Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Nhà văn Duyên Anh




Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo, Sáng tác nhạc

Nhà Văn

Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16-8-1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý nhưng sống thời thơ ấu ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình (1). Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông là con cả của một gia đình 7 người con. Thân sinh ông làm thầy lang, sau đổi ra buôn bán nhỏ. Ông học các trường tổng, trường tỉnh – tư thục Trần Lãm, rồi lên Hà nội học trung học. Ở quê nhà, Duyên Anh đã chứng kiến và sống những biến cố lịch sử 1945 và 1954. Duyên Anh di cư vào Nam cuối năm 1954.

Vào Sài Gòn, ban đầu ông sống qua nhiều nghề như giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiệc bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, kèm trẻ tư gia, v.v.. Giữa năm 1955, ông theo Đại Việt Duy Dân lên Ban-mê-thuột làm ‘cách mạng’ được vài tháng rồi sau đó được người của tổ chức đưa xuống Long Xuyên dạy học ở các trường bán công Hòa Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Sau đó, ông đến Mỹ Tho mở trường dạy đàn guitare tại gia. Lên lại Sài Gòn năm 1960 học thi tú tài và lập gia đình tháng 1 năm 1962. Duyên Anh bắt đầu viết truyện ngắn và thơ đăng trên tờ Chỉ Đạo là cơ quan của Ban chỉ đạo chiến dịch tố cộng thuộc bộ Quốc phòng do Ngô Quân và Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút. Truyện đầu tiên đăng trên tập san này là Hoa Thiên Lý. Những bài thơ đầu tay cũng trên tạp chí Chỉ Đạo như Bà mẹ Tây Ninh, Em tôi. Đồng thời ông viết cho tờ Gió Namcủa Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia. Sau đó làm việc tại Tổng nha thanh niên, biệt phái làm tại tòa soạn tờ Chiến Đấu, cơ quan ngôn luận của Thanh niên cộng hòa của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng với nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí. Sau cùng, Duyên Anh trở về Tổng nha thanh niên làm việc ở sở Tuyên huấn. Ông viết bài ca ngợi thanh niên cộng hòa để đọc trên đài phát thanh. Đời công chức của ông cũng chấm dứt ở đấy sau khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị “đồng minh” Hoa kỳ đồng lõa với một số tướng tá lật.

Sau vụ “chỉnh lý” đầu năm 1964, Duyên Anh cộng tác với nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, một tờ báo chống Cộng và chống cả những lực lượng chính trị khuynh đảo miền Nam. Từ nay Duyên Anh sống bằng ngòi bút và viết phiếm luận vì muốn đả phá bất công xã hội. Năm 1967 chủ bút tuần báo Con Ong của Minh Vồ sau khi đã cộng tác với nhật báo Sốngcủa Chu Tử và từ năm 1968 với nhật báo Công Luận của tướng hồi hưu Tôn Thất Đính. Ông cũng viết cho nhật báo Tin Báo của Nguyễn Mạnh Côn là người đã khuyến khích giúp đỡ Duyên Anh ở bước đầu văn nghiệp. Năm 1968, Duyên Anh chủ trương tuần báo Búp Bê sau khi đã phụ trách trang Búp Bê cho nhật báo Công Luận. Sau đó, ông chủ trương các tuần báo Tuổi Ngọc (1969-1975) và Người (1970), tuần báo chuyên trào lộng chính trị, cũng như nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Từ sau 1971, ông giã từ nghề nhật báo vì nghĩ không thể trở thành ký giả chuyên nghiệp lý tưởng, rồi phận “con sên già lùi bước” khi cạn vốn đã phải biến tuần báo Tuổi Ngọc thành bán nguyệt san. Trước đó ông đã từng bị chế độ kiểm duyệt không cho viết tiếp các phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt trên báo Sống. Ông muốn trở lại làm nhà văn của tuổi thơ và của tình người trong không khí lãng mạn thuần túy của dân tộc như lời giới thiệu trong Nước Mắt Lưng Tròng.

Ông ký Duyên Anh và Duyên Anh Vũ Mộng Long khi viết văn, ký Thương Sinh, Thương Anh, Bếp Nhỏ, Mõ Báo, Vạn Tóc Mai, Thập Nguyên, v.v. khi viết báo và làm chủ báo. Bút hiệu Duyên Anh là tên một bản nhạc của một người bạn cùng lớp, bút hiệu được dùng để nhớ người bạn ở lại miền Bắc sau 1954


Tác phẩm : 50 cuốn trước 1975, liệt kê theo thứ tự năm xuất bản: Hoa Thiên Lý (1963), Thằng Vũ (1965), Luật Hè Phố (1965), Điệu Ru Nước Mắt (1965), Dấu Chân Sỏi Đá (1966), Dũng Đakao (1966), Ảo Vọng Tuổi Trẻ (1967), Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang (1967), Gấu Rừng (1967), Cỏ Non (1967), Bồn Lừa (1967), Nặng Nợ Giang Hồ (1968), Tuyển Truyện Tuổi Thơ (1968), Ngày Xưa Còn Bé (1968), Mây Mùa Thu (1968), Cầu Mơ (1969), Con Suối Ở Miền Đông (1969), Ánh Mắt Trông Theo (1969), Ánh Lửa Đêm Tù (1969), Trường Cũ (1969), Thằng Côn (1969), Tuyển Truyện Duyên Anh (1970), Mơ Thành Người Quang Trung (1970), Nhà Tôi (1970), Lứa Tuổi Thích Ô Mai (1970), Tuổi Mười Ba (1970), Mặt Trời Nhỏ (1970), Rồi Hết Chiến Tranh (1970), Chương Còm (1970), Đàn Bà (1970), Giặc Ô-Kê (1971), Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời (1971), Nước Mắt Lưng Tròng (1971), Châu Kool (sau viết thành truyện phim Trần Thị Diễm Châu, 1971), Áo Tiểu Thư (1971), Hưng Mập Phiêu Lưu (1971), Tên Một Loài Hoa Quê Hương (1971), Ngựa Chứng Trong Sân Trường (1971), Con Thúy (1971), Thằng Khoa (1972), Về Yêu Hoa Cúc (1972), Phượng Vĩ (1972), Thư Tình Trên Cát (1973), Đêm Thánh Vô Cùng (1973), Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (1974), Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy (1974), Sa Mạc Tuổi Trẻ, Hạ Ơi, Hôn Em, Kỷ Niệm, Cây Leo Hạnh Phúc (1974) và Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (1-1975) là tác phẩm cuối cùng xuất bản trước ngày 30-4-1975.
Tất cả là truyện dài ngoại trừ Hoa Thiên Lý, Tuyển Truyện Tuổi Thơ, Tuyển Truyện Duyên Anh là tuyển tập truyện ngắn. Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời có hình thức là một tập nhiều truyện ngắn nhưng thật ra là những đoạn văn trích từ các tiểu thuyết của ông. Trong trường hợp Duyên Anh, truyện dài nhiều khi thật ra chỉ là truyện vừa và thường được in với khổ chữ lớn như sách cho thiếu nhi. Cuốn Luật Hè Phố khi tái bản năm 1969 chia thành phần với 2 tựa mới: 1, Giấc Mơ Một Loài Cỏ, 2, Con Suối Ở Miền Đông. Duyên Anh từng theo con đường Tô Hoài tiền chiến viết chuyện thú vật nhưng hình như chỉ ra một cuốn về thế giới mèo chuột, Rồi Hết Chiến Tranh. Bốn tiểu thuyết của ông (Điệu Ru Nước Mắt, Nhà Tôi, Trần Thị Diễm Châu,.. ) đã được đưa lên màn ảnh.
Ngoài ra Duyên Anh còn viết Hồi ký Nhà Báo đăng trên báo Tuổi Ngọc (3) về cuộc đời viết báo và làm báo của ông vì “muốn giúp những người đi sau tôi nhìn rõ những đổ vỡ của tôi mười năm làm báo” (4). Ngoài ra ông có viết Hồi ký binh nghiệp và Nói chuyện với lính cho Tôn Thất Đính chủ nhiệm tờ Công Luận.Sau ngày 30-4-1975, ông bị bắt ngày 8-4-1976 nhốt tù ba năm ở Phan Đăng Lưu và khám Chí Hòa rồi bị đưa đi cải tạo ba năm ở Xuyên Mộc và Hàm Tân. Được thả tự do đầu tháng 9-1981 nhờ các hội Ân xá và Văn bút quốc tế can thiệp nhưng lại không được đi Pháp theo diện chính thức với gia đình tháng 4-1982. Do đó ông vượt biên năm 1983 bằng thuyền và định cư tại Pháp từ 20-10-1983, tiếp tục viết truyện, thơ, làm phim và vidéo (viết dẫn giải và xướng ngôn cho Paris By Night) và làm nhạc. Duyên Anh bị tấn công trên báo chí cộng sản trong nước cũng như của người Việt hải ngoại, và ngày 30-4-1988, ông bị hành hung đến tật nguyền trên đường Bolsa ở Little Saigon, California. Ngày 10-6-1990 ông trở lại đạo Thiên chúa, lấy tên thánh Giu-se và trở lại viết truyện và bút ký từ ngày 11-10-1990. Ông can đảm vượt qua nhiều nghịch cảnh, bơi ngược giòng theo triết lý mới mà ông đặt tên là triết lý sống của con gọng vó. Cuối đời, Duyên Anh càng bị giới làm văn học và báo chí người Việt hải ngoại cô lập, ít nhắc nhở đến. Ở hải ngoại, Duyên Anh viết hồi ký (Nhà Tù, Nhìn Lại Những Bến Bờ), in thơ về thời bị tù và học tập, xuất bản truyện chống Cộng (bộ Hồn Say Phấn Lạ, ..) và đề cao tuổi trẻ (Bầy Sư Tử Lãng Mạn, Một Người Tên Là Trần Văn Bá, v.v.). Có lúc ông viết lại phiếm luận với bút hiệu Đồng-Nai Tư-Mã trên tạp chí Ngày Nay (Kansas) và định tái xuất Con Ong, nhưng ông đã sớm bỏ ý định làm báo ở Bắc Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp và người Pháp quay phim, sôi nổi nhất là Un Russe à Saigon (1986). Gần cuối đời, ông đưa người Mỹ vào tiểu thuyết và viết đề cao ca dao và tình tự dân tộc. Ông mất ngày 6-2-1997 tại Pháp vì bệnh ung thư gan, thọ 63 tuổi. Duyên Anh được hỏa thiêu sau tang lễ theo nghi thức công giáo ở nhà thờ Saint Madelaine, Plessis Robinson.

Tổng quan

Tác phẩm Duyên Anh trước 1975 gồm các chủ đề : tình yêu quê hương, tuổi thơ, tuổi trẻ và xã hội. Những truyện đầu tay Duyên Anh đã viết trong hoàn cảnh xa quê nhà và nghèo khó, ông đã viết với “niềm xúc động thật tình”. Dù không thành công về số lượng sách bán được (Hoa Thiên Lýin 1500 bán được 400, Thằng Vũ in 2500 ế dài, nhà phát hành không bán vì tên truyện không hấp dẫn). Nhưng vài năm sau, tiểu thuyết của ông được tiêu thụ mạnh: Hoa Thiên Lý được tái bản nhiều lần và nhiều cuốn mỗi lần xuất bản in đến 5, 6 ngàn bản. Có lẽ sự thành công khiến ông viết dễ dãi sa đà “để nói những gì muốn nói” do đó đã thiếu chăm sóc, dài dòng và hay trùng điệp. Trong Cây Leo Hạnh Phúc chẳng hạn, ông đã để “thằng Đốm”, một đứa bé, nói: “Thôi thôi, con nhất định không lấy vợ đâu. Lấy vợ khổ thấy mồ, phải ăn cơm ở nhà hoài hủy. Không lấy vợ đi ăn cơm tiệm đều đều, xem xi nê mỗi ngày…” (tr. 455). Duyên Anh hay đem chuyện và người thật vào tiểu thuyết – như là nơi để ông nói về bạn bè, điểm thơ văn hay hành cử, nói tốt thì thường, nhưng khi nói xấu thì sao không gây thù chuốc oán. Đọc tiểu thuyết của ông, người đọc dễ đoán được diễn biến và cả kết thúc vì thường tác giả theo một khuôn luân lý hoặc mẫu người. Ông đã dễ dãi kỹ thuật, tình tiết đơn sơ dù ông tràn ngập chi tiết và hợp tan cũng dễ.

Trong hơn hai mươi năm văn học miền Nam, Duyên Anh đã là một trong số những hiện tượng văn học. Hiện tượng trước hết vì ông viết nhiều, sau vì ông có hẳn một chủ trương làm văn học và có đường lối văn chương của ông. Viết nhiều và các tác phẩm về sau có khi hay lập lại, có khi trích dẫn thơ văn quá độ. Nếu trong nhiều tiểu thuyết xã hội ông liên tục tấn công cái Ác và đề cao tình người hay cái Thiện thì trong bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Duyên Anh liên tục làm sống cái xã hội và con người hiền hòa, thơ mộng. Hiện tượng vì sau hết, dù thành công, Duyên Anh vẫn tiếp tục chân thành với người đọc, không huênh hoang, tự cao hay thay đổi lối viết. Ông cũng đã cố gắng tách rời Thương Sinh nhà báo trong văn chương dù có khi yếu ớt. Duyên Anh đã thành công trung thành với người đọc của ông. Chính cái trung thành hỗ tương này làm nên thành công cho tác giả Thằng Vũ, ông trở thành hiện tượng, đại diện cho một giá trị nào đó, trở thành thân thiết, thành cái không thể thiếu, cái tất yếu, phải đọc; người đọc như đồng hóa với nhân vật và xã hội tiểu thuyết của ông, có khi gần mà như xa vì dù đơn sơ, bình dị, thế giới đó, tỉnh lỵ Trà Lý hay Sài gòn, nhân vật đó – những thằng Vũ, con Thúy, em tôi, Trần Đại, Châu Kool, … vẫn như xa cách, lý tưởng quá chăng, hài hòa quá chăng – là những cái hiếm có trong xã hội thật. Mộng và thực như đời sống, ở nơi đây nhưng mơ mộng cái lý tưởng và xa xôi. Nếu thế giới thằng Côn con Thúy ở tỉnh lỵ quá đẹp, nên thơ, đáng mộng mơ thì thế giới Trần Đại hay Danh Lựa đánh giày,… quá tàn nhẫn; nhưng ở cả hai xã hội đó, cái ước muốn sống Thiện, sống đời bình thường có cha mẹ gia đình vẫn ở đó, vẫn là cái xương sống, cái lõi của những bầy nhầy khốn nạn trên bề mặt. Khi viết, Duyên Anh đã biết đối tượng của tác phẩm ông: viết cho những người như ông, mơ và sống một cuộc đời bình thường trong đó người đối xử với người với thành tâm, viết cho những người muốn sống bình thường nhưng vì nhiều hoàn cảnh đã không thể được, đã bị bứng ra khỏi thế giới đó. Duyên Anh đã không thuộc vào loại nhà văn viết cho mình hay viết để mà viết hay viết mà không cần người đọc, loại văn nghệ sĩ không tưởng, làm dáng, viễn mơ xa người đọc. Ông cũng không đề ra những câu hỏi nhân sinh hóc búa, những lý thuyết cho tương lai xa tầm với. Ông giới thiệu với người đọc những mảnh đời đẹp, có thể thần tiên, có thể khốn khổ. Tác phẩm của Duyên Anh cũng là những trả lời những gì người đọc có thể muốn biết, về cuộc đời, về con người.

Khác với các nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng, v.v., Duyên Anh chưa hề diễn thuyết hay lập ngôn về văn chương của ông. Trong một cuộc gặp gỡ với các sinh viên Văn khoa Sài Gòn ngày 6-3-1972 do linh mục Thanh Lãng trưởng ban Việt văn tổ chức, Duyên Anh đã tâm sự : “Không ai thấy trong tiểu thuyết của tôi những tiếng thét hãi hùng, cô đơn, thân phận làm người, v.v.. Tiểu thuyết của tôi kết thúc vẫn là tình của con người với con người. Tôi không vô thần nhưng không tin Thượng đế, chỉ tin ở con người. Sự an bình của con người không do Thượng đế mà do con người”. (5). Trong một phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh (tức Nguyễn Xuân Hoàng) trên tạp chí Văn năm 1972 (6), Duyên Anh xác nhận thêm ông “chỉ ca ngợi Tình Người. Tôi không dấn thân, chẳng viễn mơ, … Tôi không thích theo đuổi hẳn một khuynh hướng nào…”. Đó có thể cắt nghĩa việc Duyên Anh không được giới làm văn chương ở miền Nam trước và sau 1975 xem là nhà văn lớn bên cạnh Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, v.v.. Sách ông xuất bản ít có bài phê bình giới thiệu và hơn 12 năm làm văn học đã chỉ có vài bài phỏng vấn, một số Văn Học đặc biệt về “thế giới tuổi thơ” của ông và một cuốn tiểu luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng Và Thực (1972) của Huỳnh Phan Anh
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt trong Tác Giả Tác Phẩm Tiêu Biểu Nền Văn Học Nghệ Thuật Thời Chiến Tranhcũng đã ghi nhận chân tình đó của người viết Duyên Anh : “Truyện của tôi không cầu kỳ, không tối tăm, không ngộp thở. Tôi không chơi văn chương và triết lý. Nó bình thường như một người Việt Nam bình thường mộc mạc. (…) Tôi viết bằng cảm xúc…”

Duyên Anh đã là hiện tượng vì ông thuộc về lớp nhà văn đã ảnh hưởng đến người đọc, những người trẻ, những người mất tuổi trẻ, những người sống bằng hoài niệm, bằng kỷ niệm và quá khứ, của người đô thị nhớ về đồng quê dung dị thời thanh bình. Người đọc ông có thể là người di cư từ phía Bắc tuyến 17 phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, cũng có thể là người trẻ mới lớn ở miền Nam. Dù sao thì người đọc của ông không ít và ảnh hưởng có thể có của tác phẩm ông đã khiến những người cộng sản đã cấm sách ông và liệt ông vào số những người “biệt kích văn hóa tư tưởng”. Lý do là Duyên Anh đã làm cùng công việc của họ, đã dám ảnh hướng giới trẻ, dám giáo dục giới trẻ như đề cao tình thương yêu, tình người … Duyên Anh đã dám “cạnh tranh” với những huyền thoại của họ. Duyên Anh đã tạo dựng những thần tượng tuổi thơ hiền lành nhưng hiểu biết trong tiểu thuyết, nhưng những thần tượng tuổi thơ này đã vượt thế giới tiểu thuyết để đi vào cuộc đời, đã ảnh hưởng giới trẻ trong Nam. Duyên Anh bị kết án “lừa gạt trẻ con”. Phải chăng sự kiện đây có thể giải tỏa nghi vấn về việc Duyên Anh bị đả thương thành tật nguyền ở hải ngoại và đã bị liên tục kết án? Duyên Anh đã “cứng đầu”, vẫn tiếp tục sứ mạng ông tự cho – viết cho tuổi trẻ, viết về tuổi trẻ và ước vọng nhân sinh của chúng.

Nếu nói Duyên Anh thì là một thứ chống đối tự nhiên của một người dân bình thường không thích chiến tranh hoặc đã phải sống những đổ nát do chiến tranh gây ra. Ông không đưa ra những lý thuyết lớn như nhà văn các nhóm Quan Điểm, Thái Độ, Sáng Tạo,… Ông chống cái Ác và đòi hỏi sự thật và lẽ phải phải được tôn trọng.

Năm 1971, Duyên Anh đã quyết định bỏ nghề làm báo để chỉ làm xuất bản và ra báo cho tuổi trẻ. Quyết định có thể bắt nguồn từ những đụng chạm lớn trong nghề báo, từ những thành công khiến ông đi quá đà gây nhiều hận thù và bớt bạn, nhưng có thể ông đã hối hận về nghề báo đi sai đường hướng văn nghệ của đời mình. Duyên Anh có quá đáng khi làm báo ngoài những lý do bình thường, có thể cái quá đáng đó thúc đẩy bởi ước muốn công bằng xã hội. Bỏ chốn lụn bại báo chí, Duyên Anh trở lại, sống hết mình với thế giới trong sáng của tuổi thơ và tuổi trẻ. Sau 1971, ông đã viết tiếp bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ và xuất bản những tiểu thuyết về tình yêu.

Niềm tin ở chân thiện mỹ, ở đời sống và con người, Duyên Anh tin một cách chân thành không màu mè; thể hiện ở câu chuyện, cách hành văn, không thuyết lý. Duyên Anh đã viết văn như đã sống với một tâm hồn thẳng thắn dù đã có lúc phải làm bất cứ nghề gì để sống còn, phải làm lại cuộc đời từ số không. Duyên Anh không có ý làm mới ngôn ngữ. Nói chung, ông xử dụng một ngôn ngữ bình thường, dung dị hợp với câu chuyện và nhân vật của ông, tất cả như vừa tầm mọi người. Ngay cả khi ông mơ mộng hay viết về cách mạng.

Đời sống tác giả thiếu thời như phần đông người Việt, nghèo thiếu thốn, cố gắng vươn lên và Duyên Anh đã thành công sống tự lập bằng ngòi bút. Do đó ông thương xót cho số phận đa số tức người nghèo, thiếu phương tiện học hành, những đứa trẻ nhà nghèo như ông đã từng, những đứa trẻ mồ côi sống đầu đường xó chợ, ông hiểu chúng, từ chỗ hiểu đưa đến ước muốn giáo dục hay làm cái gì đó cho chúng khá hơn hay ít ra cho mọi người hiểu thân phận chúng. Cái nhìn từ bi, muốn tới gần, lo cho chúng thay vì khinh bỉ, xua đuổi. Những nhân vật mồ côi, du đãng. Hãy nghe Duyên Anh cắt nghĩa lý do ông phẫn nộ : “Tôi là con một gia đình bần nông ở Thái Bình. Từ nhỏ, tôi đã sống nghèo khổ, chứng kiến cảnh bố mẹ chạy ăn từng bữa mà còn bị bọn cường hào ác bá hành hạ, ức hiếp. Tới khi khôn lớn lên, sống bằng nghề báo thì mỗi khi cầm bút, viết về câu chuyện bất công của thời đại, tự nhiên tôi lại nhớ tới dĩ vãng thù hận. Thành ra giọng văn trở thành phẫn nộ, ác độc” (1)

Duyên Anh đã viết trên 70 cuốn truyện dài, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Trước 1975, ông đã là tác giả của gần 50 tác phẩm, có thể xem là một trong số mười nhà văn có số xuất bản kỷ lục đó. Duyên Anh đã cho biết ông “không viết để đạt một kỷ lục về số lượng. Tôi viết vì sự thôi thúc của dĩ vãng và của sự quằn quại với lịch sử đất nước. Như mọi người trong thế hệ chúng ta, khi mới 10 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh Nhật đảo chánh Pháp. Rồi sau đó, tôi đã đi đếm xác những dân làng tôi bị Nhật làm cho chết đói. Rồi thì cách mạng tháng Tám tiêu thổ kháng chiến, dân làng tôi bồng bế chạy loạn. Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi đã mất hết trong cách mạng và chiến tranh”. (1)

Một số đề tài

Tình yêu quê hương, gia đình

Hoa Thiên Lý xuất bản vào một giai đoạn khó khăn của tác giả trước đảo chánh 1-11-1963. Tập gồm 10 truyện, tuy là tác phẩm đầu tay nhưng như đã đánh dấu con đường văn chương của tác giả kể cả ngôn từ xử dụng. Cánh cửa văn chương đã mở với Hoa Thiên Lý và sẽ tiếp tục trong các tác phẩm sau này, văn chương của ký ức, của tuổi thơ đánh mất, của những kiếm tìm quá khứ đời xưa người cũ, của một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm.

Hoa Thiên Lý ngoài nỗi niềm thương nhớ về người mẹ, còn là nỗi lòng yêu thương cần có trên đường đời mà tác giả sẽ tiếp tục dàn trải trên các tác phẩm về sau. “Tôi đi tìm thương yêu trong màu hoa thiên lý, đi tìm những bà Mẹ biết kể chuyện tâm tình, đi tìm cô bé thả mắt trong mơ dưới giàn cây…” (tr. 23). Nhớ thương, đi tìm. Và nỗi buồn xa cách. “Giàn thiên lý quê nhà giờ đây đã héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy, người ta cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi dưới giàn hoa thiên lý mà kể chuyện cho tôi nghe” (tr. 22-23). “Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào đó người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xơ xác đầy những oán thù” (tr. 23). Còn hy vọng thì sao mà nhỏ nhoi : “Bao giờ rừng cây yêu thương đơm trái, người quê hương sẽ về cướp lại đất quê hương và tôi phải gặp cô bé dưới giàn cây bâng khuâng ngồi đếm giọt hoàng hôn rơi” (tr. 23).

Truyện Hoa Thiên Lý là truyện đầu tay của Duyên Anh đã được viết trong hoàn cảnh cùng khốn của đời lưu lạc. Trong hồi ký Nhà Báo, Duyên Anh đã kể : “Sống buồn thảm như thế, tôi đâm ra nhớ nhà kinh khủng. Nhớ nhà và thương tiếc tuổi thơ của mình. Trước hết, tôi nhớ mẹ tôi. Vào một đêm mưa mù mịt chân cầu Tân Thuận, không ngủ được vì mái nhà dột tứ tung, tôi đã thức suốt đêm hí hoáy viết truyện ngắn đầu tay Hoa Thiên Lý” (8).

Các truyện ngắn khác, Con Sáo Của Em Tôi, Em, … tiếp câu chuyện tuổi thơ của Duyên Anh, hay Vòng Tay Của Một Người về tình yêu như một cái cớ để mơ để sống về quá vãng, hay Trẻ Thơ và Bụt, Người Có Tội, Khúc Rẽ Cuộc Đời, … về tuổi thơ như một khung trời với một vài thảm kịch nhân sinh của người lớn nhưng ảnh hưởng đến tuổi thơ, Khúc Rẽ Cuộc Đời về những người trẻ đánh mất tuổi thơ vì chiến tranh và cách mạng, về xung đột bi đát của Mộng và Thực: “Khoa có bao nhiêu kỷ niệm gửi trong mắt chị Hiền, trong nụ cười Vĩnh, Bảo (…) Trọn đời, Khoa sẽ nhớ những buổi câu cá dưới gốc cây si nghe chị Hiền kể chuyện ma (…) Người mẹ mớm cơm cho con mau lớn như chị Hiền mớm tình cảm cho Khoa biết mơ mộng. Khoa mong ước sau này Khoa bước xuống cuộc đời gặp nhiều chị Hiền” (tr. 191). Nhưng cách mạng về, đời thơ mộng thành ác mộng: “Phải chứng kiến lưỡi kiếm đâm từ ngực xuyên qua lưng ba Vĩnh. Phải thấy ba Vĩnh dẫy dụa trên vũng máu. Phải thấy me Vĩnh chết ngất trên thây ba. Phải thấy xác chị Hiền trần truồng. Phải thấy mắt chị trợn trừng uất hận mới hiểu cách mạng và chiến tranh” (tr. 194). Em Dực của tác giả trong truyện Em bị nhuốm đỏ, ngây thơ đã bị vẫn đục với những kêu gọi “trường kỳ kháng chiến”, “tiến bước dưới cờ Ma-len-cốp vinh quang” (tr. 111).

Tập truyện Hoa Thiên Lý đã là cánh cửa đưa Duyên Anh vào văn chương như tác giả đã kể lại trong Nhìn Lại Những Bến Bờ : “Hoa thiên lý là một cánh cửa sổ đã mở để tôi nhìn tôi khởi sự những truyện ngắn chan chứa tình người. Nó rất quan trọng đối với tôi, bởi vì, nó là hành tinh tư tưởng và trọn đời tôi, tôi xoay quanh cái hành tinh đó để phô diễn văn chương nhân bản của tôi…” (9). Và tập Hoa Thiên Lý gồm những truyện viết kỹ lưỡng thời nghèo khó đã là những truyện ngắn hay nhất của Duyên Anh như ông đã từng thú nhận trong cùng cuốn hồi ký (10).

Tuổi thơ

“Tuổi ngọc” được Duyên Anh chăm sóc rất kỹ trong văn nghiệp của ông. Trước hết với Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, bộ truyện gồm 6 quyển mà khung cảnh là tỉnh lỵ Thái Bình những năm 1944-1954: Thằng Vũ, Thằng Côn, Thằng Khoa, Con Thúy,… Thằng Vũ được khởi viết vào những năm cuối cùng làm công chức trước cách mạng 1-11-1963. Tuổi thơ lồng trong thảm cảnh của chiến tranh, của tù đày, bạo động, phản trắc, của chia cách, của những vùng tề, vùng tiếp thu. Bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là “lịch sử mười năm được nhìn và suy nghĩ bởi tuổi thơ. Điều tôi định sẽ nói lên trong Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là con người sẽ xây dựng lại tất cả, nhưng sự đổ vỡ về tình người thì không thể xây dựng lại được” (11), vì xuất phát từ nỗi thất vọng của tác giả về chiến tranh, về cái hoàng hôn xám tình người lạnh lẽo và hờ hững. “Tất cả cho cách mạng Tháng tám. Còn gì nữa mà cho. Vàng cho hết rồi. Niềm tin cho hết rồi” (Con Thúy, tr. 187). Cách mạng đã cướp mất tuổi thơ, đã khiến tuổi thơ sống đày đọa trong khói lửa và bạo động. Cách mạng dạy con người đánh mất tính người.

Đến các truyện Dzũng Đa-Kao, Chương Còm, Bồn Lừa, Hưng Mập, … một tuổi nhỏ mới của miền Nam phải đương đầu với chiến tranh mới Bắc-Nam. Tuổi thơ này muốn làm anh hùng dân tộc (Mơ Thành Người Quang Trung), thủ quân kiêm trung phong của đội tuyển thiếu niên làm đẹp dân tộc (Bồn Lừa). Đưa trẻ em hư hỏng ở vỉa hè vô trường học (Giặc Ô-Kê). thành thị kết tình với tuổi thơ nông thôn (Hạ Ơi), kinh với thượng (Gấu Rừng). Có khi tuổi thơ chỉ mơ hết nghèo khổ, được bước chân vào lớp học. Giấc mơ của những em bé đánh giày được có ăn, có mái ấm gia đình, được đến trường (Luật Hè Phố).

Một tuổi thơ dù ở Bắc ở Nam, trước hay sau 1954, con nhà giàu (Hoàng Dung, Elvis Dậu, Chương Còm, Đoàn Dự, Thiện Mông Cổ, ..) hay nghèo (Thằng Vũ, Bồn Lừa, Dũng Đa-Kao, Danh Ná, ..) hay con lai rơi rớt (Jimmy, Bill, Jack, ..), tất cả đều là những tia bình minh rực rỡ tình người, rộn ràng tình bạn, những thương yêu trìu mến. Dù ngoại cảnh đầy bạo động, chiến tranh, máu và nước mắt. Duyên Anh viết cho tuổi thơ vì ông “không có tuổi thơ”, “thèm tuổi thơ nên viết để giải tỏa những uẩn ức, những thèm khát” (1) như ông đã từng thú nhận sau này. Viết về tuổi thơ cũng là viết về gia đình, quê hương bỏ lại khi đã di cư vô Nam. Nếu đúng như tiết lộ của nhà văn Đỗ Tiến Đức bạn thân với Duyên Anh từ khi cả hai di cư vô Nam ở chung trại tạm trú, Duyên Anh đã để vợ con lại quê nhà ngoài Bắc, người đọc có thể hiểu thêm nỗi lòng nhớ vợ con của ông. Duyên Anh lập lại cuộc đời mới trong một hoàn cảnh éo le dễ được thông cảm, dù gia đình mới trong Nam ông vẫn chứng tỏ chồng cha gương mẫu. Viết về tuổi thơ là Duyên Anh viết cho ông, với tình thương cho cô con gái ngoài Bắc và với hạnh phúc ba đứa con trong Nam.

Cái tuổi thơ trong tác phẩm của Duyên Anh cũng như trong tác phẩm của Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, Tô Hoài, v.v. của văn chương Việt Nam là tuổi thơ văn chương, tuổi thơ của mọi người và nhiều người, tuổi thơ đã phổ quát. Tuổi thơ đã qua đã sống của mỗi người đã trở thành một phần đời, phần trời gió có thể đã thoảng trôi mà cũng có thể đã ảnh hưởng đến cả phần đời người lớn, cả sự nghiệp, chí hướng. Đối với nhiều người, tuổi nhỏ trở thành khung trời trú ẩn, thành một vùng tâm thức kỳ diệu ủi an để quay về khi con người phải đương đầu với những thực tế ê chề, khó khăn. Một cõi sống có thể thần linh – người ta vẫn nói thiên đàng tuổi thơ. Một cõi sa mù hay kỳ diệu có giá trị trị liệu. Ngày hôm nay khô cằn hoặc chỉ còn là bã là rác sẽ cần đến khoảng sống thần tiên đó để làm mới lại cuộc đời, chỉnh đốn lại cái sống, làm mạnh cái sống. Và ngược lại, tuổi thơ có thể như một căn bệnh kinh niên bất trị, như một sổ mũi, nhức đầu nhè nhẹ rồi qua đi nhưng sẽ luôn trở lại. Tuổi nhỏ đó còn là tiềm thức hay vô thức sẽ ảnh hưởng hiện tại và ý thức của con người.

Duyên Anh sẽ viết về những con đường làng, những chạy nhảy của tuổi nhỏ, những trang sách đầu đời tinh khiết của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, những thầy cô khai tâm tuổi thơ, những người bạn cùng vui chơi chia xẻ cõi sống chưa vẩn đục, một cõi sống hùng dũng, tích cực, đầy niềm tin. Những trang sách khai tâm, những dòng chữ đầu đời: “Rồi tôi biết đọc bài tập đọc ‘Tôi đi học’ ở cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu của Trần Trọng Kim (…) ‘Năm nay tôi lên bẩy. Tôi lớn rồi, không còn chơi bời lêu lổng như những năm còn bé. Tôi đi học. Tôi tập đọc, tập viết, tập làm tính và nhiều môn học khác nữa. Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho văn hay chữ tốt, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng’…” (Trường Cũ, tr. 9).

Những trang đầu đời sẽ đánh động tâm tư người đọc vì đã đánh động tâm hồn người viết. Dù nghịch phá, lêu lổng, thích ca hát, đánh lộn hơn là học, nhưng khi dĩ vãng xa đó trở về, ngôi trường tư thục Trần Lãm ở thị xã Thái Bình đã là muôn thuở. “Ngôi trường của tôi không giống ‘con đẹp quá’. Nó ở mãi thị xã, chung tình muôn thuở cùng học trò. Chỉ có học trò phụ bạc trường học. Mỗi người học trò rời trường, đều đem theo ít nhiều tình yêu. Trường cho học trò tình yêu và tương tư. Học trò không cho lại trường gì cả…” (Trường Cũ, tr. 126-127).

Mùa hè, được về quê ngoại là một hạnh phúc. “Quê ngoại nhà tôi có một vẻ gì đó thật mơ hồ, một ngăn cách nào đó thật diệu vợi. Người con gái đã về nhà chồng là giã từ luôn quê mẹ như giã từ thời son trẻ của mình. (…) Từ nỗi thiết tha của người mẹ, đứa con lớn lên, yêu quê ngoại hơn quê nội. … Xa vời quá, lạ lùng quá khiến ta mơ ước. Và ta ngỡ niềm mơ ước của ta sẽ no đầy nếu ta được sống ở quê ngoại rộn ràng trong ký ức…” (Phượng Vĩ, tr. 14-15). Trong Hôn Em, Kỷ Niệm ông tiếp tục kể lại thời thơ ấu, cậu bé con nhà nghèo bên cạnh “đoạn đường oan nghiệt” của người cha. Đây cũng là tập đầu của bộ tự truyện Nhìn Lại Mình tác giả đã thông báo ở cuối tập. Cây Leo Hạnh Phúc là thế giới tuổi thơ của những con Ki, thằng Cu Tí, thằng Đốn. Trường Cũ kể chuyện đi học nhưng có hình thức một hối hận gián tiếp đã không là học trò gương mẫu. Ngày Xưa Còn Bé tiếp nối chuyện Trường Cũ khi Long, Côn, Thịnh, … lên Hà Nội trọ học trung học: những tung hoành của tuổi trẻ, những mối tình với con gái chốn văn vật. Trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ sau này, ông sẽ kể đã phí phạm những năm tuổi trẻ như thế nào.

Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ nói trên. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt dù không biết Trà Lý ở đâu nhưng đã phải công nhận “Hình ảnh thiên đường và đất hứa của tuổi trẻ trong tác phẩm của Duyên Anh, tuổi trẻ được phục sinh vừa thơ mộng kỳ diệu, vừa phẫn nộ trong lầm than một vùng nhân thế” (11).

Tuổi trẻ

Duyên Anh viết và xuất bản những tác phẩm về tuổi trẻ khi miền Nam đang trên đà xây dựng, tổ chức và các phong trào thanh niên sinh viên học sinh được các chính quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa phát động cũng như tổ chức. Và kẻ thù cũng đã có những xâm nhập. Tuổi trẻ xuống đường, chống độc tài (hiến chương Vũng Tàu), chống chính khách xôi thịt, chống Mỹ, … và chống cả đi lính, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.

Trong khi đó tuổi trẻ của Duyên Anh lãng mạn nhưng có ý thức và yêu nước. Lãng mạn, theo những tập đoàn cách mạng một cách thành tâm nhưng ngây thơ trước thủ đoạn. Ảo Vọng Tuổi Trẻ kể chuyện những người trẻ tuổi đi làm cách mạng. Tuổi trẻ bị ảo vọng, ‘thua bạc’, mất cả vốn liếng lý tưởng và tuổi trẻ, đâm ra phẫn nộ. Họ “đã ngủ sầu trong đất”, không cần đến những đàn anh thê thảm và khốn nạn.

Duyên Anh trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường tiếp tục ý hướng giáo dục, muốn đề cao tình nghĩa trong một xã hội đầy bạo động và giá trị văn hóa không còn. Rồi trong “tâm bút” Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, Duyên Anh đã mong tạo được những thần tượng thiếu niên nhi đồng và đào tạo được một thế hệ hết mình bảo vệ miền Nam và ngăn chặn đám giải phóng theo chỉ thị của miền Bắc, ngay từ những lứa tuổi 14, 15. Võ Trụ trong Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy “quên thân mình cứu người phi công Mỹ lâm nạn” (tr. 34), Danh Kê cướp xuồng máy và súng của cộng sản ở Kiên Giang để khi lớp “đàn anh chết đi,? có thể vững dạ tin tưởng ở thế hệ rường cột xâm mình chiến đấu, chiến thắng cộng sản” (tr. 43).

Nếu các truyện về tuổi thơ là chuyện của Duyên Anh và bạn bè trang lứa thì những tiểu thuyết về tuổi trẻ đã là kết hợp từ những kinh nghiệm cá nhân của tác giả thời mới vô Nam và cả khi làm báo, công chức.

Tuổi trẻ bụi đời và du đãng là hai loại tiểu thuyết và Duyên Anh đã hơn một lần phân biệt hai khuynh hướng đó. Tuổi trẻ bụi đời, trẻ mồ côi có Luật Hè Phố và Dấu Chân Sỏi Đá. Luật Hè Phố là thế giới của Danh, Lựa, Dân, v.v. những đứa trẻ đánh giày, ở viện mồ côi ra, sống bụi đời, không lựa chọn; là thế giới của bọn đầu trâu như Quý Đen, vua đánh giày. “Bọn đánh giày tứ cố vô thân. Chúng nó sinh sống tại hè phố, chịu đựng mọi kỷ cương của hè phố và hè phố có bổn phận sắp đặt cho chúng nó…” (GMMLC, tr. 54). Dấu Chân Sỏi Đá là chuyện Tâm và Ngọc, hai đứa trẻ mồ côi thời đảo chánh 1-11-1963: chúng sống tự lập, ở vỉa hè, bán báo, yêu thương đùm bọc nhau.

Đến loại tiểu thuyết gọi là du đãng, Duyên Anh đã cẩn thận nhấn mạnh : “Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp đó biến thành tinh thần du đãng” (ĐRNM, tr. 107). Đã hơn một lần, cũng trong Điệu Ru Nước Mắt, Duyên Anh nói về những người trẻ tuổi này là “những thằng trong sạch nhất trong xã hội” (tr. 274), “du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng” (tr. 107) hay “xã hội du đãng cũng ăn đứt xã hội đạo đức giả”. Chúng nỗi loạn vì cô đơn, “nổi loạn tâm hồn” vì “bất mãn gia đình, học đường, tổ quốc”, hoặc thù đời, “khinh miệt cuộc đời, vì cuộc đời cứ coi nó là du đãng ” (tr.81).

Thất vọng một xã hội không có chỗ đứng, bất mãn trước bất công xã hội, chúng “nổi loạn đánh chém, hiếp dâm, cướp ngày, tống tiền để trả thù xã hội”, “sống tách riêng ra một xã hội” (tr. 107) . Nổi loạn làm du đãng như không còn lựa chọn. Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang: chuyện Du Chột bắt cóc đòi tiền chuộc nhà buôn giàu không thành vì Hoàng Guitar đàn em của hắn quyết chí trở lại con đường lương thiện làm sai kế hoạch. Chuyện hoàn lương cũng không dễ một khi đã ở lâu với xã hội đó, cuối cùng trở thành thảm kịch. Hoàng Guitar có học, biết điều, giang hồ đã, cuối cùng muốn sống như mọi người có vợ có con và đủ ăn mà cũng không thể được trong một xã hội nhiều mắc lưới đó. Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng yêu gái điếm Alice Hồng muốn “… quên hết mọi tủi nhục mà cuộc đời đã hành hạ chúng ta bao nhiêu năm trời. Rồi chúng ta sẽ có nhiều con, sẽ lo cho chúng nên người. Em biết không, hạnh phúc phải do mình kiếm lấy, không đứa nào kiếm cho mình đâu”. Ý chí lương thiện không thôi không đủ. Hoàng Guitar hay Mừng Lác đều kết thúc cuộc đời trong bi đát và khốn cùng.

Đây là một thế giới bạo động với những thanh toán giữa George Tạo và Tony Phước trong Trần Thị Diễm Châu, giữa hai băng Du Chột và Chín Cùi trong Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang,giữa băng Lê Hùng và nhóm Thanh niên quyết tử trong Sa Mạc Tuổi Trẻ, giữa Tám Dao Cạo và Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng. “… Chúng nó chạy hết tốc độ, chiếu đèn pha và đè nghiến lên đầu Mừng Lác. Chiếc xe mất hút ở con phố khác. Mừng Lác bị vỡ óc nằm cô độc giữa trời đầy sương. Vua giết người đã bị xóa tên khỏi sổ bụi đời một cách tầm thường và thê thảm” (tr. 277).

Xã hội này có luật lệ của nó nhưng cũng có những phẩm tính tốt như chúng yêu thương nhau, biết đùm bọc nhau. Có tuổi trẻ vì hoàn cảnh mà đi du đãng như Trần Đại, Nguyễn Đạm, Trần Long, Trần Thị Diễm Châu, Lê Hùng, v.v. đã học xong trung học, có đứa đậu cả tú tài Pháp. Chúng cũng hào hoa phong nhã và “rất nghệ sĩ”. Một đính chính cho cảm thông. Vì tuổi trẻ đường xá này sẽ chấp nhận hoàn lương, vào trường các nữ tu như trong Trần Thị Diễm Châu “xã hội không cải thiện cuộc đời của du đãng thì nội trú Hòa Hưng sẽ cải thiện họ”. Và tuổi trẻ du đãng cũng sẽ nhập ngũ làm bổn phận công dân thời chiến. Một nhân vật của Sa mạc tuổi trẻ : “quân đội là nơi lý tưởng nhất để nó làm lại cuộc đời” và “kỷ luật quân đội dạy người lính trở nên chín chắn, biết yêu biết ghét đúng đắn” (tr. 337). Trần Đại của Điệu Ru Nước Mắt được đàn em James Dean Hùng khen “Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại ‘cừ” nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…” (tr. 274).

Trong bài nói chuyện với nhà văn Đỗ Tiến Đức (1), Duyên Anh cho biết khi viết “cuốn tiểu thuyết du đãng đầu tiên là cuốn Điệu Ru Nước Mắt là lúc các tướng lãnh mình đảo chánh nhau, ông tướng này bắt ông tướng kia, nay là tướng anh hùng mai là tướng gian, lung tung hết. Dưới mắt một nhà văn thì tình trạng đó nản quá, tôi thấy chẳng còn gì đáng ca ngợi nữa. Với phản ứng đó, tôi mới đem du đãng ra ca ngợi, thế thôi”.

Duyên Anh đã viết về tuổi trẻ du đãng với cái nhìn âu yếm, hiểu biết, có khi ông đã phẫn nộ như trong Ảo Vọng Tuổi Trẻ : “Hình phạt nào mới xứng đáng cho một tên lừa gạt tuổi trẻ, cho những tên làm ung thối một thế hệ mới vươn lên để tìm chỗ đứng cho dân tộc dưới ánh mặt trời” (tr. 228)

Tuy vậy, sau cuốn Nước Mắt Lưng Tròng, tức sau khi đã xuất bản Điệu Ru Nước Mắt, Trần Thị Diễm Châu, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Sa Mạc Tuổi Trẻ, Duyên Anh đã bỏ loại truyện du đãng . Ông bỏ du đãng cũng như bỏ làm báo với những bút hiệu Thương Sinh, v.v. để trở về với tuổi thơ và không khí lãng mạn của những tình yêu nhỏ lớn, của Mây Mùa Thu, Cầu Mơ, v.v..

Tình yêu trong tiểu thuyết Duyên Anh có nhiều hình thức, từ tình yêu tuổi thơ, đến lứa tuổi thích ô mai, tình yêu giữa chốn bụi đời, anh chị, rồi tình vợ chồng. Bắt đầu là những mối tình vụng dại, ngây ngô trong Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Côn,Trường Cũ, … giữa các cô cậu tiểu học. Tình thằng Vũ với con Thúy : “Lúc nó tỉnh ngủ, Vũ thấy bàn tay đặt lên trán nó. Vũ cảm thấy lạ lùng. Nó không muốn mở mắt. (…) Nó đưa tay đặt trên bàn tay đang đặt lên trán nó.
– Vũ…
Tiếng nói như tiếng reo vui của loài chim khuyên mới gặp tia nắng xuân đầu sau những ngày mùa đông u ám.
– Vũ ơi, Vũ sống rồi… Thúy mừng lắm, Vũ ạ Vũ đã biết bàn tay nào đang ở dưới bàn tay của nó. Tự nhiên, Vũ khỏe hẳn. Và khỏe hẳn, Vũ muốn trêu Thúy. Nó giả vờ rên hừ hừ.
– Tôi chết, tôi sắp chết đây…
Thúy cuống quýt:
– Vũ đừng chết, Vũ nhé! Thúy mang ô mai cho Vũ đây này.
Vũ rên to hơn:
– Tôi ghét ô mai chua, tôi thích ô mai cam thảo cơ. ôi đau ngực quá. Tôi sắp chết…
Thúy nhắc vội tay ở trán Vũ ra, đặt lên ngực Vũ:
– Ô mai cam thảo mà…
(…) Vũ đã đưa bàn tay mình để chờ đợi bàn tay của Thúy. và hai bàn tay gặp nhau, đan lấy nhau. Vũ lặng người. Cảm giác như nuốt vội một viên kẹo quá ngọt…” (Con Thúy, tr. 129, 131)

Tuổi mười ba, trai mới lớn, nghịch ngợm với tình yêu rồi thất tình, những thất tình thường không hậu quả. Con gái tuổi mười ba như bài thơ của Nguyên Sa, là những mối tình của lứa tuổi thích ô mai. Rồi mười sáu tuổi, thiếu nữ vẫn thích ô mai mà tình yêu có khi lạ lùng dù có thể tự nhiên của nữ sinh với thầy giáo hay với nhà văn nhà thơ đã có vợ. Trong Lứa Tuổi Thích Ô Mai, nữ sinh Kim yêu nhà văn Trần Vũ trong khi bạn cô là Quỳnh thì mê nhà thơ họ Hoàng, Chi buồn tưởng chết khi nghe tin nhà văn Thanh Nam cưới nhà văn Túy Hồng, v.v. Các cô sẽ thất vọng, sẽ tự nhủ chỉ nên “đứng nhìn những trái ô mai chua qua lớp thủy tinh trong suốt. Để thích. Để thèm. Cảm giác thích hay hay thèm ô mai chua, sẽ không còn nữa nếu ta muốn biết ô mai làm ê răng ta đến mức nào…” (trong VYHC, tr. 184)

Tình trong trắng của tuổi học trò “thập thò dưới gốc cây gần cổng trường con gái, chờ chuông reo tan học để nghe tim mình rộn rã, bồi hồi. Em không quên chứ, những buổi chiều vàng niên thiếu? Em thường ra sau hết. Anh ngơ ngác nhìn em. Rồi em e thẹn mỉm cười. Và thong thả bước ngược con đường về học. Đã yêu nhau nhưng vẫn ngượng. Anh đi sau em, cách cả mấy thước đường. Tại sao, hồi đó, chúng mình dễ xấu hổ thế, em nhỉ? … Gần đến nhà em, anh vội giúi vào tay em một phong thư và nhận lại của em một phong thư. Chả nói câu nào. Nói hết bằng thư rồi… ” (Áo Tiểu Thư, tr. 10-11)

Những tình yêu buồn, đứt đoạn nhưng đẹp, có thể vô tội vạ. Khi thanh niên thiếu nữ ra, vô tội trở thành “tính toán, khôn ngoan, thủ đoạn với cuộc đời và với cả tình yêu” vì “Hỡi hình ảnh cậu con trai vừa lớn của tôi mười bảy năm cũ, cậu đã thật sự giã từ tôi. Khi tôi biết được cậu giã từ tôi thì cậu đã trở về nằm yên trong kỷ niệm và không bao giờ cậu đến với tôi nữa. Tôi tiếc hình ảnh ấy, tôi muốn đi lại từ đầu, muốn mãi mãi là cậu trai vừa lớn ngượng ngùng, xấu hổ, sợ hãi đứng trước một ngôi trường con gái…” (ATT, tr. 106-107).

Với Duyên Anh, người sống bằng quá vãng, “ngoài tình yêu, không có gì đáng giữ làm kỷ niệm” (Về Yêu Hoa Cúc, tr. 15). Nếu Duyên Anh ít may mắn với tình yêu thì trong tiểu thuyết, tình yêu còn là những chuyện tình rất đẹp. VYHC là chuyện tình yêu cô sinh viên Kiều Nhị, với nhà thơ tên Hoài nhưng rồi lại phải “…vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi”, chuyện những buổi đi dạo ở con đường Tú Xương của những người yêu nhau ở Sài Gòn mà cô đặt tên là ‘đường vào tình yêu’, bên những giòng suối nhỏ ở ngoại ô hay giữa Đà Lạt sương mờ.

Tình yêu sẽ tiếp nối ở những tiểu thuyết khác của Duyên Anh. Cầu Mơ với những chuyện tình dễ dàng của thầy giáo Hoài ở Mỹ Tho, một mẫu người nếu không yếu đuối thì cũng thiếu tình thương trên đời. Hay chuyện thiếu nữ tên Tường Vi yêu Hoài (lại anh chàng vung vít thơ văn tên Hoài) và sống trong nhạc và thơ rồi chết vì tình, để lại những bài thơ dang dở trong Tên Một Loài Hoa Quê Hương. Theo tác giả, cái chết đó có ý nghĩa, vì những ai không biết yêu là “những kẻ không biết mơ màng, những kẻ lê đôi chân xích hai tảng đá thực tại là bất hạnh trọn kiếp người” (in VYHC, tr. 387). Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, một trong những chuyện tình cuối được xuất bản trước 1975, mang dấu vết thời đại với lối sống hippy và truyện chưởng Kim Dung. Hai nhân vật chính có tên Đoàn Dự khù khờ và Chu Chỉ Nhược quỷ quái.

Khi “định mệnh đã an bài”, nói như Duyên Anh, những “con dế” an phận sẽ tìm an vui bên người tình muôn đời. Trong Nhà Tôi, Nguyễn Văn Lương may mắn lấy được Phượng, con gái ông đìền chủ miền Tây, sẽ hân hoan ký hai tay bản hiệp ước với người chủ mới. Đến Cây Leo Hạnh Phúc, tác giả muốn chứng minh xa hơn rằng mái ấm gia đình cho bốn mùa như nhau và những bổn phận tựu trung là thiên đàng, là bếp lửa nên tìm về và ở lại.
Viết về tình yêu, nói chung Duyên Anh không đi sâu vào tâm lý nhân vật, không tinh tế chuẩn bị người đọc. Người yêu nhau dễ dàng, hay hoàn cảnh có khó khăn thì rồi cũng yêu nhau thôi. Mà những nhân tình trong tiểu thuyết của ông cũng không phức tạp.

Xã hội thời đại


Duyên Anh viết vì nhu cầu làm báo và mưu sinh. Xã hội của mưu đồ, của kẻ mạnh. Xã hội thời chiến tranh. Tiểu thuyết của Duyên Anh thường là chuyện Thái Bình, Hà Nội trước 1954 và miền Nam những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nhưng cái xã hội thời chiến của miền Nam vẫn được nói đến. Tác giả đã mơ bình minh và đã thất vọng thấy hoàng hôn cách mạng kháng chiến 1946-54, thất vọng về những con người lợi dụng công cuộc kháng chiến đó.

Duyên Anh đã thổ lộ khi viết bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ ngoài chuyện thơ ngây của những thằng Vũ, thằng Côn, con Thúy, ông còn muốn nói lên “thảm cảnh của chiến tranh xâm lược, của tù đày, tra tấn, của vùng tự do, vùng tề, của tiếp thu, phản bội và chia cách. Tây rút, tôi đợi bình minh của Vọng mang tới, nhưng chỉ là hoàng hôn xám tối, chỉ là hững hờ đến tàn nhẫn và lạnh lẽo tình người. Và chia cách ngàn trùng…” (6).

Từ đó người đọc sẽ thấy tự nhiên khi ông để người bạn đời của ông phát biểu :”Nếu cộng sản vô đây, em sẽ không di cư như anh đâu, em sẽ uống thuốc độc tự tử” trong Nhà Tôi (tr. 82). Đến tác phẩm cuối xuất bản trước 30-4-1975, cuốn Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần, ông đã thêm một lần phê phán cách mạng vô sản. Ông cho biết ông dù nghèo nhưng không theo cộng sản để làm cách mạng vô sản. Không theo cộng sản có thể vì ông đã cảm nghiệm.

Xã hội miền Nam thời bình trước khi chiến tranh trở lại và thời chiến tranh hỗn loạn nhất được Duyên Anh trình bày trong các tác phẩm còn lại, khi ông viết về tuổi thơ của những thằng Chương Còm, Bồn Lừa, Dzũng Da-Kao, Hưng Mập,.., khi ông viết về những chuyện tình yêu hay gia đình, hoặc khi ông viết về những đứa bé đánh giày, về thế giới du đãng, anh chị, về những người trẻ tuổi máu nóng làm ‘cách mạng’ bị ảo tưởng, bị đàn anh lừa gạt. Trong Sa Mạc Tuổi Trẻchẳng hạn, người đọc sẽ thấy lại một Sài Gòn và miền Nam hỗn loạn của những năm 1964-1967: đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng, sinh viên, tôn giáo ‘xuống đường’, miền Trung nổi loạn, những ‘nhân vật’ thời thế tạo nên như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Văn Liễu, Trần Văn Hương, Bùi Diễm, v.v. Nhưng miền Nam vẫn quyết tâm chống Cộng kể cả ‘du đãng’ : “Du đãng diệt Vẹm sẽ hăng nhất, không chiến thắng không trở về” (tr. 250). Trong Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, xã hội miền Nam cho thấy nhiều bộ mặt mâu thuẫn: một xã hội dư thừa, phóng đãng trong khi chiến tranh đang bủa vây và cái chết đang chực chờ.

Ngôn ngữ văn-chương 

Điểm đầu tiên đáng ghi nhận là Duyên Anh viết rất bình dị, không trừu tượng; một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm : “Khi mắt mẹ phảng phất khói hương mơ mộng thì lại là lúc phải khóc nhiều vì cô độc đau thương. Pháo cưới thi nhau đỗ nát tan lòng mẹ. Màu áo đỏ, áo xanh bỗng nhiên ngả màu tang tóc như muốn liệm chung cuộc đời người con gái chưa đầy hai mươi mùa xuân. Những con bươm bướm đa tình chẳng chịu ghé hoa vườn thuốc độc nên mẹ già cỗi và gần như xa hẳn nhân gian” (Hoa Thiên Lý, tr. 18).

Một ngôn ngữ xứng hợp với đa số tác phẩm của Duyên Anh mà toàn bộ có thể xem như một chuyện kể thật dài. Duyên Anh trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ đã kể lại việc ông học cách viết giản dị trong sáng theo cách viết của nhà giáo Trần Trọng Kim trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư. Trong buổi trao đổi với sinh viên vào năm 1972 đã dẫn, khi so sánh với nhà văn Mai Thảo mà ông nhìn nhận “có nghệ thuật viết” tiểu thuyết lôi cuốn, ông đã khiêm tốn nhìn nhận “Tôi chưa phải là một nhà viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đúng nghĩa phải xây dựng nhiều tình tiết. Tôi có vài cuốn tạm gọi là tiểu thuyết, còn sau này tôi dùng văn chương để nói những gì muốn nói. (…) Người gọi tôi là tiểu thuyết gia : không đúng. Gọi tôi là nhà văn cũng không đúng. Tôi chỉ là người viết văn” (13).

*

Duyên Anh viết về giới trẻ du đãng, bụi đời có thể đã đáp ứng một thị hiếu của độc giả; nhưng thiển nghĩ ông không viết về tuổi trẻ này hoàn toàn vì thị hiếu cao bồi du đãng để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ mà ông còn có một mục đích giáo dục, đề cao với một cái nhìn khá từ bi, thông cảm. Khi viết về tuổi thơ, phải công tâm công nhận văn chương tuổi thơ của Duyên Anh khá trĩu nặng đau buồn của quá khứ, mất mát, có ngụ ý, có cả hối hận. Trong khi đó những nhà văn sau ông như Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện,… viết về tuổi thơ và tuổi trẻ với một tâm hồn trong sáng hơn. Không khí tiểu thuyết của họ vui và nhẹ nhàng hơn, thực tế hơn mà tình yêu cũng thật sự mộng mơ gần gũi hơn.

Duyên Anh trong một thời gian dài đã trở thành một hiện tượng văn học vì tác phẩm của ông đã đáp ứng được một phần những nhu cầu của thời đại, những nhu cầu văn hóa, tâm lý, xã hội của đại chúng. Với sự leo thang của chiến tranh, khi xã hội khủng hoảng trầm trọng về văn hóa, đời sống, một số tác phẩm của Duyên Anh với ý hướng giáo dục đã đáp ứng được một số mong đợi. Đừng đòi hỏi ở ông những đáp ứng triết lý siêu hình của thời đại. Duyên Anh chỉ nói tiếng nói của đời sống thường nhật, của những ngừời con, những bậc cha mẹ, những thầy giáo hay những trẻ bụi đời hay thanh niên du đãng. Và ông trung thành với đường hướng đó. Mục đích hay chủ ý trong tiểu thuyết của Duyên Anh cũng dễ nhận ra chứ không phải quanh co, lưỡng nghĩa.

Nhà văn Duyên Anh ngoài gần 50 tác phẩm đã xuất bản trước 1975 còn là tác giả những bài báo dưới nhiều bút hiệu khác nhau (những phóng sự Đi Tầu Suốt, Đầm Giao Chỉ,…) vẫn khiến hơn một người thắc mắc về cái mâu thuẫn con người hai mặt của ông, một thơ mộng và lý tưởng và một thâm độc, trào phúng. Khởi đi từ thế giới đã mất, từ những mơ mộng, Duyên Anh đã đi đến chỗ hẹn hò thỏa thuận với quá khứ và đã đưa người đọc vào một thực tế hàng ngày không giản đơn trước mắt, đã có những ý tích cực cho giới trẻ. Mất tuổi trẻ, sống ly cách, cuộc đời mới khó khăn khiến Duyên Anh có cái nhìn xoi mói về tha nhân có khi quá đà không cần thiết. Cao Thế Dung trên tạp chí Quần Chúng đã cắt nghĩa rằng nếu Duyên Anh “không cho thoát những uẩn ức chất đầy trong đầu óc (ông) bằng những bài báo ngổ ngáo, cay độc, (ông) sẽ không thanh thản mà viết những trang sách hiền lành lý tưởng” (14). Duyên Anh đã tuyên bố : “Tôi đập phá và tôi xây dựng một xã hội tốt đẹp. Cho nên, song song với những bài báo trào lộng là những cuốn sách viết về tuổi thơ hay về tình người. (…) ngôn ngữ phóng sự nhảm nhí, pô tanh đểu cáng hiếm có trong những cuốn sách lý tưởng của tôi…” (4).

Dâng văn chương cho tuổi thơ và quá khứ và không nhất thiết làm văn chương để chống cộng, Duyên Anh đã chọn cái nghiệp chống cộng và đã gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời kể cả bị đả thương đến tật nguyền. Những xã hội và tập đoàn nào còn duy trì bất công và bạo động sẽ dễ kết án những người như Duyên Anh, những người đi khêu động những cấm kỵ. Truyện của Duyên Anh dù chỉ là tiểu thuyết đã bị kiểm duyệt miền Nam cắt bỏ (Bò Sữa Gậm Cỏ Cháy bị kiểm duyệt ‘ngâm’ không cấp giấy phép, sau lại cho nhưng cắt 32 trang) và ông đã là một trong số những tên ‘biệt kích văn hóa tư tưởng’ nguy hiểm cho chế độ đối nghịch chế độ thứ nhất. Nghèo, tự lập tự vươn, muốn truyền lại kinh nghiệm, muốn nói với giới trẻ, nhưng cái gốc người đời nghĩ là không sang cả không quý phái và không cả bằng cấp của ông đã khiến ông bị hất hủi. Nhà văn của tuổi thơ cuối đời tật nguyền buồn khổ đã trở lại đạo Thiên Chúa, tìm nước Trời nơi trẻ nhỏ dễ vào vì đứa nhỏ đã chấp nhận nước Trời, nói như người có đức tin. Một niềm tin mà Duyên Anh đã không có khi đang thành công lớn (5).

Có thể nói ngoài vài cuốn tiểu thuyết về du đãng và trẻ bụi đời, toàn bộ tác phẩm đã xuất bản trước 1975 của Duyên Anh là chính cuộc đời và con người Duyên Anh. Những kỷ niệm, tình tiết, không gian và nhân vật đã được lập lại ở nhiều tác phẩm. Nói như tác giả, ông “bị ám ảnh bởi dĩ vãng, kỷ niệm và vùng trời quê hương nhỏ bé của (ông)” (4). Duyên Anh đã nhìn nhận đó là một nhược điểm vì ông “chưa đủ tuổi để đi xa, để thoát ly khỏi kỷ niệm, dĩ vãng và vùng trời thân thuộc của mình” (4). Nếu tuổi thơ là dĩ vãng, nếu quê hương xa xôi là kỷ niệm đã làm nền cho tiểu thuyết của Duyên Anh trước 1975 thì sau khi ra được nước ngoài tị nạn, sau 6 năm tù và học tập, sau những chiến dịch xóa bỏ tác phẩm ông hoặc kết án ông, tuổi trẻ đã trở thành ý thức chính trị làm nền cho tiểu thuyết của ông xuất bản ở hải ngoại. Duyên Anh sẽ đề cao tuổi trẻ, một tuổi trẻ có ý thức.

Chú-thích

1. Đỗ Tiến Đức. “Duyên Anh, cuối đời”. Văn Học CA, 131, 3-1997, tr. 108-125.
2. Duyên Anh. Nhìn Lại Những Bến Bờ. Los Alamitos: Xuân Thu, 1988. Tr. 353-354.
3. “Nhà báo”. Tuổi Ngọc, 21 (1972).
4. Huỳnh Phan Anh. Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng Và Thực. Sài Gòn : Vàng Son, 1972.
5. “Duyên Anh Và Việc Viết Tiểu Thuyết”. Nghiên-cứu Văn-học, số 15, 15-5-1972, tr. 31.
6. Văn, 197, 1-3-1972.
7. Trần Tuấn Kiệt. Tác Giả Tác Phẩm Tiêu Biểu Nền Văn Học Nghệ Thuật Thời Chiến Tranh. Sài Gòn: 1973?. Tr. 170-171.
8. Tuổi Ngọc, 22, 1972.
9. NLNBB sđd tr. 393.
10. NLNBB, tr. 345.
11. NLNBB, tr. 395.
12. Trần Tuấn Kiệt. Sđd. Tr. 170.
13. “Duyên Anh Và Việc Viết Tiểu Thuyết”. Bđd, tr. 31-32.
14. Trích lại từ Huỳnh Phan Anh. Sđd.

Nguyễn Vy Khanh

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Lịch sử phát triển của các loại tàu chiến chủ lực từ sau Thế chiến I đến hết Thế chiến II



Biên dịch : hongsonvh

Chiếc HMS Hood, ra mắt vào năm 1918, là chiếc tầu tuần dương chủ lực đầu tiên được hoàn thành vào cuối Chiến tranh thế giới I

I. Sự tiến hóa của các loại tầu chiến chủ lực ( Tuần dương hạm chủ lực và thiết giáp hạm)

Trong những năm ngay sau khi Thế chiến I, tất cả các cường quốc như Anh, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã bắt đầu công việc thiết kế một thế hệ thiết giáp hạm và tuần dương hạm chủ lực mới mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các cụm mới đóng tàu mà hải quân mỗi quốc gia mong muốn đã gây ra những tranh cãi chính trị gay gắt và có khả năng làm tê liệt kinh tế. Sự kiện này là nguyên nhân của Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua vũ, theo Hiệp ước này các cường hải quân lớn đồng ý giới hạn về số lượng tàu chủ lực. Hải quân Đức đã không được phép có đại diện tại các cuộc đàm phán; theo các điều khoản của Hiệp ước Versailles, Đức không được phép có bất cứ một tàu chiến chủ lực hiện đại nào cả.

Xuyên suốt qua thập niên 1920 và đầu thập niên 1930 chỉ có Anh và Nhật Bản giữ lại tàu tuần dương chủ lực của họ, và họ thường sửa đổi và nâng cấp lại các con tầu đã được thiết kế từ chiến tranh thế giới I. Ranh giới giữa các tàu tuần dương chủ lực và tầu thiết giáp cao tốc hiện đại đã trở nên bị mờ dần; thực sự tầu tuần dương chủ lực lớp Kongō của người Nhật đã chính thức được đặt lại tên là thiết giáp hạm.

Từ khoảng năm 1918-1923


Tầu tuần dương hạm chủ lực lớp Lexington năm 1919

Lực lượng hải quân của các quốc gia Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thấy được mối đe dọa từ chiếc Hood nên họ nhanh chóng chế tạo những chiếc tầu tuần dương hạm chủ lực để đối trọng với nó. Hải quân Đế quốc Nhật Bản bắt đầu đóng bốn chiếc tầu tuần dương chủ lực lớp Amagi. Những tàu này có trọng tải và hỏa lực ghê gớm chưa từng có và có tốc độ cũng như được bọc thép tốt tương tự như chiếc HMS Hood trong khi mang theo một khẩu đội súng chính gồm mười súng 16 in – những vũ khí mạnh nhất từng được đề xuất sử dụng cho một tàu tuần dương chủ lực. Hải quân Hoa Kỳ đã đáp trả bằng các tầu tuần dương chủ lực lớp Lexington, lớp này nếu được hoàn thành theo đúng kế hoạch sẽ có tốc độ đặc biệt lớn và vũ trang tốt, nhưng chất lượng giáp tốt hơn đôi chút so với các tàu tuần dương chủ lực đầu tiên. Giai đoạn cuối cùng trong cuộc chạy đua tàu tuần dương chủ lực sau chiến tranh I đã đến với những phản ứng của Anh về các lớp tầu Amagi và Lexington của Nhật Bản và Hoa Kỳ là bốn chiếc tầu tuần dương chủ lực lớp G3 có trọng tải 48.000 tấn, lớp tàu này có sức mạnh, trọng tải và tốc độ tương đương với Thiết giáp hạm lớp Iowa của Hoa kỳ ở thế chiến II.

Nhưng theo Hiệp ước Hải quân Washington thì không con tầu nào trong số những thiết kế này được hoàn thành. Những con tàu này phải bị phá hủy trên đường trượt ( tại ụ tầu) hoặc được chuyển đổi thành tàu sân bay.

Tại Nhật Bản hai chiếc Amagi và Akagi được giữ lại để chuyển đổi thành tàu sân bay. Năm 1923 chiếc Amagi bị hư hỏng do một trận động đất khi đang sửa chữa và đã bị vỡ ra thành nhiều phần, chiếc thân của nó được đề xuất để đóng một chiếc thiết giáp hạm lớp Tosa ?” chiếc Kaga.

Tại Anh, các “tàu tuần dương lớn hạng nhẹ” theo dự án của Fisher được chuyển đổi thành tàu sân bay. Chiếc Furious đã được chuyển đổi thành một tàu sân bay trong chiến tranh, các chiếc Glorious và Courageous vốn không có chỗ của mình trong hải quân theo Hiệp ước tương tự cũng đã được chuyển đổi thành tầu sân bay.

Hải quân Hoa Kỳ cũng chuyển đổi hai chiếc tàu tuần dương chủ lực thành tàu sân bay để phù hợp với quy định của Hiệp ước Washington: đó là các chiếc USS Lexington và Saratoga, cả hai chiếc này được thiết kế như tàu tuần dương chủ lực (các thân tàu ban đầu là các thiết kế CC-1 và CC-3) nhưng một phần của sự chuyển đổi được tiến hành ngay khi đang chế tạo, bốn chiếc còn lại ( các chiếc Constellation, Ranger, Constitution và United States) đã thực sự bị dỡ bỏ.
1924-1935


Chiếc HMS Renown ( chị em của chiếc Repulse) đang làm một cú vỉa khi hoạt động trên biển Ấn độ dương ngày 12 tháng 5 năm 1944 cùng với chiếc Valiant (right distance) và chiếc thiết giáp hạm của Pháp – Richelieu

Tổng cộng có chín chiếc tầu tuần dương chủ lực còn sống sót sau Hiệp ước Hải quân Washington. Tốc độ lớn của chúng làm cho chúng có giá trị trên bề mặt mặc dù chúng có nhiều điểm yếu so với hầu hết các tàu chiến hiện đại được đóng trước 
Chiến tranh thế giới II, mặc dù Hải quân Hoàng gia đã bán phế liệu chiếc HMS Tiger vào năm 1932 với lý do nó đã quá cũ, và ngoài ra người Thổ Nhĩ Kỳ đã không có phương tiện để nâng cấp chiếc Yavuz Sultan Selim (chiếc Goeben của Hải quân Đế quốc Đức).

Hai chiếc tuần dương hạm chủ lực khác của Hải quân Hoàng gia trong Chiến tranh thế giới I được giữ lại, các chiếc HMS Renown và HMS Repulse, đã được hiện đại hóa đáng kể trong một loạt các cuộc sửa chữa giữa các năm 1920 và 1939. Giống như một số tàu chiến cũ khác của Anh, chiếc HMS Renown trải qua một loạt các cuộc nâng cấp vào các năm 1937 và 1939 để làm cho nó phù hợp với việc hoạt động như một tàu chiến hộ tống hạng nặng, cao tốc để hộ tống các tàu sân bay. Việc chuyển đổi tương tự được lên kế hoạch cho các chiếc Repulse và Hood bị hủy bỏ bởi việc xảy ra Chiến tranh thế giới II.


Chiếc Kongo khi nó ở độ tuổi 20 thì được chuyển đổi để thành một thiết giáp hạm cao tốc

Không thể đủ lực để đóng những con tầu mới Hải quân Đế quốc Nhật Bản cũng đã chọn phương án để nâng cấp các tàu chiến hiện có của mình như các tầu lớp Kongō (Các chiếc Hiei, Haruna, Kirishima và Kongō) bằng cách tăng độ cao của khẩu súng của chúng lên 40 độ, thêm phần đáy tầu chống ngư lôi và tăng cường giáp đồng thời dựng thêm một tháp cột buồm. Khoảng 3.800 tấn giáp bổ sung làm chậm tốc độ của chúng, nhưng giữa những năm 1933 và 1940, việc thay thế các trang thiết bị nặng và tăng chiều dài của thân tàu lên 26 ft (8,0 m) đồng thời cho phép chúng đạt tới tốc độ 30 knot (60 km / h) một lần nữa. Những chiếc tầu này được phân loại lại là “thiết giáp hạm cao tốc” và tốc độ cao của chúng làm cho chúng rất thích hợp để chở thành tàu hộ tống tàu sân bay, mặc dù giáp và súng của chúng vẫn yếu hơn so với những thiết giáp hạm còn sống sót từ thời thế chiến I của các lực lượng hải quân Anh và Mỹ.

Thời kỳ tái vũ trang

Khi nguy cơ chiến tranh đã trở nên rõ rệt, các cường quốc có nhiều khả năng sẽ tham chiến bắt đầu xây dựng lại lực lượng của họ. Ban đầu họ có thái độ đãi bôi (chi? thư?a nhận cái gi? ngoa?i miệng) với các Hiệp ước Versailles và Hiệp ước Hải quân Washington, Nhưng khi chiến tranh có khả năng hiển hiện thì nhiều thiết kế tầu chiến cũng trở nên đầy tham vọng. Hầu hết các quốc gia chọn lựa phương án chế tạo các thiết giáp hạm cao tốc nhưng Đức, Ý, Pháp và Nga – tất cả các nước này lại muốn có các thiết kế tàu tuần dương hạm chủ lực mới. Hầu hết các tàu chiến của các thiết kế này được bảo vệ tốt hơn một cách đáng kể so với các tầu tương đương của họ trong Thế Chiến I và một số con tầu trong số này được coi là thiết giáp hạm cao tốc. Cuối cùng người Ý quyết định chọn phương án nâng cấp các thiết giáp hạm cũ của họ hơn là chế tạo các tuần dương hạm chủ lực mới, trong khi người Nga đặt khung sườn những con tầu mới có trọng tải 35.000 tấn ?” lớp Kronshtadt, nhưng họ đã không kịp hạ thủy chúng trước cuộc xâm lược của nước Đức phát xít vào năm 1941 và người Đức kịp chiếm một giữ 1 trong số những thân tầu này. Các tàu khác của Liên Xô đã được hạ thủy và tất cả đều bị loại bỏ sau thời gian chiến tranh. Chỉ có người Đức và người Pháp thực sự hoàn thành bất kỳ con tầu được đóng mới nào của họ.

Thiết kế của người Đức

Thiết giáp hạm bỏ túi (Tiếng Đức Panzerschiffe – tàu thiết giáp: các chiếc Deutschland, Admiral Scheer và Admiral Graf Spee), được chế tạo để phù hợp với giới hạn trọng tải 10.000 tấn của Hiệp ước Versailles, đây là một cố gắng khác của khái niệm tàu tuần dương-thiết giáp hạm. Các thiết giáp hạm bỏ túi, mặc dù tên của chúng có ngụ ý như là một tàu chiến thu nhỏ, là những con tàu tương đối nhỏ với chỉ có sáu súng 28,0 cm (11 inch) – nhưng về cơ bản chúng là tàu tuần dương hạng nặng rất lớn và trang bị mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo hiệp ước quốc tế vũ trang tối đa cho một tàu tuần dương hạng nặng chỉ là súng 8,0 inch. Một khẩu súng với một cỡ nòng 11-inch có một sức mạnh và phạm vi bắn khủng khiếp hơn.


Thiết giáp hạm bỏ túi chiếc Deutschland,


Thiết giáp hạm bỏ túi chiếc Admiral Scheer


Thiết giáp hạm bỏ túi chiếc Admiral Graf Spee

Bề ngoài, điểm để phân biệt với các thiết giáp hạm dường như là cột buồm đặc biệt của chúng (đặc biệt là các chiếc Scheer và Graf Spee) và vũ khí của chúng có cỡ nòng lớn hơn so với các tuần dương hạm hiện đại nên chúng được gọi là ?othiết giáp hạm bỏ túi? bởi bạn bè cũng như kẻ thù. Chúng có thể đạt đến tốc độ khá cao khoảng 26 knot (52 km / h) và được bảo vệ một cách hợp lý, trong tải của các con tầu này được tận dụng một cách triệt để bằng cách sử dụng kỹ thuật hàn mối chứ không phải kỹ thuật đinh tán khi được chế tạo (chắc tận dụng được trọng lượng của đám đinh tán Rivet), và bằng cách thiết kế chỉ hai tháp pháo chính, đồng thời với thay thế động cơ tua bin hơi nước bình thường bằng một cặp động cơ diesel chín xi-lanh lớn để vận hành mỗi trục chân vịt (một sự trơ? lại từ động cơ tuabin về động cơ piston). Sau khi chiếc Graf Spee bị tiêu diệt hai chiếc tàu còn lại được phân loại lại như là “tuần dương hạng nặng”, tuy các con tầu này có súng lớn hơn và giáp dày hơn so với tiêu chuẩn của một tàu tuần dương hạng nặng, nhưng chúng lại phải đánh đổi lấy tốc độ (trong thực tế về mặt cơ bản đây là những tuần dương hạm bọc thép, ngoại trừ những tháp pháo hạng nặng của chúng). Khi các” thiết giáp hạm bỏ túi ” đi vào phục vụ chiến đấu, về mặt lý thuyết chúng sẽ thực sự có thể bị đánh bại bởi các tầu tuần dương chủ lực của Anh được đóng ở thời Thế chiến I về các mặt tốc độ, vũ khí và bảo vệ, nhưng Kriegsmarine (Hải quân Đế chế) hy vọng rằng họ có thể giành lấy một lợi thế tạm thời. Các thiết giáp hạm bỏ túi cũng có ưu thế tầm hoạt động và nhỏ gọn hơn nên khó bị tiêu diệt hơn.

Thêm hai tàu chiến hạng nặng của Đức được đóng thêm sau này trong thập niên 1930, đó là hai chiếc Scharnhorst và Gneisenau, chúng được coi là những con tầu mạnh mẽ hơn loại thiết giáp hạm bỏ túi – với chín khẩu súng hạng nặng chứ không chỉ là sáu khẩu (ở loại thiết giáp hạm bỏ túi), và chúng sự thật được phân loại là tàu chiến chủ lực. Với trọng tải tối đa 38.900 tấn, chúng hơi nhỉnh hơn so với lớp Dunkerque của Pháp. Hai chiếc tàu của lớp Gneisenau có tốc độ cao và thiết giáp tốt, mặc dù vũ khí của chúng tương đối nhẹ so với trọng lượng khi so sánh với một tàu chiến, gồm ba tháp pháo ba súng 280 mm (11 inch). Vào lúc này súng 305 mm (12 inch) và các loại có cỡ nòng lớn hơn chỉ có thể được sản xuất với rất hạn chế để phù hợp với hiệp ước Versailles, và bởi vì người Đức không muốn đánh động cho Đồng minh ( về sự tái vũ trang của họ), điều này đã dẫn đến việc các con tàu được trang bị các khẩu đội súng 28,0 cm, tuy nhiên thiết kế của các con tầu này cho phép chúng có thể mang một cặp tháp pháo có ba súng 380 mm (15 inch) (tổng cộng sáu súng) khi số súng này được sản xuất đầy đủ. Tuy nhiên hoàn cảnh và số phận của hai con tàu này quá trớ trêu ?” Tại trận North Cape chiếc Scharnhorst đã bị thiệt hại nặng nề bởi đạn pháo và sau đó bị đánh chìm bởi ngư lôi, và chiếc Gneisenau, bị hư hại nặng do bom và nó được sửa chữa để hướng tới những ưu tiên cao hơn – có nghĩa là kế hoạch này bị hủy bỏ. Hải quân Hoàng gia phân loại chúng như là tàu tuần dương chủ lực kể từ khi chúng được thiết kế theo tiêu chí của Hải quân Đế quốc Đức là đánh đổi hỏa lực lấy bảo vệ và tốc độ. Hải quân Đức dù sao phân loại chúng như là thiết giáp hạm. Những tầu sau lớp Gneisenau không phải là các tàu tuần dương chủ lực mà chúng chính là các chiếc Bismarck và Tirpitz, mỗi chiếc trong số đó có thêm một tháp pháo bổ sung và được trang bị tám súng 38,0 cm được lắp đặt ngay từ ban đầu, làm cho chúng có đầy đủ tính năng để chở thành các thiết giáp hạm cao tốc.


Thiết kế của Pháp


Thiết kế của người Pháp tầu lớp Dunkerque

Như là một phản ứng trước các thiết giáp hạm bỏ túi của Đức, người Pháp quyết định đóng lớp tầu Dunkerque trong những năm 1930. Lớp này được gọi là “thiết giáp hạm cao tốc” và cũng được coi là thiết giáp hạm thu nhỏ nhưng vẫn có thể sánh ngang với chúng, lớp này được trang bị súng 330 mm (13 inch) ở hai tháp bốn súng nằm phía trước. Chúng được coi là tầu chủ lực sự thật, chúng lớn hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn một cách đáng kể so với các thiết giáp hạm bỏ túi của Đức mà chúng được thiết kế để săn lùng. Thiết kế cuối cùng này minh họa sự phát triển của công nghệ trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến. Tốc độ giới hạn cuối cùng của các con tàu được di dời từ trọng tải choán nước của chúng (tăng lên lũy thừa bậc 3 so với tốc độ) hơn là trọng lượng, nhưng giáp hạng nặng của thiết giáp hạm trong Chiến tranh thế giới II chỉ làm tốc độ chậm đi khoảng 2 hải lý (4 km / h) so với những con tầu anh em của chúng được thiết giáp nhẹ hơn. Súng hạng nặng và giáp dày được gắn trên thiết giáp hạm cao tốc làm vô hiệu khái niệm về tàu tuần dương hạm chủ lực ( tốc độ cao ?” hỏa lực mạnh ?” giáp không quá nặng).

Giới thiệu một vài con tầu nổi tiếng của phe Trục được đóng trong thời kỳ tái vũ trang



Chiếc Bismarck – thiết giáp hạm lừng danh của Đức được đóng trong thời gian trước WWII

Chiếc Bismarck khi đi làm nhiệm vụ ( mà nó cũng chỉ có một lần đi làm nhiệm vụ thôi)

Chiếc Bismarck khi được quan sát từ chiếc Prinz Eugen khi đang thao diễn, đây là một cặp bài trùng trong việc đánh phá các thương đoàn của Đồng minh



Chiếc Yamato – chiếc thiết giáp hạm lớn nhất thế giới, nó được đóng với những khẩu súng có cỡ nòng khổng lồ 18.1 inc với mục đích là để xử bắn các chiến hạm của Đồng minh



Ảnh dưới chiếc Yamato khi đang bị tấn công dữ dội bởi một nhóm các tầu sân bay Đồng minh trong trận Sibuyan Sea ngày 24/10/1944

Sự tham chiến của Tuần dương hạm chủ lực trong Chiến tranh thế giới II


Tấn công các đoàn công voa

Trong những năm đầu của cuộc chiến tàu Đức từng là một thước đo của sự thành công trong việc săn lùng các tầu hàng trong vùng biển Đại Tây Dương. Các thiết giáp hạm bỏ túi được triển khai một cách đơn độc và đánh chìm một số tàu hàng, gây thiệt hại cho các tuyến đường thương mại cung cấp các hàng hóa thiết yếu cho Vương quốc Anh. Chúng đã bị săn đuổi bởi Hải quân Hoàng gia và trong một lần tại Trận River Plate năm 1939, các thợ săn đã trở thành những con mồi bị săn đuổi.
Chiếc Admiral Graf Spee được tung ra làm nhiệm vụ vào lúc bắt đầu Thế chiến II và tham gia vào một thời kì đánh phá một cách thành công các tuyến đường thương mại. Ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ, chiếc Admiral Graf Spee gặp tàu tuần dương hạng nặng Exeter cùng với các tàu tuần dương hạng nhẹ Achilles và Ajax của Anh. Chiếc Admiral Graf Spee gây thiệt hại nặng về cho chiếc Exeter nhưng lần lượt bị thiệt hại đáng kể ở phần đầu do các tàu tuần dương hạng nhẹ. Lớp giáp của chiếc thiết giáp hạm bỏ túi nói chung là vẫn chịu được, nhưng nó bị trúng một vài phát đạn quan trọng làm cho nó không thể thực hiện các chuyến đi biển dài ngày để trở về Đức, và nó bị buộc phải nghỉ ngơi ở nước Uruguay trung lập. Không thể ở lại lâu hơn nữa mà không có các phương tiện sửa chữa, và bắt được sóng radio họ tin rằng tàu sân bay và tầu tuần dương chủ lực của Anh với súng 15-inch (381 mm) đã đến quá gần để có thể né tránh, thuyền trưởng của con tàu lựa chon phương án tự đánh đắm con tầu của mình, và sau đó nhận trách nhiệm về tiêu huỷ con tầu của mình bằng cách tự sát.

Các tầu tuần dương chủ lực của Đồng Minh chiến đấu như các chiếc Renown, Repulse, Dunkerque và Strasbourg được sử dụng vào các hoạt động săn lùng các tầu tuần dương chuyên đánh phá giao thông của Đức, nhưng chúng hiếm khi có thể lại gần các mục tiêu của mình, chiếc Renown có một cuộc đụng độ ngắn ngủi so với chiếc tàu chiến 11-inch của Đức, bắn được ba phát đạn vào những chỗ không hiểm yếu của chiếc Gneisenau nhưng không thể theo kịp nó trong thời tiết xấu. Một trận đánh nổ ra khi chiếc tàu thiết giáp Bismarck được tung ra như là một chiếc tầu tấn công tầu công voa và nó bị chặn lại bởi chiếc HMS Hood và chiến Prince of Wales vào tháng 5 năm 1941. Tuy nhiên, chiếc tàu chiến cổ của Anh đã không thể là đối thủ của chiếc tàu chiến của Đức và một phát đạn15 inch của chiếc Bismarck đã gây ra một vụ nổ trong kho đạn của chiếc tầu chiến Anh làm người ta gợi nhớ đến Trận Jutland. Chỉ có ba người còn sống sót trên chiếc tầu của Anh.

Hai chiếc Gneisenau và Scharnhorst đi săn cùng nhau và bước đầu đã thành công trong việc đánh phá tuyến đường giao thông, chúng đã đánh chìm chiếc tầu tuần dương hạm ?” tầu buôn vũ trang chiếc HMS Rawalpindi của người Anh vào năm 1939. Sau khi sửa chữa xong những thiệt hại trong chiến dịch Na Uy, hai chiếc tàu chiến này lại tham gia đánh phá các tuyến đường giao thông một lần nữa vào năm 1941 và đã đánh chìm 22 tàu buôn. Chúng trở lại Brest ở miền Bắc nước Pháp nhưng lại thấy rằng cảng này dễ bị gây tổn thương bởi các cuộc tấn công của Không quân Hoàng gia và đã quay trở về Đức. Chúng cũng đã làm như vậy trong Channel Dash, một cuộc tấn công táo bạo và thành công lên English Channel. Tuy nhiên, cả hai đều bị hư hại bởi các thủy lôi và chiếc Scharnhorst cần được sửa chữa, chiếc Gneisenau bị hư hại một lần nữa trong một trận không kích của Không quân Hoàng gia và cuối cùng người ta đã giải giáp và đánh chìm nó như là một tầu blockship ( làm vật cản?). Chiếc Scharnhorst một lần nữa được sử dụng để tấn công các tuyến đường thương mại và đã cố gắng đột kích vào Arctic convoy trong tháng 12 1943. Tuy nhiên, nó đã rất ngạc nhiên khi trông thấy chiếc thiết giáp hạm Duke of York cùng với các tàu tuần dương Jamaica, Norfolk và Belfast tại trận North Cape và bị đánh chìm ngày 26 tháng 12 năm 1943. Súng 14-inch (356 mm) từ chiếc Duke of York làm tê liệt tháp pháo và phòng máy của nó, sau đó các tuần dương hạm và khu trục hạm khác của người Anh áp vào và kết thúc nó bằng ngư lôi.

Việc sử dụng các tàu tuần dương chủ lực làm tầu tấn công các tuyến đường thương mại đã giảm bớt sau cuộc tấn công của chiếc Admiral Scheer vào một đoàn công voa được hộ tống bởi chiếc HMS Jervis Bay, một tuần dương hạm được hoán cải từ tầu thương gia vũ trang. Nó đã thuyết phục Bộ ha?i quân Anh rằng các đoàn phải được bảo vệ bởi thiết giáp hạm hay tàu tuần dương chủ lực. Các thiết giáp hạm lớp R-class cũ và các tầu chưa được nâng cấp lớp Queen Elizabeths (các chiếc Malaya và Barham) được sử dụng cho nhiệm vụ này, chúng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách khá suất xắc mặc dù tuổi của chúng đã quá cao, và sau đó các tàu nhỏ hơn của Đức đã buộc phải từ bỏ các con mồi của họ. Ngoài ra, khoảng cách trên không ở Bắc Đại Tây Dương là rất gần, Huff-Duff (Thiết bị phát thanh tam giác) được cải thiện, hệ thống cảnh giới trên không centimetric radar được đưa vào sử dụng và các đoàn công voa đã nhận được sự bảo vệ từ các tàu sân bay hộ tống. Thành công của một số những phát triển của KHKT đã được chứng minh bằng việc bảo vệ thành công các đoàn công voa tại các trận Biển Barents và North Cape.

Bằng cách so sánh với vai trò quan trọng của tàu ngầm trong Trận Bắc Đại Tây Dương thì vai trò đánh phá tầu thương mại của tàu tuần dương chủ lực có tác dụng ít ỏi trong tác động của nó vào kết quả của cuộc chiến.

Chiến dịch Na Uy

Cả hai Hải quân Hoàng gia và Kriegsmarine đều triển khai tàu tuần dương chủ lực trong chiến dịch Na Uy vào tháng 4 năm 1940. Các chiếc Gneisenau và Scharnhorst phải đối đầu với chiếc HMS Renown trong thời tiết thật kinh khủng và mặc dù tầu Đức được thiết giáp tốt hơn đối tthủ của họ, chiếc tàu của Anh có thể bắn trúng họ một cách dễ dàng hơn và ở một khoảng cách xa hơn do tàu Đức gặp khó khăn với radar của họ. Người Anh trở nên thảnh thơi sau khi chiếc Gneisenau bị duy trì thiệt hại. Một trong các phát đạn 15-inch của chiếc Renown xuyên qua tháp điều khiển của chiếc Gneisenau mà không phát nổ, nhưng nó cắt đứt điện và cáp thông tin của con tầu. Các mảnh vỡ gây ra tại nơi viên đạn xuyên qua làm một trong những sĩ quan thiệt mạng và năm nhân viên thiệt mạng, và phá hủy kính quang học đo độ xa rangefinder ở phía trước tháp pháo 150 mm. Hệ thống kiểm soát bắn của khẩu đội súng chính bị tắt ngấm do mất điện từ tháp điều khiển. Phát đạn thứ hai từ Renown bắn trúng tháp súng phía sau của chiếc Gneisenau và loại nó ra khỏi trận đánh.

Vào cuối chiến dịch khi đang trên đường trở về chúng đã đánh chìm chiếc tàu sân bay hạng nhẹ HMS Glorious (Một tàu chiến chuyển đổi) và tàu khu trục hộ tống nó. Một trong những tàu khu trục (chiếc HMS Acasta) đã thành công trong việc làm hư hại chiếc Scharnhorst với một quả ngư lôi, và sau đó một chiếc tàu ngầm cũng đã bắn trúng chiếc Gneisenau buộc cả hai con tàu phải mất thêm vài tháng để sửa chữa. Chiếc thiết giáp hạm bỏ túi Lützow tương tự cũng bị bắn hỏng bởi chiếc HMS Spearfish cũng trong chiến dịch này.


Tại Địa Trung Hải

Các tàu chiến Pháp đã bỏ chạy tới Bắc Phi sau chiến dịch Mùa thu ở Pháp. Trong tháng bảy năm 1940 Lực lượng H dưới sự chỉ huy của Đô đốc James Somerville được lệnh bắt họ phải đầu hàng hoặc sẽ tiêu diệt họ. Chiếc Dunkerque bị hư hại bởi đạn từ tàu HMS Hood tại Mers-el-Kebir nhưng đã trốn thoát để hội nhập với chiếc Strasbourg tại Toulon. Cả hai chiếc tàu này bị đánh đắm vào ngày 27 tháng 11 năm 1942, mặc dù chiếc Strasbourg đã được trục vớt và được sử dụng bởi hải quân Ý trước khi bị đánh chìm một lần nữa trong một cuộc không kích vào ngày 18 tháng 8 1944.


Chiến tranh Thái Bình Dương

Chiếc tàu tuần dương chủ lực đầu tiên tham gia vào Chiến tranh Thái Bình Dương được cho là chiếc HMS Repulse khi nó bị đánh chìm gần Singapore vào ngày 10 tháng 12 năm 1941 trong khi nó đi cùng với chiếc HMS Prince of Wales. Nó đã nhận được một đợt nâng cấp để tăng cường súng phòng không và giáp bảo vệ bổ sung vào thời gian giữa các cuộc chiến. Không giống như chị em Renown, chiếc Repulse không có được sự nâng cấp đầy đủ như kế hoạch mà qua đó nó sẽ có thêm vỉ chống ngư lôi chống. Trong thời gian diễn ra trận Biển Malaya, tốc độ và sự nhanh nhẹn của nó cho phép nó giữ được tính mạng và tránh được mười chín quả ngư lôi. Tuy nhiên, không có sự yểm trợ từ trên không, cuối cùng nó đã bị đánh đắm bởi những đợt sóng liên tục của các máy bay ném bom Nhật Bản, và không có sự tăng cường bảo vệ dưới mực nước, nó đã chìm nhanh chóng sau khi trúng một vài quả ngư lôi.

Các tầu tuần dương chủ lực lớp Kongō được nâng cấp đáng kể và được tái đánh giá là “thiết giáp hạm cao tốc”, và chúng được sử dụng rộng rãi như là tàu hộ tống cho tàu sân bay trong hầu hết sự nghiệp của chúng do có tốc độ cao. Tuy nhiên hệ thống vũ khí kiểu từ thời Thế chiến I đã làm chúng yếu hơn và dự án nâng cấp giáp của chúng vẫn không làm chúng đạt tiêu chuẩn tầu lớp Dreadnought hiện đại. Trong thời gian trận Hải chiến Guadalcanal ngày 12 tháng 11, chiếc Hiei đã được tung ra để bắn phá các vị trí Mỹ. Nó bị thiệt hại nặng ở phần đầu do súng của tuần dương hạm và khu trục hạm Hoa Kỳ, với việc phòng máy của nó bị xuyên thủng bởi một phát đạn 8-inch từ chiếc USS San Francisco ở cự ly gần. Ngày hôm sau, chiếc Hiei bị tấn công bởi các đợt sóng máy bay từ sân bay của Mỹ được xây dựng ở Guadalcanal (sân bay Henderson Field), cuối cùng các nỗ lực cứu hộ là không thể thực hiện được, và vì vậy nó đã bị đánh chìm ở phía bắc Savo Island. Một vài ngày sau đó, ngày 15 tháng 11 năm 1942, chiếc Kirishima tấn công các thiết giáp hạm của Mỹ chiếc South Dakota và Washington, và nó bị đánh đắm sau khi bị thiệt hại nghiêm trọng từ chín phát đạn 16-inch được bắn từ chiếc Washington, những phát đạn này làm vô hiệu hóa tháp pháo của nó và phá 01 lỗ ở dưới mực nước. Ngược lại chiếc South Dakota vẫn sống sót sau khi trúng 42 phát đạn (chỉ có một phát đạn 14-inch nhưng có rất nhiều phát đạn 8-in của loại tàu tuần dương hạng nặng), tất cả các phát đạn này đều trúng vào cấu trúc thượng tầng của con tầu, và nó đã hoạt động trở lại trong bốn tháng sau đó. Chiếc Kongō sống sót sau trận Trận Vịnh Leyte, Nhưng nó đã bị đánh chìm vào ngày 21 tháng 11 năm 1944 trong Eo biển Đài Loan bởi quả ba ngư lôi phóng từ chiếc tàu ngầm USS Sealion (SS-315). Chiếc Haruna đã tham gia vào các hoạt động bắn phá tại Guadalcanal tại Trận chiến biển Philippine, và tại Trận Vịnh Leyte. Nó bị tấn công bởi tàu sân bay của Lực lượng Đặc nhiệm 38 và máy bay ném bomB-24 Liberator Hoa Kỳ khi đang đóng tại Kure, căn cứ hải quân Hải quân Nhật, vào ngày 28 tháng 7 năm 1945 và chìm tại nơi thả neo của nó.

Tuần dương hạm loại lớn hay kẻ sát thủ các tuần dương hạm

Trong thời gian nổ ra Chiến tranh thế giới II, đã có một sự phục hưng phổ biến của tàu chiến ở giữa loại tàu thiết giáp và loại tàu tuần dương. Trong khi một số quốc gia công nhận tàu tuần dương chủ lực là loại này, thì chúng lại chưa bao giờ được phân loại là tàu chủ lực, và chúng đã được mô tả bằng những từ ngữ khác nhau như là “siêu tàu tuần dương”, “tàu tuần dương lớn” hoặc thậm chí là “tàu tuần dương không hạn chế “.

Chúng ( tầu tuần dương chủ lực) đã được tối ưu hóa như là kẻ sát thủ – tàu tuần dương, tầu trinh sát của hạm đội và tầu tấn công các tầu thương mại. Người Hà Lan, Nhật Bản, Liên Xô và người Mỹ tất cả các quốc gia này đều lên kế hoạch về các lớp tầu kẻ sát thủ mới để làm đối trọng với các tàu tuần dương lớn hạng nặng đang được chế tạo bởi các hải quân đối thủ của họ – đặc biệt là lớp tàu tuần dương Mogami của Nhật Bản. Người Đức cũng đã thiết kế một loại tàu tuần dương chủ lực có giáp hạng nhẹ bảo vệ.

Các tàu tuần dương chủ lực hạng nhẹ đầu tiên như vậy là Lan Thiết kế 1047 của người Hà. Không bao giờ đặt cho loại này một cái tên chính thức, người Hà Lan muốn dùng chúng để bảo vệ các thuộc địa của họ ở Đông Ấn khi phải đối mặt với sự xâm lăng của Nhật Bản. Thiết kế này được sự trợ giúp của người Đức và Ý, chúng nhìn chung trông giống như lớp Scharnhorst của Đức và có cùng một khẩu đội pháo chính, nhưng nhẹ hơn một cách đáng kể và chỉ được bọc giáp bảo vệ để chống lại đạn súng 8-inch (203 mm). Mặc dù thiết kế được hoàn thành, nhưng công việc đóng tàu không bao giờ được bắt đầu khi người Đức tràn vào Hà Lan trong tháng 5 năm 1940, trong khi con tàu đầu tiên chỉ có thể được đặt lườn trong tháng sáu năm đó.

Người Đức lên kế hoạch để đóng ba tàu chiến lớp O Class như một phần của kế hoạch mở rộng Hải quân Đế chế Kriegsmarine (Kế hoạch Z). Với sáu súng 15 inch (38 cm), tốc độ cao, tầm quan sát xuất sắc, nhưng giáp lại rất mỏng, chúng được lên kế hoạch như là tầu tấn công tầu thương mại. Chỉ có một trong số đó được đặt hàng ngay trước khi Chiến tranh thế giới II nổ ra và việc đóng con tầu này không bao giờ được thực hiện. Không có cái tên nào được đặt cho lớp này, và chúng chỉ được biết đến với các ký tự như là O, P, Và Q. Lớp tầu mới này không được hoan nghênh một cách phổ biến trong Kriegsmarine, Lớp giáp bảo vệ hạng nhẹ bất thường của chúng được đặt một biệt danh có ý nghĩa xúc phạm Ohne Panzer Quatsch (Không có giáp – vô nghĩa) trong một bộ phận nhất định của Hải quân.

Lớp duy nhất của các tàu tuần dương muộn mằn này được đặt hàng bởi Hải quân Hoa Kỳ là ba chiếc tầu lớp Alaska, các “Tuần dương hạm lớn” ?” các chiếc Alaska, Guam và Hawaii ?” Trong số đó chỉ có các chiếc Alaska và Guam được hoàn thành. Chiếc Alaskas được phân loại là “tàu tuần dương lớn” thay vì là tuần dương hạm chủ lực, và tình trạng của chúng không được coi như là tàu chủ lực, điều này được chứng minh bởi thực tế là chúng đã được đặt tên theo vùng lãnh thổ hoặc bảo hộ (đối lập với loại thiết giáp hạm, được đặt theo tên theo các tiểu bang, hoặc loại tuần dương hạm, được đặt tên một cách phổ biến theo tên các thành phố). Nhưng với một vũ khí chính gồm chín súng mười hai inch (305 mm) trong ba tháp ba súng và một trọng tải 27.000 tấn, chiếc Alaskas có kích thước gấp hai lần so với tàu tuần dương lớp Baltimore và có cõ nòng súng lớn hơn 50%. Tuy nhiên, chúng không có lớp vành đai bọc thép dày và hệ thống chống ngư lôi theo tiêu chuẩn của tầu chủ lực và không giống như hầu hết các tàu tuần dương chủ lực, chúng được coi là có một thiết kế cân bằng (theo tiêu chuẩn của tàu tuần dương) là lớp giáp bảo vệ của chúng có thể chịu được hỏa lực từ súng của riêng chúng, mặc dù chỉ trong một phạm vi rất hẹp. Chúng được thiết kế để săn đuổi các tàu tuần dương hạng nặng Nhật Bản, Mặc dù vào thời gian chúng bắt đầu đi vào phục vụ thì hầu hết các tàu tuần dương Nhật Bản đã bị đánh chìm bởi máy bay hay tàu ngầm Hoa Kỳ. Cũng giống như các thiết giáp hạm cao tốc lớp Iowa đương đại, tốc độ của chúng cuối cùng đã làm cho chúng trở nên hữu ích hơn khi trở thành các tầu hộ tống tàu sân bay và tàu bắn phá hơn là các tầu đối tầu trên biển như mục đích phát triển của chúng. Chiếc Hawaii đã đã được hoàn tất tới 84% khi chiến sự chấm dứt, và được cho ra ngoài hoạt động trong nhiều năm qua, trong khi có nhiều kế hoạch tranh cãi khác nhau để chuyển đổi thân tàu lớn của nó thành một chiếc tàu mang tên lửa hoặc một tàu chỉ huy, cuối cùng nó đã được tháo dỡ từng phần. Ngoài ra ba thân tầu nữa của các chiếc Philippines, Puerto Rico và Samoa đã bị hủy bỏ hoàn toàn.

Người Nhật bắt đầu thiết kế các tầu lớp B64, tương tự như lớp Alaska nhưng với súng 12,2-inch (310 mm). Tin tức về lớp Alaskas làm cho họ phải nâng cấp thiết kế này và tạo ra thiết kế B65. Trang bị súng 14-inch (356 mm), thiết kế B65 sẽ có được vũ khí tốt nhất của loại tàu tuần dương mới, nhưng chúng vẫn chỉ được bảo vệ đủ để chống lại đạn 8-inch. Giống như các tàu tuần dương chủ lực của Hà Lan, người Nhật Bản đã hoàn toàn hoàn thành thiết kế B65, nhưng không bao giờ hạ thủy chúng. Bởi thời gian hoàn thành thiết kế này Hải quân Nhật Bản nhận ra rằng họ cần sử dụng ít tầu chiến thôi và ưu tiên của họ là để đóng các tàu sân bay. Giống như tầu lớp Alaskas, người Nhật không gọi những tàu này là tuần dương hạm chủ lực, mà đề cập đến chúng như là siêu tàu tuần dương hạng nặng.

Chiếc tuần dương hạm Indiannapolis của Hoa kỳ, chiếc này chuyên chở hai quả bom nguyên tử đến căn cứ của Mỹ ở Okinawa để ném vào 2 TP của Nhật năm 1945. Ác giả ác báo trên đường quay về nó bị bắn hạ bởi tầu ngầm NB và 3/4 thủy thủ đoàn của nó thành thức ăn cho cá biển


Tầu khu trục

Sự phát triển của các tầu khu trục giai đoạn giữa các cuộc chiến tranh


Tầu HMS Velox – tàu khu trục lớp V của Hải quân Hoàng gia

Xu hướng trong Thế chiến thứ nhất là thiết kế các tàu khu trục lớn hơn với vũ khí hạng nặng . Một loạt các cơ hội để bắn từ tầu khu trục vào các tàu chiến chủ lực đã bị bỏ lỡ trong Thế chiến I, bởi vì các khu trục hạm đã bắn tất cả các quả ngư lôi của chúng trong một loạt ban đầu. Các lớp tầu khu trục V & W của người Anh được chế tạo ở cuối cuộc chiến đã khắc phục được nhược điểm này bằng cách lắp sáu ống phóng ngư lôi thành hai nhóm ba ống phóng thay vì chỉ bốn hoặc hai ống phóng trong các đời đó. Các tầu khu trục lớp V và W cũng đã thiết lập các tiêu chuẩn để chế tạo những con tầu khu trục có chất lượng cao vào những năm 1920.


Chiếc Uranami thuộc lớp tàu khu trục Fubuki của Nhật Bản

Các đổi mới lớn tiếp theo đến từ lớp tầu khu trục Fubuki của người Nhật hoặc còn được gọi là loại đặc biệt , được thiết kế vào năm 1923 và giao hàng trong năm 1928. Theo thiết kế ban đầu lớp này được trang bị vũ khí mạnh mẽ với sáu súng năm inch ( 127 mm) và ba nhóm ba ống phóng ngư lôi. Lô thứ hai của lớp đã có các khẩu súng tháp góc cao để phòng không, và loại ngư lôi 93?o Long Lance? 24 – inch ( 61 cm) chạy bằng nhiên liệu oxy. Sau này lớp tầu khu trục Hatsuharu năm 1931 tiếp tục có những cải tiến về ngư lôi, cất trữ các quả ngư lôi để nạp lại trong một khoảng cách gần , chuyển tải các quả ngư lôi ở trên phần thượng tầng của con tầu, cho phép nạp lại ngư lôi trong vòng 15 phút.

Hầu hết các quốc gia khác có câu trả lời với các cỡ tàu khu trục tương tự hoặc lớn hơn. Lớp tầu khu trục Porter của Hoa Kỳ sử dụng hai súng năm inch ( 127 mm), và tiếp theo là các lớp Mahan và Gridley (được chế tạo muộn hơn trong năm 1934 ) đã tăng số lượng các ống phóng ngư lôi lên 12 và 16 ống tương ứng.


Tầu khu trục của Pháp -chiếc Lê Fantasque, tàu khu trục lớp nhanh nhất từng được chế tạo.

Tại Địa Trung Hải , Hải quân của Ý đóng lớp tàu tuần dương Condottieri hạng rất nhẹ, sự kiện này làm người Pháp phải thiết kế một loại tàu khu trục đặc biệt. Người Pháp đã từ lâu đã quan tâm đến tàu khu trục lớn, với họ là lớp tầu khu trục Chacal năm 1922 có trọng tải trên 2.000 tấn và mang súng 130 mm , một lớp tầu gồm ba chiếc tương tự tiếp tục được sản xuất xung quanh năm 1930. Các tầu lớp Lê Fantasque trong năm 1935 được trang bị súng 138 mm ( 5,4 in) và chín ống phóng ngư lôi, nhưng có thể đạt tới tốc độ 45 knot ( 83 km / h ), đây là tốc độ kỷ lục cho bất kỳ một tàu hơi nước nào và bất kỳ tàu khu trục nào. Các tàu khu trục của Ý cũng gần như là các tầu cao tốc, phần lớn các thiết kế của người Ý là ở thập niên 1930, chúng được đánh giá là có tốc độ cao ở hơn 38 knot ( 70 km / h ), trong khi vẫn có ngư lôi và cả bốn hoặc sáu khẩu pháo 120 mm .
Đức bắt đầu tái chế tạo các tàu khu trục hạm trong thập niên 1930 như là một phần của chương trình tái vũ trang của Hitler. Người Đức ban đầu cũng rất khoái các tàu khu trục lớn, nhưng trong khi Type 1934 ban đầu có trọng tải trên 3.000 tấn, nhưng trang bị vũ khí của chỉ tương đương với các tàu nhỏ hơn. Vấn đề này được thay đổi từ Type 1936 trở đi, loại đước gắn súng hạng nặng 150 mm. Tàu khu trục của Đức cũng được sử dụng máy móc hơi nước áp suất cao mới được sáng chế : làm tăng hiệu quả chiến đấu của các con tầu nhưng chúng cũng thường xuyên dẫn đến các vấn đề về cơ khí.

Sau tình hình các quốc gia như Đức và Nhật Bản tái vũ trang trở nên rõ ràng , lực lượng hải quân các nước Anh và Mỹ cũng tập trung vào chế tạo các tàu khu trục nhỏ hơn nhiều hơn so với những chiếc được sử dụng bởi các quốc gia khác . Người Anh đã đóng một loạt các tàu khu trục ( từ lớp A đến lớp I) trong đó khoảng trọng tải tiêu chuẩn là cỡ 1.400 tấn, chúng có bốn súng 4,7 inch ( 119 mm) và tám ống phóng ngư lôi ; những tầu lớp Benson của người Mỹ năm 1938 có kích thước tương tự nhưng lại mang năm súng 5 inch ( 127 mm) và mười ống phóng ngư lôi . Nhận thấy sự cần thiết là phải trang bị những súng nặng hơn , người Anh đóng lớp Tribal năm 1936 (đôi khi gọi là ” Afridi “sau khi hoàn thành một trong hai chiếc tàu dẫn). Những con tàu này có trọng tải 1.850 tấn và được trang bị tám súng 4,7 – inch ( 119 mm) trong bốn tháp súng đôi và bốn ống phóng ngư lôi . Chúng được theo sau bởi các lớp tàu khu trục J và L với sáu súng 4,7 – inch ( 119 mm) trong các tháp súng đôi và tám ống phóng ngư lôi

Các cảm biến chống tàu ngầm bao gồm sonar (hoặc ASDIC ) được trang bị cho các tầu khu trục mặc dù khâu đào tạo để sử dụng chúng đã không thực sự được quan tâm. Vũ khí chống tàu ngầm thay đổi rất ít với loại bom chống tầu ngầm bắn về phía trước ?” một loại vũ khí cần thiết đã được công nhận trong Thế chiến I đã được sử dụng mà không có cải tiến nào.


Hoạt động của tầu khu trục trong thời kỳ giữa các cuộc chiến

Trong thập niên 1920 và thập niên 1930 các tàu khu trục thường được triển khai đến các khu vực căng thẳng về ngoại giao, thảm họa nhân đạo. Các tàu khu trục Anh và Mỹ xuất hiện một cách phổ biến trên các con sông và vùng bờ biển Trung Quốc, thậm chí vận chuyển các đồ cung cấp để bảo vệ quyền lợi của họ tại các thuộc địa.


Tầu khu trục trong Thế chiến thứ II

Vào thời gian xảy ra Chiến tranh thế giới II các mối đe dọa lại được phát triển một lần nữa. Tàu ngầm lúc này trở nên hiệu quả hơn, và máy bay trở thành vũ khí quan trọng của các cuộc chiến trên biển, một lần nữa các khu trục hạm đội lại trở nên lỗi thời ?” Chúng lại phải có các vũ khí trang bị mới để chống các kẻ thù mới. Chúng được trang bị với các loại súng phòng không mới, radar, và các loại vũ khí chống tàu ngầm bắn về phía trước mới (forward-launched ASW) ngoài các súng hạng nhẹ hiện của chúng và các loại bom chìm cùng với ngư lôi. Vào thời điểm này các tàu khu trục trở nên lớn hơn, được sử dụng đa mục đích, nhiều khi phải làm những nhiệm vụ quá với sức của chúng. Kết quả thương vong của các tàu khu trục là một trong những thương vong cao nhất trong cuộc chiến. Vấn đề này dẫn đến việc Hải quân các nước tung ra các tầu khu trục loại nhỏ hơn và rẻ tiền hơn chuyên để chống tàu ngầm và tàu chiến, chúng được gọi là tàu hộ tống ( corvette) hoặc tàu frigate theo thuật ngữ của Hải quân Hoàng gia và tàu khu trục hộ tống (destroyer escort) theo thuật ngữ của Hải quân Hoa Kỳ. Một chương trình tương tự cũng đã được bắt đầu bởi người Nhật (như tàu khu trục lớp Matsu). Những con tàu này có kích cỡ và trọng tải tương tự như của các tầu khu trục phóng ngư lôi ban đầu ?” mà chúng đã tiến hóa thành tàu khu trục hiện đại.

Trong chiến tranh thế giới thứ II xuất hiện một loại tầu mà nó là nhân tố chính quyết định kết quả của gần như tất cả những trận Hải chiến lớn, và đồng thời kết thúc kỷ nguyên của tầu Thiết giáp hạm – làm cho khái niêm súng to, giáp dày trở nên lỗi thời, đó chính là tầu sân bay


II. Lịch sử ra đời và phát triển của Tàu sân bay cho đến WWII


Chuyến cất cánh trên boong chiếc tầu sân bay HMSFormidable dưới sự hộ tống của chiếc tàu chiến HMS Warspite (bên phải), hoạt động ngoài khơi Madagascar, tháng 4 năm 1942

Tàu sân bay là tàu chiến tiến hóa lên từ các tàu chuyên chở bóng khí cầu có sàn bằng gỗ cho đến tầu sân bay có sử dụng năng lượng hạt nhân có thể chở được hàng chục máy bay có cánh cố định và máy bay cánh quạt. Kể từ khi chúng được đưa vào sử dụng, chúng cho phép lực lượng hải quân sử dụng không quân từ khoảng cách rất xa mà không cần phải phụ thuộc vào các căn cứ trên mặt đất cho máy bay.

Tàu chuyên chở bóng khí cầu là những tàu đầu tiên dùng để triển khai bóng khí cầu có người lái, được sử dụng trong thời gian cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chủ yếu dùng cho mục đích trinh sát. Sự xuất hiện của máy bay có cánh cố định vào năm 1903 tiếp nối vào năm 1910 bởi các chuyến bay đầu tiên từ boong tàu tuần dương của Hải quân Mỹ, về sau là các tầu mang Thủy phi cơ và tàu hỗ trợ bảo dưỡng thủy phi cơ, chẳng hạn như chiếc HMSEngadine. Sự phát triển của các tầu được chia thành nhiều khoang đã tạo ra những tàu hạm đội lớn đầu tiên. Sự tiến hóa này đã tiến triển rất tốt vào giữa thập niên 1920, và kết quả là các tàu sân bay lớp HMSHermes, Hōshō, và Lexington.

Chiến tranh thế giới II cho thấy việc sử dụng quy mô lớn đầu tiên các tàu sân bay và tạo ra những cải tiến tinh tế hơn nữa trong thiết kế của chúng, việc này dẫn đến một vài biến thể như các tàu sân bay hộ tống, chẳng hạn như chiếc USS Bogue, được chế tạo như một giải pháp tạm thời để cung cấp yểm trợ từ trên không cho các đoàn công voa và các cuộc đổ bộ xâm lược. Tiếp theo tàu sân bay hạng nhẹ, chẳng hạn như chiếc USS Independence, đại diện cho một phiên bản “quân sự hóa” lớn hơn nhiều của khái niệm tàu sân bay hộ tống. Mặc dù các tàu sân bay hạng nhẹ thường mang các nhóm máy bay chiến đấu có cùng kiểu như tàu sân bay hộ tống, chúng có ưu thế về tốc độ cao hơn khi chúng được chuyển đóng chuyển đổi từ tuần dương hạm.

BUỔI ĐẦU LỊCH SỬ


Bóng khí cầu Washington của quân đội Liên bang trên chiếc sà lan Hải quân George Washington Parke Custis

Các bản ghi chép về việc sử dụng một con tàu tầu tiên cho các hoạt động trên không xảy ra vào năm 1806, khi Lord Cochrane của Hải quân Hoàng gia cho thả chiếc diều từ tàu khu trục 32 súng HMSPallas để thả truyền đơn. Các tuyên bố chống lại Napoleon Bonaparte, được viết bằng tiếng Pháp, và được gắn liền vào chiếc diều, và các dây diều, khi các dây diều bị đốt cháy các tờ truyền đơn được thả lên đất Pháp.

Chỉ hơn 40 năm sau, ngày 12 tháng bảy 1849, tàu Hải quân Áo Vulcano được sử dụng để tung ra những cuộc tấn công trên không đầu tiên. Một số bóng khí cầu nóng Montgolfiere nhỏ được tung ra với ý định để oanh tạc bằng bom vào Venice. Mặc dù phần lớn các cố gắng này đã không thành công do gió đã đẩy các khí cầu bay ngược trở lại phía con tàu, một quả bom đã được làm nổ trên bề mặt thành phố.

Sau đó trong Nội chiến Hoa Kỳ vào thời gian của Chiến dịch Bán đảo, khí cầu đốt bằng khí đã được sử dụng để thực hiện các phi vụ trinh sát vào các vị trí miền Nam. Các trận đánh nhanh chóng chuyển sâu vào vùng nội địa nơi có khu vực rừng rậm của bán đảo, tuy nhiên đây lại là nơi mà bóng khí cầu không thể bay vào được. Một sà lan than ?” chiếc George Washington Parke Custis, đã được dọn sạch tất cả các boong tầu để chứa các máy phát điện khí và máy móc của khí cầu. Từ chiếc sà lan này Giáo sư Thaddeus S. C. Lowe, Cơ khí trưởng của Quân đoàn bóng khí cầu của Liên bang, cố gắng tiến hành chuyến bay đầu tiên của ông ngược lên phía Sông Potomac và gửi tín hiệu cho thấy sự thành công của một chuyến viễn thám trên không đầu tiên được tiến hành từ một tàu chạy dưới nước. Một sà lan khác đã được chuyển đổi để hỗ trợ các bóng khí cầu quân sự khác để vận chuyển về các tuyến đường thủy phía đông, nhưng không chiếc nào trong số những bóng khí cầu trong cuộc nội chiếc Hoa kỳ có thể ra được đến Đại dương.

Các bóng kinh khí được thả từ các con tầu dẫn đến sự phát triển của tàu mang bóng kinh khí, hoặc tầu tiếp liệu bóng kinh khí trong suốt Chiến tranh thế giới I bởi lực lượng hải quân của các quốc gia như Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga và Thụy Điển. Khoảng mười “tầu chuyên chở bóng khí cầu” đã được chế tạo, mục tiêu chính của chúng là tung ra những chuyến trinh sát từ trên không. Những con tàu này hoặc ngừng hoạt động hoặc được chuyển đổi sang thành tầu chuyên chở thủy phi cơ trong thời gian sau chiến tranh.

Chiếc tàu sân bay thủy phi cơ đầu tiên của Pháp La Foudre ( ở bên phải, với nhà chứa máy bay và cần cẩu), với một trong những thủy phi cơ Canard Voisin của nó đang cất cánh, trong các bài tập chiến thuật vào tháng 6 năm 1912

Phát minh về thủy phi cơ của Pháp với chiếc Le Canard tháng 3 năm 1910 đã dẫn đến sự phát triển sớm nhất của một con tàu được thiết kế để mang máy bay mặc dù chúng (những chiếc máy bay) được trang bị phao: trong tháng 12 năm 1911 đã xuất hiện chiếc La Foudre của Hải quân Pháp, chiếc tầu đầu tiên mang thủy phi cơ, và là chiếc tầu đầu tiên được biết đến như là một tàu sân bay. Nó hoạt như là một tầu tiếp liệu cho các thủy phi cơ và mang những chiếc máy bay được lắp phao ở nhà chứa máy bay trên boong chính, từ đó chúng (các thủy phi cơ) được hạ xuống mặt biển bằng một chiếc cần cẩu, con tầu này tham gia các bài tập chiến thuật tại Địa Trung Hải năm 1912. Chiếc La Foudre được tiếp tục nâng cấp trong tháng 11 năm 1913 với một ngăn sàn dài 10 mét để cất cánh các thủy phi cơ của nó.

Chiếc HMS Hermes được tạm thời chuyển đổi như là một tàu sân bay – thủy phi cơ thử nghiệm trong tháng 4 -> tháng 5 năm 1913, cũng là một trong những tàu sân bay thủy phi cơ đầu tiên, và là chiếc tàu sân bay – thủy phi cơ thử nghiệm đầu tiên của Hải quân Hoàng gia. Nó ban đầu được hạ thủy như một tàu buôn nhưng được chuyển đổi trong khi đang được chế tạo thành một tàu sân bay – thủy phi cơ cho một series thử nghiệm vào năm 1913, trước khi được chuyển đổi một lần nữa thành một tàu tuần dương, và lại bị chuyển ngược lại thành một tàu sân bay – thủy phi cơ trong năm 1914. Nó bị đánh chìm bởi một tàu ngầm của Đức trong tháng 10 năm 1914. Tầu sân bay – thủy phi cơ đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ là chiếc USS Mississippi, nó được chuyển đổi sang vai trò này trong tháng 12 năm 1913.

Nhiều tàu tuần dương và tàu chủ lực trong những năm thế chiến thường mang một máy phóng để phóng đi những thủy phi cơ trinh sát và để phát hiện địa điểm của đối phương. Nó ( chiếc thủy phi cơ ) được đưa lên không trung bởi một máy phóng và thu hồi bằng cần cẩu từ mặt nước sau khi hạ cánh. Đây là một trong những tiến bộ của KHKT đã rất thành công trong Thế chiến II; có nhiều thành công đáng chú ý ở đầu cuộc chiến được tiến hành bởi thủy phi cơ Swordfish được trang bị phao của HMSWarspite trong Trận Narvik năm 1940, nơi nó phát hiện mục tiêu cho các khẩu súng của tàu chiến Anh, làm cho bảy tàu khu trục của Đức bị đánh chìm, và đánh chìm chiếc tàu ngầm Đức U-64 bằng bom riêng của mình. Thủy phi cơ Nakajima A6M2-N “Rufe” của người Nhật, biến thể từ máy bay Zero, là một loại máy bay có khả năng chiến đấu cực cao với một sự mất mát ít ỏi trong các hoạt động trên không; một trong những phi công của loại này ghi được 26 chiến cống, một điểm số mà chỉ có một số ít các phi công Mỹ làm được trong suốt Chiến tranh Thế giới II. Những loại thủy phi cơ khác của Nhật Bản cất cánh từ tầu sân bay và tàu chiến đã đánh chìm nhiều tàu buôn và tiến hành các cuộc tấn công mặt đất với quy mô nhỏ.


Nguồn gốc của tầu chuyên chở phi cơ có boong phẳng

Loại máy bay nặng hơn không khí ( để so sánh với bóng khí cầu) được phát triển trong thế kỷ 20, lực lượng hải quân của các quốc gia khác nhau bắt đầu có những mối quan tâm đến việc sử dụng khả năng của chúng làm nhiệm vụ trinh sát cho tàu chiến mang súng lớn của họ. Năm 1909 nhà phát minh Pháp Clément Ader công bố trong cuốn sách của mình L Aviation Militaire mô tả một con tàu dùng để vận hành máy bay ở trên biển, với một sàn đáp phẳng, một khu thượng tầng cách biệt của con tàu, sàn tầu có các thang máy và một nhà chứa máy bay. Năm đó Tùy viên Hải quân Mỹ ở Paris gửi về nước một báo cáo về những gì ông ta đã quan sát được.

“Một tàu chở máy bay là tuyệt đối cần thiết, loại tàu này được chế tạo cho một kế hoạch rất khác với những loại tầu chiến hiện đang được sử dụng. Đầu tiên là tất cả các sàn tầu phải được dọn sạch tất cả các cản trở.. Chúng ( các sàn tầu) sẽ càng bằng phẳng, càng rộng càng tốt nhưng không được gây nguy hiểm cho khả năng đi biển của thân tàu, và chúng sẽ giống như một khu vực để hạ cánh. ” Clément Ader, L’Aviation Militaire, 1909.


Phi công Eugene Ely cất cánh từ chiếc USSBirmingham, ngày 14 tháng 11 năm 1910.

Một số chuyến bay thử nghiệm đã được thực hiện để test các concept. Eugene Ely là phi công đầu tiên cất cánh từ một con tàu tĩnh trong tháng 11 năm 1910. Ông cất cánh từ một cấu trúc cố định trên phần trước của chiếc tàu tuần dương hạm bọc thép Mỹ – USSBirmingham tại Hampton Roads, Virginia và hạ cánh ở gần đó trên Willoughby Spit sau khoảng thời gian độ năm phút bay trên không.


Phi công Eugene Ely hạ cánh lần đầu tiên trên chiếc tàu sân bay vào ngày 18 tháng 1 năm 1911.

Ngày 18 tháng 1 năm 1911, ông ta trở thành phi công đầu tiên hạ cánh trên một chiếc tàu tĩnh. Ông cất cánh từ đường đua Tanforan và hạ cánh trên một cấu trúc tạm thời tương tự ở phía sau của chiếc USSPennsylvania lúc này đang thả neo tại khu bến cảng San Francisco, các hệ thống phanh được tăng cường bao cát và những sợi dây dẫn trực tiếp đến bộ phận móc hãm và các loại dây được mô tả dưới đây. Máy bay của ông sau đó đã được di chuyển một vòng và ông đã có thể cất cánh một lần nữa. Chỉ huy Charles Samson Rumney, Hải quân Hoàng gia, trở thành phi công đầu tiên cất cánh từ một tàu chiến đang di chuyển vào ngày 09 tháng 05 năm 1912. Ông cất cánh chiếc Short S.38 từ chiếc thiết giáp hạm HMSHibernia trong khi nó đang chạy ở tốc độ 15kn (17mph; 28km / h) Trong cuộc kiểm tra của Hạm đội Hoàng gia tại Weymouth, nước Anh. 


Tầu sân bay trong chiến tranh thế giới I


Chiếc tàu sân bay thủy phi cơ Nhật Bản Wakamiya tiến hành cuộc tấn công trên không của hải quân đầu tiên trên thế giới trong tháng 9 năm 1914.

Cuộc tấn công đầu tiên từ một tàu sân bay vào một mục tiêu trên đất liền cũng như một mục tiêu trên biển diễn ra trong tháng 9 năm 1914 khi tầu vận chuyển thủy phi cơ Wakamiya của Hải quân Đế quốc Nhật Bản xuất phát từ Kiaochow Bay tiến hành các cuộc không kích của Hải quân đầu đầu tiên trên thế giới trong Trận Thanh Đảo ở Trung Quốc. Bốn chiếc thủy phi cơ Maurice Farman ném bom các mục tiêu trên đất liền của Đức (các trung tâm truyền thông và các trung tâm chỉ huy) và làm hư hỏng một tàu thả thủy lôi của Đức tại bán đảo Thanh Đảo từ tháng 9 tới ngày 06 tháng 11 năm 1914, khi quân Đức đầu hàng. Trên mặt trận phía Tây đợt không kích đầu tiên của Hải quân diễn ra vào ngày 25 tháng 12 năm 1914 khi 12 thủy phi cơ xuất phát từ các tầu HMSEngadine, Riviera và Queen (tầu hơi nươc chuyển đổi thành tàu sân bay- tàu thủy phi cơ) tấn công căn cứ Zeppelin tại Cuxhaven. Cuộc tấn công không phải là một thành công hoàn tất, mặc dù một tàu chiến của Đức đã bị hư hỏng; tuy nhiên các cuộc tấn công thể hiện tính khả thi của các cuộc tấn công của máy bay xuất phát từ tàu thủy tại chiến trường châu Âu và cho thấy tầm quan trọng chiến lược của vũ khí mới này.

Chiếc HMS Ark Royal được cho là tàu sân bay hiện đại đầu tiên. Nó ban đầu được hạ thủy như một tàu buôn, nhưng được chuyển đổi trong khi chế tạo thành một tầu chuyên chở cả máy bay lẫn thủy phi cơ với một máy phóng khởi động. Ra mắt vào ngày 5 tháng 9 năm 1914, nó phục vụ trong chiến dịch Dardanelles và trong suốt Thế chiến I.

Ngày 2 tháng 8 năm 1917, Chỉ huy Phi đội E.H. Dunning, thuộc Hoàng Hải quân, hạ cánh chiếc máy bay Sopwith Pup của mình lên chiếc HMS Furious tại Scapa Flow, Orkney, ông trở thành người đầu tiên hạ cánh một máy bay lên một con tàu đang di chuyển. Ông đã tử nạn 5 ngày sau khi hạ cánh một lần khác lên chiếc HMS Furious.

Những hoạt động khác của tầu sân bay được tiến hành trong chiến tranh, hoạt động thành công nhất diễn ra ngày 19 tháng 7 năm 1918, khi bảy chiếc máy bay Sopwith Camel được phóng từ tàu HMS Furious tấn công căn cứ Khinh khí đi?nh của Đức tại Tondern, Với hai quả bom £ 50 (23 kg) cho mỗi chiếc máy bay. Nhiều khí cầu và bóng khinh khí đã bị phá hủy, nhưng tầu sân bay chuyển đổi không có cách nào để thu hồi máy bay một cách an toàn, hai trong số các phi công phải hạ cánh các máy bay của họ trên biển ở bên cạnh chiếc tàu sân bay trong khi những người khác hướng đến nước Đan Mạch trung lập.

Những năm giữa chiến tranh

Chiếc HMS Argus ” chiếc tầu sân bay đầu tiên có sàn cất ” hạ cánh phẳng với đầy đủ chiều dài năm 1918

Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 đã đặt ra giới hạn về trọng tải của tàu thiết giáp và tàu tuần dương chủ lực cho hải quân của các cường quốc sau Thế chiến I, cũng như không chỉ giới hạn trên cho tổng trọng tải của tàu sân bay, mà còn giới hạn trên khoảng 27.000t (27.000 longton) cho mỗi con tầu. Mặc dù có trường hợp ngoại lệ là có những con tàu có trọng tải tối đa (hiệp ước quy định cho các tầu thuộc hạm đội nhưng lại không tính tới những tàu thử nghiệm) nhưng tổng trọng tải là không được vượt quá quy định. Tuy nhiên, trong khi tất cả các lực lượng hải quân của các cường quốc đều đã vượt quá trọng tải về tàu thiết giáp, họ lại chưa vượt qua một cách đáng kể trọng tải của các tàu sân bay. Do đó, nhiều tàu thiết giáp và tàu tuần dương chủ lực đang được chế tạo (hoặc đang làm nhiệm vụ) đã được cải tạo thành tàu sân bay.


Chiếc tầu sân bay Hōshō của Hải quân Nhật năm 1922, chiếc tầu sân bay đầu tiên trên thế giới được đóng theo kiểu keel-up.

Chiếc tàu đầu tiên có toàn chiều dài boong tầu làm sàn cất hạ cánh là chiếc HMS Argus, Việc chuyển đổi được hoàn thành vào tháng 9 năm 1918, với Hải quân Hoa Kỳ thì phải đến năm 1920, khi việc chuyển đổi chiếc USSLangley (Một con tàu thử nghiệm không được tính trong trọng tải tàu sân bay của Mỹ) được hoàn thành. Các tàu sân bay Mỹ đầu tiên không đưa vào phục vụ cho đến tháng 11 năm 1927 khi chiếc USSSaratoga được hạ thủy. ( chiếc USS Lexington được hạ thủy vào tháng 12 năm đó.)

Chiếc tàu sân bay thực sự đầu tiên được thiết kế và đặt thân lườn là chiếc HMS Hermes (các chiếc trước đó là tầu chuyển đổi ?” cải tiến) vào năm 1918. Nhật Bản bắt đầu chế tạo chiếc Hōshō trong năm sau. Trong tháng 12 năm 1922, chiếc Hōshō trở thành đầu tiên được đưa vào hoạt động, trong khi chiếc HMS Hermes bắt đầu làm nhiệm vụ trong tháng 7 1923. Thiết kế của chiếc Hermes có trước và tạo ảnh hưởng đến chiếc Hōshō, và công việc chế tạo nó thực sự được bắt đầu trước, nhưng do có quá nhiều bài test, thí nghiệm và xem xét về mặt ngân sách nên quá trình hoàn thành nó bị trì hoãn.

Vào cuối những năm 1930, tàu sân bay trên khắp thế giới thường mang ba kiểu máy bay: máy bay phóng ngư lôi, cũng được sử dụng cho vụ ném bom và trinh sát thông thường và máy bay ném bom bổ nhào, cũng được sử dụng để trinh sát (trong Hải quân Mỹ, loại máy bay này được gọi là máy bay ném bom trinh sát ); và máy bay đánh chặn dùng để bảo vệ hạm đội và làm nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom. Do không gian bị giới hạn trên các tàu sân bay, tất cả các máy bay đều là loại nhỏ, loại có một động cơ duy nhất và thông thường với cánh có thể gấp đôi cánh để tạo điều kiện thuận lợi trong việc cất trữ. Trong cuối những năm 1930, Hải quân Hoàng gia cũng phát triển khái niệm giáp sàn tàu bay, Kèm theo các móc áo trong một hộp bọc thép. Chiếc tàu dẫn của loại hình này mới, HMS Illustrious làm nhiệm vụ năm 1940.


Chiến tranh thế giới II


Chiếc HMS Audacity tàu sân bay hộ tống đầu tiên trên thế giới.

Tàu sân bay đóng một vai trò quan trọng trong Chiến tranh thế giới II. Với bảy tàu sân bay nổi, Hải quân Hoàng gia Anh có một lợi thế đáng kể ở giai đoạn đầu của cuộc chiến khi cả người Đức lẫn người Ý đều không có tàu sân bay của riêng mình. Tuy nhiên, tính dễ tổn thương của các tàu sân bay so với các tàu thiết giáp truyền thống khi vào tầm của những khẩu súng tầm xa đã nhanh chóng được minh họa bằng việc chiếc HMS Glorious bị đánh chìm bởi các tuần dương hạm chủ lực của Đức trong chiến dịch Na Uy năm 1940

Điểm yếu rõ ràng của các thiết giáp hạm đã bắt đầu được để lộ trong tháng 11 năm 1940 khi chiếc HMS Illustrious phát động một cuộc tấn công tầm xa vào hạm đội Ý tại Taranto và báo hiệu sự khởi đầu của sự kết thúc của các thiết giáp hạm như là một tàu chủ lực quan trọng nhất trong một hạm đội. Trận đánh này đã loại khỏi vòng chiến ba trong số sáu tàu thiết giáp hạm đang thả neo tại cảng với chỉ với giá là hai trong số 21 chiếc máy bay phóng ngư lôi Fairey Swordfish tham gia tấn công. Tàu sân bay cũng đóng một phần quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ đảo Malta, bằng cả hai cách vận chuyển bằng máy bay và bảo vệ đoàn công voa để gửi đồ cung cấp đến hòn đảo bị bao vây này. Việc sử dụng các tàu sân bay đã ngăn không cho Hải quân Ý và các máy bay Đức xuất phát từ sân bay trên đất liền thống trị chiến trường Địa Trung Hải.
Trong vùng biển Đại Tây Dương, những chiếc máy bay xuất phát từ hai chiếc tầu sân bay HMS Ark Royal và HMS Victorious đã chịu trách nhiệm làm chậm bước rút lui của chiếc thiết giáp hạm oanh liệt của Đức ?” chiếc Bismarck trong tháng 5 năm 1941. Sau này trong toàn bộ cuộc chiến, tàu sân bay hộ tống các đoàn công voa đã chứng tỏ giá trị của chúng khi canh gác xuyên qua Đại Tây Dương và Biển Bắc.

Đức và Italy cũng bắt đầu với việc chế tạo hoặc chuyển đổi một số tàu sân bay, nhưng chỉ với ngoại lệ của chiếc Graf Zeppelin gần được hoàn thành, không có tàu sân bay nào của Đức và Italy được đưa vào hoạt động.

Nhiều trận đánh lớn trong chiến tranh Thái Bình Dương liên quan đến tàu sân bay. Nước Nhật bắt đầu cuộc chiến với mười chiếc tàu sân bay, tàu sân bay hạm đội lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới tại thời điểm đó. Người Mỹ có sáu tàu sân bay lúc bắt đầu cuộc chiến Thái Bình Dương, mặc dù chỉ có ba trong số chúng hoạt động tại Thái Bình Dương.

Cuối năm 1939 Nhật Bản phát triển nâng cấp các máy bay phóng ngư lôi ở vùng nước nông và cuộc không kích của Anh vào hạm đội Ý ở Taranto năm 1940, trong năm 1941 Nhật Bản bất ngờ phát động cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, đây là một minh chứng rõ ràng về khả năng power projection có được từ một lực lượng lớn các tàu sân bay hiện đại. Tập trung sáu tàu sân bay thành một đơn vị duy nhất đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử hải quân, và không có quốc gia nào khác đã từng làm được một điều tương tự trên chiến trường tính tới thời điểm đó.


Bốn tàu sân bay của Hải quân Mỹ ngay sau cuộc chiến II, cho thấy kích thước và độ dài khác nhau: chiếc USS Saratoga (dưới cùng) đây là một tàu tuần dương chủ lực chuyển đổi từ rất sớm; Chiếc USS Enterprise (thứ 2 từ dưới cùng) một tàu sân bay chỉ huy hạm đội, chiếc USS Hornet (thứ 3 từ dưới lên) một chiếc tầu sân bay được đóng trong thời gian chiến tranh theo lớp tầu Essen người vận chuyển, và chiếc USS San Jacinto (chiếc mới nhất), một tàu sân bay hạng nhẹ được đóng dựa trên thân một chiếc tàu tuần dương hạm.

Trong khi đó, Nhật Bản bắt đầu các bước tiến của mình qua vùng Đông Nam Á, và đánh chìm hai chiếc HMS Prince of Wales và HMS Repulse bởi máy bay Nhật xuất phát từ đất liền ( Sân bay Sóc trăng – Việt Nam) làm nảy sinh cho sự cần thiết phải có loại tàu chống lại các cuộc tấn công từ trên không để bảo vệ hạm. Tháng Tư năm 1942, tàu sân bay Nhật nhanh chóng tấn công vào lực lượng Đồng Minh ở Ấn Độ Dương, đánh chìm và đánh hỏng nhiều tàu chiến bao gồm cả việc đánh hỏng chiếc tầu sân bay HMSHermes không ba?o vệ. Các hạm đội nhỏ hơn của Đồng Minh không có sự bảo vệ tốt về phòng không bị buộc phải pháo chạy hoặc bị tiêu hủy. Trận oanh kích Doolittle Raid (Máy bay ném bom cất cánh từ một tàu sân bay Mỹ tấn công vào Toyko) làm người Nhật buộc phải thu hồi lực lượng tấn công của Nhật Bản về vùng biển nhà. Trong trận Coral Sea, Các hạm đội Hoa Kỳ và Nhật tiến hành tấn công bằng máy bay trong trận đánh đầu tiên, nơi mà bên này không thể nhìn thấy tàu của phía bên kia, và các tàu sân bay trực tiếp chiến đấu với nhau lần đầu tiên. Tại Trận Midway tất cả bốn tàu sân bay Nhật tham gia trận đánh đều bị đánh chìm bởi máy bay từ ba tàu sân bay Mỹ (một trong số này cũng bị đánh đắm), trận chiến được xem là bước ngoặt của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Đáng chú ý, trận chiến của Nhật Bản nhằm để đuổi những tàu sân bay Mỹ, những chiếc đã chứng tỏ là rất khó bị tiêu diệt và gây nhiều phiền hà cho người Nhật.

Sau đó Mỹ đã có thể đóng một số lượng lớn tầu sân bay theo một hỗn hợp các tầu sân bay hạm đội, hạng nhẹ và các tàu sân bay hộ tống (vừa được đưa vào làm nhiệm vụ), đặc biệt là việc đưa vào hoạt động tầu sân bay lớp Es*** trong năm 1943. Những con tàu này và những tầu xung quanh chúng đã tạo nên các lực lượng tàu sân bay đặc nhiệm của Hạm đội 3 và Hạm đội 5, chúng đóng một phần quan trọng trong chiến thắng của Đồng Minh trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Trận chiến biển Philippine năm 1944 là trận chiến tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử và là trận hải chiến quyết định của Thế chiến II.

Triều đại mà các thiết giáp hạm là thành phần chính của một hạm đội cuối cùng đã đi đến một kết thúc khi tàu sân bay Hoa kỳ đã đánh chìm những tàu chiến lớn nhất từng được chế tạo, chiếc siêu thiết giáp hạm Nhật Bản Yamato vào năm 1944 và chiếc Musashi năm 1945. Nhật Bản chế tạo chiếc tàu sân bay lớn nhất của cuộc chiến: chiếc Shinano, đây là một chiếc tầu lớp Yamato chuyển đổi trước khi hoàn thành nửa chừng để thay thế những mất mát tai hại của bốn tàu sân bay tại Midway. Nó bị đánh chìm bởi tàu ngầm tuần tra Mỹ USS Archer-Fish trong khi vận hành chạy thử, nhưng trước khi nó được trang bị đầy đủ hoặc đưa vào hoạt động trong tháng 11 năm 1944.

Đổi mới quan trọng ngay trước và trong Thế chiến II


Tàu sân bay Nhật Bản Taihō đã có một hurricane bow.


Chiếc tầu sân bay USS Saratoga năm 1935, đây là tầu sân bay Hạm đội của Hải quân Hoa kỳ

Hurricane bow

Một Hurricane bow là một boong chứa máy bay hoàn toàn kín, lần đầu tiên được nhìn thấy trên chiếc tàu sân bay thuộc lớp Lexington-Class, nó đi vào hoạt động năm 1927. Kinh nghiệm chiến đấu đã chứng minh nó là cấu hình hữu ích nhất của chiếc mũi của con tàu trong số những loại khác đã được thử nghiệm, bao gồm cả sàn bay thứ hai và một khẩu đội pháo phòng không (sau này nó là cấu hình phổ biến nhất của Mỹ trong Thế Chiến II như đã được đóng vào thân tàu dài lớp Es***). Tính năng này được tái kết hợp vào các tàu sân bay Mỹ thời hậu chiến. Chiếc tàu sân bay Nhật Bản đầu tiên có kết hợp một hurricane bow là chiếc Taihō.


Tàu sân bay hạng nhẹ

Trước khi bắt đầu của chiến tranh, Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhận thấy rằng không có tàu sân bay mới được dự kiến sẽ nhập hạm đội trước năm 1944, và ông ta đề nghị chuyển đổi một vài chiếc thân của các tàu tuần dương lớp Cleveland lúc này đã được hạ thủy. Chúng được dự định để phục vụ chiến đấu như tàu sân bay cao tốc bổ sung, vì các tầu hộ tống cho tàu sân bay không có được tốc độ cần thiết để theo kịp với các tàu sân bay hạm đội và đảm bảo công tác hộ tống của chúng. Hải quân Hoa Kỳ thực tế chỉ phân loại tàu sân bay nhỏ (CVL) mà không có tầu sân bay hạng nhẹ. Trước tháng 7 năm 1943 chúng chỉ phân loại là tàu sân bay (CV). 
Hải quân Hoàng gia đã có một thiết kế tương tự và các con tầu này phục vụ cả họ lẫn các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung sau Thế chiến II. Một trong những tàu sân bay này chiếc HMSHermes, vẫn còn trong sử dụng trong Hải quân Ấn Độ với cái tên là INS Viraat.


Các tàu sân bay hộ tống và tàu sân bay từ tầu buôn

Để bảo vệ các thương đoàn tại Đại Tây Dương, người Anh phát triển những gì mà họ gọi là Tầu sân bay từ tầu buôn (Merchant Aircraft Carriers), đó là mỗi tàu buôn được trang bị một boong phẳng cho sáu máy bay. Hoạt động với đội bay dân sự, theo bản sắc thương gia, và tiến hành vận chuyển hàng hóa bình thường của họ bên cạnh việc cung cấp hỗ trợ trên không cho đoàn công voa. Khi không có thang máy hoặc nhà chứa máy bay, công việc bảo dưỡng máy bay bị hạn chế và những chiếc máy bay dành toàn bộ thời gian của chuyến đi trên boong tàu.

Đây là là một biện pháp tạm thời cho đến khi xuất hiện các tàu sân bay hộ tống chuyên dụng (CVE) được đóng ở Mỹ. Một CVE có kích cỡ bằng khoảng một phần ba kích thước của một tàu sân bay chính quy, chúng có thể mang được từ 20 đến 30 máy bay, chủ yếu dùng cho nhiệm vụ chống tàu ngầm. Hơn 100 chiếc được chế tạo hoặc chuyển đổi từ tầu buôn. Tàu sân bay hộ tống được đóng ở Mỹ từ hai thiết kế thân cơ bản: một từ một con tàu thương gia, và một thiết kế khác là từ các tàu chở dầu lớn hơn và nhanh hơn một chút ít. Bên cạnh việc bảo vệ thương đoàn, chúng được sử dụng để vận chuyển máy bay qua đại dương. Tuy nhiên, một số trong bọn chúng tham gia vào trận chiến để giải phóng Philippin, đáng chú ý là trận chiến ngoài khơi Samar trong đó sáu tàu sân bay hộ tống và tàu khu trục hộ tống chúng một thời gian ngắn đã đương đầu với năm tàu thiết giáp hạm Nhật Bản và dọa cho chúng khiếp vía mà phải rút lui.


Máy phóng máy bay từ tầu buôn

Trong trường hợp tạm thời khẩn cấp trước khi các tàu sân bay từ tầu buôn được sẵn sàng, người Anh cung cấp bảo vệ từ trên không cho các thương đoàn bằng cách sử dụng máy phóng máy bay ta?u từ tầu buôn Catapult (CAM ships). CAM ships là các tàu buôn được trang bị với một chiếc máy bay, thường là một chiến đấu Hawker Hurricane đã quá cũ kỹ, chúng được phóng ra bởi một máy phóng. Sau khi cất cánh chiếc máy bay không thể hạ cánh trở lại trên boong tàu mà phải hạ cánh xuống biển nếu nó không nằm trong phạm vi gần với đất liền. Trong hơn hai năm, ít hơn 10 chiếc máy bay đã được cất cánh theo kiểu này, nhưng những chuyến bay này cũng đã thu được một số thành công: 6 máy bay ném bom để đánh đổi lấy sự mất mát của một phi công duy nhất.


Hình dạng thiết kế chung của Tầu sân bay của Hoa kỳ tại WW II


Ảnh so sánh chiều dài của các tầu sân bay của Hoa kỳ, như vậy ta có thể thấy trên bảng này chiếc tầu sân bay dài nhất là chiếc USS Lexington ( 850 ft tương đương với 259 m) và chiêc USS Langley ngắn nhất ( 520 ft tương đương với 158,5 m)

Trong hình trên ta thấy một chút sự khác nhau trong thuật ngữ hàng hải giữa Anh và Mỹ về tên gọi của các sàn của một con tầu – ở đây ta nên lấy theo cách của người Mỹ, về cơ bản một con tầu chiến bình thường có ba sàn tầu: Uper Deck – Sàn trên, Main Deck – Sàn chính, Lower Deck – Sàn dưới. Nhưng đặc biệt đối với tầu sân bay, chúng có thêm một sàn nữa được gọi là Flight Deck – Sàn bay nằm ở phía trên sàn trên


Chiếc tầu sân bay USS Hornet (nhìn từ phía trước ) đang trong quá trình hoàn thiện tại ụ tầu của nó vào ngày 03/03/1941. Qua bức ảnh này ta có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa sàn bay và sàn trên của nó.

Chiếc tầu sân bay USS Hornet (nhìn từ phía trước ) đang trong quá trình hoàn thiện tại ụ tầu của nó vào ngày 03/03/1941. Qua bức ảnh này ta có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa sàn bay và sàn trên của nó.


Ảnh nhìn từ phía trước và phía sau chiếc USS Yorktown khi đang buông neo tại Hampton Roads ngày 30/10/1937. Qua đâu ta có thể thấy thân của chiếc tầu này là một chiếc tầu chiến – một chiếc tầu tuần dương chủ lực, Người ta thường không chuyển đổi các thiết giáp hạm thành tầu sân bay vì bản thân chúng đã nặng một cách khủng khiếp và tốc độ của chúng quá chậm, còn các loại tuần dương hạm khác chỉ được chuyển đổi thành tuần sân bay hạng nhẹ


chiếc USS Yorktown tại trận Midway ngày 4/06/1942, chỉ một tiếng sau đó là nó tung các đợt tấn công bằng các chiến đấu cơ vào quân Nhật


Chiếc USS Lexington được đặt hàng như là một chiếc tuần dương hạm chủ lực vào năm 1916, được yêu cầu chuyển đổi thành tầu sân bay vào năm 1922, được đặt khung sườn vào năm 1921 hạ thủy vào năm 1925, đi vào phục vụ HQ năm 1927, bị đánh đắm năm 1942 tại trận biển Coral Sea. Nó có trọng tải tối đa 51.000 tấn, dài 264 mét, rộng 32 mét, công suất động cơ 18.000 mã lực, tốc độ thiết kế 33.25 Kn, tốc độ thực tế 34.82 Kn, thủy thủ đoàn 2.122 người, mang được 91 máy bay khu trục, 2 thang máy và 1 máy phóng

Ảnh trên chụp chiếc Lexington khi đang được nâng cấp tại Puget Sound Navy Yard
Hai ảnh dưới: vẫn chiếc Lexington tại ụ tầu số 3 ở Boston Navy Yard ngày 12 tháng 1 năm 1928, sau khi nâng cấp con tầu này có một cái mũi tầu rất lạ mắt

Ảnh chụp chiếc tầu sân bay Lexington bốc cháy và nổ tung sau khi trúng rất nhiều bom đạn của quân Nhật trong trận biển Coral Sea – trận đấu tầu sân bay đầu tiên trên thế giới, bên Nhật chỉ mất 01 tầu sân bay hạng nhẹ, Mỹ mất một TSB chủ lực nên trận này có thể nói là người Mỹ thua, nhưng cũng là lần đầu tiên người Mỹ có thể đánh chìm được 01 TSB của người Nhật dù là loại nhỏ

Ảnh chụp ngày 08/06/1932 chiếc USS Lexington và chiếc chị em song sinh của nó USS Saratoga đang cùng thả neo tại Philadelphia Navy Yard, đặc điểm để phân biệt là chiếc Saratoga có một cái sọc xẫm mầu ở ống khói

Ảnh trên, chiếc USS Yorktown được bảo dưỡng tại Limo Bay, Panama sau một chuyến đi biển dài ngày
Ảnh dưới, chiếc USS Yorktown đang được bốc máy bay lên sàn bay tại Navy Air Station ở San Diago ngày 29/03/1940. Chữ Y được sơn trên phần thượng tầng của nó để phân biệt với chiếc USS Enterprise, phần ô vuông trên đầu của nó chính là chiếc thang máy để vận chuyển giữa các sàn tầu

Đến lượt chiếc USS Enterprise đi nhận máy bay ở Navy Air Station, San Diago. Chú ý là chiếc này có vị trí chiếc thang máy khác với chiếc USS Yorktown – nó ở gần khu thượng tầng hơn

Trang bị vũ khí của tầu sân bay

Bốn khẩu súng 8 in đặt trong hai tháp pháo của chiếc Lexington, thật không hiểu được cần mấy khẩu súng này làm gì vì nếu tầu đối tầu thì đã có tầu chiến hộ vệ và những khẩu súng này cũng chẳng có tác dụng phòng không. 

Ảnh trên bên trái, 1 trong 8 khẩu súng 127mm đa chức năng của chiếc USS Yorktown – chức năng chính của nó chắc cũng chỉ để phòng không. Ảnh trên bên trái, máy bay Hellcat xếp thành hàng với hai cánh gập lại để tiết kiệm diện tích trên sàn bay của chiêc USS Yorktown, đây mới chính là quả đấm thép của tầu sân bay. Ảnh dưới các ổ 4 súng phòng không 40 mm của tầu USS Lexington

Ảnh trên góc bên trái: các khẩu đội súng phòng không Bofors 40 mm trên chiếc USS Hornet đang nổ súng trong trận đánh của lực lượng đặc nhiệm 58 với quân Nhật ngày 16 tháng 2 năm 1945
Ảnh trên góc bên phải: chụp từ sàn bay phía mũi của chiếc USS Handcock ngày 7/7/1944 cho thấy những khẩu đội súng phòng không 40 mm để bảo vệ mũi của con tầu khỏi những đợt không kích của đối phương. trong ảnh còn thể hiện hai thiết bị Mk51 dùng để điều khiển bắn các khẩu 40 mm
Ảnh dưới góc phải: chụp từ chiếc USS Alabama, các thiết bị dẫn bắn bao gồm 01 FH và 02 Mk 557 dùng để thay thế cho Mk 51
Ảnh dưới bên trái: Hình vẽ thiết bị dẫn bắn Mk 37 và Mk 51 của các súng phòng không 40 mm

Hai bức ảnh về các khẩu đội phòng không 50 caliber trên các tầu sân bay vào giữa năm 1942, các khẩu đội này có khả năng bắn từ 550 -> 700 phát đạn/ phút, các khẩu súng phòng không này được sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu phòng không của QĐHK trong giai đoạn này, đến cuối năm 1942 các khẩu đội 50 cal. này được thay thế bằng súng 20 mm

Ảnh các khẩu đội phòng không 20 mm, đây là các súng được sản xuất ở Hoa kỳ nhưng được thiết kế ở Thụy sỹ. Loại súng này đã được chứng minh là rất có hiệu quả, chúng có khả năng bắn tới 450 phát/ phút và có trọng lượng 1.695 pound, đời sau có 3 chân chống chỉ nặng có 1.100 pound
Ảnh bên phải: máy bay đang nằm trên sàn bay của chiếc CV-6 trong thời gian trận Goadacanal

Ảnh những chiếc oanh tạc cơ B-25 Mitchel trước khi cất cánh trong trận không kích ” Doolitter Raid” vào Tokyo – một trận phục thù nhẹ nhàng cho trận Trân châu cảng – trên chiếc tầu sân bay USS Hornet

Các máy bay B-25 bắt đầu cất cánh, đây là chuyến bay một chiều, đa số các chiếc máy bay này hạ cánh ở lãnh thổ Trung Quốc

Trận không kích ” Doolitter Raid” của Hoa kỳ đã báo trước với người Nhật rằng họ cũng rất dễ bị tổn thương tuy ý nghĩa về mặt QS của trận không kích này là rất không đáng kể nhưng nó có ý nghĩa to lớn về mặt tuyên truyền – và là một trong những nguyên nhân làm người Nhật tiến hành trận Midway – trận chiến bản lề của chiến tranh TBD.

Giới thiệu vài loại máy bay chủ lực trên các tầu sân bay của Hoa kỳ

Máy bay tiêm kích đánh chặn


Grumman F3F: Đây là loại máy bay đánh chặn đầu tiên lên boong chiếc USS Yorktown và chiếc USS Enterprise, Chúng có sải cánh dài 32 ft, thân máy bay dài 23,25 ft. Có trọng lương 4.900 pound, tốc độ tối đa 264 dặm/ giờ. Nó được trang bị 1 súng 50 cal. và một súng 30 cal. ở trên thân máy bay cùng với một quả bom 110 pound ở mỗi bên cánh, loại này được cho ra khỏi phục vụ vào tháng 9 năm 1940 và rút hết hoàn toàn vào tháng 10 năm 1941
Grumman F4F Wildcat: Đây là loại máy bay thay thế cho loại F3F trên cả ba chiếc TSB vào tháng 10 năm 1940, chúng có sải cánh dài 38 ft, thân máy bay dài 28,75 ft. Có trọng lương 7.300 pound, tốc độ tối đa 318 dặm/ giờ. Nó được ban đầu trang bị 4 và sau đó là 6 súng 50 cal. với 2 quả bom 110 pound. loại này được cho ra khỏi phục vụ từ năm 1943 bắt đầu từ chiếc USS Enterprise
Vought F4 Corsair: Đây là loại máy bay bổ sung cho loại Hellcat trong đầu năm 1943 trên chiếc TSB Enterprise, chúng có sải cánh dài 41 ft, thân máy bay dài 33,75 ft. Có trọng lương 14.700 pound, Chúng được ban đầu trang bị 4 và sau đó là 6 súng 50 cal. 4 súng 20 mm với 2 quả bom 2000 pound và chúng có tốc độ tối đa 450 dặm/ giờ. Loại này tham gia phục vụ cho đến hết tuổi thọ của chúng
Grumman F6 Hellcat: Đây là loại máy bay thay thế cho loại Widlcat trong đầu năm 1943 trên chiếc TSB Enterprise, chúng có sải cánh dài 42,75 ft, thân máy bay dài 33,5 ft. Có trọng lương 13.000 pound, trang bị đầu là 6 súng 50 cal. hai khẩu trong số đó sau này được thay thế bằng súng 20 mm, 2 quả bom 1000 pound hoặc 12 quả rốc két được mang ở dưới cánh, chúng có tốc độ tối đa 375 dặm/ giờ. Loại này cũng tham gia phục vụ cho đến hết tuổi thọ của chúng
Máy bay ném bom bổ nhào và trinh sát


Curtis SBC Helldiver: Đây là loại máy bay ném bom bổ nhào đầu tiên lên boong chiếc USS Yorktown và chiếc USS Enterprise, chúng có sải cánh dài 34 ft, thân máy bay dài 27,5 ft. Có trọng lương 7.1500 pound, tốc độ tối đa 240 dặm/ giờ. Nó được trang bị 2 súng 50 cal. một khẩu được gắn cố định ở phía trước, một khẩu xoay được ở phía sau. Mang một quả bom 500 pound, loại này được cho ra khỏi phục vụ vào những tháng đầu tiên của cuộc chiến TBD

Grummam J2F Duck: Thủy phi cơ trinh sát, cũng có chức năng tuần tra chống tầu ngầm, loại này chỉ có ở các TSB USS Yorktown và Enterprise. Chúng có sải cánh dài 39 ft, thân máy bay dài 34 ft. Có trọng lương 6.200 pound, Chúng được trang bị 1 súng 30 cal. ở phía trước và một khẩu nữa ở phía sau. Chúng có thể mang mỗi quả bom chìm diệt ngầm 325 pound ở mỗi bên cánh, tốc độ tối đa 180 dặm/ giờ

Douglas SBD Dauntless: Là loại máy bay ném bom bổ nhào chủ yếu trên boong của 3 chiếc TSB lớp Yorktown bắt đầu từ tháng 3 năm 1941. Chúng có sải cánh dài 41,5 ft, thân máy bay dài 33 ft. trọng lương 10.200 pound, Chúng được trang bị 2 súng 30 cal. ở phía trước và một khẩu nữa xoay được ở phía sau. Chúng mang một quả bom 1.000 pound và hai quả 100 pound. Mặc dù việc sản xuất loại này đã ngừng năm 1944, chúng vẫn được sử dụng trên chiếc USS Enterprise

Curtis SBC2 Helldiver: Loại máy bay này được đưa vào phục vụ trên chiếc TSB USS Enterprise năm 1944. Chúng có sải cánh dài 49,75 ft, thân máy bay dài 36,75 ft. trọng lương 16.800 pound, Chúng được trang bị 2 súng 20 mm ở các cánh và một khẩu 50 cal. ở phía sau. Chúng mang một quả bom 1.000 pound ở thân máy bay và mỗt quả 1000 pound ở mỗi bên cánh. Tốc độ tối đa 290 dặm/ giờ, chúng phục vụ qua thời gian còn lại của cuộc chiến trên chiếc USS Enterprise

Máy bay phóng ngư lôi

Douglas TBD Devastator: Đây là loại máy bay phóng ngư lôi. Chúng có sải cánh dài 50 ft, thân máy bay dài 35 ft. trọng lương 10.300 pound, Chúng được trang bị 1 súng 30 cal. ở phía trước và một khẩu nữa xoay được ở phía sau. chúng mang một quả ngư lôi 21 in hoặc 1 quả bom 1.000 pound hoặc 6 quả 100 pound ở mỗi bên cánh. Tốc độ tối đa 210 dặm/ giờ, chúng được thay thế bởi chiếc Avenger trên chiếc USS Enterprise

Grumman TBF/Avenger: Đây là loại máy bay phóng ngư lôi thay thế loại Devastator, bắt đầu phục vụ trên chiếc USS Enterprise vào đầu năm 1943. Chúng có sải cánh dài 54 ft, thân máy bay dài 40 ft. trọng lương 17.250 pound, Chúng được trang bị 1 súng 30 cal. ở mũi của chiếc máy bay, hai súng 50 cal. ở các bên cánh. một khẩu xoay được ở đuôi và một khẩu nữa ở tháp súng tròn phía sau. chúng mang một quả ngư lôi 22 in hoặc 1 quả bom 2.000 pound hoặc một số bom chìm diệt ngầm và có thể mang được cả rốc két. Tốc độ tối đa 270 dặm/ giờ, chúng phục vụ chiếc USS Enterprise cho đến khi về hưu
Thiết bị Radar được trang bị trên tầu sân bay của Hoa kỳ trong WW II


Ảnh bên phải: Thiết bị tìm kiếm SP, radar quan sát tầm xa SK-2, thiết bị hỗn hợp quan sát tầm xa và chiều cao
Ảnh trên bên trái: Ảnh chụp thiết bị Radar trên mạn phải của chiếc USS Lexington (CV-12) khi nó đang neo đậu tại Puget Sound Navy Yard ngày 21/02/1944

Ảnh dưới bên trái: Ảnh chụp chiếc USS Franklin (CV-13) đang bốc cháy và nổ khi bị trúng đạn ở ngoài khơi Nhật Bản ngày 19 tháng 3 năm 1945. Chiếc Anten Radar SK-2 hình tròn mới thay thế cho chiếc SK vẫn còn hoạt động, nhưng bệ Radar SC ở cột phía trước cùng với các thiết bị YE và SG đã bị bắn gục


Ảnh trên bên trái: Chiếc tầu sân bay USS Essex (CV-9) tại Trân châu cảng ngày 03 tháng 08 năm 1943 với hệ thống radar ban đầu của lớp Essex.

Ảnh dưới bên trái: Chiếc tầu sân bay USS Ticonderoga (CV-14) sau khi được hoàn thành vào ngày 23 tháng 4 năm 1944 Newport News Shipbuilding. Bệ cột buồm phía trước của nó đã được cơi nới rộng ra để cài đặt hệ thống anten SK
Ảnh bên phải: Sự sắp xếp cuối cùng của hệ thống radar được cài đặt trên chiếc USS Yorktown, chiếc anten SK được chuyển về phía chiếc ống khói để lấy chỗ cho chiếc radar SM.


Ảnh chiếc USS Essex bị cháy rụi trong trận chiến Midway.

Mai Tú Ân (st)