Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Vì sao Panther là xe tăng thành công nhất của Đức

Các chuyên gia quân sự cho rằng, không phải Panzer hay Tiger mà xe tăng hạng trung Panther (Con Báo) mới là mẫu tăng thành công nhất của nước Đức Quốc Xã trong CTTG 2.


Mùa hè năm 1941, phát xít Đức bất ngờ phát động chiến tranh xâm lược Liên Xô, và đã giành được nhiều thắng lợi lớn. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ các xe tăng hiện đại của Hồng quân, như T-34 và KV-1 đã gây bất ngờ lớn cho phía Đức. 

So với xe tăng hạng trung T-34-76 của đối phương, các xe tăng Panzer III và Panzer IV của Đức yếu thế hơn rất nhiều về hỏa lực, tính cơ động cũng như khả năng bảo vệ. Trước bối cảnh đó, phía Đức gấp rút đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo một loại xe tăng mới. 

Các hãng Daimler-Benz và MAN cùng tham gia thi tuyển thiết kế. Tháng 5/1942, thiết kế cải tiến của MAN (có học tập một số điểm từ Daimler-Benz) đã được Hitler lựa chọn, đồng thời ông trùm phát xít cũng yêu cầu gia cố thêm giáp và tăng cường pháo chính của xe. Đó chính là mẫu thiết kế ban đầu của xe tăng hạng trung Panther.

Đến đầu năm 1943, việc sản xuất hàng loạt loại xe tăng mới bắt đầu, với sự tham gia của nhiều hãng, mà chủ yếu là MAN (Maschinenfabrik Augsburg-Nürnberg), MNH (Maschinenfabrik Niedersachsen-Hannover), Daimler-Benz, mỗi hãng chiếm chừng 1/3 số xe tăng xuất xưởng. Panther được sản xuất chủ yếu với ba phiên bản Ausf.D, Ausf.A và Ausf.G, cùng các biến thể xe tăng chỉ huy, xe công binh 

Ban đầu, thiết kế này được đặt tên là Panzer V, nhưng đến đầu năm 1944, Hitler đã đổi tên chiếc xe thành Panther (Con báo). Cái tên này cũng rất phù hợp với khả năng cơ động cao và sức tiến công mạnh của loại xe này. 

Xe tăng Panther dài 8,86m kể cả nòng pháo, rộng 3,43m và cao 3,10m, nặng 45,5 tấn, kíp chiến đấu gồm 5 người. Về khả năng bảo vệ, giáp tháp pháo của Panther dày đến hơn 100mm, giáp thân trước dày đến 80mm, nghiêng 35 độ ở phần trên - nơi thường bị trúng đạn, cho khả năng chống chịu rất tốt trước các vũ khí chống tăng. Phần dưới của giáp trước cũng dày đến 60mm, nghiêng 35 độ. Ở các vị trí khác, độ dày của giáp cũng lên tới 40-45mm. 

Nhìn chung, nếu kíp lái vận dụng tốt khả năng của xe, phơi bày giáp trước, tránh việc bị hở sườn thì đối phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiêu diệt Panther.

Về động lực, xe sử dụng động cơ xăng 12 xi-lanh Maybach HL 230 P30 công suất 690 mã lực, tốc độ vòng quay 3.000 vòng/phút. Đây là loại động cơ cũng được trang bị cho các loại xe tăng hạng nặng như Tiger II, nên rất dễ hiểu là với khối lượng nhỏ hơn nhiều, Panther sẽ có sức cơ động cao hơn.

Xe có thể đạt tốc độ tối đa 46km/h, cự li hoạt động 250km. Về hỏa lực, xe được trang bị pháo chính Kwk 42 L/70 cỡ 75mm, cơ số đạn 79 viên (sau tăng lên 82 viên ở phiên bản Ausf.G), gồm các đạn xuyên chống tăng PzGr 39/42, PzGr 40/42, đạn nổ mạnh Sprgr 42 … 

Đáng lưu ý trong số các loại đạn của Panther là PzGr 39/42 sử dụng lõi wolfram, nặng 6,8kg, có sơ tốc 935m/s, xuyên 111mm giáp ở cự li 1.000m, đủ để bắn hạ nhiều loại xe tăng của Hồng quân và quân Đồng minh. Đạn xuyên giáp PzGr 40/42 mạnh hơn nhưng ít được sản xuất hơn, nặng 4,75kg, sơ tốc đầu đạn 1.120m/s, xuyên 149mm giáp ở cự li 1.000m. Ngoài ra, Panther cũng được trang bị hai súng máy MG34 (một đồng trục pháo chính, một trên nóc xe).



Trên chiến trường, xe tăng hạng trung Panther được biên chế với mỗi tiểu đoàn gồm 96 xe tăng. Ban chỉ huy tiểu đoàn gồm trung đội thông tin (3 xe tăng Panther biến thể xe chỉ huy Befehlswagen), trung đội trinh sát cơ giới (5 xe tăng Panther) và trung đội kĩ thuật (2 xe sửa chữa Bergepanther dựa trên khung gầm Panther).
Trong biên chế tiểu đoàn gồm bốn đại đội chiến đấu, mỗi đại đội 22 xe tăng Panther (ban chỉ huy đại đội 2 xe, 4 trung đội mỗi trung đội 5 xe). Ngoài ra, tháp pháo 75mm của Panther cũng được sử dụng để chế tạo các lô cốt cố định phòng thủ bờ biển. Các lô cốt kiểu này được gia cố thêm phần nóc, và được gọi là Pantherturm I - Stahluntersatz (phần dưới lô cốt là thép đặc), hay Pantherturm II – Betonsockel (phần dưới lô cốt là bê tông). Tổng cộng đã có 268 lô cốt như vậy được xây dựng, bố trí ở cả mặt trận phía Tây và phía Đông.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, đã có hơn 6.000 chiếc Panther được chế tạo, bất chấp việc không quân Đồng Minh thường xuyên đánh phá các nhà máy. Dưới góc độ kinh tế, giá thành chế tạo một chiếc Panther là 117.100 mark, không đắt hơn nhiều so với Panzer IV (103.462 mark, bằng 88%), nhưng hiệu quả đáng kể. So với các xe tăng hạng nặng như Tiger I (250.800 mark), giá thành chế tạo Panther chỉ bằng 47%. 

Trên chiến trường, Panther tỏ ra ổn định và hiệu quả hơn nhiều các mẫu xe tăng hạng nặng. giành nhiều thắng lợi lớn. Mikhail Nikolaevich Svirin, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Nga đã đánh giá Panther “có thể được xem là loại tăng mạnh-thành công nhất của Đức Quốc Xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai”. 

Thanh Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét