Tại sao?
Tại sao lại xảy ra cuộc chính biến đẫm máu đêm 9 tháng 3 năm 1945, đêm cáo chung của chủ quyền Pháp trên toàn cõi Đông Dương, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ? Đó là một câu hỏi nhức nhối đặt ra cho nhiều nhà sử học Pháp sau này muốn tìm hiểu lại sự thật phũ phàng này trong quá khứ. Với khoảng lui về thời gian, bây giờ người ta đã có nhiều tư liệu để nhìn rõ hơn thời cuộc lúc đó, để có những nhận định vừa khách quan vừa chủ quan, mà độ chính xác còn chưa được khẳng định.
Có một điều chắc chắn là trong suốt bốn năm sống dưới sự chiếm đóng của Nhật, chính quyền thuộc địa đã làm tất cả mọi điều có thể làm được - có khi, có lúc còn làm quá cả yêu sách của quân địch - cốt để tránh không tạo cho Nhật cái cớ để dùng võ lực, đập nát sự cộng tác bất đắc dĩ, phá tan sự ổn định mong manh và tạm thời này.
Nhưng rồi cái cớ ấy, khách quan và cả chủ quan, cứ được hình thành. Và rồi việc gì phải xảy ra đã xảy ra...
Một trong những cái cớ quan trọng nhất là sự kháng cự ngấm ngầm của Pháp. Mặc dù là một sự kháng cự yếu ớt, gần như vô tổ chức, manh động hơn là có kế hoạch, nhưng dù sao vẫn là một sự kháng cự làm cho hậu phương của Nhật không được ổn định, cần phải dẹp yên đi.
Nói cho công bằng, sau cuộc chính biến, cuộc kháng cự vẫn không bị dập tắt hẳn, vẫn tiếp tục dưới sự tổ chức và chỉ huy của tướng Sabattier. Nó gồm tám mạng lưới của các lực lượng chiến đấu Pháp (8 réseaux de forces Francaises Combattantes) và sáu tổ chức của Ban hành động (Service Action).
Trong tổ chức này có ba người nổi lên được coi là anh hùng, và ngay khi tướng Leclerc sang tới Đông Dương đã đề nghị ngay truy tặng danh hiệu: Compagnon de la Libération (tạm dịch: Chiến hữu Giải phóng). Đó là trung tá Charle Lecoq, chỉ huy trung đoàn Lào Cai, đại úy xen đầm Jean d’Hers, chỉ huy phân đội Nam Kỳ - Cao Miên, và tổng cộng trình sư công chính Nicolai. Sự đề nghị này, tuy là của vị anh hùng Pháp Leclerc đi nữa, những không được bên chính quốc hoan nghênh, vì toàn bộ những người Pháp ở Đông Dương đều bị liệt vào loại “chủ nghĩa Thống chế của Pétain” (maréchalisme).
Để có một ý niệm về tình hình kháng cự ngày đó, có thể lấy cuộc chiến đấu tuyệt vọng của Jean d’Hers làm ví dụ:
Con của một chiến sĩ Pháp tử trận tại Verdun năm 1915, Jean d’Hers vào học trường võ bị Saint Cyr cùng khóa với Mangin năm 1929. Sang Đông Dương, với 35 tuổi đời, một vợ năm con, trước khi lao vào cuộc chiến đấu, anh dặn lại vợ: “Em nên biết anh sẽ không bao giờ đầu hàng quân Nhật, dù chúng có bắt em làm con tin và xử bắn em, thì anh cũng sẽ làm tròn bổn phận của anh cho đến cùng”. Có người bạn nói với anh: “Cuộc chiến đấu của anh là vô ích...”, anh đã đáp lại: “Vì vô ích như vậy nên lại càng đẹp...”.
Từ tháng 12 năm 1940, Jean d’Hers về Sài Gòn tham gia vào mạng lưới kháng cự của Graille, sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn 1 của trung đoàn lính Đông Dương ở Tây Ninh. Trong mạng lưới này anh làm nhiệm vụ tình báo. Anh đã báo được cho quân Anh, Nhật sẽ tấn công chiếm đóng Singapore ngày 8 tháng 12 năm 1941 một ngày sau cuộc đột kích Pearl Harbour. Và chúng cũng sẽ chiếm đóng cả Hà Nội. Rồi những thông tin của anh về những sân bay quân sự Nhật ở Nam Kỳ và Cao Miên cũng rất có ích cho những cuộc ném bom của Đồng Minh.
Đang hoạt động tốt, thì vào năm 1941 đột nhiên anh bị tướng Mordant đổi từ Sài Gòn xuống Cần Thơ vì... kỷ luật. Ở đây anh trở thành người cầm đầu cuộc kháng cự dân sự của miền Tây Nam Bộ, và bây giờ trong mạng lưới của anh, ngoài những lính xen đầm còn có thêm một số người dân sự nữa. Jean d’Hers buồn rầu nhận xét bọn này phần nhiều thường thoái thác, trốn tránh, mỗi khi vào việc nếu không là ngấm ngầm phản bội. Kẻ phản bội bỉ ổi nhất lại chính là một người phụ tá trực tiếp của anh. Đó là tên X, một chánh án khét tiếng trong vùng. Sở dĩ không nêu tên thật của hắn, vì sau này hắn leo lên những chức vụ rất cao trong ngành tư pháp, được thưởng Bắc đẩu bội tinh vì những hoạt động kháng cự ở Việt Nam, và sống rất lâu, vinh quang phú quý với gia đình vợ con.
Ngày 22 tháng 11 năm 1945, khi Leclerc vừa đến Sài Gòn đã đề nghị ngay việc truy tặng cho Jean d’Hers huân chương Chiến hữu Giải Phóng. Trước đó, ngày 21 tháng 10, vợ Jean d’Hers đã gửi cho Leclerc những tài liệu tố cáo X với một bức thư có những lời lẽ như sau: “Tôi trao vào tay ông tất cả những thứ này, và nếu chồng tôi ở trên cao kia nhìn thấy, chắc sẽ rất sung sướng vì ước mơ của anh ấy là được chiến đấu trong trung đoàn của ông. Đã biết bao nhiêu lần chúng tôi nói với nhau về điều này và cùng nhau theo dõi từng chặng, từng chặng một cuộc tiến công quang vinh của ông đi đến chiến thắng”.
Nhưng Jean d’Hers không bao giờ còn được chiến đấu chống quân phát xít Đức dưới sắc cờ của Leclerc. Anh đã chết dưới làn đạn của quân phát xít Nhật. Thôi thì cũng là chống quân phát xít dù dưới bầu trời nào.
Nhưng đối với anh, cay đắng hơn cả cái chết là sự tan vỡ các ảo tưởng. Xung quanh anh là một sự tan rã các ý chí. Anh hiểu rằng chẳng làm gì có sự kháng cự bằng võ lực chống quân Nhật ở Sài Gòn, cũng như ở Đồng Tháp Mười, và chẳng bao giờ có sự viện trợ từ bên ngoài đến. Anh cũng hiểu rằng quân đội Nhật đông hơn rất nhiều, mạnh hơn rất nhiều so với những gì anh khó khăn lắm mới tập họp lại được. Anh đã bắt gặp nhiều sự hèn nhát đáng khinh bỉ và cả những sự phản bội bỉ ổi nhất.
Tuy nhiên như anh nói “vì vô ích nên lại càng đẹp hơn...” nên không nản chí, anh vẫn thành lập một đội biệt kích riêng của anh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đầy kênh rạch, là nơi quân Nhật đang tìm cách tiến từ Cần Thơ đi Cà Mau.
Một bữa đi trên một chiếc canô cũ kỹ chạy bằng động cơ gazogène, cùng với ba người lính Đông Dương, năm người Pháp, gồm một lính xen đầm, một binh nhì và ba lính thủy. Võ khí trên canô có một khẩu đại bác 25 li, một súng phóng lựu đạn, một súng cối 60 và ba tiểu liên. Với một lực lượng mong manh như vậy, Jean d’Hers chạm trán với 5 chiếc xà lúp đầy ắp lính Nhật trang bị đến tận răng. Anh bất ngờ nổ súng trước và bắn chìm được một chiếc xà lúp giết được 17 tên lính Nhật. Phản ứng của Nhật nổ ra ngay tức khắc. Cả toán biệt kích hầu như bị tiêu diệt ngay từ những phút đầu. Jean d’Hers bị cắt đôi người bởi một tràng súng liên thanh. Chỉ có một người sống sót là anh lính xen đầm Sylvestre bị thương nặng, Nhật bắt đưa về điều trị ở Sài Gòn rồi chuyển sang cơ quan Kempêtai để tra hỏi, khai thác những đầu mối của cuộc kháng cự. Sau này khi quân Nhật đã đầu hàng, Sylvestre còn sống, có báo cáo lại là anh đã bị chính tên X đến nhận diện, tố cáo anh với Nhật...
Nhiều tác giả Pháp sau này có nói đến một sự thiếu ý thức của kiều dân Pháp lúc đó làm cớ cho Nhật phản ứng: hành động kháng cự, đã gọi là ngấm ngầm, đáng lẽ phải được tuyệt đối giữ bí mật, thì lại đem ra bàn tán xầm xì gần như công khai, ai cũng muốn tỏ ra mình thông tường ngõ ngách hơn người khác, với những lời nói huênh hoang, thổi phồng khoác lác giữa đám tình báo mật vụ đông như kiến ở khắp nơi. Có tác giả không ngần ngại gọi đây là một “nhu cầu bệnh lý”. Tâm lý này kể cũng dễ hiểu: từ trước đến nay họ vẫn tự coi là những ông chủ da trắng trên mảnh đất này, tự coi là một dân tộc thượng đẳng, nay bị nhục nhã, mất mặt trước quân Nhật da vàng. Không kháng cự được bằng võ khí thì họ trút sự căm hờn uất ức ra bằng những lời lẽ khoác lác tự đề cao. Vả lại đó cũng là những ảo tưởng họ tự tạo ra để dựa vào đó mới có thể sống được dưới gót giày, lưỡi kiếm tàn bạo của quân phát xít Nhật.
Rồi trong nội bộ cuộc kháng cự cũng chẳng ai có một chút kinh nghiệm nào về công tác bí mật, nên đã có những việc làm manh động, dại dột, thiếu tính toán. Đó là những cuộc thả dù người và võ khí, những vụ ám sát của các đội biệt kích, những bài báo, bài phát thanh hớ hênh... Tất cả những cái đó làm sao qua mặt được các cơ quan tình báo Nhật.
Có những tác giả khác thì cho rằng tất cả những điều kiện vừa nêu trên, thực ra cũng không phải là mối bận tâm hàng đầu của Nhật. Họ cho rằng cuộc kháng cự trong nội địa cũng như từ bên ngoài, đối với Nhật thật ra không đáng kể, không ảnh hưởng gì nhiều lắm đến sự vững vàng, ổn định của hậu phương, nếu quá lắm, khi nào cần, chúng vẫn có thể dùng sức mạnh dập tắt ngay được. Cho nên cuộc kháng cự này không phải là nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân duy nhất của cuộc chính biến 9 tháng 3. Cuộc chính biến này là nằm trong một chiến lược dài hơi của Nhật, đã được hoạch định từ lâu, được chuẩn bị đến từng chi tiết. Bốn năm trước đây, khi Nhật mới chân ướt chân ráo đổ bộ vào Đông Dương, chúng chưa thể hất cẳng ngay Pháp để nắm chính quyền, trực tiếp cai trị. Nay sau bốn năm chiếm đóng, chúng đã thông tỏ hết ngọn nguồn, có đủ điều kiện thuận lợi để đập tan chủ quyền của Pháp. Cho nên cuộc chính biến nhất định sẽ xảy ra, nếu không vào đúng ngày N giờ G, mùng 9 tháng 3 thì cũng trước đó hay sau đó thôi, không thể tránh được.
Thế tại sao cuộc chính biến lại nổ ra vào đầu năm 1945, chứ không sớm hơn hay muộn hơn? Là vì vào thời điểm này, về mặt quân sự, Nhật thấy vấn đề Đông Dương không thể tách ra khỏi những sự kiện đang xảy ra trong vùng Đông Nam Á. Trong những ngày đầu tháng 3, Mỹ đã chiếm đóng được đảo Palawan ở Thái Bình Dương, đối mặt với miền nam Đông Dương. Trong giả thuyết, từ đó có một cuộc đổ bộ lên bờ biển Đông Dương, thì hành lang rút lui của quân đội Nhật ở Birmanie (Miến Điện, nay là Myanmar) ở Xiêm, ở Malaixia sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu giả thuyết này trở thành hiện thực, thì chắc chắn quân đội Pháp sẽ đứng ngay về phía Đồng Minh. Người Nhật ý thức rất rõ điều này và dường như đó là lý do quan trọng nhất để Nhật quyết định không trù trừ nữa, mà phải ra tay trước.
Có thể có một số nhỏ người nào đó trong chính quyền và bộ chỉ huy quân sự ở thuộc địa ý thức được nguy cơ này, nhưng cái khó là không đoán ra, không xác định được lúc nào thì nó sẽ nổ ra. Do đó cuộc chính biến 9 tháng 3 là gần như hoàn toàn bất ngờ. Yếu tố bất ngờ được Nhật sử dụng đến triệt để. Cuộc chính biến xảy ra trên toàn cõi Đông Dương, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, vào cũng một ngày một giờ gần như thống nhất, làm cho quân Pháp trở tay không kịp, không thể thông báo cho nhau, không thể tiếp ứng được nhau, chỉ trong vài giờ đã tan nát hết.
Vậy thì thực sự có bất ngờ không? Có, nhưng không phải hoàn toàn. Có thể coi đây là sự bất ngờ của một việc không bất ngờ. Đã có những sự việc không thể bỏ qua được xuất hiện từ nhiều tuần lễ, thậm chí ngay trong một hai ngày trước báo hiệu cuộc chính biến sắp xảy ra trong thời gian cận kề. Nhưng trong hơn bốn năm qua, tâm lý của nhiều người đã quá quen với những giai đoạn cực kỳ căng thẳng, rồi lại được giải tỏa trở lại ổn định nên cuối cùng bây giờ người ta như bị bỏ bùa mê, không còn tin tưởng có thể xảy ra chuyện nguy hiểm nữa.
Những tin tức tình báo đầu tiên có liên quan đến sự chuẩn bị một đòn bạo lực đánh vào quân đội Pháp đã được thu lượm ngay từ trong tháng 9 năm 1944. Rồi đến tháng Chạp, nhờ một loạt những thông tin có xuất xứ từ nước ngoài, người ta đã biết là đại sứ mới của Nhật Matsumoto sẽ sang Đông Dương với những chỉ thị cụ thể của Tokyo đòi chính quyền Pháp phải để cho Nhật kiểm soát quân đội Pháp, và nếu từ chối thì sẽ vô hiệu hóa đội quân này. Vào quãng giữa tháng Giêng năm 1945, bộ tham mưu Nhật báo cho Toàn quyền Decoux biết sư đoàn lục quân số 37 của Nhật ở Quảng Tây sẽ vào Bắc Kỳ và lên đóng ở cao nguyên Trấn Ninh. Bất chấp sự phản kháng của Decoux, 12.400 quân Nhật, từ ngày 6 đến 29 tháng Giêng, cứ tiến lên chiếm đóng những vị trí chiến lược ở Thượng Lào. Đôi quân Nhật cũ ở đây là sư đoàn 21, được điều về phía nam, tăng cường cho những đội quân đóng ở bờ biển Trung Kỳ, nhất là chung quanh Vinh.
Trên dãy Trường Sơn, một số đơn vị Nhật cũng được điều về đóng ở Thakhet.
Ở Nam Kỳ, một lực lượng lớn của Nhật đến đóng trên quốc lộ 13 từ Sài Gòn đi Kratié, là trục đường rút lui theo kế hoạch của quân đội Pháp khi có chiến sự. Nhiều hoạt động quân sự bất thường khác của Nhật cũng được nhận thấy ở Đà Lạt, ở Thủ Dầu Một, ở Buôn Ma Thuột... Máy bay Nhật liên tiếp bay lượn trên bầu trời vùng Ông Yên... Nói chung, theo dõi trên bản đồ và trên thực địa, thấy những cuộc điều động quân đội của Nhật, rõ ràng là tuân theo một kế hoạch đã được vạch ra cụ thể, với mục đích tập trung ở gần những vị trí đóng quân của Pháp, những lực lượng lính Nhật đông hơn về quân số, mạnh hơn về hỏa lực. Vào giữa tháng Hai, kế hoạch này coi như đã hoàn thành.
Ngày 4 tháng 3, khâm sứ Trung Kỳ nhận được nguồn tin tình báo từ Tourane là đòn bạo lực sẽ nổ ra trong 10 ngày đầu tháng 3. Ngay từ cuối tháng 2, Thống sứ Bắc Kỳ, lo ngại về những sự chuẩn bị của Nhật đã triệu tập các quan chức đầu tỉnh, và cùng tướng Sabattier chỉ thị cho họ phải sẵn sàng đối phó với một đòn bạo lực của Nhật. Ngày 7 tháng 3, sở mật thám Bắc Kỳ dự đoán cụ thể đòn này sẽ nổ ra vào ngày 9 hoặc 10. Thống sứ báo tin ngay cho Toàn quyền và các chỉ huy quân sự, tướng Sabattier báo động cho toàn quân ở Bắc Kỳ và Bắc Lào, ra lệnh cấm trại quân lính trong thành Hà Nội, rồi chiều tối ngày 8 bí mật rời Hà Nội lên hành dinh của ông ở Phủ Đoan. Cùng ngày, công sứ ở Cao Bằng báo cho Thống sứ Bắc Kỳ biết, một Hoa kiều chủ sòng bạc và gián điệp hai mang của Nhật và Trung Hoa, đã bí mật bỏ đi, sau khi báo cho biết, cụ thể sẽ có những sự kiện cực kỳ quan trọng xảy ra ngày 9.
Sở mật thám Hà Nội điện cho tất cả các sở mật thám địa phương, nói rõ Nhật sẽ tấn công trước ngày 10. Sở mật thám Sài Gòn nhận được điện này vào sáng ngày 9, và đến 17 giờ cùng ngày, gởi cho tất cả các quan chức đầu tỉnh và các thành phố ở Nam Kỳ, một bức điện không mã hóa, nói rõ những tin tức tình báo đã nhận được, và cũng dự đoán đòn bạo lực sắp xảy ra, cần chuẩn bị đối phó.
Ngày 9, vào lúc 11 giờ 45, Khâm sứ Trung Kỳ gởi điện cho tất cả các quan chức đầu tỉnh phải chuẩn bị kháng cự vì cuộc tấn công sắp xảy ra. Bức điện này mãi đến chiều mới đánh đi được, và đã không đến được tay các người nhận.
Cùng vào thời điểm 11 giờ ngày 9, Thống sứ Bắc Kỳ thân chinh sang gặp tướng tổng tư lệnh Mordant để nói rõ ông tin chắc đòn bạo lực sắp sửa nổ ra. Thế nhưng, về phía quân sự, những tin tức nhận được thì lại đáng yên tâm, vì từ ngày 7 đến nay không có một chuyện gì đặc biệt xảy ra. Đáng yên tâm đến mức, vào ngày 9 tướng Mordant đã cho giải tỏa một phần lệnh cấm trại của tướng Sabattier, cho phép sĩ quan và quân đội được về gia đình và ra thành phố.
So sánh lực lượng đêm hôm đó, thì về người hai bên ngang nhau, mỗi bên có 60.000 quân. Nhưng chỉ ngang nhau về quân số thôi, còn các yếu tố khác thì quá ư là chênh lệch. Trong quân đội Pháp có 15.000 lính Âu Châu, cộng thêm với 15.000 lính bản xứ bổ sung và 5.000 lính khố xanh.
Quân đội Nhật thì cả 60.000 quân là thuộc binh đoàn 38 đã chiếm đóng tại chỗ, cộng thêm với 35.000 của các sư đoàn biên giới đang tiến xuống phương Nam. Về mặt chất lượng chiến đấu thì quân Nhật đã đánh nhau trên các chiến trường từ 1937 đến giờ, còn quân đội Pháp thì đã hạ vũ khí từ 1940, tâm lý thì hết sức chán chường vì bị cả chính quốc và các đồng minh bỏ rơi không đoái hoài gì đến.
Về mặt chỉ huy, thì những sĩ quan được đào tạo trong các trường phái cũ với những quan điểm lạc hậu về chiến tranh hầm hào, phòng thủ cố định, không còn có thể đáp ứng được với những đòi hỏi của cuộc chiến tranh hiện đại.
Số lính bản xứ bổ sung thì cũng không coi quân Nhật là kẻ thù truyền kiếp hàng nghìn năm của mình, do đó tinh thần chiến đấu chống quân Nhật cũng không phải là hăng hái và đáng tin cậy lắm. Vả lại, như sẽ xem sau này, trong nhiều trận, quân Nhật lại cố tình nương nhẹ, bảo toàn cho “những người anh em cùng giống da vàng” với mình.
Kết cục lại như vậy, ở Bắc Kỳ chẳng hạn, nếu chỉ tính lính da trắng, Pháp chính cống, lê dương và lính thủy đánh bộ, thì quân Pháp phải chiến đấu trong tỷ lệ một chống lại bốn.
Về mặt võ khí thì lại càng thảm hại nữa. Để đối đầu với một đội quân hiện đại, trang bị rất tối tân, Pháp đã lạc hậu mất một cuộc và có thể hai cuộc chiến tranh rồi. Súng trường 8 li và súng tiểu liên, nhãn hiệu Hotchkiss mẫu mã từ năm... 1875 (!). Không có một khẩu FM nào, còn súng liên thanh Hotchkiss thì cũng từ thời thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) để lại, với vài ba khẩu súng cối quá già nua, có những bộ phận được thay thế bằng những phụ tùng làm tại chỗ. Có được một số khẩu đại bác 65, 75, 155 ly còn bắn được nhưng lại không dùng được trong các trận đánh giáp lá cà với Nhật. Vả lại, đạn dược để đã quá lâu không được thay thế, quá cũ kỹ ẩm ướt, quả nổ quả không. Còn nói đến mấy chiếc xe tăng Renault thì lại càng buồn nữa, không có phụ tùng thay thế, chúng nằm ụ đã từ lâu như những đống sắt vụn. Còn máy bay thì suốt bốn năm qua chỉ thấy máy bay Nhật nhào lộn tập luyện ngay trên các thành phố, các khu đông dân cư.
Ấy thế mà trong suốt bao nhiêu năm trời, các đội quân cà khẳng cà kheo này chỉ có một thành tích là đi đàn áp các cuộc nổi dậy, phản kháng của nông dân, bắn giết man rợ những người không có một tấc sắt trong tay để tự vệ.
Giờ trả nợ bây giờ mới đến, tuy rằng trả như thế đâu đã đủ để tính hết cuốn sổ nợ máu với nhân dân ba nước Đông Dương.
Chỉ trong một đêm trên toàn cõi Đông Dương, đã có 2.650 binh lính và sĩ quan da trắng bị giết và mất tích.
Trong số đó phải kể đến: 1 tướng, 9 đại tá, 20 thiếu tá, 60 đại úy, 91 trung úy, 9 bác sĩ và 1 thú y bác sĩ.
Riêng ở Bắc Kỳ, trong số 9.000 lính lê dương thì 1.500 đã bỏ mạng chỉ trong vài giờ đồng hồ, từ 20 giờ ngày thứ sáu 9 tháng 3 đến 15 giờ 30 ngày thứ bảy 10 tháng 3 năm 1945.
2. Những bữa tiệc máu
Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 9 tháng 3, tướng Lemonnier, chỉ huy trưởng thành Lạng Sơn nhận được thư của ban tham mưu các lực lượng Nhật Bản đóng ở đây, mời đến dự tiệc vào lúc 18 giờ 30. Các sĩ quan khác trong thành, cùng vị đại diện chính quyền dân sự cũng được mời đi.
Lemonnier là một vị tướng xuất sắc trong quân đội Pháp, con của một người thợ thủ công làm yên cương và đồ da ở Chateau - Gontier, trong vùng Mayenne, thời thanh thiếu niên học rất giỏi, năm 18 tuổi đã thi đậu vào trường đại học bách khoa (Poly technique), chọn chuyên khoa làm pháo thủ thuộc địa. Trong thế chiến thứ nhất, ông làm thiếu úy ở trung đoàn pháo binh 29, rồi tham dự chiến tranh ở Syrie năm 1924, ở Tây Phi thuộc Pháp năm 1929, được rút về học ở trường Chiến tranh (Scole de guerre) từ 1927 đến 1929, sau được phong tướng, chỉ huy lữ đoàn 9 của sư đoàn Bắc Kỳ. Người có học thức uyên bác, nói được nhiều thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Ả Rập, đọc được tiếng Phạn (Sanscrit) và đã từng theo học những lớp về Phật giáo của trường Viễn Đông Bác Cổ.
Hai ngày trước khi nhận giấy mời, Lemonnier đã được Fleutot, viên chánh mật thám khét tiếng tàn bạo thời đó ở Bắc Kỳ, thông báo cho biết tình hình nghiêm trọng, quân Nhật có thể tấn công trong 48 giờ tới. Vì thế Lemonnier đã cảnh giác tìm cớ từ chối lời mời, nhưng để khỏi tạo ra những chuyện rắc rối, ông cho phép các sĩ quan được tự do quyết định đi hay không.
Vào khoảng 17 giờ 30, quân Nhật tiếp đón rất niềm nở những người đến dự tiệc, trong số này có Auphelle, đại diện của tướng Mordant, đại tá Robert, chỉ huy phân đoàn Lạng Sơn, và ủy viên lãnh đạo của mạng lưới kháng cự Bắc Kỳ, Amiguet, thiếu tá chỉ huy pháo binh và Leroy, tiểu đoàn trưởng.
Pháp-Nhật ngồi vào bàn tiệc. Món ăn nấu theo kiểu Nhật, rượu sake rót mấy tuần chúc tụng cả Nhật hoàng lẫn Thống chế Pétain, trong những tiếng cười xã giao hỷ hả. Chỉ còn thiếu tiếng đàn Shamisen và vài chị Geisha thướt tha trong những bộ Kimono rực rỡ quỳ dâng rượu nữa, thì người ta có thể tưởng ở giữa thời bình, trong một khách sạn sang trọng nào đó tại Tokyo.
Cuối bữa tiệc vào khoảng 20 giờ, vừa dùng xong mấy món tráng miệng, uống xong một tuần rượu nữa thì bộ mặt tươi cười của chủ nhà, bỗng biến thành những bộ mặt quỷ dữ, đằng đằng sát khí. Những con dao găm sáng loáng và những khẩu súng lục xuất hiện. Amiguet và Leroy bị đâm chết ngay trên bàn tiệc. Còn Auphelle và Robert thì bị bắt trói quặt hai tay ra sau lưng.
Lúc đó là đúng 20 giờ. Ngoài đường phố Lạng Sơn, những toán lính Nhật phục sẵn đâu đó, không biết từ bao giờ, bắt đầu di động rất nhanh đến các địa điểm đã được định trước. Ở trong thành Lạng Sơn, tin tức về bữa tiệc máu đã được loan báo, người ta vội vã chuẩn bị chiến đấu.
20 giờ 45 - Nhà ăn của sĩ quan bị tấn công.
21 giờ: Pháo Nhật bắn cấp tập vào thành. Từng toán lính Nhật la thét, xung phong. Lemonnier vào cố thủ trong lô cốt chỉ huy. Suốt đêm diễn ra liên tục các cuộc tấn công và phản công. Trong các trận chiến, nhiều sĩ quan và binh lính Pháp đã tử trận. Trung tá Jenny, thiếu tá Bonifay, đại úy Lemoing, đại úy Profit... đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Viễn Đông này.
Lemonnier gửi cho cấp trên là tướng Sabattier lúc đó đang ở trong Phủ Đoan bức điện vô tuyến khẩn cấp nói trong thành đã thiếu đạn dược và nước uống, xin cho máy bay thả dù xuống ngay cho những thứ cần thiết này. Nhưng than ôi! Chậm quá mất rồi. Trong đêm 9 rạng ngày 10, thành đã rơi vào tay quân Nhật. Lemonnier cùng một số sĩ quan bị bắt sống.
Một số lô cốt và pháo đài vẫn tiếp tục chiến đấu. Đặc biệt pháo đài Brière-de-l’Jsle, mà người tiểu đoàn trưởng Boéry chỉ huy, đã bị gãy cả hai chân ngay tối 9 tháng 3, vẫn chống trả rất dữ dội, buộc quân Nhật phải dùng đến súng phun lửa, rồi máy bay ném bom, và cuối cùng cả hơi độc mới đầu hàng. Boéry cùng tất cả những người còn sống sót đều bị quân Nhật bắt đem giết hết sau khi chúng chiếm được pháo đài.
Đến 17 giờ 30, ngày thứ bảy 10 tháng 3, thì tiếng súng ngừng hẳn trong lòng chảo Lạng Sơn.
Ở trong thành Lạng Sơn, cùng 3 pháo đài và trại quân Kỳ Lừa, tổng cộng có 4.000 binh lính, trong số đó 700 là lính người Âu và 3.300 là lính Đông Dương. Trong số 700 lính Âu này, thì 100 đã chết trong khi chiến đấu, còn lại 600 sống sót, bị thương quá nửa, ra hàng, thì bị giết sạch hết bằng kiếm, bằng lưỡi lê và những nhát cuốc. Viên tướng Nhật chỉ huy, không cần biết các công ước quốc tế về tù binh, đã ra một lệnh ngắn gọn: “Giết tất cả chúng nó”. Đối với hơn 3.000 lính Đông Dương còn sống sót, chúng cho thả ra hết. Lịch sử sau này ghi lại viên tướng đó đã bị xử như một tội phạm chiến tranh và đã đền tội.
Tướng Lemonnier thì ngay trong đêm 9 tháng 3 đã bị quân Nhật dẫn đến động Tam Thanh. Lúc đó trại quân ở Kỳ Lừa cũng đã đầu hàng sau khi người chỉ huy là đại úy tiểu đoàn trưởng Bertrand tử trận. Ở động Tam Thanh, chúng muốn bắt Lemonnier phải ký vào lệnh đầu hàng hoàn toàn và ra lệnh toàn bộ phải hạ vũ khí ngừng bắn, vì lúc này vẫn còn một số khu vực còn tiếp tục chiến đấu, như ở pháo đài Brière-de-l’Jsle đã nói ở trên, và ở những cơ sở quân sự trên bờ sông Kỳ Cùng - Lemonnier không chịu. Chúng trói quặt tay ông ra sau lưng, ấn cho quỳ xuống trên bờ một cái hố, hỏi lại lần thứ hai ông có chịu ký không? Lemonnier lại lắc đầu từ chối, tuy biết rất rõ điều gì sẽ xảy ra cho mình. Và điều đó đã xảy ra. Một hơi gió lạnh thoảng qua trong động. Đó là tiếng của lưỡi kiếm chém phập xuống và đầu tướng Lemonnier lăn xuống cái hố trước mặt ông. Hiện nay ở trung tâm Paris có một phố rất đẹp mang tên ông, chạy từ tượng Jeanne d’Arc ở đường Rivoli xuống đến bờ sông Seine, giữa bảo tàng Louvre và cùng điện Tuileries. Tướng Henry Lapierre, với danh nghĩa là một người đã từng phục vụ dưới trướng của tướng Lemonnier, là người cao tuổi nhất trong số những người thoát chết sau cuộc chính biến, và là người duy nhất sống sót trong số 9 vị tướng (hay làm nhiệm vụ tướng) có mặt ở Đông Dương vào thời điểm đó đã chua chát viết lại trong cuốn hồi ký của ông:
Đến 17 giờ 30, ngày thứ bảy 10 tháng 3, thì tiếng súng ngừng hẳn trong lòng chảo Lạng Sơn.
Ở trong thành Lạng Sơn, cùng 3 pháo đài và trại quân Kỳ Lừa, tổng cộng có 4.000 binh lính, trong số đó 700 là lính người Âu và 3.300 là lính Đông Dương. Trong số 700 lính Âu này, thì 100 đã chết trong khi chiến đấu, còn lại 600 sống sót, bị thương quá nửa, ra hàng, thì bị giết sạch hết bằng kiếm, bằng lưỡi lê và những nhát cuốc. Viên tướng Nhật chỉ huy, không cần biết các công ước quốc tế về tù binh, đã ra một lệnh ngắn gọn: “Giết tất cả chúng nó”. Đối với hơn 3.000 lính Đông Dương còn sống sót, chúng cho thả ra hết. Lịch sử sau này ghi lại viên tướng đó đã bị xử như một tội phạm chiến tranh và đã đền tội.
Tướng Lemonnier thì ngay trong đêm 9 tháng 3 đã bị quân Nhật dẫn đến động Tam Thanh. Lúc đó trại quân ở Kỳ Lừa cũng đã đầu hàng sau khi người chỉ huy là đại úy tiểu đoàn trưởng Bertrand tử trận. Ở động Tam Thanh, chúng muốn bắt Lemonnier phải ký vào lệnh đầu hàng hoàn toàn và ra lệnh toàn bộ phải hạ vũ khí ngừng bắn, vì lúc này vẫn còn một số khu vực còn tiếp tục chiến đấu, như ở pháo đài Brière-de-l’Jsle đã nói ở trên, và ở những cơ sở quân sự trên bờ sông Kỳ Cùng - Lemonnier không chịu. Chúng trói quặt tay ông ra sau lưng, ấn cho quỳ xuống trên bờ một cái hố, hỏi lại lần thứ hai ông có chịu ký không? Lemonnier lại lắc đầu từ chối, tuy biết rất rõ điều gì sẽ xảy ra cho mình. Và điều đó đã xảy ra. Một hơi gió lạnh thoảng qua trong động. Đó là tiếng của lưỡi kiếm chém phập xuống và đầu tướng Lemonnier lăn xuống cái hố trước mặt ông. Hiện nay ở trung tâm Paris có một phố rất đẹp mang tên ông, chạy từ tượng Jeanne d’Arc ở đường Rivoli xuống đến bờ sông Seine, giữa bảo tàng Louvre và cùng điện Tuileries.
“Hãy hỏi những người Pháp ở chính quốc khi đi qua phố này xem chuyện gì đã xảy ra ở Đông Dương trong đêm 9 tháng 3 năm 1945, và Lemonnier là ai? Sẽ rất hiếm có người nào chịu trả lời một câu trả lời có thể chấp nhận được”.
Ít phút sau khi Lemonnier hy sinh, thì Auphelle cùng chịu chung một số phận như ông. Còn lại đại tá Robert, người cuối cũng sống sót sau bữa tiệc máu chiều tối ngày 9 tháng 3. Ông được quân Nhật đặc biệt “săn sóc”, vì chúng biết rất rõ ông là một trong số những sĩ quan lãnh đạo cuộc kháng cự ở Bắc Kỳ và đã từng dự những cuộc thảo luận bí mật với tướng Blaizot, sau này là tư lệnh trưởng đội quân viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ tháng 4 năm 1948 đến tháng 9 năm 1949. Với những hoạt động đó, Robert được giam riêng một mình trong căn phòng sĩ quan duy nhất còn sót lại trong thành Lạng Sơn. Ông được các “chuyên gia về hỏi cung” của Kampetai dùng mọi hình thức tra tấn để khai thác, những ông vẫn không khai báo gì. Có lẽ cũng vì cảm phục khí tiết đó, chúng cho ông được hưởng một đặc ân. Chiều tối ngày 13, những sĩ quan Nhật đến đưa cho ông một thanh kiếm, để ông tự mổ bụng theo phong tục hara-kiri của Nhật. Ông đại tá từ chối, và một người lính Nhật đã giúp ông làm điều đó.
Sau cuộc thảm sát có còn người nào sống sót không? Có đấy nhưng không nhiều. Thí dụ có một người lính vô danh cùng với khoảng 100 người nữa bị đưa đến một ngôi chùa ở trên bờ sông Kỳ Cùng. Họ bị giết bằng những lưỡi lê và những nhát cuốc, rồi bị đẩy xác xuống sông. Người lính này chỉ bị thương nặng nhưng chưa chết, lại bơi giỏi nên sang được đến bờ bên kia, tìm đường sang được đất Trung Hoa. Có trung úy Chomette cùng với những người đã chống trả trong pháo đài Brière-de-l’Jsle, kể cả đại úy Boéry với đôi chân gãy, bị lùa đến trước mấy họng súng liên thanh. Súng nhả đạn. Những người chưa chết còn thoi thóp sẽ bị chém bằng kiếm và đâm bằng lưỡi lê. Chomette nằm thật yên giả chết và đã sống sót. Có đại úy Vermières và trung úy Ducasse bị thương rất nặng, không biết thế nào lại được mấy người Nhật rủ lòng thương - chuyện hiếm có - và đưa về điều trị trong trạm xá quân y của họ. Có đại úy Michel trốn trong thành Lạng Sơn chứ không ra đầu hàng cùng với những người khác, chờ ban đêm, thoát ra được, tìm đường đi lên Cao Bằng, cứ định hướng bằng những ngọn lửa thiêu xác lính Nhật tử trận mà luồn đi trong rừng..
Hết phần 2
Đến 17 giờ 30, ngày thứ bảy 10 tháng 3, thì tiếng súng ngừng hẳn trong lòng chảo Lạng Sơn.
Hết phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét