngày 25, 26, và 27 tháng 2, quân ta dồn sức đắp một con đường di chuyển cho pháo binh trên vùng đất khô phía tây thành Kì hoà. Hầm chông tại đây dều được lấp đi; bàn chông, cọc nhọn, chà gai đều được tháo bỏ. Công việc không phải dễ; người An nam đào xới trong mùa mưa thì đất mềm, nay đất khô cứng dưới ánh nắng mặt trời, ta cuốc không nổi. Quân lính vừa làm vừa cố tìm cách nghỉ ngơi, họ vừa phải làm đường, làm trại, lại phải trinh sát Saĩgon và Tong-kéou (thành phố thuộc xứ triều cống cho An nam). Tong-kéou là thành phố đầu tiên trên đường đi sâu về vùng phía bắc (hướng bắc-tây-bắc). Theo lời khai của tù binh thì vùng này rất nhiều gạo và tiền đồng, có ba khu thành phòng ngự, rào tre thưa hơn so với thành Kì hòa, nhưng bảo trì tốt đủ sức kháng cự. Các thành này cũng là kho của quân An nam.
Giữa Tong-kéou và thành Kì hòa là một vùng đồng ruộng mênh mông, thỉnh thoảng mới thấy vài khu vườn trồng thuốc lá; cây thuốc lá nhỏ chỉ cao độ hai chân, khi ta lấy tay vò nát lá thì ngửi thấy một mùi thơm rất mạnh; lá khô rơi xuống thành những vệt nâu trên mặt đất. Vùng này có sông Tam léon chắn ngang đường đi: cây cầu bắc ngang sông đã bị phá xập; nhưng chếch về phía trái thì mặt đất lại cao lên, do đó chỉ cần đi xéo qua trái một chút là có thể vượt qua sông. Cánh đồng khô ráo, di chuyển dễ dàng trong mùa khô, nhưng qua mùa mưa thì ngập lụt, chỉ cần nhìn những hố do nước đào xới cũng biết; hố không sâu cũng không rộng lắm không làm cản trở cho người và ngựa. Ðịa thế đất đai được thám sát ngày 27 tháng hai cho thấy pháo binh có thể di chuyển dễ dàng; vì thế mà vị tổng tư lịnh đã phát lịnh trực chỉ Tong-kéou ngay ngày hôm sau, tức 28 tháng 2, trước khi trời sáng hẳn. Ðoàn quân viễn chinh tiếp tục chinh phạt xa hơn để giúp thủy sư đề đốc Page dễ dàng khống chế toàn vùng thượng lưu sông Don-naĩ. Ta có thể nghĩ rằng quân An nam rút về Tong-kéou, dựa vào sông Don-naĩ để tạm làm đường rút lui về mặt bắc đồng thời dựa vào các tỉnh miền nam để lập lại thế kháng cự giống như thành Kì hòa. Nhưng nhìn kỷ ai cũng thấy là họ vừa thua trận một cách nặng nề thảm thương và không còn tinh thần nữa.
Pháo binh xuất trại trước, vào lúc sáu giờ sáng, đã gặp ngay vài rủi ro ( một xe đạn lọt xuống hầm chông); pháo binh mang theo 4 đại pháo 12, 3 đại pháo nòng 4 có khía, 5 ổ súng cối miền núi và hỏa tiển, tất cả xếp thành đội ngũ ngay bên ngoài thành. Kế tiếp là bộ binh ra theo bằng một cửa nhỏ đục ở bờ tường thành. Xong xuôi tất cả đạo quân lên đường đúng sáu giờ ba mươi sáng. Pháo binh ở giữa; bên phải pháo binh là lính đánh bộ Pháp và lính đánh bộ người Tây ban nha; bên trái là lính thủy đánh bộ. Thủy quân làm trừ bị.
Toán xung kích An nam và lính đánh bộ Phi châu đi trước làm quân mở đường. Khi còn cách đồn quân An nam một ngàn năm trăm thước, thì ta thấy rõ ràng tường thành. Thành xây cất ở một nơi cao ráo nhìn xuống cánh đồng. Bên trong thành thấy có nhiều công sự lớn và một pháo đài trang bị đại pháo; tất cả tạo ra một vẻ đáng ngại. Quân ta dừng lại, pháo binh dàn trận và phân chia vị trí như sau: 3 súng cối di chuyển về phía bên phải, gần một đám cây có thể nhìn vào thành. Lính phóng hỏa tiển thì nhắm vào các công sự lớn trong thành; đại pháo 12 hướng vào khu pháo đài; đại pháo nòng 4 và hai súng cối thì bắn vào bất cứ lỗ châu mai nào có đạn đại pháo của địch bắn ra. Thủy sư đề đốc, vì muốn tránh bớt cho quân sĩ vai trò tiến công khó nhọc mà họ đã chịu đựng trong ngày 25, nên đã thay đổi chiến thuật dựa theo địa thế và kiến trúc của công sự mới này. Công sự ở vị trí cao lại có kho và pháo đài rất lớn, vì thế thủy sư đề đốc ra lịnh cho pháo binh giữ vai trò chính. Pháo binh tiến lên trước, từng khẩu một, ngựa kéo súng phóng nhanh theo nước kiệu: dừng lại từng trạm 800, 600 rồi 200 thước. Súng của pháo binh ta bắn ra rất chính xác và mãnh liệt, thế mạnh hơn quân địch thấy rõ, mỗi súng bắn đúng năm mươi quả rồi ngưng. Pháo binh địch bắn lấy lệ để che cho việc rút quân, họ có khoảng tám ngàn quân lính. Quân sĩ của họ tiến theo pháo binh từng đợt một và dừng lại tại một đồn khác, cạnh bên có một ngôi làng.
Tong-kéou bị ta lấy mà không có thiệt hại gì nhiều. Tuy vậy cũng có một số khá lớn quân sĩ bộ binh bị trúng đạn địch, bị thương hoặc bị trầy xứt. Ngay khi khởi đánh, trung tá Crouzat bị thương nặng ở đùi vì không may do tai nạn gây ra: ngựa ông đang cởi nghe tiếng rít của hỏa tiển hoảng sợ mà nhẩy dựng lên, hất ông ta ngã xuống đất.
Thành phố của xứ Triều cống là kho quan trọng của quân An nam. Ta chiếm được ba thành, thu được 1 400 tấn gạo, vô số thuốc súng, đạn pháo, lao, giáo, súng cở nhỏ, 20 đại pháo đúc bằng gang nòng 16, quân trang và tiền kẽm mà địch chưa kịp đốt giây buộc, tiền kẽm mất giây xỏ xâu thì cũng mất giá trị đi nhiều.
Quân An nam vẫn theo thói thường mang theo hết những người bị thương, phần lớn các thương binh là từ thành Kỳ Hòa đưa về. Những căn nhà tại chiếm trường còn bê bết máu.
Xa hơn Tong-kéou là Oc-moun, một vùng trồng trầu và buôn bán trầu khá quan trọng, trầu là một loại dây leo lớn cho lá gọi là trầu. Kế tiếp Oc-moun là Rach-tra và Tay-theuye. Vào ba giờ chiều, quân vẫn tiếp tục đi. Ðường đi dẫn thẳng tới Tay-theuye; Tay-theye nằm lọt vào một vùng cây có tầm cao trung bình, lá cây không bóng lại úa, màu hung đỏ giống như tôn bị sét rĩ, chẳng thấy gì là vẻ xum xuê của cây cối miền nhiệt đới. Chỉ có sức nóng của mặt trời thì giống như ở Ấn độ; nóng như thiêu đốt. Con đường mòn, chỗ rộng chỗ hẹp, đầy cát thật mịn, thật nhiều và nóng bỏng. Quân lính mệt lã cứ đi bừa không thẳng hàng thẳng lối gì hết. Vào giờ này, mọi người đã kiệt lực, thân xác nặng như chì; ai cũng muốn dừng lại mà ngồi xuống nghỉ. Trong ngày hôm đó, một số quân sĩ của ta đờ đẩn, ngất ngư vì nóng bức, một số phát điên.
Hai bên vệ đường có vài căn nhà mà quân An nam đã phá xạch trên đường rút lui. Dân chúng ẩn nấp trong những cánh rừng thưa cách đó vài trăm thước. Thỉnh thoảng từ trong bụi rậm họ ló đầu ra nhìn rồi kinh sợ mà ù té chạy. Ở ngưỡng cửa mỗi nhà đều có một lu bằng đất nung màu đen đựng đầy nước. Vì khát chẳng ai nghỉ tới thuốc độc, đều tranh nhau mà uống. Ðến tối, có vài người nông dân bớt sợ đến gần và làm quen với ta, họ đề nghị giúp quân ta khiêng những người lính vì nóng ngã lăn ra bất tỉnh ở hai bên đường.
Vào khoảng năm giờ chiều, các toán quân dẫn đầu tràn vào thành Tay-theye đã bỏ trống. Trong thành có tiền bằng bạc, một số thật lớn tiền đồng và ba khẩu đại pháo. Thành này canh giữ con đường mà quân lính vừa đi qua, tiếp nối với con đường này là một đường đê dẫn tới ranh giới Cao miên. Một khẩu đại pháo đặt thẳng trước mặt biểu dương tầm quan trong của vị trí mà ta vừa chiếm. Nơi này cũng là ranh giới của khu rừng Oc-moun. Ở bìa rừng có một vùng đất cao và phẳng, có vài cây lớn. Quân ta quyết định đến cắm trại tại chỗ này. Xa xa là một vùng đầm lầy xa tít tới chân trời, những cánh đồng hoang vu của vùng Sologne cũng không đến nỗi buồn và hiêu quạnh như nơi đây. Mười bốn thuyền chiến của địch nằm phơi khô trên mặt đất cạnh một bờ đê từ ngày ta đánh chiếm Saigon năm 1859 vẫn còn đó.
Ðịch quân rút đi không để lại một dấu vết nào khác ngoài thi hài của sáu nông dân An nam bị chặt đầu vài giờ trước đó, xác vẫn còn mang gông. Sau này người ta mới biết rằng những kẻ bị khổ hình đó là những người theo thiên chúa giáo. Ngày hôm sau người đầu thú kéo đến rất đông; các làng dọc theo hữu ngạn sông Don-naĩ và hai bờ sông Vaĩ-co xin ta bảo trợ. Tàu Dragonne, ngược sông Vaĩ-co đông đến thẳng Tay-ninh, sát với biên giới Cao miên. Tàu Dragonne kiểm soát vùng lãnh thổ An nam nằm giữa hai sông Don-naĩ và Vaĩ-co. Như thế là toàn tỉnh Gia-dinh đã thuộc vào tay ta rồi, ta chiếm hết thành quách, thu hết súng ống và lương nhu.
Quân đội An nam tan rã. Trong số bốn mươi ngàn người đã chống trả cam go để chận đường tiến quân của ta thì nghĩa quân đã bỏ áo lính và phù hiệu để trở về đời sống nông dân. Các tá điền gọi là Don-dien thì quay về các nông trại quân đội của họ ở Go-cung, My-thô và Saĩgon để ghi danh trở lại. Quân chính quy tản mát thành từng nhóm nhỏ, lội hoặc dùng thuyền vượt qua sông Don-naĩ hoặc cả hai sông Don-naĩ và sông Vaĩ-co; một số về Bien-hoa, một số đổ xuống các tỉnh miền nam là My-thô và Vinh-long. Vị tổng chỉ huy An nam bị thương nặng ở tay trốn về Bien-hoa.
Có thể nói rằng quân An nam đã bỏ lọt vào tay ta tỉnh trù phú nhất của Nam kỳ miền dưới Ta lợi dụng tình thế này ngay tức khắc. Các cánh quân lưu động và tàu chiến đổ đi lục xét khắp nơi trong xứ, từ phía đông, phía tây đến phía bắc. Chỗ nào cũng thấy người Pháp tra xét. Nhờ thế mà ta biết thành Tay-theuye có hình tam giác, góc nhọn lớn nhất là ụ phong thủ hướng về phía bắc, góc tây nam có đầm lầy bao bọc kéo dài cho tới sông Vaĩ-co đông.
Ngày 3 tháng 3, có một bức thư đến tay vị chỉ huy trưởng cho biết người An nam tìm cách tập trung trở lại và dùng Tram-ban làm điểm kết hợp; năm 1859 họ đã từng dùng Tram-ban làm trung khu của họ khi đánh với ta. Tức thời tiểu đoàn trưởng Comte và một đội biệt phái rất hùng hậu được gởi đi ngay chiều hôm đó. Ông ngủ lại Rạch-tra (Tay-theuye) và sáng hôm sau thì đến Tram-ban, nơi này chỉ cách Cao miên có ba mươi dặm. Ông dẫn theo bộ binh, quân đánh bộ Tây ban nha, một nữa giàn pháo nòng 4, lính phóng hỏa tiển, và một đội công binh. Nhưng thật ra quân An nam đã hoàn toàn bại trận; ở Tram-ban không thấy voi trận, không thấy xe vận chuyển,chẳng có kho hàng và quân lính gì cả. Trước khi rời nơi này, vị chỉ huy Comte đã liên lạc với đại úy tàu Dragonne đang hoạt động trên sôngVaĩ-co đông.
Tàu bè lớn và chiến hạm của ta tấp nập trên ba con sông, rộng, chắc chắn và sâu, đổ từ phía bắc xuống; vùng lãnh thổ nằm giữa ba con sông này có nhiều rừng và ruộng là tỉnh Gia-dinh còn gọi là tỉnh Saĩgon. Chuẩn đề đốc Page giữ trọng trách kiểm soát sông Don-naĩ và phong tỏa Bien-hoa. Ðại úy hải quân Bourdais kiểm soát hai nhánh sông Vaĩ-co và canh chừng kinh
Bưu điện. Ðích thân ông thì hiện diện trên sông Vaĩ-co tây với các tàu Monge và Lily đặt dưới quyền xử dụng của ông. Trên sông Vaĩ-co đông đổ lên tới Cao-miên thì có pháo hạm Alarme, pháo hạm này và các tàu của đại úy Bourdais hai bên chỉ cách nhau bằng một dãi đất khá hẹp.
Phó đề đốc thủy sư Charner ra lịnh cho các vị chỉ huy thám sát trên bờ cũng như dưới nước phải tiếp xúc với các trưởng làng và chánh tổng để chính thức đưa cho họ bảng tuyên cáo mang theo, ông tiếp lời và huấn dụ như sau:
‘’Các ông nói với họ rằng: luật pháp và thông lệ của họ sẽ được tôn trọng; họ có thể canh tác và buôn bán tự do, mang sản phẩm về Saĩgon. Họ nên tin chắc rằng thời kỳ các quan chức trước kia đã chấm dứt và thay vào đó là quan chức người Pháp, chúng ta sẽ hoàn toàn che chở cho những ai công nhận uy quyền của chúng ta và phục vụ trung thành chúng ta.
‘’Ðể xóa bỏ hết tàng tích cũ, đi tới đâu nếu các ông thấy đồn lũy thì san bằng hềt, các ông phải huy động dân chúng sống trong vùng, đông chừng nào hay chừng đó, và bắt tự tay họ phải phá hủy các thành đồn. Các ông phải chống thẳng tay không thương tiếc bọn thổ phỉ trên bộ và quân cướp hăm dọa thuyền bè trên sông. Nhưng các ông để yên các thuyền bè đánh cá và buôn bán. Sau hết là các ông thu góp hết trên toàn xứ các tài liệu liên hệ đến thể chế, luật lệ, tình trạng phòng thủ, sức sản xuất và phương tiện thương mại của họ.’’
Thành Tay-ninh gần biên giới Cao-miên được sửa chửa lại, mở rộng thêm và trang bị thật mạnh súng ống và chiến cụ. Mối liên hệ giữa ta và Cao-miên được vạch ra. Nước Cao-miên giáp với Nam kỳ miền dưới về phía bắc và phía tây. Nước Cao miên liên lạc thường xuyên với ba tỉnh An nam là My-thô, Vinh-long, An-gian nhờ vào con sông lớn mang tên là sông Cambodge. Người Cao miên vẫn còn cải vả, tranh chấp, và luyến tiếc xứ Nam kỳ miền duới. Vì lẽ đó mà vị chỉ huy trưởng không từ nan điều gì để biến xứ Cao miên thành một đồng minh. Ông nói với vị sĩ quan đầu nảo cầm quyền chính trị ở Tay-ninh do chính ông bổ nhiệm rằng:
‘’Ông giữ trọng trách về chỉ đạo chính trị trong mọi việc, nhất là những gì liên hệ với người Cao miên. Ông nên dùng lời hứa hẹn, giúp đỡ và bảo vệ tất cả những người dân Miên nào hiền hậu sống trên lãnh thổ của ta, ông nên hội ý với vị chỉ huy quân sự của ta ở Tây-ninh để thực thi các việc này. Ông nên tìm cách tái lập ban giao tốt với các quan chức Cao miên. Ông nói với họ rằng chúng ta đã giữ thế không gây chiến với họ và chúng ta vẫn muốn duy trì tình thế này. Tóm tắt là ông phải hết sức nỗ lực để tạo lập yên ổn và an ninh chung quanh ông, ông phải nhớ báo cáo thường xuyên với tôi về tình hình liên quan đến vùng thuộc địa mới thành hình của ta.’’
Vị chỉ huy trưởng đồng thời cũng sai một sĩ quan đem dâng quà biếu và chuyển những lời giao hảo của nước Pháp lên vua Cao miên (ngày 24 tháng 3 năm 1961) như sau:
‘’Các biến cố tại Nam kỳ mới đây có lẽ Hoàng thượng đã được thông báo. Hoàng thượng biết rằng các đạo quân Pháp-Tây ban nha đánh đuổi người An nam ra khỏi chiến lũy Kì hòa; Saĩgon đã được giải tỏa, quân thù An nam tan rã bỏ chạy kắp nơi. Dân chúng trong vùng cũng như những nơi xa đều kéo đến xin quy phục và chấp nhận sự bảo hộ mà chúng tôi ban ra cho họ.
‘’Ý đồ của nước Pháp là bảo toàn lâu dài đất đai đã xâm lược, tạo dựng ở Nam kỳ miền dưới một thuộc địa và mang tới đó những lợi ích của văn minh Âu-châu.
‘’Nước Cao miên vẫn giữ những mối liên lạc thân hữu với nước Pháp. Tôi hy vọng rằng những liên hệ giữa chúng ta càng ngày càng nhiều và càng trở nên thắm thiết hơn.
‘’Với danh nghĩa là chỉ huy trưởng của các lực lượng quân đội trên đất và trên mặt biển tại xứ Nam kỳ, và là đại diện của nước Pháp, tôi xin cam kết với Hoàng thượng hảo ý của chúng tôi về vương quốc Cao miên và tôi xin đáp lại những đề nghị hoà bình và hữu nghị mà Hoàng đế vua cha của Ngài từng đưa ra trước đây, thưa Ngài, cho vị đại diện của Hoàng đế cao cả của công dân Pháp tại Saĩgon.
‘’Tôi cũng hết sức vinh dự báo cho Hoàng thượng rõ tôi có ý định, trong một ngày gần đây, sẽ đem quân đánh My-thô và chiếm cứ vùng này, điểm phòng thủ cuối cùng của người An nam về phía Cao miên.
‘’Vị chỉ huy hộ tống hạm đưa tin của Hoàng đế và Hoàng tộc quốc gia chúng tôi là tàu Norzagaray, sẵn sàng liên lạc với Hoàng thượng, nếu Hoàng thượng chuẩn y.
‘’Xin kính dâng Hoàng thượng...’’
Sự vận động này đã thành công mỹ mãn. Từ đây về sau, nước Cao miên không bao giờ làm việc gì gây bối rối cho sự xâm lược của Pháp. Nhà vua đáp lại bằng các lễ vật và bằng cách gởi sang một ban sứ thần đáng kể (gồm tám mươi người), đi từ Kom-pot đến Saĩgon bằng đường bộ. Sau hết cũng nên nói rõ là các tin tình báo trước đây chuyển cho chính phủ Pháp hoàn toàn sai, tại Cao miên người ta không nghe nói gì hết về đạo quân Xiêm 60000 người, đạo quân này nếu có thật sẽ là một lực lượng tiếp tay giúp ta chống lại người An nam. Vài tháng sau, có một kẻ ngấp nghé cướp ngôi đã dấy quân chống lại nhà vua đang trị vì tại Cao miên. Ðường lối chính trị của thủy sư đề đốc Pháp, trong tình thế này cũng dễ hiểu; trừ một vài người vụ lợi ra còn phần đông, ngay cả đến hôm nay, vẫn coi giải pháp của ông là hoàn hảo nhất: tức là khi nào những người lãnh đạo Cao miên còn muốn giải quyết những tranh chấp giữa họ về chủ quyền lãnh thổ mà ta chiếm được thì ông sẽ ngăn chận họ, bằng một cách giản dị là đưa họ vào cảnh đánh đấm lẫn nhau ở một nơi khác.
Ngày 10 tháng ba 1861, các đạo quân viễn chinh quay về Saĩgon. Một toán quân lưu động và hai ổ súng cối miền núi được giữ lại ở Tong-kéou; thêm một đại đội thủy quân đánh bộ và một đại đội lính người An nam tại Tay-theuye, phần khí giới thì cấp thêm cho họ một khẩu đại pháo 30 của hải quân. Một đại đội thủy quân bộ chiến đóng tại Kì hòa. Pháo binh trở lại đóng giữ chùa Ao. Thủy quân đổ bộ thì lại trở về đóng ở thành phố Tàu như trước. Các toán bộ binh khác đóng rải rác dọc theo các chùa bỏ hoang dài cho đến đồn Avalanche. Nhà cửa ở đây san sát nhau, gần như liên tục từ Saĩgon đến Cho-leun, nối liền hai thành phố, không khí vui nhộn và thân thiết như ở thôn quê. Những ngôi nhà nhỏ lụp xụp của thành Kì hòa, đủ để hai mươi ngàn quân An nam trú ngụ, không còn thích nghi để phân phát cho quân lính đã có thói quen với đời sống Âu châu. Các căn nhà này đã bị sập trước khi các tuyến phòng thủ bị san bằng. Nhà cửa hư nát, vô số quần áo rách còn bê bết máu, xác người rải rác trong các hầm chông làm phát sinh cả một thế hệ ruồi nhặng tủa bay dầy đặc trong không khí; hàng triệu con ruồi khát máu, tàn khốc bao phủ hết thành Kì hòa như bâu quanh một vết thương mới bị lở loét, biến Kì hòa thành một hầm chôn người không thể nào ở nổi. Phải chờ cho đến khi nào đây để những xác chết hóa thành bụi, đám mây ruồi nhặng nhơ nhớp sẽ lắng xuống, và những bầy quạ bay đi xa? Vì thế mà thành Kì hòa bị san bằng trừ một đồn duy nhất nằm trên đường về Saĩgon, đồn có tên mới là đồn Testard, tên của trung tá Testard bị giết ngày 25 tháng hai. Vòng thành Kì hòa mênh mông trước đây, người ta tưởng là do một vị hoàng đế Ai cập nào đó đã huy động vô số tay người xây lên, nay chỉ còn lại một đồn lẻ loi, tên đồn dùng để nhắc lại cái chết vinh quang của một con người hào hùng và cao đẹp.
Chợ búa của Saĩgon và thành phố Tàu thật dồi dào sản phẩm. Tất cả các nơi trong tỉnh đổ về; nhờ quyết định của vị chỉ huy trưởng, lương hướng từ Paris cấp cho quân lính gia tăng, đem đến cho họ một sự vui thích vô ngần; thật là một điều quí giá khi người lính có một ít tiền trong túi. Tiền phụ trội giúp từng nhóm quân cải thiện bữa ăn hằng ngày: vả lại những người bán hàng An nam kéo đến vì người mua sẵn có tiền để trả. Người lính bộ nào, người lính thủy nào, khi về Pháp lãnh đồng lương chết đói, lại không nhớ tới cái lúc mà những ghim thịt nướng bốc khói thơm lừng trở đều liên tục trên bếp than hồng dưới bóng mát của những hàng cau ở Cho-quan và Cho-leun; họ nhớ tới để vừa thích thú lại vừa tiếc rẻ.
Ðạo quân viễn chinh, trong vòng mười lăm ngày, đã đánh năm trận, thực hiện mười hai cuộc trinh sát, hành quân dưới bấu trời gay gắt, phải chịu hiểm nguy, ăn lương khô uống nước bẩn; đêm thường thức suốt vì đám muỗi độc địa và đàn kiến lửa đâm chích. Quân sĩ thật sự cần được nghỉ ngơi. Nhưng không thể nói là họ đã hoàn toàn kiệt quệ không thể nào không cho họ nghỉ.
Ngay ngày hôm sau khi thủy sư đề đốc cho thượng cờ hiệu của ông trở lại trên chiến hạm Impératrice-Eugénie đang thả neo trên sông Saĩgon, tức là ngày 12 tháng 3 năm 1861, liền tức thời ông ra lịnh phải thám sát các vùng chung quanh Biên-hoa và My-thô. Fou-yen-mot là một đầu cầu chắc chắn của ta trên một trong hai con đường dẫn đến Bien-hoa. Chỉ huy tiểu đoàn Comte và quân đánh bộ đi dọ thám vùng ven biên của Bien-hoa bằng cách mượn đường băng ngang Fou-yen-mot. Ðồng thời, một ủy ban khác gồm có đại úy hải quân du Quilio, vị chỉ huy đại đội tổng hành dinh de Cools và vị chỉ huy đại đội công binh Allizé de Matignicourt, giữ trọng trách thám sát sông Vaĩ-co tây tại cửa kinh Bưu điện. Cuộc trinh sát không tiến xa hơn được vì kinh bị chận, con đường Bưu điện đi về My-thô phải băng ngang nhiều sông rạch mà cầu lại bị phá hết. Ðường xá trên ruộng là các đường rất hẹp, chỉ đủ cho một người đi. Ủy ban trinh sát đều nhất trí cho rằng phải mất ít nhất là mười lăm ngày để đắp lại con đường Bưu điện để cho pháo binh xử dụng.
Mọi người đều biết giá trị của các vị chỉ huy trong quân ngũ và những thử thách mà họ đã trải qua; vị thủy sư đề đốc quí mến họ, từng hãnh diện và công khai đề cao họ; tất cả các điều này đã giúp tiếng nói của họ không bị bỏ ngoài tai, họ đã chính thức đệ lên vị tổng tư lịnh chỉ huy ý kiến của họ, đại khái nói lên rằng ‘’quân sĩ đã mệt mỏi, sức người thì có hạn; cuộc chiến của ta không giống với một cuộc chiến nào khác, ngay cả so với cuộc chiến trải qua bên
Tàu mà khí hậu nơi đó vừa mới tha chết cho họ. Rằng hai lần di tản liên tiếp mà chưa mang đi hết ngưòi bị thương tại các bịnh viện Saĩgon và Cho-quan.’’
Nhiều vị khác cũng nói lên rằng ‘’ta vừa thắng một trận lớn, đừng nên làm gì lu mờ uy danh của ta. Rằng việc đánh hạ thành Kì hòa là một chiến thắng vẻ vang cho quân đội, ta phải giữ lấy uy thế. Ta đi đánh ở đâu bây giờ? Ðánh My-thô thì mùa mưa sắp tới rồi. Ði đánh Bien-hoa thì ta đừng quên là còn phải chỉnh đốn phần lãnh thỗ đã xâm lược, cai trị một đám dân đang lâm vào một tình trạng hổn loạn vì những người cai quản họ trước đây đã bỏ chạy hết.’’
Những ai có chủ trương như vừa nói rồi đây sẽ đổi giọng cho xem. Chuyện thật rõ ràng là trong vòng tháng 3, tình báo của ta về Bien-hoa cũng như khi ta phân tích các thông tư của vị quan chỉ huy thị trấn này đều cho thấy nếu tiến đánh Bien-hoa thì thị trấn này cũng sẽ lọt vào tay ta dễ dàng như Tong-kéou và Tay-theuye mà thôi.
Nhưng thủy sư đề đốc cho rằng không nên đánh chiếm Biên-hòa, ông quyết định chiếm My-thô. Vì thế, ông hối hả vì mùa mưa sắp đến, ông sai dọ thám các cửa biển đổ vào sông Cambodge, đồng thời cũng cho người tìm kiếm trên đất xem có đường nào nằm giữa sông Vaĩ-co tây và con Sông Lớn Cambodge khả dĩ pháo binh có thể dùng được, đồng thời cũng xem có con kinh nào giúp các pháo hạm có thể di chuyển được để tiến về My-thô.
Ông chỉ thị cho trung úy hải quân Lespès, tức đại úy hạm trưởng tàu Norzagaray, phải dọ thám sông Cambodge, ông đưa ra những huấn dụ như sau:’’trung úy Lespès đã từng dọ thám sông này và biết nơi nào nguy hiểm, vậy hãy lợi dụng khi trời tốt đo chiều sâu các đường sông, tìm các điểm chuẩn trên bờ để hướng dẫn các tàu di chuyển về sau. Nếu gặp dân chài lưới, thì phải cố gắng hỏi và thu thập tất cả các sự kiện cần thiết. Không những chỉ biết chiều sâu và tính chất của đáy kinh mà còn phải cố gắng biết trước những loại chướng ngại nào địch dựng lên mà ta phải phá để vượt qua khi tiến gần đến My-thô. Vì vậy, phải biết bắt đầu từ khoảng cách nào thì địch lập các đập cản, đập làm bằng loại vật liệu gì._Ðường kinh rộng hay hẹp? Ngòng ngoèo hay thẳng? Kinh nằm vào hướng nào so với các đồn địch trên bờ? Ðồn trang bị súng ống như thế nào và cách thành địch bao xa? Bờ sông có dễ đổ bộ hay không? Sau hết là tình trạng My-thô ra sao? Trại quân có đông không? Quân lính có sẵn sàng chiến đấu hay không?_ Chắc gì đã tìm được người trả lời cho ta hết các câu hỏi này, nhưng điều hệ trọng là thu thập tối đa tin tức tình báo cần thiết nếu có thể được.’’
Ðại úy chiến hạm Norzagaray, là một sĩ quan gan dạ và là một nhà thủy học lanh lợi, nhưng ông quay về mà không tìm ra cửa kinh để vào sông Cambodge. Một vài tin tình báo, vừa không chính xác lại vừa có vẻ bịa đặt, cho biết vào mùa mưa có một cửa rạch về phía tây của con kinh hiện nay, theo đó các tàu của hạm đội trang bị súng lớn cũng có thể xử dụng được. Dù sao, nếu như không thể nào dùng tàu để tiến vào sông Cambodge vì kinh rạch không đủ sâu, và nếu sau khi phá xập các cừ cọc ở đáy sông cũng vẫn không thể đưa tàu lọt vào mặt nam của thành My-thô, thì ta đành đổ bộ lên một hòn đảo nằm giữa các kinh rạch để đánh thành My-thô ở mặt bắc vậy. Nhưng quyết định sau cùng là thám sát một lần nữa hệ thống kinh rạch đổ vào sông Cambodge. Hai hộ tống hạm của ta là tàu Lily và tàu Sham-Roch tiến vào những nơi mà tàu Norzagaray đã trinh sát tám ngày trước. Hai đại úy thuyền trưởng của hai hộ tống hạm là các trung úy hải quân Franquet và Rieunier, đã từng ở Nam kỳ từ bốn năm nay. Kỹ sư thủy học Manen vẫn tiếp tục được phép cho tháp tùng trong công tác trinh sát này. _Thêm một lần nữa cũng không tìm thấy đường rạch nào có thể đưa vào sông Cambodge. Còn nơi đổ bộ thì không có gì thuận lợi lắm; các đồn địch chia nhau canh phòng một vùng rất rộng lớn.
[1] Sáng ngày 25 tháng hai, trong khi quân ta phá được thành địch một cách vẽ vang, thì một đạo kỵ binh phóng theo rượt quân An nam trên đường tháo chạy, không cho họ rút về khu thành của xứ Triều cống (tức là thành Tong-kéou). Nhưng đoàn kỵ binh không bắt được quân An nam nào làm tù binh. Họ không bao giờ để bị dồn vào đường cùng. Ta cứ mượn lời sau đây từ chính miệng của một trong những người tướng chỉ huy của họ đã công khai trách họ: ‘’Quân sĩ chạy như chuột’’. Họ nhờ có vùng đầm lầy Avalanche để tránh , quân Âu châu không đưổi theo được. Nhưng đoàn kỵ binh viễn chinh thật ra chỉ gồm có vài bộ binh Phi châu và vài kỵ binh người Tagal; có người đổ thừa rằng số kỵ binh mà trước kia ta đòi vị đại úy toàn quyền Phi luật tân phải cung cấp cho đoàn viễn chinh đã không được thực hiện như ý muốn. Tác dụng của một đoàn kỵ binh không thể thay bằng vài cỗ súng miền núi: vì lý do ta đã xử dụng toàn thể quân sĩ vào việc tấn công thành địch, nên không còn người để đuổi theo quân địch rút lui.
CHƯƠNG VII
Ðánh chiếm My-thô._Chiến thuật tấn công._Thành An nam bị vây hãm trên đất liền và từ mặt sông Cambodge._Chương trình hành quân vẫn được duy trì mặc dù bịnh dịch tả, sốt rét, kiết lỵ, chướng ngại thiên nhiên và nhân tạo; tàu di chuyển khó khăn, cọc cừ đóng dài cả dặm; thành đồn trang bị súng ống rất mạnh và địch biết sử dụng thành thạo._Sau khi thành My-thô bị đánh bại, mùa mưa bắt đầu mãnh liệt._Các cuộc hành quân phải hoãn lại.
Các lực lượng hải quân, công binh, pháo binh, tổng hành dinh thay phiên nhau thăm dò sông Cambodge từng giờ một và đồng thơi thám thính vùng ven biên My-thô.
Có hai con rạch nối liền sông Vaĩ-co tây và thành phố My-thô. Một trong hai con rạch đổ thẳng vào sông Cambodge, đó là kinh Bưu điện , kinh này trong các báo cáo thời ấy mang tên An nam là Rach-run-ngu . Con rạch thứ hai là kinh Thương mại. Kinh Thương mại đánh vòng xa hơn kinh Bưu điện nhưng cũng đổ vào sông Cambodge, cách My-thô chừng tám dặm về phía thượng lưu, tức thuộc vùng hậu tuyến thành My-tho. Kinh Thương mại nối dài với con kinh huyết mạch là kinh Tàu tạo ra đường lưu thông buôn bán nối liền các vùng phì nhiêu thuộc tỉnh My-thô và Saĩgon. Nếu dùng làm đường chiến lược để đánh My-thô thì kinh Thương mại thuận lợi hơn kinh Bưu điện.
Kinh Thương mại không giống với kinh Bưu điện vì kinh Bưu điện khi gần đến thành My-thô thì trở nên hẹp và hướng thẳng vào thành, các pháo hạm nhỏ trở nên quá lộ liễu khi tiến gần đến thành địch. Tốt nhất là đặt vài tàu nhỏ trên kinh Thương mại để chận đường rút lui của địch trong khi ta dùng kinh Bưu điện để tấn công. Kinh Thương mại không có đập chắn cũng không có cắm chông, cũng không có đóng đồn; nhưng kinh lại cạn, cỏ nhiều rất vướng, các phương tiện thủy vận của ta không dùng kinh này được.
Rốt lại chỉ còn kinh Bưu điện. Quân địch làm đập chắn và phòng thủ rất chặt chẻ kinh này, vì biết đây là đường nước sâu nhất mà các pháo hạm bằng sắt của ta có thể dùng để tấn công vào thành. Trinh sát và phúc trình của bọn gián điệp đều cho biết có rất nhiều đập chắn ngang, các đồn canh lại trang bị khí giới hùng hậu, rồi đây quân ta bắt buộc sẽ phải gặp sức kháng cự mạnh mẽ. Ðường cái quan từ sông Vaĩ-co đến My-thô thì người An nam đã phá hư hỏng không còn xử dụng được nữa, cầu bắc qua các kinh nhỏ đã bị phá xập. Ðường cái có bảy kinh nhỏ cắt ngang, đường vòng như hình cánh cung mà dây cung là con kinh Bưu điện.
Vì vậy là trên bờ, dưới sông hay trên mặt biển, tất cả đều cho thấy chuyến này đánh vào thành My-thô là một chuyện khó khăn và nhiều rủi ro. Nhưng sau khi ta phá hết đập, hạ hết các đồn canh giữ trên kinh Bưu điện, các pháo hạm bằng sắt sẽ có thể dùng kinh này để tiến đánh thành Mỹ-thô. Các cỗ súng nòng có khía đem đặt trên tàu sẽ giữ vai trò giống như đại pháo do ngựa kéo, hai bên bờ sẽ có bộ binh yểm trợ. Khi các toán quân viễn chinh tiến gần tới thành thì biết đâu nhờ may mắn ta sẽ gặp một con nước lớn bất ngờ trên sông Cambodge để có thể đưa cả hạm đội tới gần để đánh thành địch ngay trước mặt và cả bên hông thành.
Chương trình chiến thuật được quyết định như vừa kể, và ngày 26 tháng ba đại úy hải quân Bourdais, từ mười lăm ngày nay đóng nút chận tại cửa kinh Bưu điện nhận được lịnh bắt đầu hành quân đánh My-thô và phải khởi sự phá ngay các đập đầu tiên. Pháo hạm lớn Mitraille, đại úy Duval chỉ huy; pháo hạm số 18, đại úy Peyron chỉ huy; pháo hạm số 31, đại úy de Mauduit Duplessix chỉ huy; đại đội quân đổ bộ theo tàu Monge do đại úy de la Motte-Rouge chỉ huy; 200 thủy quân đổ bộ (thuộc các đại đội 2 và 5, do hai đai úy Proubet và Hanès cầm đầu); 30 người Tây ban nha do trung úy Maolini chỉ huy; 1 ổ súng cối miền núi và mười người phụ trách ổ súng này thuộc chiến hạm Impératrice-Eugénie thì giao cho thiếu tá Bourdais sử dụng và điều khiển. Ðại úy công binh Mallet và đại úy tư lịnh Haillot được biệt phái thêm cho đoàn quân xuống đánh My-thô.
Thủy sư đề đốc đưa xuống cho đại úy hải quân Bourdais những lời chỉ thị của ông liên quan đến cuộc hành quân và nhất là cách phải đối xử như thế nào khi ra mắt phó vương An nam:’’Ông phải nói với phó vương An nam trấn giữ thành My-thô, khi trao thư tôi cho ông ta, rằng ông ta phải để ta chiếm giữ thị trấn này và cả vùng tứ giác mà ranh giới là sông Vaĩ-co tây, kinh Bưu điện, kinh Thương mại và sông Cambodge, mà không được phép làm khó dễ gì hết; ông ta phải tuân theo điều chúng ta đòi hỏi không được trì hoản hay chậm trể vì bất cứ lý do gì.
‘’Nếu ông ta muốn về Saĩgon, xin ông cứ cấp cho ông ấy một tờ giấy thông hành. Ông ta sẽ được đối đãi trong thể. Nếu ông ta muốn đầu thú sang hàng ngũ của ta, ông ta sẽ được giữ nguyên tước phong, nhưng phải trở về dân sự. Nếu ông muốn rút lui an phận trên lãnh thổ An nam thì ta sẽ cấp cho phương tiện.
‘’Ông hãy thận trọng khi thám sát và lúc tiến về Mỹ-thô. Ông đừng quên là nếu bất cứ một người nào của ta bị địch bắt làm tù binh tức là một sự thất bại của ta; ngay cả lọt vào tay họ sống hay chết cũng thế._Mặc dù khi ông yết kiến vị phó vương cũng không được phép quên mục tiêu tối hậu của ta là chiếm My-thô (27 tháng 3 năm 1861).’’
Vị chỉ huy Bourdais tìm cách đưa tàu vượt kinh Thương mại trong suốt những ngày 27, 28, 29, và 30 tháng ba. Các pháo hạm bị lún bùn và bị cỏ quấn; càng ngày tàu càng gặp nhiều khó khăn, quả thật phải công nhận là kinh Thương mại không thể nào dùng để đưa tàu đến Mỹ-thô được. Vì thế vị chỉ huy Bourdais phải dồn tất cả lực lượng dưới quyền ông vào kinh Bưu điện. Ngày 1 tháng 4 ông đã tập hợp hết tàu bè của ông vào kinh này.
Tàu Mitraille, sau nhiều lần tìm cách vượt kinh Thương mại không xong thì nhận được lịnh trở về kinh Bưu điện. Tàu Mitraille khi vào Kinh Bưu điện phá được hai đập đầu tiên trong kinh này. Trung úy hải quân Gardoni, hai đêm trước đó cũng đã tìm cách tiến được đến đập thứ ba nhưng chạm trán với hai đồn trấn giữ nằm hai bên bờ; đạn bắn xéo từ hai đồn làm cho tàu không tiến lên được nữa.
Ngày 1 tháng tư, hai đoàn dọ thám trên bờ xác định vị trí hai đồn này. Tức thời pháo binh kéo súng bắn vào: nhưng vị trí vẫn còn cách xa một ngàn hai trăm thước nên không biết rõ kết quả. Hôm sau, ngày 2 tháng tư, Tàu Mitraille tiến lên, theo sau là tàu Alarme; nhưng tàu Mitraille lại bị mắc cạn cách đồn thứ nhất bốn trăm thước và làm nghẽn đường tiến của tàu Alarme phía sau. Tuy vậy, kinh còn đủ rộng để các pháo hạm số 18, 31 và 20 len qua được. Ba pháo hạm tiến đến sát đồn địch, khoảng cách chỉ còn bằng tầm súng ngắn cầm tay, chỉ trong mấy phút là khống chế được đồn này.
Cả hai đồn (đồn thứ nhất và đồn thứ hai), xây cất trên bùn, chung quanh có hào, nước sâu đến hai thước Mỗi đồn có đục mười hai lỗ châu mai. Các khí cụ phòng thủ phụ thuộc gồm có bàn chông, cọc nhọn và nhất là chung quanh đồn lại đầy bùn sình, vì thế không thể nào đánh thẳng vào được. Từ xa ta chỉ biết nã súng vào đồn. Ðồng thời, tuy dưới lằn đạn của địch từ trong đồn bắn ra, ta vẫn phá thêm được hai đập (đập thứ ba và thứ tư)._Trong trận này, đại úy hải quân Bourdais trương cờ chỉ huy của mình trên pháo hạm số 18. Hai tàu Mitraille và Alarme, mặc dù một bị mắc cạn một bị nghẽn không lên được, nhưng cả hai đã dùng hỏa lực để góp phần vào chiến thắng ngày mùng một tháng tư.
Ta mất suốt hai ngày, 2 và 3 tháng 4, để phá đập. Ðịch nhận chìm nhiều sọt đá dưới đáy kinh, quân lính phải mò lên từng tảng một. Cọc nhọn và cừ bằng thân cau cắm rất sâu dưới lòng kinh, ta phải dùng cần trục để nhổ lên. Ðể nhổ cọc ta đóng giàn thật chắc trên bờ, sau đó luồn lòi tói qua ròng rọc để buộc cừ cọc ngập trong bùn sình rồi kéo lên. Quân ta phải lội xuống kinh, sình ngập ngang người, phần phía trên phơi ra nắng nóng bỏng. Dịch tả lan tràn trong đoàn quân viễn chinh. Người nào không bị dịch tả thì bị sốt rét hoặc kiết lỵ. Từ lúc ta dùng đại pháo để hạ các đồn xong thì ngày đêm quân lính phải ra sức vét kinh, nhất là khi nhìn họ làm việc lom khom rét cầm cập dưới bầu trời thiêu đốt, ta thấy rằng sức nhẫn nại của họ đang thúc dục ta phải đắnh thành My-thô càng sớm càng hay. Người nào ngã xuống thì cho các sa-lúp dùng chở ngựa đem họ về tàu Mitraille và Alarme, bị mắc cạn và kẹt ở phía sau từ ngày 2 tháng 4.
Ngày 3 tháng 4, đập phá xong, ba pháo hạm bằng sắt tiến lên, được hai mươi phút lại chạm trán và bắn nhau với một đồn khác (đồn thứ ba) nằm phía bờ bên trái. Ngay phút đầu người chỉ huy An nam trong đồn bị thương văng mất một bên vai. Sức phòng thủ liền giảm đi, đồn bị ta hạ, địch bỏ chạy. Ðại đội 2 của ta chiếm lấy đồn. Ðồn có bốn lỗ châu mai dùng canh giữ hai đập cắm cọc và cừ nhọn (đập thứ năm và thứ sáu); đồn địch nằm vào khoảng giữa hai đập. Ðập thứ nhất cũng giống như các đập trước đây, tức cắm bằng thân tre và thân cây cau vạt nhọn; xa hơn một chút là một thuyền chiến chở đầy đất mà địch đem đánh đắm giữa kinh. Khoảng giữa hai đập thứ năm và thứ sáu có neo hai mươi lăm chiếc bè chất đầy lưu huỳnh và bùi nhùi. Vị trí này là nơi hai dòng nước trên sông Vaĩ-co và Cambodge gặp nhau, nên bùn đất dồn lại, đáy kinh rất cạn; ngay khi nước lớn cũng chỉ sâu một thước rưỡi. Chiếc thuyền chiến thì địch đánh đắm ngay vào nơi hai dòng nước gặp nhau.
Sau khi đồn thứ ba bị hạ, vị chỉ huy Bourdais liền ra lịnh cho đại úy Duval nội trong ngày mang tàu Mitraille quay về báo cáo tin chiến thắng của quân viễn chinh với vị tổng tư lịnh chỉ huy, đúng theo chỉ thị ông nhận lãnh trước khi hành quân. Ðại úy Bourdais sai phải báo cáo rằng ông đã chiếm được ba đồn, phá được năm đập; và chậm nhất là ngày 5 tháng tư sẽ phá xong đập thứ sáu để tiến lên; ông cũng đã đi được nữa đường từ sông Vaĩ-co đến sông Cambodge._ Vị sĩ quan lãnh trọng trách mang báo cáo sơ khởi về Saĩgon cũng gặp nhiều khó khăn. Tất cả sông rạch ông phải đưa tàu đi đều tùy thuộc vào thủy triều lên xuống, khi nước ròng thì nhiều nhánh cạn khô.
Nếu ba pháo hạm cứ tiếp tục liều lĩnh tiến lên mà không có bộ binh yểm trợ, ít nhất từ một trong hai bên bờ, sẽ phải gặp nhiều khó khăn. Hai bên lườn pháo hạm thường chạm với cây rừng mọc hai bên bờ kinh; địa thế ta không biết rõ; địch quân lại gia tăng thêm sức chống trả. Ta đang lâm vào một giai đoạn thật nguy hiểm trên đường tiến đánh My-thô. Ngày 4 tháng 4, từ Saĩgon ta hối hả thành lập một đội quân tăng viện, nhờ hộ tống hạm Echo do đại úy de Vautré chỉ huy đưa xuống. Ðạo quân tăng viện gồm 200 lính bộ do hai đại úy Lafouge và Azières cầm đầu; 100 thủy quân, 2 đại đội thủy quân đánh bộ, hai cỗ đại pháo nòng 4, hai súng cối miền núi nòng có khía trang bị đầy đủ thùng bọng và xe đạn, nhưng không có ngựa kéo, tất cả do đại úy Amlaudrie du Chauffaut cầm đầu; một đội công binh biệt phái gồm 50 người do đại úy Bovet cầm đầu và thiếu úy hải quân Amirault biệt phái sang công binh làm phụ tá. Thiếu úy Mahieu của công binh cũng đi theo, viện quân có chở thêm 20 000 viên đạn trừ bị cho bộ binh. Ðoàn quân viễn chinh trở nên khá đông và quyền chỉ huy chuyển sang tay của đại úy hải quân Le Couriault du Quilio, ông là sĩ quan tùy tùng của chính thủy sư đề đốc. Vị chỉ huy tiểu đoàn công binh là Allizé de Matignicourt làm phụ tá điều khiển tổng hành dinh cho vị chỉ huy mới tức là Le Couriault du Quilio. Hai hôm sau tức ngày 6 tháng tư, lại có thêm nhiều toán quân tăng viện nữa do đại úy hải quân Desvaux chỉ huy và hướng dẫn đưa từ Saĩgon đến Rach-run-ngu[6] Ðồng thời trung úy bộ binh Guilhoust ở Thu-yen-mot cũng được lịnh đem theo xuống tàu 3 ổ súng cối miền núi và trực chỉ My-thô.
Ngày 4 tháng 4, phó thủy sư đề đốc Charner ra huấn thị cho vị chỉ huy mới của đoàn quân viễn chinh đi đánh My-thô bằng những lời lẽ như sau: ‘’ Tôi giao cho ông thống lãnh đoàn viễn chinh đi đánh My-thô...Sau khi được báo cáo tình trạng hạm đội của ta trong kinh, và địa thế chung quanh thành My-thô, ông liệu xem có đủ sức đánh chiếm My-thô không, hay ông cần thêm yểm trợ nữa. Ông hãy cân nhắc và hành động thật cẩn thận không để xảy ra một rủi ro nào hết.Theo tình báo của người An nam đưa thì chung quanh thành có nhà dân vì thế ông có thể dùng cho quân ta ẩn nẩp và đặt một giàn pháo để phá thành nếu cần._Nếu ông thấy ta có thể đào mương để tháo nước trong hào chung quanh thành thì hãy thực hiện vào ban đêm, chuyện này cũng không phải là khó khăn lắm. Ðây là một vấn đề phải nghiên cứu tại chỗ._Nếu vị phó vương đề nghị thương thảo với ông, thì ông sẽ trả lời rằng phải để ông chiếm thành rồi mới nói chuyện. Không một phút nào ông được phép quên là ông đang liên hệ với một con cáo sẵn sàng đánh lừa ông.’’
Và ngày 6 tháng tư:
‘’Ông xem thử có thể đưa các pháo hạm bằng sắt vượt qua các địa thế mà ông đã thấy để vào sông Cambodge hay không. Rất có thể ông còn phải phá thêm nhiều đập nữa, và cũng có thể còn nhiều ghe thuyền địch đánh chìm để làm nghẹt kinh. Chưa nói đến là các pháo hạm bằng sắt của ta sẽ còn gặp khó khăn vì nước cạn. Tuy nhiên, đáy kinh là bùn nên các pháo hạm có thể vừa cày sâu xuống bùn một chân mà vẫn có thể tiến lên được.
‘’Người ta cho tôi biết ở My-thô có nhiều thuyền chiến rất tốt, có thể quân An nam đem vài chiếc ra chống với ông đó. Vì thế phải cẩn thận mới được. Hủy diệt được các thuyền này là điều hết sức mừng cho ta; nhưng nếu bắt được các thuyền này thì lại còn tốt hơn nữa; mục đích là cắt phương tiện rút quân của địch. ‘’Tàu Lily và tàu Sham-Rock, vắng mặt từ tám hôm nay, sẽ không gia nhập vào lực lượng của ông. Ý định của tôi là sau khi tiếp tế cho các tàu này xong sẽ cho hai pháo hạm giúp sức cố tìm đường để lọt vào sông Cambodge.
‘’Ông cũng chịu khó để ý xem là có thể thử đem hai tàu Mitraille và Alarme vào sông Cambodge được không. Nước thủy triều có thể giúp sức thêm. Ông xem thử ta có thể dùng hai thuyền buồm đáy bằng kéo pháo hạm giống nhự ngựa kéo để giúp pháo hạm thêm sức lướt lên hay không?’’
Trong khi đó vào ngày 5 tháng 4, sau khi đã phá xong các đập thứ năm và thứ sáu (ngày 3, 4, và 5 tháng tư), hạm đội của thuyền trưởng Bourdais, khi đó vẫn còn dưới quyền điều khiển của ông và đưọc tăng cường thêm pháo hạm số 16 do đại úy Béhic chỉ huy, đã tiến tới một đập nữa (đập thứ bảy). Lần đầu các tàu gặp địch quân chống trả từ hai bên bờ cùng một lúc; quân địch bắn xuống, các pháo hạm bắn trả thì quân xung kích biến mất. Ðây là một cảnh cáo cho ta. Quân ta tìm thấy một xác chết trên bờ và nhiều vết máu. Một đại đội thủy binh đổ bộ (đại đội 2) dừng quân và đóng tại địa điểm nơi hai dòng nước gặp nhau để làm quân yểm trợ, vừa để chống trả quân An nam thường tấn công lẻ tẻ ban đêm.
Lúc này thì bộ binh của ta hai bên bờ, vừa bị quân số thu hẹp, vừa phải cực nhọc phá đập nhổ cừ, nhổ chông, kiệt sức vì bịnh kiết lỵ, dịch tả và sốt rét, nên không còn đủ sức yểm trợ cho pháo hạm dưới sông nữa. Họ trông chờ đám quân tăng viện từ Saĩgon đưa xuống để tiếp sức bảo vệ các pháo hạm; ngoài công tác bảo vệ, quân tăng viện còn phải trinh sát để hướng dẫn pháo hạm, xác định vị trí đồn địch để tránh khỏi bị phục kích bất ngờ. Nhưng việc thực hiện thật khó khăn, nhiều khi không làm nổi: vì bọn gián điệp nói láo, hoặc hai bên nói với nhau không hiểu.
Tình báo do người An nam cung cấp (chỉ dẫn rất đúng) là bên tả ngạn chỉ có một kinh phụ, trong khi đó bên hữu ngạn có đến năm con rạch vừa lớn vừa nhỏ đổ vào Rach-run-ngu. Khi cách thành My-thô hai ngàn thước, con đường cái quan dọc bờ kinh có thể đắp lại và dùng được. Vì vậy quân ta quyết định tiếp tục hành quân theo bờ bên trái, sau đó khi gần đến My-thô sẽ đổi sang bờ bên mặt.
Nhóm quân tăng viện từ Saĩgon đi theo tàu Écho đổ bộ sáng ngày 5 tháng 4 ở ngã ba sông Vaĩ-co và sông Run-ngu; địa điểm này do chiến hạm Rhin trấn giữ. Ngay ngày hôm sau, đại đội 2 bộ binh và thủy binh đánh bộ được cho xuống các sa-lúp do pháo hạm số 22 kéo theo; di chuyên thường trễ nải vì cừ cọc khi phá đập vẫn còn nổi lều bều làm tắc nghẽn nhiều nơi trong kinh Bưu điện. Gặp chỗ đáy cạn, pháo hạm phải tháo bỏ các ghe sa-lúp để vượt qua trước, còn ghe sa-lúp cứ thả trôi theo dòng nước. Mặc dù bị mắc cạn nhiều lần, nhưng bộ binh và thủy quân đánh bộ cũng đến được vị trí đập thứ tám vào lúc ba giờ chiều. Ðại đội trưỏng Allizé liền cho lịnh đổ bộ và tiến lên theo bờ phía trái. Ðại đội 10 thủy quân và 50 lính Tây ban nha do trung úy Maolini chỉ huy cũng nhập chung trong đám quân này. Ðất mềm, sình lầy, cây cối chằng chịt, thân dẽo lại gai góc, ngựa và la không tiến lên được, các ổ súng cối mang theo đành phải khuân vác trên vai. Cứ bốn cu li mang một cỗ súng, bốn cu li khác thì vác bàn bắn, hai cu li khiêng một thùng đạn. Cứ chia nhau như vậy và họ đi thật nhanh.
Các pháo hạm theo sau cách khoảng độ một trăm bước: nhưng pháo hạm mới tiến lên được 500 thước lại phải dừng lại vì thân cau địch chặt và ném ngổn ngang dưới kinh. Vừa dừng lại thì đồn địch (đồn thứ tư) bắn túa ra; ta cũng không biết vị trí đồn chỗ nào.
Chính nơi này địch tập trung tất cả mọi phương tiện phòng thủ của họ. Dưới nước các chướng ngại khổng lồ bít hết kinh. Trên bờ họ dàn trận theo một đường tuyến dài một cây số, trước trận là quân xung kích, phía sau có pháo binh và quân trừ bị. Phía ta, bộ binh, thủy quân, lính Tây ban nha, thủy quân đánh bộ đổ quân tràn ra đồng. Bộ binh dàn ra làm quân xung kích, bên phải có thủy quân và lính Tây ban nha hỗ trợ, bên trái có thủy quân đánh bộ hỗ trợ. Quân xung kích hai bên liền bắn nhau. Trận chiến bất thần ngã ngũ sau hai loạt tấn công của bộ binh Tây ban nha do trung úy Maolini hướng dẫn rất gan dạ; địch lui quân, trái với thường lệ, họ không mang theo xác chết. Ta liền biệt phái một nhóm bộ binh chiếm đồn. Số quân sĩ còn lại cắm trại trong một ngôi làng gần ngay phía trước đồn.
Pháo hạm phải dừng lại trước các chướng ngại khi quân hai bên đụng nhau trên bờ. Các loại chướng ngại có kích thước thật đang nể. Ðập dưới đáy kinh thật chắc chắn (đập thứ tám) lấp một phần kinh dài suốt chín mươi thước gồm ba chặn, mỗi chặn có chín ghe nhận chìm chở đầy bùn đất, phía sau đập suốt 1 100 thước thì địch dùng một số thân cau ném chắn ngang mặt kinh, một số đóng xuống đáy kinh san sát giống như một nơi ương cây giống. Sau trại cây giống lại có một đập nữa (đập thứ chín). Ðập thứ chín nằm ngay phía trước đồn mà ta vừa chiếm xong và phía trước ngôi làng quân ta đang cắm trại, các pháo hạm còn kẹt lại phía sau.
Ngày 7 tháng 4, ta khởi công phá đập. Chờ lúc nước ròng, ta vét bùn trong các thuyền nhận chìm. Người An nam nhận chìm ghe nhưng đục lỗ quá cao không đục ở đáy, nên khi vét hết bùn thuyền lại nổi, thủy triều dâng lên thì thuyền trôi đi. Công việc phá đập nặng nhọc hơn các ngày hôm trước nhiều, nước ngập lên đến vai, đầu ló ra khỏi nước thì trời nóng như thiêu như đốt. Bộ binh nhiều người bị dịch tả: thủy quân đã bị dịch tả từ mấy ngày trước rồi. Càng ngàng càng phải huy động thêm bác sĩ cho đoàn viễn chinh; những người lính đánh bộ không bao giờ quên sự tận tâm của các bác sĩ Champenois và Azaĩs; bên thủy quân có bác sĩ Dugé de Bernonville. Ngay khi đến đập thứ bảy đã có đến 150 quân sĩ bị bịnh phải di tản: mỗi người một bịnh đòi hỏi phải săn sóc khác nhau; y tá cũng thiếu, bọn cu li Tàu bị dịch tả phải tự xoa bóp cho nhau. Nhiều tàu sa-lúp móp méo dưới móng ngựa từ khi còn ở Peh-tang bên Tàu bây giờ lại tệ hơn, bị thủng đáy và nước tràn vào; phần lớn các ghe thuyền cướp được của quân An nam cũng bị nước vào. Xác của quân lính ta thâm đen vì tai ương dịch tả, tạm thời đặt ở gầm tàu, cứ mỗi lần tàu bị chòng chành thì đè lên người sống. Thật quả là những trạm cứu thương quân y hết sức thảm thương. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mà trung úy hải quân Vicaire đã thấy trên chiếc sa-lúp Loire năm người trút hơi thở trước mắt mình.
Hạm trưởng và sĩ quan trên tàu Monge tiếp tục chỉ huy thủy thủ phá đập, đây là số quân lính duy nhất từ khi khởi sự phá đập đến nay mà vẫn còn đứng vững. Trong số thủy thủ đoàn của tàu Monge nhiều người đã chết, người nào còn sống sót chắc lâu lắm mới đủ sức hồi phục. Vị chỉ huy Bourdais bị sốt; những hôm gần đây ai cũng thấy ông suy yếu rõ. Ông thường xuống xuồng nhỏ để huy động, nếu thấy quân lính chèo xuồng lơi tay vì mệt lã thì ông quay sang người cầm đầu bọn lính chèo mà nói rằng: ‘’Bảo họ cố gắng lên, tao sẽ đề nghị gắn huân chương cho mày’’. Cứ như thế mà ông thúc họ cố gắng thêm Vị chỉ huy Bourdais, người điều động lính chèo và năm anh chèo xuồng người nào cũng ngất ngư như sắp chết. Vào một buổi chiều, khi đập thứ chín đã phá xong và sức chịu đựng đã cùng cực, người ta để ý thấy có một vài người Pháp và người Tagal bắt đầu than phiền.
Trong hai ngày gánh chịu cực nhọc và thương vong để phá đập, các pháo hạm bằng sắt đã vượt được khúc kinh bị chận để gặp đám bộ binh chiếm đồn An nam còn đang đóng quân để chờ. Kinh Bưu điện đổi hướng một cách bất ngờ tại vị trí này. Một khuỷu sông rất gắt làm kinh xoay hướng, cách đó vài trăm thước kinh lại đổi hướng một lần nữa cũng rất gắt làm cho Rach-run-ngu trở lại hướng bắc nam như trước.
Bọn gián điệp mà ta tra hỏi cho biết trước khi đến My-thô còn có một đồn quan trọng nữa trên kinh Bưu điện. Sau khi xác định vị trí của đồn, quân ta chọn chiến thuật như sau: dùng cu li mang vài khẩu đại pháo bọc hậu để bắn vào phía sau đồn, trong khi đó hạm đội sẽ tấn công vào mặt trước. Ngày 9 tháng tư, nhóm quân sĩ tăng viện cuối cùng đã đến nơi và nhập hết vào đạo quân viễn chinh đánh My-thô; pháo hạm số 20 (hạm trưởng Gougeard) vừa đến cũng tháp tùng theo các pháo hạm số 18, 31, 16, để tiến lên dẫn đầu. Ðạo quân trên bộ tiến dọc theo kinh Bưu diện. Ðiểm tập họp của hạm đội và quân trên bộ là cửa một con kinh nhỏ đổ vào Rach.
Các pháo hạm tới điểm tập họp nhanh chóng. Nhưng cả đoàn quân trên bộ lạc đường. Tên dẫn đường An nam cố tình đánh lạc hướng đoàn quân hay chính anh ta bị lạc cũng không biết, hoặc có thể anh ta cũng không hiểu quân ta muốn gì. Việc di quân hết sức cực nhọc, vì đoàn quân lọt vào một vùng toàn ruộng, kinh rạch chằng chịt, rừng thưa rải rác. Gần các bờ rạch, đất ướt sũng và mềm vì nước thủy triều lên xuống; bên trong, cách bờ một chút, thì người An nam theo tập quán đào dẫn mương rãnh khắp nơi, rễ cau bò ngập trong mương; quân lính ta chịu thua, lanh quanh không tiến lên được. Cả đạo quân phải nhắm chừng mà đi không hay rằng lạc hướng, càng đi càng xa con kinh Bưu diện, sai một góc đến 30 độ. Bỗng quân ta gặp một ngôi làng có rất đông quân lính An nam. Quân Pháp liền dàn ra chuẩn bị đánh nhau, trong khi đó quân địch lại rút lui mất hết. Quân ta liền chiếm làng chẳng phải đánh gì cả. Ta xem lại thì thấy ngôi làng nằm đúng trên con rạch mà cửa rạch là nơi tập họp; làng chứa đầy súng, lao và quân dụng. Quân ta biết cửa kinh là điểm tập họp nhưng cửa kinh còn cách bao xa thì thật khó tính cho ra; đúng tên dẫn đường đánh lạc hướng quân ta rồi, phải cẩn thận có thể lọt bẫy. Quân ta lại tiến lên hy vọng tìm được một nơi tạm ổn để cắm quân. Nhưng cả đoàn lọt vào một vùng đầm lầy, hố mương chằng chịt, cỏ mọc bít bùng; địa thế vừa nguy hiểm, lại vừa không giữ được trọng trách giao phó là yểm trợ cho đoàn pháo hạm.
Quân ta tiến lên lại vô tình lọt vào cạnh ngay đồn địch mà ta đang lùng tìm để đánh; bọn gián điệp bảo thế; trung tá Allizé cũng có linh cảm như thế. Quân ta liền quay lại đường cũ và cắm quân trong ngôi làng vừa rồi. Ít ra là nơi đây, dựa vào con rạch ta có thể để liên lạc với hạm đội. Ðoàn quân cắm trại vừa xong thì đại đội 3 của đại úy Sénez được lịnh lên đường hộ tống một đoàn vận tải lương thực sắp đến; đại đội phải đi đêm mà không được nghỉ ngơi gì.
Vào khoảng mười một giờ tối (ngày 9 tháng 4), bỗng nghe thấy tiếng la và tiếng báo động của quân canh. Một vùng sáng choang đang di chuyển trên kinh Bưu điện. Trung úy hải quân Joucla trên tàu Echo, chỉ huy đoàn vận chuyển đạn dược và lương thực, liền nhảy xuống ghe nhỏ xáp đến phía đuôi các pháo hạm thông báo tình trạng nguy hiểm. Sau đó thì hướng ghe vào bờ kinh, nơi mà đoàn tàu vận chuyển đang tập họp, ông ra lịnh phải nhổ neo thật gấp. Nhờ nước lớn và chảy mạnh nên việc tách bến cũng nhanh. Ông tiến lên trước và kéo một thuyền hỏa công của địch. Trung úy Besnard, do trung tá Allizé đưa đi thám thính cũng kéo một thuyền hỏa công khác ra xa. Ðó là hai thuyền buồm chở đầy dầu; cả hai đều được khéo léo đưa vào một nhánh kinh nhỏ của Rach-run-ngu, thật là may phước. Hai thuyền hỏa công cháy rực, lửa sát tới mặt nước; cỏ và cây bị cháy nám cả một vùng rộng lớn. Phản ứng và hành động mau lẹ này làm cho hai trung úy hải quân Joucla và Besnard rất hãnh diện.
Nước trong kinh chảy mạnh khoảng hai hải lý, vì thế thật nguy hiểm. Các pháo hạm phải buộc giây vào nhau. Ngay đêm đó phải dựng một hàng cọc chắn bảo vệ các pháo hạm, và từ đêm hôm sau vị chỉ huy đoàn quân cứ tối đến là cho giăng xích sắt chận ngang kinh.
Hết Phần Hai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét