(Histoire deL’EXPÉDITION DE COCHINCHINE en 1861)
Người dịch: Hoang Phong
CHƯƠNG I
Ngưng chiến ở Bắc Kinh giúp các lực lượng Pháp rảnh tay - Phó đô đốc Charner được Hoàng đế đề cử thống lãnh viễn chinh Nam Kỳ - Các lực lượng viễn chinh tổ chức trở lại, rời nước Tàu đến Saĩgon trong những ngày đầu tháng 2 năm 1861.
Hoàng đế nhà Thanh bất thần đào tẩu về Zhe-hol nơi tận cùng xứ Mãn Châu làm quân đồng minh hết hy vọng thương thuyết với Trung Hoa. Quyết định cực đoan của Hoàng đế nước Tàu gây ra mối hiểm nguy lớn nhất cho việc tiến quân của lực lượng đồng minh lúc bấy giờ. Tương lai cho thấy nhiều điềm xấu và tối tăm: quân đồng minh đang lâm vào một cuộc chiến man rợ, kéo dài nhưng muốn chấm dứt trong danh dự cũng thật khó khăn. Mùa đông đã báo hiệu và mọi người đều biết sẽ vô cùng gay go trên đất Tàu, buộc ta phải chọn một quyết định. Lực lượng đồng minh vì thế phải rút lui, đóng quân chặt chẽ tại Tien-tsin, thiết lập liên lạc với căn cứ hành quân trên bờ biển qua các ngõ Tien-kou, Sing-ko, Takou. Lực lượng hải quân cũng bắt buộc phải chuẩn bị theo để hứng chịu mùa đông.
Bộ mặt mới của tất cả mọi việc sẽ thay đổi hết, tùy thuộc vào những yếu tố mới, tức việc tiếp xúc với Hoàng tử Kong[6], từ tánh tình, vị thế vương quyền của ông ta cho đến kết quả trung gian của một lực lượng Âu châu liên hệ thân hữu từ lâu với nước Tàu. Ngày 25 tháng 10 năm 1860, nam tước Gros, huân tước Elgin và hoàng tử Kong cùng ký một hiệp ước hoà bình. Hiệp ước thành công nhờ sự dàn xếp của tướng Ignatieff. Nhờ vậy tình trạng tháo mở, quân đội của hai cường quốc được giải tỏa. Lực lượng hải quân và một phần đội quân viễn chinh của ta được rảnh tay để kéo xuống tràn vào Nam Kỳ với mục đích củng cố vị thế thống lãnh của Pháp ở phần đất Á châu này.
Hoàng đế Pháp Napoleon 3 giao phó việc chỉ huy viễn chinh cho phó đô đốc hải quân Charner. Phó đô đốc Charner liền tổ chức lại lưc lượng hải quân do chính ông làm chỉ huy trưởng từ lúc mới khởi đầu cuộc chiến tranh với Tàu. Ông thành lập hai sư đoàn lớn. Sư đoàn thứ nhất gọi là Sư đoàn Tàu, lo việc bảo vệ và canh giữ Ta-kou, Tche-fou, Shang-ha cho trại binh Saĩgon. Theo các tin tức mới nhất thì quân trại Saĩgon càng ngày càng thiếu nhân lực, việc canh phòng khó khăn vì vòng đai phòng thủ rộng. Ðoàn quân đổ bộ trước kia đã tiến chung với quân đồng minh vào Bắc Kinh được giải thể. Thủy quân đánh bộ cũng tách ra khỏi quân đoàn viễn chinh trên đất Tàu để tăng cường một phần cho trại quân Ta-kou; phần còn lại chuyển đến Canton, và sau đó là Saĩgon. Tướng Jamin cùng với trung đoàn bộ binh 101, tiểu đoàn 2 bộ binh, một giàn pháo binh 12 khẩu, một giàn pháo binh 4 khẩu, một đại đội công binh và một nửa bộ phận hành chánh được chuyển về Shang-haĩ. Tướng Collineau được chỉ định chiếm đóng Tien-tsin với đoàn lục quân 102, hai giàn pháo binh, một đại đội công binh, một số kỵ binh và một nửa còn lại của bộ phận hành chánh. Chiến thuyền Forbin giao cho tướng Cousin-Montauban, vì ông này muốn thanh tra vài nơi tại Nhật Bản trước khi quay về Shang-haĩ.
Việc điều động lực lượng vừa kể đột nhiên làm mất tầm quan trọng chiến lược của Tche-fou. Trong suốt cuộc viễn chinh Tàu, Tche-fou là kho lương chính của quân đội. Nay kho lương này chỉ còn dùng để tiếp tế cho các chiến hạm trong vùng, cho toán quân phòng ngự địa phương và cho vùng sông Pei-ho khi cần tới. Tuy vậy vị trí này còn giữ một tầm quan trọng khác; trong thời gian mà vịnh Pe-tche-li và sông Pei-ho bị đóng băng thì phải dùng ngõ Tche-fou để liên lạc với Tien-tsin.
Các vấn đề chi tiết được giải quyết giữa các chỉ huy trưởng thuộc các tổng tư lịnh hải quân và quân đội. Công cuộc chuyển quân lên tàu để trực chỉ Nam Kỳ bắt đầu, mặc dù băng giá, xa bờ và bão tố.
Gió thổi gần như liên tục từ ngoài khơi vào; sóng đứng trên đáy biển bùn, chuyển thành sóng đập, tạo sình lầy gây thật nhiều trở ngại cho việc chuyển quân; nếu sóng lăn và dài thì ít gây khó khăn hơn. Khí lạnh đã bắt đầu gay gắt: dây thừng trên tàu đóng đá và sàn tàu cũng đông đá trơn trợt; ban ngày cũng thường đóng băng; ban đêm hàn thử biểu tuột xuống đến mười hay mười hai độ dưới số không. Thủy thủ đoàn của các pháo hạm lớn từ Nam Kỳ vừa đưa tới đây, vì đã quá mệt mỏi sau hai năm chiến đấu dưới khí hậu nhiệt đới, nên phải chịu cam khổ vô cùng. Vào khoảng 20 tháng 11, nước đá bắt đầu bít sông Pei-ho. Pháo hạm Alarme bị một cơn gió mạnh làm mắc cạn trên bãi ngay phía trước Ta-kou, mất luôn bánh lái và một phần đuôi tàu. Hộ tống hạm Alom-prah gặp khó khăn vì chân vịt không sử dụng được. Pháo hạm Fusée bị kẹt băng trên sông Pei-ho, sau đó nhờ một trận nước lũ bất ngờ mới thoát ra được, nhưng khi ấy thì việc chuyển quân đã thực hiện xong, cả đạo quân lên đường hết rồi.
Một phần quân số và hành trang được chuyển lên tàu từ một địa điểm cách bờ 6 hải lý, vào đúng lúc cái lạnh của mùa đông càng ngày càng mãnh liệt. Ðây là cuộc hành quân không chiến đấu khó khăn nhất mà hải quân ta đã thực hiện. Việc chuyển quân đánh dấu cuộc viễn chinh nước Tàu đã chấm dứt, chuyển sang chuẩn bị cho cuộc viễn chinh Nam Kỳ. Nhưng thật ra thì việc chuẩn bị viễn chinh Nam Kỳ được điều động ở Sha-lui-tien cách Bắc Kinh 60 dặm và cách Saĩgon đến 800 dặm : các đoàn quân dùng cho chiến dịch Nam Kỳ tiến về Sha-lui-tien, các pháo hạm bằng sắt cũng được kéo về nơi này. Pháo hạm bằng sắt loại nhỏ hết sức đắc dụng trong các trận chiến, đã góp công thật đáng kể vào các trận đánh buộc các đồn bót trên sông Pei-ho phải đầu hàng. Người ta thấy loại pháo hạm này ngược xuôi không ngừng trên sông, chuyên chở quân lính và tiếp liệu. Chúng hết sức hữu dụng ở bất cứ loại công tác nào giao phó. Cách đóng các pháo hạm bằng sắt vừa kể đâu có dự trù để dùng vào việc chuyên chở giữa bến Sha-lui-tien và các chiến hạm ở cửa sông Pei-ho; khoảng cách 6 hải lý, biển động, sóng lắc, tàu chòng chành một cách đáng ngại. Máy tàu không đủ mạnh để ngược sóng trong lúc gió mạnh, nhưng là một phương tiện vô cùng quí giá giúp tay cho người lính hải quân trên đường chiến đấu: pháo hạm đủ sức dùng làm tàu kéo, đôi khi cũng dùng để chở nặng. Nhờ các tàu này mà việc chuyển quân hoàn tất trong 20 ngày, mặc dù biển động, gió bão và trời lạnh. Các tàu này đã giúp thật nhiều cho thủy thủ đoàn khỏi ra tay chèo chống; thật ra thì thủy thủ đoàn dù có bắt buộc họ chèo họ cũng không đủ sức. Ở Nam Kỳ, nơi sông ngòi chằng chịt, vai trò của các pháo hạm sẽ còn cần thiết hơn nữa; ta có thể đoán trước rồi đây các tàu này sẽ là những phương tiện rất tốt vừa để chiến đấu vừa để tiếp vận trong cuộc chiến ở Nam Kỳ. Nhưng phải công nhận việc kéo những chiếc sa-lúp pháo hạm chạy bằng hơi nước, chỉ dự trù hoạt động trong vùng nước êm, suốt 800 dặm đường biển để đến Nam Kỳ, là một kinh nghiệm mới cho ngành hải quân. Súng đại bác, đạn dược, lương thực trên sa-lúp pháo hạm đều chuyển sang các tàu kéo. Các khe hai bên vách tàu được bít kín, than đem dồn về phía mũi tàu để khi kéo thì đầu tàu khỏi bị ngóc cao quá độ. Các sa-lúp pháo hạm đã vượt qua khỏi mọi thử thách, chỉ mất có hai chiếc bị chìm trên đường đến Nam Kỳ.
Trong khi đó các tàu lớn lần lượt ra khơi sau khi chuẩn bị xong. Tàu Saône chở cu-li từ Canton. Tàu Duchayla rời bến ngày 10 tháng 10 với nam tước Gros; cột chính của tàu có treo cờ quốc gia kích thước vuông có hình ngọn lửa. Ngay ngày hôm sau, huân tước Elgin cũng đi Hong-kong. Ngày 1 tháng 12, tàu Némésis ra khơi quay về Pháp sau 5 năm hoạt động ở Tàu. Ðã có bao nhiêu người ra đi với chiếc tàu này mà từ nay sẽ không bao giờ trở về nữa!
Suốt thời gian hoạt động vừa kể trên, tàu Némésis đã tham dự vào tất cả các cuộc hành quân đánh phá ở Tàu và Nam Kỳ, sử dụng đại pháo và dùng cả thủy thủ đoàn của tàu để đổ bộ. Các tàu Renommée, Monge, Dryade, Dragonne, Forbin lần lượt ra khơi theo lịch trình đã định trước. Các tàu này sẽ thượng cờ Pháp khi đến Nagasaki và Yedo; phô trương thanh thế xong thì trực chỉ Woo-sung hoặc Hong-kong.
Ngày 5 tháng 12 năm 1860, các toán quân chuyển từ Bắc Kinh, đúng ra phải đến đóng ở Shang-haĩ, lại đem lên tàu để đưa đi Nam Kỳ. Các tàu chiến cuối cùng của Pháp trong vùng cũng nhổ neo rời bến trên sông Pei-ho. Cửa sông hình phễu không thấy bờ bến đâu hết giống như ở giữa biển khơi, nước thì vàng khè vì phù sa sông Pei-ho và sông Peh-tang; cuối vịnh Pe-tche-li, mà người ta thường gọi sai là vũng tàu Sha-lui-tien, và cả sông Pei-ho trở nên vắng tanh, thật hiu quạnh sau khi hơn 400 tàu đã nhổ neo. Tàu Impératrice-Eugénie, kéo cờ hiệu của phó đô đốc Charner, tàu Echo dùng làm tàu truyền lệnh, cả hai lên đường đến Tche-fou, nơi đây chỉ cách Ta-kou hơn 60 dặm. Hai tàu đã đến nơi chiều ngày 6 tháng 12. Sau khi xắp xếp chi tiết công việc tại đây xong, phó đô đốc tổng tư lịnh cùng với hai tàu lại lên đường ngày 7, đến Woo-sung tiền đồn của Shang-haĩ vào ngày 10 tháng 12. Các chiến hạm khác chậm trễ vì công tác cũng lần lượt tới nơi.
Chỉ huy trưởng viễn chinh là phó đô đốc Charner có toàn quyền gây chiến hay làm hòa với xứ Annam. Từ Hoàng Hải, eo biển Sakhaline, biển Nhật Bản cho đến eo biển Malacca và eo biển quần đảo Sonde, suốt 1800 dặm, tất cả tàu bè trương cờ Pháp phải chịu mệnh lệnh của ông. Trọng trách của ông rất lớn: vì tình trạng chiến tranh, vì cách xa mẫu quốc, thêm việc nắm giữ hai trọng trách một lúc, vừa là chỉ huy trưởng viễn chinh, vừa là sứ thần, thêm số chiến thuyền quan trọng dưới quyền chỉ huy của mình; tất cả các trách nhiệm hệ trọng đó đã góp phần làm chói lòa thanh danh của phó đô đốc. Chính đây là sự ủy quyền rộng rãi nhất từ thời Ðệ nhất đế chế, 1 chiến hạm trang bị đại bác chạy chân vịt, 2 chiến hạm chạy chân vịt trang bị súng nặng đặt trên sàn tàu, 2 hộ tống hạm loại một chạy chân vịt, 1 hộ tống hạm loại hai chạy chân vịt, 2 hộ tống hạm loại nhỏ, 2 tàu vận tải chạy chân vịt có trang bị mỗi tàu hai giàn đại pháo, 4 tàu chuyên chở ngựa chạy chân vịt, 11 tàu chuyên chở đại pháo chạy chân vịt, 1 tàu cơ xưởng chạy chân vịt. Tất cả là 68 chiến thuyền gồm 13 chạy buồm và 55 chạy chân vịt. Nhân lực gồm có 4 sĩ quan cấp tướng, 13 Đại tá, 105 Trung úy, khoảng chừng 100 chuẩn úy, 100 bác sĩ y khoa, 80 sĩ quan hành chánh, 8.000 lính thủy. Sức mạnh hỏa lực gồm 475 miệng lửa; sức mạnh mã lực của đội hải thuyền tổng cộng 7.866 mã lực. Nhiều tàu hơi nước của các công ty hàng hải thuộc vùng bán đảo và viễn đông được thuê bao để nối liền các cứ điểm từ bờ biển nước Tàu đến Nam Kỳ. Các tàu thuê đều phải mang cờ Pháp: vị tổng tư lịnh chọn lựa và biệt phái sĩ quan của mình giữ chức thuyền trưởng hoặc đại diện cho quân đội trên các tàu này. Tóm lại có 80 tàu buôn do nước Pháp thuê, chở lương thực, đạn dược, than, tạo thành một hải đội thương thuyền mà tầm quan trọng thật đáng chú ý tới.
Ðiều không được may là một số các chiến hạm đã chiến đấu từ 4 năm nay, vài chiếc đã bước vào năm thứ 5. Thiết bị trên tàu ở vào tình trạng hư hao, các nồi hơi súp-de của 4 pháo hạm lớn và 3 hộ tống hạm gần như rã rời từng mảnh. Tuy nhiên thủy thủ đoàn tốt, sĩ quan xuất sắc, rất thành thạo sau 4 năm chiến đấu. Có thể nói rằng họ tuy có mòn mỏi nhưng không phải là kiệt lực, họ được khích động bằng một luồng sinh khí anh hùng. Trong số các sĩ quan rời Pháp đã lâu, có nhiều người khi đến Tàu vẫn còn là vị thành niên. Họ già đi trong gian khổ và chỉ còn biết nước Pháp qua các bức tranh họ mang theo, họ cũng chẳng hiểu gì hết về thói tục của những dân tộc trước mặt họ, biết đâu họ cũng chỉ vô tình như những thủy thủ khác mà thôi. Những năm tốt đẹp nhất của đời họ đã trôi đi trong khắc khổ, thiếu hẳn sự gần gũi với xã hội chung quanh; sự chung đụng mà ta thấy nơi nào trên trái đất cũng có, nhưng tuyệt nhiên thiếu hẳn ở cái đất Tàu này. Chẳng có gì để làm rung động quả tim của người trai trẻ mới 25 tuổi đời. Vì thế họ đành chú tâm đến những chuyện khác vậy. Họ kể chuyện xông pha chiến đấu, những thành tích xuất sắc trong ngành nghề của mình, họ bàn với nhau về bảng thăng thưởng. Rốt lại cũng là lợi lộc (tôi muốn nói ở đây là danh dự chớ không phải là tiền bạc) đã làm món mồi để lôi cuốn tham vọng, làm mất đi ý nghĩa hy sinh cao cả của đời họ, kể cả những sở thích riêng tư họ cũng phải hy sinh, nhưng lúc nào họ cũng sẵn sàng hy sinh thêm, họ coi giá trị của huân chương và cấp bực từ trên ban xuống thật xứng đáng với sự hy sinh của họ. Không còn ai non dại. Họ đều có vẻ rắn rỏi và năng hoạt; người nào trước kia dù có nông nổi cũng đã trở nên nghiêm trang hơn; nhiều người đúng ra đã bước vào tuổi thích nghỉ ngơi nhưng vẫn tỏ ra rất hăng hái. Họ dễ bị khích động vì vinh quang, vì danh dự để bảo tồn thanh danh của người thủy thủ; họ tạo thành một khối quân nhân đoàn kết chặt chẽ, nếu sau này có tan rã thì dù cho có gặp hoàn cảnh thuận lợi như trước cũng biết đâu không bao giờ còn tái tạo lại được một khối chặt chẽ như vậy, vì những người đã từng tạo ra nó không còn nữa. Không cần phải khó khăn tìm tòi, ta cũng nhận thấy họ là những người của biển cả, những chiến sĩ, những nhà địa lý thủy học, bác học, ngôn ngữ học; vị chỉ huy trưởng nào chẳng sung sướng thấy dưới tay điều khiển của mình có những đại úy thuyền trưởng[39] mới 30 tuổi, chiến đấu không ngừng với sóng gió trên mặt biển xứ Tàu, cặp bờ vào đất Shang-haĩ ở bất cứ thời tiết nào, mặc dù bờ biển nơi đây được coi là khó khăn nhất thế giới. Khả năng quyết định được đem ra thử thách liên tục ở mọi sự kiện, ngay khi hành động đang xảy ra, đã tạo cho mỗi người con đường đi lên. Người chỉ huy có thể trông cậy và tin cẩn ở những con người như thế.
Công bố cuộc viễn chinh đánh chiếm Nam Kỳ với một lực lượng hùng hậu cũng giống như có một dòng máu mới bơm vào huyết quản của họ, những huyết quản đã bao lần sôi sục.
Giai đoạn chuẩn bị viễn chinh Nam Kỳ làm bùng dậy tinh thần đồng đội; nhiều người đã từ lâu được quyền trở về Pháp cũng không muốn nhắc đến chuyện này. Người nào cũng muốn dự phần vào các cuộc hành quân sắp diễn ra.
Woo-sung là một làng Tàu nghèo nàn ở ngã ba sông Yang-tze và Wam-poo. Làng là bến đậu và chỗ họp của hạm đội. Vùng đồng ruộng chung quanh thật bằng phẳng, chỉ hơi nhấp nhô một vài nơi: gồm có ruộng lúa và ruộng trồng bông vải thấp lè tè. Cảnh vật buồn tênh. Tất cả sinh hoạt đều dồn trên mặt sông Shang-haĩ, thuyền buồm ngược xuôi không ngừng; nhiều chiếc trọng tải đến 300 tấn: có đủ khả năng đi biển, rất linh hoạt, xoay trở thật tài tình nhờ bánh lái có đục lỗ. Tàu bè Âu châu từ khắp nơi trên thế giới đến, xuôi dòng trên sông nhưng thường thì không ghé vào Woo-sung. Hải quân bỏ neo thành hàng dài thật oai nghiêm bên phía tả ngạn vì nước sâu hơn; phía hữu ngạn nước cạn có nhiều cồn. Từ trên cột buồm của chiến hạm Impératrice-Eugénie có thể nhìn thấy thành phố Shang-ha de Vassoigne sẽ chỉ huy các binh đoàn viễn chinh, dưới quyền của vị chỉ huy trưởng. Bộ binh, lính đánh bộ người Phi châu, pháo binh, công binh, hậu cần gồm chung là 85 sĩ quan, 1.303 quân sĩ, 272 vừa ngựa vừa lừa. Quân sĩ rút bỏ các đảo Chu-san. Biệt đội bộ binh đóng giữ các hòn đảo này sẽ chuyển về Hong-kong. Ðội thủy quân lục chiến trước đây đặt dưới quyền chỉ huy của đô đốc do một quyết nghị chung của đồng minh ở Ta-kou, gồm 800 người, nay đem sát nhập vào binh đoàn viễn chinh. Một sĩ quan tùy viên quân sự của bộ tổng tham mưu được biệt phái thêm cho binh đoàn để bảo quản việc điều động quân lính và thực thi quân kỷ trong các cơ quan. Công tác lập doanh trại, cứu thương, lương thực sẽ do ủy ban kế toán quân đội đảm trách, ủy ban do một vị phụ tá quân nhu trưởng chỉ huy. Sở ngân khố và bưu điện được thiết lập thường trực tại Saĩgon. Một viên chức liên lạc được đặt tại Singapour để tiếp nhận công hàm, văn thư từ Âu châu chuyển sang Nam Kỳ.
Như vậy là binh đoàn viễn chinh đã được tổ chức xong. Nếu kể thêm đội thủy quân lục chiến sẵn có trong thành phần quân lính đóng tại Saĩgon, cùng với ban chỉ huy đã thành thạo của đội ngũ này, thì số binh đoàn nhỏ tại Nam Kỳ cũng đã tăng lên đến 4.000 người. Hiển nhiên đây là một binh đoàn đủ sức tiến lên, chiến đấu, cắm quân và tiếp tục chiến đấu nữa; không như các toán quân mà sáng thì đổ bộ, chiều phải rút về điểm xuất phát, nếu muốn sống còn.
Kinh nghiệm ở bắc nước Tàu đã cho thấy sự ích lợi của phu khuân vác người Tàu. Dưới khí hậu nóng bức, nhiễm độc vì bịnh sốt rét kinh khiếp này, bọn cu-li lại còn cần thiết hơn nữa. Vì thế ta có chiều hướng đặt người Âu châu giữ vai trò chiến đấu mà thôi. Một đội quân đánh thuê gồm 600 người được tuyển mộ và huấn luyện do đại tá hải quân chỉ huy trưởng Canton là Coupvent-Debois đảm trách.
Tiền bạc, lương thực, than được tồn kho và phân chia cất giữ ở Hong-kong, theo những chỉ thị và tiêu chuẩn đặc biệt thích nghi và phù hợp cho nhu cầu của cuộc viễn chinh Nam Kỳ. Chuẩn đô đốc Page nhận chỉ thị phải cho lịnh các tàu chiến từ Pháp sắp đến đây phải chuyển vào Hong-kong 13.000 đồng tiền Mễ Tây Cơ mà các tàu này mang theo. Tàu Persévérante giữ trọng trách cất giữ số tiền đã được chia cho Pháp quy định trong hiệp ước Tien-tsin và thỏa ước Bắc Kinh. Bốn trăm ngàn khẩu phần lương thực tồn trữ ở Hong-kong xem như đã đủ cho số lượng phòng cơ. Tất cả các tàu chuyên chở lương thực phải được gởi về Saĩgon. Trong số 8.000 tấn than trên các tàu của chính phủ Pháp thuê đang cặp bến Hong-kong, thì 4.000 tấn được chuyển lên bờ, 4.000 tấn còn lại phải chở đến Saĩgon.
Ðể kết thúc bảng thống kê chuẩn bị cho cuộc viễn chinh Nam Kỳ cũng phải kể ra đây phần đóng góp của nước Tây Ban Nha. Trước đây đội ngũ người Tây Ban Nha đóng tại Saĩgon thu hẹp chỉ còn 230 bộ binh. Phó đô đốc Charner thông báo các việc đang được chuẩn bị và đã được thực hiện đến đại tá đại diện toàn quyền Hoàng gia Thiên Chúa Tây Ban Nha là Palanca Gutierrez, cùng viên toàn quyền Phi Luật Tân. Sau đây là lời ông nói với đại tá Palanca, người mà ông vẫn giữ mối liên lạc cá nhân quí mến và thân thiện: “Người Tây Ban Nha là những người đồng minh chớ không phải là thành phần phụ thuộc. Nhưng không thể nào có chuyện phân chia lãnh thổ Saĩgon được. Phải chờ sau này và ở một nơi khác, tức là Tonquin, thì Tây Ban Nha mới có thể được đền bù cho sự hy sinh vinh quang của mình. Ðó là tinh thần các chỉ thị của Hoàng đế Nã Phá Luân ban xuống”. Còn về việc đánh nhau thì đô đốc kêu gọi đến tinh thần nhất trí. Ông tin vào sự hợp tác mà vị toàn quyền Tây Ban Nha hứa hẹn. Nói với đại úy đại diện Phi Luật Tân, vị thủ lãnh viễn chinh cũng đòi hỏi một tinh thần như vừa kể. Theo thứ tự ưu tiên ông đòi phía Tây Ban Nha phải gởi thêm cho ông 150 kỵ binh, 400 lính bộ và 300 thủy binh gốc người Tagal. Manille phải đặc biệt cung ứng 150 kỵ binh cả người và ngựa; cũng dễ hiểu là vai trò của kỵ binh rất hữu ích ở Nam Kỳ. Sự tăng viện này đã không hề xảy ra. Nhưng bù lại, đô đốc tìm thấy nơi đại tá Palanca Gutierrez một sự hợp tác trung thành và nhiệt tâm, điều này giúp ông có thể tin cẩn vào tinh thần hào hiệp của vị sĩ quan Tây Ban Nha.
Tất cả các công tác không liên quan gì đến chiến dịch viễn chinh cũng được giải quyết ở Woo-sung. Các chiến hạm Prégent, Dordogne, Gironde lên đường thực hiện công tác riêng. Chiến hạm Prégent được biệt phái đến Fou-chow-fou, trên bờ biển Fo-kien để nhận tiền bồi thường cho nước Pháp đã được quy định trong hiệp ước Bắc Kinh. Chuyện này thật gai góc, nhưng đã được thực hiện tốt và thành công. Tàu Prégent là chiến hạm Pháp đầu tiên xuất hiện trên sông Min, hai bên bờ sông là thành phố Fou-chow. Tàu Dordogne đến Nhật Bản, nơi đây tình trạng của các nhà ngoại giao và lãnh sự ở Yeddo, vừa được cải thiện chưa được vài ngày nhờ sự hiện diện quân sự của Pháp và Anh đặt dưới quyền chỉ huy của các chuẩn đô đốc Page và Jones, lại đột nhiên trở lại cảnh như trong tù. Tàu Gironde đi Bang-cock để đón các sứ thần Xiêm La.
Những công tác chuẩn bị sau cùng được tận lực thúc đẩy. Các chiến thuyền hư hại đều cặp bến an toàn ở vũng tàu Shang-haĩ để sửa chữa. Từ 15 đến 21 tháng 1, thủy thủ đoàn và thiết bị lần lượt cho lên tàu để lên đường đi Saĩgon. Ngày 24 tháng 1, vị tổng chỉ huy rời Woo-sung, ngày ông rời Woo-sung ông đã quyết định từ trước. Vừa lúc chiến hạm Impératrice-Eugénie của đô đốc vượt cửa sông Yang-tze-kiang, thì tàu Dryade do chuẩn đô đốc Protet chỉ huy cũng vừa tiến vào cửa sông để cặp bến Shang-haĩ.
CHƯƠNG II
Chiến địa và tình trạng hai phe đối thủ - Cơ bản địa lý của đế quốc Annam - Tầm quan trọng quân sự và chính trị của thành Kỳ Hòa.
Ðế quốc Annam gồm ba xứ mà trước kia hoàn toàn riêng biệt:
- Xứ Bắc Kỳ, xứ Bắc Kỳ còn gọi là Xứ bên ngoài, và theo một tài liệu Hòa Lan thì phải gọi là Annam phía Bắc.
-Xứ Trung Kỳ.
-Nam Kỳ miền dưới, mà nhiều tài liệu ghi sai là tỉnh Saĩgon, miền này các bản đồ xưa đều ghi là Cao Miên. Thật vậy, trước cuộc chinh phục của các Chúa nhà Nguyễn, thì vùng đất này thuộc lãnh thổ của vương quốc Cao Miên.
Ngoài ra đế quốc Annam còn gồm một số nước bảo hộ phải triều cống. Ðây là tình trạng đế quốc Annam bắt đầu từ năm 1802 cho đến nay.
Một dãy núi kéo dài 800 dặm, tiếp nối từ vùng núi non Tây Tạng, không xa cao nguyên Khou-khou-noor, đổ dài xuống phía nam song song với vùng biển Tàu, phân định vị trí hai vùng vương quốc xưa nhất của đế quốc Annam. Một bên là núi và một bên là biển làm ranh giới thiên nhiên cho hai vương quốc Annam phía Bắc và Annam phía Nam; nếu dùng danh xưng không được đúng lắm nhưng thông dụng hơn thì gọi là Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Bắc Kỳ là một vùng đồng bằng rộng lớn, phù sa, phì nhiêu và phong phú nhờ sông Sang-koi hay Song-ca và các phụ lưu bồi đắp. Nam Kỳ là một dải đất chỉ rộng từ 30 đến 50 dặm, kéo dài từ bắc xuống nam; dọc theo một dãy núi bao bọc nằm bên phía tây. Nước đổ ra biển bằng các sông ngòi ít ngoằn ngoèo, nước chảy cuồn cuộn, từ hướng tây ra hướng đông. Ðây là dãy núi xa nhất về phía đông trong số 5 dãy núi lớn tạo ra các vùng thung lũng rộng là xứ Miến Điện, xứ Xiêm La, xứ Cao Miên và xứ Annam. Núi trải dài từ vĩ độ 11 thành từng vùng thấp dần theo một đường uốn cong bắt đầu từ núi Vi và đổ ra sát tới biển, tạo ra một bức trường thành rộng lớn và một ngọn đèo, chỉ chừa lại một dải đất hẹp là Phan-thiet, làm ranh giới thiên nhiên giữa Nam Kỳ miền dưới và Nam Kỳ miền trung.
Trở xuống phía tây nam vẫn còn các núi đồi nhỏ thưa thớt, nơi đây có thể coi là vùng chuyển tiếp của ranh giới Nam Kỳ miền trung: sông ngòi ít ngoằn ngoèo, vài kinh rạch, thiên nhiên hoặc do người đào, chảy giữa các vùng núi và đồi nhỏ. Càng xuống dần phía nam thì chỉ thấy trước mặt một vùng đất mềm gồm cát, bùn và 5 con sông lớn cùng các kinh rạch thiên nhiên chia cắt thành hàng ngàn đảo. Cát thì được mang từ biển vào, bùn đất thì do sông Cambodge bào mòn những vùng núi non chảy ngang đem bồi đắp trong mùa nước lũ. Trong quá khứ chắc rằng biển đã bao phủ cả miền Nam Kỳ ngày nay. Một vịnh hình vòng cung nằm lọt giữa hai vùng núi là Ha-tien và cap Saint-Jacques ; sông Đồng Nai chỉ là một dòng thác; hai nhánh sông Vàm Cỏ tạo ra hai con sông riêng biệt. Tỉnh Long-hô (Vinh-luong) lúc đó chưa thành lập; các tỉnh Gia-dinh, My-tho chứng minh cho thấy vùng đất này trước kia do sông ngòi và biển tạo ra. Cát dồn lại thành cồn dọc bờ sông hòa với phù sa tạo ra ruộng đồng phong phú. Sự hình thành đất đai do sông ngòi vẫn còn đang tiếp diễn tại vùng này của xứ Annam, người Tàu gọi nơi đây là xứ sông ngòi; bùn và cát hòa lẫn nhau không phải là nước cũng không phải là đất. Những người Bắc Kỳ mạo hiểm đến đây dùng ván để trườn và lướt đi trên bùn.
Hai dãy núi kéo dài ra tới biển tại hai địa điểm là Phan-thiet và Ha-tien, giữa hai dãy núi là sông Cambodge. Biển là ranh giới thiên nhiên rõ rệt của xứ Nam Kỳ miền dưới. Tiếp giáp với xứ của người Mọi và xứ của người Chàm, nơi đây biên giới kém rõ ràng hơn. Khi nhìn vào bản đồ 6 tỉnh Nam Kỳ miền dưới, từ bờ biển hiện nay cho đến vĩ độ Tram-ban, người ta có thể nhận thấy biển vẫn còn giữ lại vết tích trong vùng đất phù sa; toàn vùng chỉ là đảo và chung quanh thủy triều dâng lên hay rút xuống đều nhận thấy rõ rệt. Tàu bè lưu thông như trên biển rộng; nước sâu, không nguy hiểm, các đường di chuyển được kẽ vạch rõ ràng.
Năm con sông lớn chảy ngang Nam Kỳ miền dưới đổ ra biển bằng một trong những cửa sông rộng lớn nhất thế giới: Năm con sông này gồm có sông Don-naĩ, sông Don-trang, sông Soi-rap, sông Vaĩ-co, sông Cambodge. Sông Cambodge bị ngáng bởi nhiều cồn chỉ có tàu bè đáy sâu dưới 14 chân mới di chuyển được. Hướng và độ sâu của kinh rạch thay đổi theo mùa gió. Bờ biển thấp, cây cối xanh tươi và bằng phẳng; không một ngọn cây nào vượt cao hơn các cây đước, cây mắm để có thể dùng làm điểm chuẩn cho tàu bè định hướng. Khó khăn thiên nhiên cản trở lưu thông của tàu bè lớn nhưng không gây khó khăn gì cho các thủy thủ Annam, Xiêm, Tàu và Nhật. Họ lái các tàu ven bờ thật hay, tàu của họ có đáy rất cạn. Các nhà viết sử người Hòa Lan chép rằng sông Cambodge đổ ra biển bằng 3 cửa: cửa Umbequamme, danh xưng này theo tiếng Pháp có nghĩa là “bất tiện” Incommode, cửa Nhật Bản và cửa Saĩgon. Chiến tranh Nam Kỳ giúp thêm cho việc nghiên cứu địa lý thủy học của sông Cambodge; hiện nay người ta biết rằng sông Cambodge có 7 nhánh chính. Umbéquamme là cửa đổ ra biển của một nhánh sông tách ra từ sông chánh gần Chau-doc, sông Nhật Bản gồm hai nhánh bắc và nam My-tho, xương rồng đầy gai tạo thành các bụi rậm mà người Âu châu không thể chui qua lọt, nhưng đối với người Annam thì họ trườn, bò và rình rập dễ dàng trong đó. Nhiều chỗ nước ăn sâu vào bờ kinh tạo ra những chỗ phục kích bất ngờ: đây là những nhánh kinh lấn sâu vào đất, nằm song song với kinh chánh, cửa vào thì có dây leo rũ xuống che kín; các hóc kẹt thiên nhiên đó có thể làm chỗ núp cho một người, một chiếc ghe hay một nhóm quân nhỏ: không có chỗ nào có thể làm chỗ phục kích chắc chắn hơn những chỗ như vậy. Kinh rạch tạo cho chiến tranh Nam Kỳ một bộ mặt thật riêng biệt. Lần đầu thấy những bờ kinh như thế, người ta tưởng dễ, thử phá gai lội bùn để vượt ngang, nhưng rồi sẽ bị ngập trong lầy, mặt mày rách nát, trở nên bất lực vì cỏ vừa mềm vừa cao quấn chặt; người ta tự hỏi không biết phải làm thế nào để chống lại quân phục kích, họ thì coi các chướng ngại này như không có. Các pháo hạm nhỏ bằng sắt là linh hồn của trận chiến Nam Kỳ, nếu không hữu dụng ngay trong khi hành quân, thì cũng rất ích lợi về sau là như vậy.
Quang cảnh của Nam Kỳ thật là bằng phẳng, buồn thảm, giống như tất cả các xứ đồng ruộng khác. Khi có một lỗ hở do cọp, nai đi ngang còn lưu lại thì tầm mắt mới vượt ra khỏi hai bên bờ kinh, nhưng cũng chẳng thấy gì lạ ngoài những cánh đồng xanh tươi đôi khi gợn sóng như mặt biển. Ðồng ruộng là đất Phật, chẳng có gì buộc chặt tâm hồn với đất đai. Thiếu chiều sâu của sự sống. Ðất nhường chỗ cho bùn; chỉ có tư tưởng mới có thể lướt đi trên vùng xanh tươi vô tận này mà thôi; xác thân sẽ lún chìm tại chỗ. Những cọng cỏ muôn thuở nối tiếp nhau, từng cọng một đều giống hệt như nhau. Trước cảnh sình lầy và bằng phẳng, nghị lực mềm yếu, chỉ có linh hồn tự vượt ra mà thoát đi. Quả thật là nơi phải gọi là cảnh toàn phúc tối thượng, xin tạm mượn chữ như vậy, - cái thoát tục vẹn toàn nhất, cái chấm dứt của buồn thảm, của nhớ nhung. Tuy vậy, về phía bắc, khi đến gần một trong hai vùng núi, đất đai trở nên cao hơn, bờ sông cũng dốc hơn, rừng chen kẽ với ruộng đồng. Trong rừng có nhiều thứ dùng làm thuốc tàu, giá bán đắt hơn vàng.
Kinh rạch nối liền 5 con sông lớn ở Nam Kỳ tạo ra vô số đường di chuyển vô cùng hữu ích cho thương mãi, chiến tranh mà cũng tiện lợi cho đạo tặc nữa. Mỗi thị trấn đúng ra phải là một trung tâm vừa quân sự vừa thương mại, và nếu đúng như thế thì sự đánh chiếm của ta sẽ gọn gàng hơn; nhưng thật ra thì hai tánh cách này tách rời hẳn nhau: Saĩgon là trung tâm quân sự, My-thô là trung tâm thương mại. Các ghe thuyền của người Nhật, người Tàu, người Annam, người Xiêm có đáy cạn dễ di chuyển trên sông, nhờ vào địa điểm gần nơi sản xuất gạo, kinh lạch lại dồn hết vào sông Cambodge, thêm vào truyền thống của dân chúng địa phương từ bao nhiêu thế kỷ, tất cả góp lại làm My-thô trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam Kỳ miền dưới trước khi người Âu châu tới đây. Saĩgon, dựa vào thành lũy và vị trí nằm chắn ngang các đường ra Huế, lên Cao Miên và xứ Mọi đã trở thành trung tâm quân sự và hành chính của cả sáu tỉnh. Hai trung tâm thương mại và quân sự là Saĩgon và My-thô dựa vào nhau bằng đường thủy vận; đó là con kinh Tàu mà tầm quan trọng chiến lược phải kể vào bậc nhất.
Saĩgon, nơi trước đây có trại binh nhỏ của Pháp và Tây Ban Nha bị phong tỏa, không hẳn là một thành phố theo đúng nghĩa của Âu châu. Saĩgon cũng không phải vị trí có thành lũy kiên cố, có tầm ảnh hưởng trải rộng như trước đây, vì đang bị ta phong tỏa và thành lũy thì hư nát, thành mới hiện nay kém hẳn tầm quan trọng. Nơi các cơ xưởng đóng tàu, vào năm 1819, trước khi có giặc phản loạn, người ta còn thấy hai thuyền chiến lớn theo kiểu Âu châu và 190 thuyền chiến dùng chèo. Thành quách rộng lớn trước kia và cơ xưởng đóng tàu không còn vết tích gì nữa. Nhiều lắm là hai bên bờ sông Don-naĩ còn thấy vài cơ sở có tính cách tạm thời, là những vớt vát thu góp lại sau khi Touranne bị ta chiếm đóng. Dân số, ngày xưa lên đến 150.000 người, đã rút xuống một cách đáng kể.
Du khách đến Saĩgon sẽ nhận thấy trên hữu ngạn sông một con đường đứt đoạn và hang lỗ. Nhà cửa phần lớn bằng cây, lợp lá dừa nước. Một số ít làm bằng đá có mái lợp ngói đỏ làm vui mắt và an tâm hơn. Tiếp đó là những mái chùa thật cong; kinh Tàu và hai kinh phụ, mặt nước phẳng lỳ, dùng làm bến cho thuyền bè trong xứ; vì bối cảnh chung quanh nên nhìn thấy kinh Tàu như ngắn hẳn lại; một nhà kho xiêu vẹo dùng làm chợ, mái hình như sẵn sàng đổ xuống phía bên phải. Hậu cảnh là những chòm cau có vẻ hoà hợp với bầu trời nóng bức; cây cối khác không có gì đặc biệt. Hàng ngàn ghe xuồng chen nhau ở bờ sông tạo ra một thành phố nổi nho nhỏ. Người Annam, người Tàu, người Ấn, vài người lính Pháp, lính Tagal tới lui nhộn nhịp, thoạt tiên tạo ra một quang cảnh ngoạn mục. Nhưng sau đó thì chẳng có gì để xem ở Saĩgon, họa chăng là dọc theo bờ kinh Tàu, có nhiều nhà bằng đá khá sạch sẽ và vài nhà xưa tránh khỏi giặc phản loạn tàn phá. Trong các khu nhiều cây cau đôi khi có nông trại của người Annam cất theo lối ba gian hai chái, rất thanh lịch và kín đáo; xa hơn, nơi khu đất cao là nhà của vị chỉ huy Pháp, của đại tá Tây Ban Nha, doanh trại của nho quan Annam; đại khái chỉ có vậy. Con phố lầy lội và ổ gà, nhà cửa thưa thớt, hợp lại thành một quang cảnh khá nghèo nàn, đó là Gia-dinh-thanh mà ta gọi là Saĩgon. Các thành phố khác như Batavia, Singapour, Hong-kong cũng chỉ như vậy thôi trước khi người Âu châu đến. Có thể rồi một ngày nào đó một thành phố đẹp đẽ và đông đúc sẽ mọc lên ở vị trí của cái làng Annam bị trận chiến diệt chủng tàn phá mà ta đang thấy hôm nay. Trên vùng đất cao là vòng thành cũ do người Nam Kỳ xây năm 1837. Hố sâu quanh thành chỉ bị lấp ở một vài chỗ; chỉ cần vét lại là xong. Nhà cửa bên trong thành đều đổ nát. Bụi trắng tạo thành hai lằn dài trắng xóa, ở giữa là lối đi. Ðó là gạo bị đốt cháy từ năm 1859 mà đến nay vẫn còn cháy. Lửa âm ỉ 24 tháng mà vẫn chưa tắt. Các hạt gạo, ở một vài chỗ vẫn còn giữ nguyên hình dáng; nhưng thật ra đã hoá thành tro; gió hoặc chỉ chạm nhẹ sẽ làm tan ra thành bụi. Truyền thuyết cho rằng một kho tàng rất lớn còn nằm trong đống lửa lớn đó.
Thành phố Sài gòn nhờ vào vị trí địa lý và kinh tế chi phối đã vượt qua nhiều khó khăn và mâu thuẫn về hành chánh gây ra từ quyền lợi bất đồng giữa các phe nhóm. Saĩgon cũng đã khắc phục được những bất hạnh do chiến tranh gây ra. Nhờ nằm vào vị trí trung tâm nên từ Saĩgon đi Batavia, Manille, Hong-kong và Canton thật là ngắn và tiện lơi. Gió mùa giúp liên lạc dễ dàng với nước Tàu và nước Nhật; ta cũng biết rõ việc buôn bán của Nhật với đế quốc Annam trước đây hết sức tích cực, thời đó cũng chẳng xa gì trước ngày có sự hiện diện của quân viễn chinh. Những kẻ phiêu lưu người Âu châu ào ạt đổ đến Saĩgon, bất kể luật lệ gì áp dụng đối với họ, họ cứ ở lại, chẳng qua vì miếng mồi hám lợi. Người ta có thể nói rằng sáng kiến cá nhân có thể bù lấp cho những gì mà nguyên tắc không thực hiện được hoàn hảo.
Ðại tá Victor Olivier xây đắp thành lũy cho Saĩgon ngay từ năm 1791; vị sĩ quan này là một trong số 20 người Pháp do Pigneau de Béhaine, giám mục hiệu tòa d’Adran, đưa tới đây. Nhóm người này là số vỏn vẹn thoát được từ một hạm đội 20 chiến thuyền và 7 trung đoàn quân Pháp đã bị toàn quyền người Anh tại Pondichery cầm giữ trên đường kéo đến Nam Kỳ. Lúc bấy giờ, hoàng đế Gia-long đang tìm cách chiếm lại lãnh thổ của mình. Cũng chẳng phải là khó hiểu khi hoàng đế Gia-long quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ Saĩgon, vì phòng thủ Saĩgon chính là kế hoạch chung chống giữ toàn thể Nam Kỳ miền dưới. Vùng lãnh thổ này của vương quốc Annam, vì địa thế thiên nhiên bất lợi, rất dễ bị người Xiêm La và người Cao Miên xâm chiếm, người Annam rất khó chống giữ. Năm con sông lớn chảy dài trên toàn vùng tạo ra đường lưu thông giúp quân xâm lược từ phía nam hay phía tây kéo đến để đánh. Người kỹ sư Pháp này đã tìm cách giảm bớt yếu điểm thiên nhiên thật tài tình. Ông ta tìm một vị trí trung tâm của toàn vùng, tức là thành phố Saĩgon, nằm trên bờ sông Don-naĩ, - nói vậy thôi chớ ông ta cũng có thể chọn một nơi khác được - và từ nơi này có thể đưa quân tăng viện nhanh chóng đến các điểm bị hăm dọa mặc dù sông ngòi cản trở. Ðồng thời ông cũng xây dựng một vòng thành ngay tại Saĩgon, nơi giao điểm của các đường tiến quân chiến lược, để tập trung người, lương thực, khí giới và đạn dược. Thành Saĩgon hình vuông, mỗi mặt có hai chặng phòng th53]. Bảy mươi tàu và một trăm ghe thuyền chuyên chở trong vòng 4 tháng được 60.000 tấn gạo cho thị trường Hong-kong và Singapour, đem đến một số lời khổng lồ cho ta. Ðồn Cây Mai, sân chùa có tường gạch chung quanh, tạm có thể phòng thủ được ngay. Chùa cách xa các tuyến phòng thủ của địch. Chùa thứ hai là chùa Clochetons hoàn toàn trống trải và chỉ cách miệng đường hầm của địch có 400 mét. Ta liền lấy ngay đất ở mồ mả chung quanh đắp tường phòng ngự. Ta không thấy quân Annam đổ ra phòng ngự đường hố đã đào. Nhưng ngay ngày hôm sau bất ngờ nổ súng tủa vào chùa giết mất một người và làm bị thương thêm vài người khác. Mấy nấm mồ ta đã lấy hết đất, vì thế phải đi xa hơn và dùng bao để mang đất về; việc đắp tường phòng thủ tiến triển chậm chạp, cực nhọc, lộ liễu không có gì che tránh địch quân. Trong đêm mùng 3, rạng ngày mùng 4 tháng 7, quân Annam, ít nhất cũng đến 2.000 người, yên lặng vượt khỏi thành, bao vây chùa, trong khi đó chùa chưa biến hẳn thành đồn. Họ xông thẳng vào chùa, hò hét vang lừng. Hỏa pháo của địch cũng bắn vào các chùa khác để làm thế nghi binh và đồng thời cũng bắn vào chùa Clochetons nữa, quân thì bắn xối xả vào người Pháp, người Tây Ban Nha và người Annam trong đồn. Ðánh giết nhau suốt một giờ đồng hồ. Nhờ viện binh từ Saĩgon kéo lên mới chấm dứt được trận chiến. Kẻ thù bỏ lại một trăm xác chết. Quân lính của đồn Clochetons gồm có 100 quân Tây Ban Nha do trung úy Hernandez chỉ huy, và 60 người Pháp do hai trung úy hải quân cầm đầu là Narac và Gervais. Quân Annam không trở lại tấn công đồn Clochetons nữa; nhưng lại đào từ cửa hầm đôi một đường hố khác bọc song song phía sau đường phòng tuyến của ta. Do đó đồn Pháp và Tây Ban Nha lọt vào giữa hai đường hố phòng thủ của họ, chận hẳn đường thông thương với cánh đồng phía sau thành Ki-hoa.
Ngày 16 tháng 10 năm 1860, đại tá hải quân d'Aries đưa quân vào kinh Avalanche (xem bản đồ 2) để thăm dò các đồn mà người Annam xây cất ngay gần tuyến phòng thủ của ta, vì khoảng cách quá gần nên ta dễ bị họ tấn công. Hai tàu nhẹ được dùng để tiến vào kinh, địch bắn rất rát nhưng vẫn tiến được tới một công sự có rào cản canh giữ điểm chốt gọi là "cầu số ba trên kinh Avalanche”. Bên ta không có người nào bị trúng đạn khi tiến tới đây; nhưng cuộc mạo hiểm nhỏ này kém may mắn hơn trên đường về; trung úy hải quân Hermand bị một viên đạn xuyên ngang đùi, vài người nữa cũng bị thương. Trung úy Rieunier đo độ sâu và vẽ bản đồ của kinh dưới lằn đạn đại pháo từ các đồn bắn ra; bản đồ này hết sức là bổ ích về sau.
Toàn thể cánh đồng nằm giữa kinh Avalanche và kinh Tàu bị địch bủa vây bằng các đường hố dài và nhiều đồn canh gác bố trí cách khoảng nhau. Bất cứ chỗ nào có kinh rạch hay đường xá là người Annam lập đồn tại đó. Thượng lưu sông Don-naĩ bị chắn ngang. Trái với điều người ta thường nghĩ, hậu tuyến của hệ thống đồn lũy do người Annam thiết lập cũng được phòng thủ vững chắc như phía trước và hai bên cánh. Nói như vậy để cho thấy hệ thống phòng ngự của địch cũng có tầm quan trong tương đương với thành cũ của họ trước kia, chế ngự toàn vùng, kiểm soát hết các đường về My-thô, Huế và Cao Miên.
Liên lạc giữa quân Annam và thành phố Tàu vẫn duy trì thường xuyên. Từ thành Ki-hoa rộng lớn, đường hố tủa ra từ các cửa hầm giống như những cánh tay bóp nghẹt trại quân nhỏ của đồng minh tại Saĩgon, làm cho trại này bất lực mặc dù địch vẫn tỏ vẻ như bất động.
Thành Annam xây theo hình vuông, gồm năm khu riêng biệt liên lạc với nhau bằng các đường tắt thông thương. Vòng đai của thành là tường bằng đất có ụ bắn, cao 3 mét rưỡi, dầy 2 thước, có đục lỗ châu mai rất khít nhau; lỗ châu mai phần nở rộng lại ngược bên so với các lỗ châu mai của các thành quách Âu châu. Khí cụ phòng thủ được tích lũy ở khắp các mặt thành, nhưng chính yếu hơn hết là mặt trước và mặt sau. Nhờ các trận đụng độ ở Touranne ta biết khá đầy đủ các loại chướng ngại vật này. Thân tre và cả cành lá gai góc được sử dụng hết sức khéo léo; thân thì làm cọc nhọn cắm trong các hầm chông, hoặc cắm thành bàn chông, làm rào hoặc làm cọc; cành thì dùng bao phủ trên tường thành tạo ra một lớp rào chằng chịt đầy gai.
Vùng đất tỉnh Gia-dinh chung quanh thành Annam là đất dẽ và cứng, theo tin dọ thám do ta thu nhặt thì các giàn pháo chiến thuật có thể di chuyển được trên vùng đất này. Mùa mưa mà ta phải ngưng các hoạt động chỉ bắt đầu vào tháng 4. Còn về ảnh hưởng của thời tiết thì khó thẩm định rõ ràng; quân lính của ta vừa mới bảo vệ Saĩgon xong trải qua biết bao nhiêu cực khổ; đâu có thể quy hết cho thời tiết Nam Kỳ miền dưới là nguyên do duy nhứt gây bệnh tật cho toàn thể quân viễn chinh.
Phong tục và tánh tình người Annam ta biết rất ít; người Annam ta thấy ở Saĩgon có thân hình mảnh mai, và có lẽ thuộc vào một sắc dân suy hóa. Họ chỉ có thói hư tật xấu mà thôi, mưu mẹo, thích cờ bạc và hám lợi. Nhưng thật ra có thể phỏng đoán tính tình người Annam đúng hơn qua sức kháng cự của họ trong vài trận đụng độ đã xảy ra. Họ tỏ ra đủ sức tự vệ, nhất là trong trận tháng 4 năm 1860. Ta cũng biết rằng chính phủ của họ rất nhất quyết, kiên nhẫn, mạnh và đoàn kết; họ được huấn luyện để tuân lời một cách mù quáng, tôn thờ một vị hoàng đế thiêng liêng quả quyết không bao giờ chịu lùi. Mặc dù có vài sự xúi dục do Tây phương châm vào, nhưng mầm nổi loạn ngấm ngầm từ lâu ở Bắc Kỳ vẫn không bộc phát. Quyền lực của hoàng đế Tự Đức vẫn nguyên vẹn. Chính phủ ta từ Pháp thông báo cho vị tổng tư lịnh biết rằng vua Xiêm vừa tuyên chiến với đế quốc Annam và gởi ra trận 60.000 quân Xiêm. Ta sẽ thấy về sau cái thực lực của đạo quân này.
CHƯƠNG III
Kế hoạch chiến dịch đánh chiếm Saĩgon _Hạm đội chế ngự sông Don-naĩ_Giới tuyến các chùa cầm chân quân địch; quân viễn chinh dàn quân hình cung, phong tỏa thành Kì hòa, đặt quân An nam trong thế phải lựa chọn, hoặc phải chống trả, hoặc phải chịu nghiền nát và phân tán trong một trân đánh úp duy nhất.
Ngay hôm thủy sư đề đốc tổng tư lịnh viễn chinh đến Saĩgon, quân ta vẫn không lơi tay chuẩn bị trận chiến Nam kỳ. Tại Woo-sung, quân viễn chinh qui trước đây được phân phát khí giới, hành trang và đưa lên tàu. Tại Saĩgon, quân sĩ đã đến từ trước cũng ở thế sẵn sàng tiến quân và chiến đấu. Cách bố trí và địa điểm chiến lược đã được quyết định xong, tình báo các nơi cũng đã thu thập và bổ xung. Trọng trách được phân phối, các vấn đề cá nhân trong quân ngũ cũng được giải quyết xong. Thành phần quân đoàn thủy binh đổ bộ được lệnh tập họp; tiểu đoàn này gồm 900 người, chia thành 9 đại đội, trong số có một đại đội mệnh danh là thủy binh đột kích giữ vai trò của công binh, đánh mở đường; đại đội đặt dưới sự chỉ huy của đại úy hải quân de Lapelin.
Thủy sư đề đốc nghe Ðại tá Tây ban nha, cựu chỉ huy trưởng Saĩgon, phúc trình về các công tác của mình; vị đại tá này vừa chấm dứt nhiệm vụ phòng thủ Saĩgon suốt trong một năm qua. Thủy sư đề đốc cùng với các vị chỉ huy công binh và pháo binh đi xem xét cánh đồng Kì hòa và sau đó ông cũng đi quan sát đường giới tuyến phòng thủ do chuẩn đề đốc Page vạch ra từ kinh Avalanche cho đến đồn Caĩ-maĩ; ông muốn biết chắc đường giới tuyến này đất phải khô, khả dĩ có thể dùng cho pháo binh, mặc dù trên cánh đồng mênh mông của đường giới tuyến có nhiều ụ đất và hố nhân tạo. Sau khi quan sát, và thấy rằng với phương tiện hết sức dồi dào của đạo quân viễn chinh hiện nay, ông có thể đánh bọc hậu bất ngờ quân An nam trong khi họ đang bận lo phòng thủ ở mặt trước và hai bên cánh. Do đó, ông quyết định kế hoạch hành quân như sau mà các vị chỉ huy công binh và pháo binh phải nghe theo. Một mặt, hạm đội ngược sông Don-naĩ, phá xập các chướng ngại do địch dựng lên, phá các đập chắn, san bằng đồn lũy và kiểm soát toàn bộ thượng lưu sông. Tiếp đó là đường tuyến các chùa của ta phải đối đầu và kềm giữ cánh mặt của địch quân; đường tuyến này sẽ xử dụng pháo binh mạnh mẽ, dựa vào các công sự mới và vòng đai chiến thuyền neo trên sông Saĩgon, mục đích để cầm chân và dồn địch vào thế bất lực. Sau đó, từ đồn Caĩ-maĩ dùng làm căn cứ hành quân, toàn thể đạo quân viễn chinh sẽ tiến lên đánh gãy tuyến phòng thủ An nam tại một điểm thứ nhất, tiếp tục dùng điểm tựa này tiến lên, tránh tầm đạn của địch bọc ra phía sau để vây hậu tuyến thành Kì hòa. Từ vị trí này rất gần sông Don-naĩ, quân viễn chinh sẽ phối hợp với hoạt động của hạm đội trên sông khép kín gọng kềm mà nghiền nát địch quân. Trong khi ấy quân An nam khi bị cắt rời với kho Tong-kéou, bị vây hãm trong vòng đai sắt, không còn giải pháp nào khác, họ buộc phải đánh hoặc bị tấn công và nghiền nát. Tuy nhiên địch vẫn còn một đường tháo thân, nếu trong khi kịch chiến ta không đặt một đội quân canh chừng tại đây. Ðó là đường giám mục Adran; nhưng muốn đến được đường này thì địch phải vượt qua vùng đầm lầy thuộc kinh Avalanche.
Ðây chỉ là đường tháo chạy chớ không phải là đường rút lui trong trật tự. Tình trạng đặc biệt như vừa kể cho thấy cái hãi hùng không tả nổi trong tiếng kêu cứu của những người lính canh.
Quân sĩ nôn nóng hăng say chờ đối đầu với kẻ thù. Cho đến giờ phút này các giới tuyến vẫn im lìm; từ chùa Clochetons ta thấy thoang thoáng các chướng ngại vật của người An nam, chẳng hạn như các cành lá úa vàng, rậm rạp và chằng chịt trên đầu tường thành. Những chòi canh có mặt bằng phẳng để đứng, một bóng người thấp thoáng, thế thôi. Chiến tuyến địch trải rộng mười sáu cây số; tổng số địch quân theo tin đồn lên đến 30000 người, ta và họ chỉ cách nhau có vài trăm thước nhưng ta thì không trông thấy họ; ta còn nghe nói họ có những chỗ cố thủ hiểm hóc trong thành; cũng nên kể thêm tính cương ngạnh của giống dân này, sức chống cự của họ và ta thì đã đánh suốt một năm chẳng được gì hết, tất cả cho thấy tầm quan trọng của địch và trận chiến sắp xảy ra. Nhưng ngày nay không còn ai nhớ tới sức mạnh đó của địch. Về sau này, khi tường thành Kì hòa bị san bằng, các bàn chông và chà gai bao phủ trở thành một lớp tro đen, khi kẻ thù bại trận, lang thang và khốn khổ, thì những người từ Pháp đến, cứ lấy hôm nay để đoán ngày xưa, rồi chế nhạo khi dễ giá trị quân sự của người An nam, không chịu phân biệt gì hết mà coi quân An nam chỉ là bọn giặc cướp.
Trong khi chờ đợi những cuộc dấn thân sắp đến, quân sĩ tìm thấy trong đời sống trước mặt một nguồn sinh lực mới, một sự vui nhộn tràn trề, mà sau này không ai tìm thấy trong các cuộc hành quân viễn chinh khác. Những người đã trải qua giai đoạn này đều coi đó là một giai đoạn lý thú và độc đáo trong cuộc đời mình. Cái mới lạ và vẻ đẹp của quang cảnh Saĩgon thật dịu dàng và duyên dáng, tạo ra một bối cảnh hết sức quyến luyến khi chợt nghĩ rồi đây sẽ phải rời xa nơi này Kinh Tàu và đường cái nối tiếp với kinh này trên đất thật đông người và nhộn nhịp, đầy thực phẩm, súng ống và đạn dược chiến tranh. Trên mặt kinh các tàu sa-lúp màu xám, trước kia chuyên chở quân lính đưa lên tàu tại Peh-tang, nay thì chuyên chở các khẩu đại pháo nòng có khía và các ổ súng cối, bàn đặt súng và những quả đạn dài đầu nhọn.
Kinh Tàu, mà ta vẫn thường nghe nhắc tới khi nói đến Saĩgon, rất có thể là một con kinh do người đào, hoặc ít ra cũng do tay người sửa và vét giúp cho tàu bè thông thương. Kinh tách ra theo một hướng thẳng góc với sông Saĩgon, ăn sâu vào vùng đồng bằng, mặt nước phẳng và đều, rộng độ 100 thước. Kinh Tàu nối liền với kinh Thương mại, kết hợp với các kinh khác rồi đổ vào sông Cambodge tạo ra đường lưu thông huyết mạch cho việc buôn bán trong toàn vùng Nam kỳ miền dưới. Khi rời khỏi Saĩgon, dọc hai bên bờ kinh vương lên nhiều chòm cây mảng cầu, cây mít, cây bông lài rất thơm, dứa gai và lau sậy. Cây cối trên bờ bên trái che khuất những ruộng lúa mênh mông xa tít tới chân trời. Dẫy cây bờ bên phải, thỉnh thoảng có chổ trống để lộ ra một cái miếu nhỏ, miếu dựng lên để thờ một vị thần quen thuộc của địa phương; trên bờ có nhiều căn nhà xinh xắn của người An nam, lợp ngói, nhà có trồng xương rồng bao kín chung quanh không cách gì chui qua lọt.
Một con đường cái tình trạng bảo trì khá tốt, rộng như một tỉnh lộ của ta ở Pháp, có cây xinh xắn che mát, đường chạy dài song song với kinh Tàu chỉ cách khoảng 200 thước. Ðó là một đoạn trên con đường từ Saĩgon đi My-thô. Từ Saĩgon xuống, bên phía mặt là các chùa đã biến thành đồn của ta như đồn Barbet, đồn Ao, đồn Clochetons, đồn Caĩ-maĩ. Cũng về bên phía tay mặt, xa xa sau mặt đường, đất đai có vẻ cao hơn một chút trải rộng tới chân trời. Các chòm cau và cây cối xanh tươi không còn nữa, chỉ thấy cây cỏ cằn cọc, vàng úa, thấp lè tèTất cả đều cằn cỗi và buồn thảm dưới bầu trời nung đốt; vài mô đất, vài nấm mồ sơn sáng chói trang trí tranh vẽ trên vách mộ là tất cả những gì đập vào mắt ngưòi nhìn. Cánh đồng mênh mông đó chính là cánh đồng Kì hòa. Xa hơn nữa là tuyến phòng thủ An nam, vách thành thấp, tiệp với màu đất, nếu không có bóng vài kỵ mã và chòi canh thì khó mà nhận ra thành Kì hòa.
Thành phố Tàu, dân địa phương gọi là Cho Lon, tên có gốc tiếng tàu, trải dài hai cây số dọc hai bên bờ kinh. Quang cảnh nhộn nhịp, cu-li Tàu và An nam tấp nập khuân vác gạo, tiền bằng đồng, dê nhỏ và cá khô. Các mái ngói màu đỏ nổi bật giữa các chòm cau giống như nơi thôn dã; thân cau thẳng băng và có khía tưởng chừng như đã từng làm mẫu cho các cột của thành quách Hy lạp. Viễn cảnh trông thấy ở khúc quanh đầu tiên của kinh tràn đầy vẻ dịu dàng, mềm mại và thanh lịch. Thật nhiều cầu nối liền hai bờ sông. Càng ra xa Saĩgon hơn, vườn tược rộng hơn, nhà cửa dần dần thưa thớt và riêng biệt hơn. Cho-luen không giống thành phố Âu châu chút nào, mà cũng chẳng giống với một thành phố Tàu hay An nam nào cả. Người ta có thể nói đây chỉ là một nơi gom tụ của một số nông trại giàu có. Sân nhà không có tường che khuất như bên Tàu, nên người ta có thể trông thấy vào giờ cơm, trong sân có kê ba cái bàn theo hình tam giác. Bàn trong cùng, kê cao hơn hết, dành cho chủ nhân, con cái, bạn hữu và người quản gia ngồi; cu-li thì ăn ở hai bàn còn lại kê thấp hơn. Lối sống giữa trời như thế cho thấy cái vẻ oai vệ của chủ nhân. Trên mặt kinh luôn luôn tấp nập, thuyền bè kẹp sát nhau, chỉ còn một lối nhỏ ở giữa. Khi nước ròng, mực nước rút xuống thật thấp, chỉ còn một dòng nước nhỏ như một con suối, đủ cho thuyền thật mỏng lưu thông; ghe thuyền khác thản nhiên cạn sình hai bên bờ mà không hư hại gì cả.Các ghe tàu này chỉ xử dụng ở nước ngọt, sơn bóng loáng bằng một thứ dầu nội hóa, trông có vẻ nhàn hạ phong lưu.
Thành phố Tàu là chìa khóa của tất cả thương nghiệp tại Nam kỳ miền dưới. Ai kiểm soát được thành phố này là nắm hết khả năng sinh hoạt của dân chúng trong phần đất An nam này. Các đồn Clochetons và Caĩ-maĩ sẽ giữ nhiệm vụ đánh chiếm thành phố Tàu; một tàu chiến loại lorcha kiểm soát con kinh mà hai bên bờ là Cho-luen, tàu mang tên Jajaréo thả neo ngay cửa vào thành phố Cho-luen; do một đại úy hải quân chỉ huy, phụ tá lại là một trung úy thủy quân đánh bộ, đây là một trong những việc trớ trêu ngược đời trong trận chiến kỳ lạ này. Thành phố Tàu xây cất theo lối xưa, người Tàu sống ở đây chia ra thành từng bang hay hội đoàn, có thiết lập hẳn hoi quy uớc và xác định những ngoại lệ khỏi đóng góp. Nhiều người thật giàu có; một số người thuê trực tiếp các tàu Âu châu để gởi đi Ấn độ, đảo Réunions hoặc đi Tàu. Cũng phải xác nhận rằng ngày nay tình thế khó khăn vì sự chiếm đóng của Pháp, thương gia tại Saĩgon dựa vào giá cả của thị trường Hong-kong và Shang-haĩ, nhưng có khi biết có khi không, vì thế người Tàu lập hẳn một hệ thống chuyển thư riêng của họ giữa Saĩgon và Canton.
Trong suốt vùng Cho-leun thuộc tỉnh Gia-dinh, chùa và miếu (bàn thờ nhỏ để chuộc tội) thật là nhiều. Các miếu thờ xây cất rất trang nhã và giống hệt nhau, tương tự như các đền miếu bên Tàu. Ðền miếu xây cất có lẽ do tiền quyên góp của dân buôn bán người Tàu. Dân Tàu cũng dững dưng với tôn giáo như dân An nam, nhưng họ giàu hơn và muốn khoe khoang của cải.
Bốn cảnh chùa mà chuẩn đề đốc Page, một năm trước đây, đã biến thành đồn để phong tỏa Saĩgon thì nhìn từ xa cũng thấy rõ nhờ trên mái có các con rồng thật đặc biệt, những con cá đứng dựng trên đuôi và tượng chó có mắt người ta theo mẫu gốc đặt ở lâu đài Yuen-minh-yuen; chắc chắn các hình tượng này không phải là các sáng tạo tùy hứng do trí tưởng tượng của người Tàu mà ra. Cảnh sân trước chùa đều có trồng loại cây dương Ấn độ có lá lớn gọi là cây Mahâ-phot, dưới một trong các cây này ông Phật đã được vua các thiên thần là Indra phong làm thầy tu.
Cảnh chùa Barbet mang tên một đại úy thủy binh bộ chiến trước kia đã từng cai quản chùa này, ông bị ám sát và bị cắt đầu nơi khúc quanh thứ nhất trên con đường dẫn đến chùa Ao. Buổi chiều hôm đó, ông cởi ngựa đi tuần tra như thường lệ. Bọn sát nhân rình rập trong một bụi cây, sau này người đi ngang đây còn chỉ chỏ cho nhau biết. Ông ta bị đột kích bằng giáo té ngay xuống ngựa. Bọn An nam liền cắt đầu, bò qua các bụi rậm và cỏ cao trở về giới tuyến cũ của thành Kì hòa. Sáng hôm sau, người ta thấy phần thân thể còn lại bị kéo bỏ bên vệ đường; con ngựa bị thương nằm bất động kế bên. Người ta kể lại rằng khi cái đầu ông đại úy đem đến đặt kế bên khay trầu của vị tướng An nam thì ông này liền đếm tiền thưởng mà không nói gì, rồi sau đó mới thốt ra một lời tiếc thương. Ðại úy Barbet có thân hình và một sức mạnh lực sĩ, tất cả người An nam đều biết mặt ông.
Chùa Ao trước kia rất nổi tiếng vì là nơi hành hương cho những người đi buôn bán từ My-thô trở về. Chùa có hai ao nên gọi là chùa Ao, một lớn một nhỏ, nước dơ bẩn, thường thấy thỉnh thoảng có xuất hiện loại cá sấu caĩman.
Chùa Clochetons hơi xa hơn các chùa kể trên nhưng cũng trên đường từ Saĩgon đi My-thô. Chùa xây cất giữa một cánh đồng mồ mả. Các tượng thần sơn vàng, chất đầy chung quanh các gian phòng trong chùa, vẻ mặt tượng trưng một trạng thái gần hoàn toàn thoát tục. Một đàn gà bươi móc khắp nơi, lính thủy và bộ binh nhìn thấy mà thèm. Trên bàn của các sĩ quan có để vài chai rượu vermouth và absinthe; trước mặt đồn súng 30 ly nòng dài có khía xếp thành hàng trên các bệ bắn, lớp sơn đen trầy trụa vì súng phải khiêng lên khiêng xuống. Các chùa hay đồn binh của ta vừa kể giữ nhiều vai trò: vừa là nông trại, đồn canh gác và pháo đội.
Các vị thần phật giáo hình như đang lạc vào một thế giới khác; nụ cười mỉm của tượng, tuy nhân bản hơn là chế nhạo, nhưng hình như cũng đồng lõa với những nỗ lực của ta đang xảy ra trước mặt. Cảnh các tượng thần trước sự nhộn nhịp của đám người phục dịch bận rộn tíu tít và sức mạnh xâm chiếm của một giống dân tuy lo âu nhưng mạnh mẽ đã tạo ra một sự tương phản lạ lùng.
Chùa Caĩ-maĩ là điểm chốt xa nhất trên tuyến phòng thủ của quân viễn chinh, cánh mặt của đường tuyến bắt đầu từ kinh Avalanche. Chùa là vị trí tiền tuyến nhất mà trước đây ta đã chiếm được của người An nam. Chùa xây trên một gò đất cao do người đắp. Bên trong chùa các chi tiết trang trí cũng giống như các chùa khác. Phía trước mặt đồn Caĩ-maĩ là đồn An nam ta gọi là Redoute, đồn này là tiền đồn của cả hệ thống phòng thủ của địch quân, cạnh bên là một vùng đầm lầy làm chướng ngại thiên nhiên. Chùa Caĩ-maĩ của ta mấy ngày sau bất ngờ được xử dụng làm kho tồn trữ đạn dược cho pháo binh và lính bộ.
Công việc nâng các giàn trọng pháo 30 và các ổ súng cối 80 lên bàn bắn rất là nặng nhọc, các người cai thủy thủ đảm trách việc này. Trung tá pháo binh đánh bộ là Crouzat chỉ huy một đội pháo binh phá thành và một đội pháo binh chiến thuật phải huy động hết mọi người trong tay ông. Chỉ trong bẩy ngày các bệ bắn được xây đắp xong, súng từ tàu chuyển đến được nâng lên bệ bắn cùng với một trăm quả đạn cho mỗi súng. Chùa Barbet nhận được 3 ổ súng cối 80 và hai dàn phóng hỏa tiển tấn công 125 ly; chùa Clochetons nhận 4 khẩu đại bác của hải quân nòng 30 có khía; chùa Caĩ-maĩ một khẩu 30 nòng có khía và một ổ súng cối 80. Các thủy thủ trước đây trách nhiệm về các khẩu súng này trên tàu được phân phối gởi theo để tiếp tục đảm trách việc xử dụng.
Ngày 16 tháng hai, vị tổng tư lịnh rời tàu Impératrice-Eugénie, tàu bèn hạ cờ hiệu của tổng tư lịnh xuống rồi chở toàn bộ tổng hành dinh đến trụ sở mới tại một công sự gần phía sau đồn Barbet. Vị tổng tư lịnh giao cho đại úy hải quân de Surville điều khiển các chiến hạm neo dọc trên sông Saĩgon. Vị sĩ quan cao cấp liền gom tất cả thủy thủ đoàn của các chiến hạm trong tay ông để thành lập các đại đội chuyên chở tiếp liệu, đồng thời cũng cung cấp pháo thủ cho các đại bác nòng có khía đã chuyển đến các chùa; suốt hai mươi ngày, họ phải cong lưng chèo chống, từ sáng đến tối dưới bầu trời thiêu đốt, vận chuyển một số lớn các thiết bị lưu động cho cả đạo quân, dù chỉ là một đạo quân nhỏ. Rồi đây họ lại được nghe các dàn đại pháo lẫn tiếng súng nhỏ từ các trận đánh vọng lại. Họ chỉ biết chiến đấu qua việc tải thương, cứu cấp và an ủi quân sĩ bị thương. Vai trò đòi hỏi một tinh thần hy sinh cao độ. Vị chỉ huy hải quân de Surville khuyến khích để giúp họ đủ sức kiên nhẫn chịu đựng những khắc nghiệt trong công tác khó khăn của họ.
Trung tá Crouzat bố trí và hướng dẫn toán dọ thám cho biết chắc chắn chỉ có phía trước và bên trái đồn Caĩ-maĩ mới có đường di chuyển cho pháo binh để tiến đến một vị trí đất cứng cách tuyến địch độ một ngàn thước. Ðường dùng cho pháo binh cần phải san bằng, công tác giao cho một đội công binh biệt phái và một đại đội trên chiến hạm Impératrice-Eugénie đảm trách; quân sĩ làm đường phải chịu hỏa lực của địch rất khó chịu nhưng không ai bị trúng đạn._Ngày 19 tháng hai, 20 hỏa tiển phóng hỏa 125 ly của hải quân và 32 hỏa tiển của bộ binh đầu 90 ly sơn đỏ được phóng đi từ chùa Barbet đến một địa điểm cách xa chừng 5 cây số nằm trong phần doanh trại của địch, mục đích làm cho địch bối rối và lo âu. Ngày 21 và 22 tháng 2, ta tiếp tế thêm cho chùa Caĩ-maĩ, nơi làm điểm tựa để chuyển quân đánh bọc hậu, gấp đôi số đạn dược cho pháo binh và thêm 50 000 viên đạn cho lính đánh bộ.
Trên bộ các đội quân viễn chinh tiếp tục bố trí, trên sông Don-naĩ các hoạt động cầm chân địch cũng được phối hợp và phân bố. Vị phó thủy sư đề đốc chỉ huy trưởng vạch ra chương trình hành quân cho chuẩn đề đốc Page như sau:
‘’Tôi thật vinh dự cho ông biết các chiến hạm Avalanche, Sham-Rock và pháo hạm số 31 phối hợp với chiến hạm Renommée để lập ra một sư đoàn dành cho ông hành quân phía thượng lưu sông, chiến hạm Renommée sẽ mang cờ lệnh của ông.
‘’Khi tới ngang địa phận Go-vap, và sau khi đã vượt được hết các chướng ngại có thể cản trở hạm đội của ông xong, thì ông biệt phái pháo hạm số 31 ở lại kinh này. Pháo hạm phải hoạt động thật cẩn thận đừng để bị thiệt hại. Tại vị trí đó, pháo hạm tận dụng tất cả những phương tiện sẵn có để canh chừng và chận đứng mọi di chuyển của địch quân, cấm bất cứ ai có vẻ nghi ngờ vượt từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia.
‘’Phần ông thì đem các chiến hạm Renommée, Avalanche và Sham-Rock tiếp tục tiến lên đến ngang địa phận Thu-yen-mot, cương quyết gây khó khăn cho địch trong việc di chuyển giữa hai bờ sông, nếu có thể thì cắt đưt hẳn sự di chuyển của họ.
‘’Ông có thể vượt xa hơn Thu-yen-mot trong nhất thời nếu ông thấy có lợi thế cho ông, cứ tùy cơ xử trí để đạt mục đích tôi vừa chỉ định.
‘’Tôi giao cho ông trọng trách đối xử với dân chúng khi họ không gây hấn gì. Tạo cho họ tin tưởng là điều quan trọng, đồng thời cũng nên phô trương cho họ thấy các phương tiện mạnh mẻ của ta.’’
‘’Nếu trong vòng ngày mai bố trí xong thì ông lên đường ngay khi thấy thủy triều lên.’’
Trong mục đích kềm giữ hoàn toàn quân địch trong vòng thành của họ, pháo hạm số 18, sau khi chuẩn đề đốc Page xuất quân, sẽ lên đường đến một vị trí trên kinh Avalanche, giữ cách xa tàu lorcha Espérance một quảng ngắn. Pháo hạm 18 giữ trọng trách cắt đứt liên lạc của địch qua lại giữa hai bờ sông và phá xập cây cầu thứ hai bắc qua kinh. Tàu được cấp thêm đạn đại pháo và súng trường._ Về phía mặt trận tuyến, pháo hạm số 31 vì nằm ở một vị trí lẽ loi tại Go-viap nên nhận được lịnh phải hành động thật thận trọng, luôn luôn giữ chổ nước sâu, sông rộng để xoay trở dễ dàng._Sau hết là pháo hạm số 16, tàu lorcha Jajaréo, pháo hạm số 27 và tàu lorcha Saint-Joseph giữ vị trí bên cánh trái của quân ta; hai chiếc trước tiến vào kinh Tàu, hai chiếc sau tiến vào kinh Rach-cat tại cửa sông Rach-baoum, tức chỉ cách thành phố Tàu khoảng năm dặm. Pháo hạm số 27 nhận quân biệt phái từ tiểu đoàn 2 bộ binh, nhóm quân này trước đây đã từng tăng cường cho thủy thủ đoàn Saint-Joseph. Ngày 17 tháng 2, pháo hạm số 27 kéo tàu lorcha về hướng ngã ba sông Don-naĩ và Soi-rap, đổ theo sông Soi-rap đến một phụ lưu là sông Rach-cat; pháo hạm tiếp tục kéo theo tàu Saint-Joseph ngược sông Rach-cat rồi dừng lại giữ vị trí ở cửa sông Rach-baoum. Tất cả bốn tàu hợp sức kềm giữ địch quân bên cánh trái của ta và tạo ra hai đường tuyến phòng thủ riêng biệt nằm phía sau giới tuyến các chùa, mục đích là vừa làm hậu thuẩn cho giới tuyến này vừa làm cho bọn An nam không còn trông cậy gì được vào các trục giao thông trên sông ngòi. Liên lạc giữa pháo hạm số 27 và tổng hành dinh sẽ do pháo hạm số 16 và đồn Caĩ-maĩ đảm trách.
Vị chỉ huy trưởng liền cho quân sĩ hay là thời cơ sắp đến. Ông nói với quân sĩ rằng người Pháp gây chiến với hoàng đế của dân An nam, chớ không phải với dân An nam; quân đội viễn chinh Nam kỳ phải bảo vệ người dân vô tội, của cải và việc buôn bán của họ.
Với các dân tộc An nam, ông thông báo sự hiện diện của ông tại đây và mục tiêu của cuộc chiến; ông vạch cho họ cách xử trí bằng những lời lẽ như sau:
‘’Charner, đề đốc thủy sư Pháp, chỉ huy trưởng toàn thể lực lượng viễn đông, đại diện toàn quyền trong việc bình định đế quốc An nam,
Nhắc cho dân chúng tỉnh Saĩgon và tất cả các quận lỵ tùy thuộc tỉnh này biết rằng đế quốc Pháp và vương quốc Tây ban nha đồng tình trong cùng một ý chí, kết hợp sức mạnh chung đến đây để hạch hỏi chính quyền An nam phải giải thích lý do về tất cả các hành động bội ước và vô ơn mà họ phải nhận tội. Vì lẽ đó, chúng tôi tuân lịnh tôn nghiêm của đại hoàng đế chúng tôi để đến đây cùng quân sĩ tra hỏi ngọn nguồn về tất cả những gì đã xảy ra từ trước.
‘’Chắc chắn không phải chúng tôi đến đây để gây khổ sở cho dân chúng. Trái lại, điều thiết tha lớn nhất của chúng tôi là che chở và mở đường thương mại cho họ để càng ngày càng làm cho họ giàu có thêm. Chúng tôi hứa sẽ đem tới hòa bình và bảo vệ hoàn toàn của cải của họ, tính mạng và nhà cửa của họ, không làm gì thiệt hại đến tất cả quan chức dân sự nào, quân sĩ nào, người dân nào chấp nhận mọi sự việc với một tấm lòng lượng thiện. Sự che chở này cũng sẽ mở rộng cho tất cả, không phân biệt những người đã quy phục chúng tôi cũng như những người chưa có cơ hội để làm._Nơi nào quân sĩ chúng tôi không đi ngang thì cứ thản nhiên buôn bán như thường lệ, không rối loạn và không lo sợ gì cả. Còn những ai, trước kia vì nhất thời khiếp sợ uy quyền của chúng tôi mà trốn chạy, và những ai, cho đến bây giờ vẫn chưa kết hợp với dân tộc chúng tôi, nếu có ý chí thật sự muốn quy phục thì chúng tôi vì lòng nhân từ sẽ đón rước và che chở không nệ gì về quá khứ.
‘’Những lời hứa hẹn hòa bình vừa ban ra, xuất phát từ lòng thực tâm của ngưòi tổng tư lịnh, không phải là những hứa hẹn chốc lát có hiệu quả ngắn hạn, mà là những lời hứa khẳng định và vĩnh viễn’’
Tất cả các cánh quân đã bố trí xong, quân sĩ sẵn sàng tiến lên và chiến đấu. Vị tổng tư lịnh chỉ thị các hàng tiền tuyến sẽ tấn công ngày 24 tháng hai.
------------------------------------------------
[1] Phúc trình do vị chỉ huy của một trong các lực lượng đặc biệt cho biết như sau:
‘’Ðể đánh bật địch quân ra khỏi trại của họ, thì phải đánh trước mặt hoặc bên cánh trái, hoặc bên cánh phải. Tấn công trước mặt thẳng về hướng Saĩgon, sẽ gay go và thương vong nhiều, địch dồn về mặt này đông nhất, phương tiện phòng thủ cũng tốt nhất. Vững tâm trong vòng đai cố thủ, địch sẽ chống cự đến cùng. Còn như tấn công bên trái của địch quả là khó khăn, vì lý do phải vượt qua đầm lầy để xáp đến gần địch. Vậy chỉ còn cách là tấn công bên cánh phải của địch mà thôi.’’
Vì những lý do vừa kể, ta chỉ cho lịnh tấn công bên trái khi nào tấn công trước mặt gây tổn thất thương vong quá nhiều và khi tấn công bên phải sẽ gần như không thực hiện nổi vì các chướng ngại thiên nhiên. Nhưng thật ra cũng không đúng như vậy vì ta chưa kể đến sức mạnh của cả hạm đội trên thượng lưu sông Don-naĩ, và địch thì không thể di động được ở bất cứ điểm nào dọc theo tuyến các chùa của ta. Nhưng nếu kể như quân viễn chinh tiến lên từ cánh trái của mình đánh bật được quân địch ở tiền tuyến của họ mà ta gọi là Redoute để gây thêm càng lúc càng khó khăn cho địch, thì chương trình hành quân sẽ không thiết lập dựa vào phương pháp loại dần các giải pháp; mà nó là hậu quả hợp lý và đúng theo sự bố trí của ta trên các mặt sông và dọc theo đường giới tuyến các chùa.Tấn công thẳng vào mặt trước của địch chẳng những tự gây tổn thương hết sức nặng, mà điều sai lầm là ta không chú ý tới hai tác dụng cực mạnh khác là hạm đội và vòng đai đại pháo kéo dài từ kinh Avalanche đến đồn Caĩ-maĩ mà ta sẵn có. Vả lại, chắc chắn quân địch, khi yên trí trong vòng thành phòng thủ, sẽ chống trả đến cùng; và còn có thể dựa vào cách tổ chức từng khu công sự riêng trong doanh trại của họ mà tăng sức kháng cự lên thành bốn. Còn tấn công phía bên phải thì điều này không thể đặt ra được.
Hậu tuyến của Kỳ Hòa cũng mạnh như tiền tuyến vậy. Cũng phải nghỉ đến chuyện bố trí chiến thuật mà ta ta đặt ra không lọt qua khỏi sự tiên đoán của vị nguyên soái An nam.
CHƯƠNG IV
Sáng ngày 24 tháng hai, quân viễn chinh đánh gẫy đường tuyến phòng thủ An nam tại địa điểm gọi là Redoute. Phó thủy sư đề đốc Charner trực tiếp nắm quyền điều khiển quân lính. Ðạo quân Pháp-Tây ban nha di chuyển vòng theo bên cánh rồi dàn ra ở hậu tuyến của địch quân, chiều 24 tháng 2 đóng quân ngay trên đường tháo lui của địch.
Vào bốn giờ sáng, kèn báo hiệu tập họp chào cờ. Trời còn tối; cũng như các nước nhiệt đới khác, trời chỉ bắt đầu sáng vào khoảng sáu giờ. Trong đêm tối các toán quân mò mẩm đứng vào vị trí của mình. Trước khi lên đường, quân sĩ được uống cà phê và nhận một khẩu phần rượu mạnh. Túi đeo lưng đã chuẩn bị xong từ chiều tối hôm qua. Trong túi có tám ngày lương khô và hai khẩu phần thịt nấu sẵn .
Năm giờ sáng, tất cả các toán quân đều đến vị trí dọc theo đường các chùa. Ðề đốc và đại tướng de Vassoigne dẫn đầu đứng gần cổng đồn Caĩ-maĩ, một nhóm nhỏ lính bộ người Phi châu được phái làm lính bảo vệ. Kế đó là lính bộ Tây ban nha, tiếp theo là hai đại đội lính bộ nữa. Pháo binh cắm trại tại Caĩ-maĩ tập họp thành hàng dọc theo thứ tự như sau: 6 ổ súng cối miền núi, hỏa tiển, 3 đại pháo 4 phân nòng có khía, 4 đại pháo 12 phân nòng có khía. Bộ binh bố trí trên đường cái theo thứ tự như sau: lính đánh bộ, công binh vác thang; thủy quân xung kích vác thang và chiến cụ linh tinh; thủy quân đổ bộ; thủy quân bộ chiến. Tiếp theo nữa là tùy tùng và ban cứu thương. Một đoàn gồm 600 cu li người Tàu khuân vác, 100 thú vật chuyên chở giữ vị trí dài dọc theo đường Jajareo, đường này nằm chắn ngang và thẳng góc với đường các chùa. Cách xắp xếp như thế tránh cho quân lính khỏi gặp trở ngại khi di chuyển.
Năm giờ rưỡi, đoàn quân bắt đầu chuyển động lên đường. Trời bắt đầu sáng, khí trời còn mát; bụi bặm, nhờ hơi ẩm ban đêm lắng xuống, lại dấy lên mù mịt. Các toán quân dẫn đầu đổ xuống ruộng và tiến về hướng đồn Redoute, đồn nằm ở cuối tuyến phòng thủ phía tây của quân địch. Phía trước đoàn pháo binh thì có một đại đội lính bộ phân tán mỏng làm quân biệt kích; pháo binh nhờ đường đã được phan bằng phẳng từ chiều hôm trước nên bố trí không gặp khó khăn gì. Các chùa Barbet, Clochetons, Caĩ-maĩ đã bắt đầu bắn suốt một giờ rồi. Tiếng gầm thét của các khẩu đại pháo át hết các tiếng động khác và bao trùm toàn vùng mặt trận Quân địch cũng kéo nhau giàn ra các đường phòng ngự, ồn ào chuẩn bị chiến đấu. Từ vị trí cao trên đồn, ta có thể quan sát địch quân bố trí. Tiếng chiêng và tiếng rít đặc biệt rất dễ nhận phát ra từ súng của họ chỉ nghe thấy ở khoảng trống giữa những tiếng nổ do các cổ đại pháo nòng 30 có khía của ta; súng của họ có nòng nhỏ và làm bằng sắt. Các sĩ quan từ Saĩgon lên, tập họp ở đồn Caĩ-maĩ, tiến nhanh trên đường cái, họ chỉ kịp chào và bắt tay vội vả những đồng đội đi ngang.
Ðoàn quân dàn trận đã gần xong: đại pháo do ngựa kéo trải rộng ra để bố trí trong ruộng và tiếp tục tiến lên, khi chỉ còn cách địch độ một ngàn thước liền tản ra thành từng đội, kéo chếch qua phía trái, bất thần ngừng lại và bắt đầu nhả đạn. Sức rung chuyển sắt thép, kéo dài, rít lên làm điếc tai và vang rền cả cánh đồng. Các cổ pháo nòng 12 chỉa thẳng vào đồn Redoute, các cổ pháo nòng 4 và súng cối vùng núi cũng như hỏa tiển hướng vào hai góc đồn hai bên. Ðường bắn được điều chỉnh nhanh chóng và trở nên thật chính xác. Mặc dù tuyến phòng thủ An nam yếu kém vì súng nhỏ và các điều kiện quân sự thua thiệt, họ vẫn đốt khói để che và gia tăng sức kháng cự. Súng bắn rát, nhưng nói đúng ra là phía địch đã tận lực chiến đấu, chớ không phải về phía ta.
Pháo binh lâm trận giúp cho bộ binh nghỉ tay lấy lại sức: quân tiến lên từng đại đội xếp theo hình dọc. Lịnh ra phải dàn quân khép lại khoảng cách còn một nữa. Các cổ đại pháo miền núi nhẩy chồm lên và tiến tới, bất chấp chướng ngại như gò và mồ mả, các cỗ đại pháo dàn ra chỉ cách địch quân có 500 thước. Các cỗ pháo nòng 4, hỏa tiển, đại pháo nòng 12, tiếp tục luân phiên điều động tiến lên từng chặn một. Bộ binh tiến lên thêm một chặn nữa.
Dọ thám tối hôm trước cho biết có một vùng đầm lầy nằm phía bên trái gần đồn Redoute. Vì thế bộ binh tiến lệch về phía mặt để tránh, nhưng lại tránh quá xa. Lớp sau lại tiến theo nên gây ra chậm trể. Sau khi pháo binh bắt đầu khai pháo trở lại thì một lúc sau bộ binh mới giàn xong vị trí. Hai mũi tiến quân được thành lập, bên mặt là công binh, lính đánh bộ, lính đánh bộ người Tây ban nha, thủy quân đánh bộ; mũi tiến quân này do đại đội trưởng Allizé de Matignicourt chỉ huy. Mũi tiến quân bên trái gồm có thủy quân đổ bộ do đại úy hải quân Desvaux và đại úy công binh Gallimard chỉ huy.
Trong khoảng cách năm trăm thước, đạn của đối phương rơi tới tấp vào quân Pháp và Tây ban nha. Ðường bắn của quân An nam chính xác, đúng cả hướng và cả chiều cao. Trong đồn, các cổ pháo, súng nhỏ cầm tay, súng trường bắn ra xối xả. Mỗi khi phó đề đốc, bộ tham mưu và quân hộ vệ của ông dừng lại chỗ nào thì trong thành nhắm vào chỗ đó bắn ra rất rát và mảnh liệt. Pháo binh chịu trận trước tiên; chỉ trong vài phút, nhiều pháo thủ và ngựa bị trúng đạn. Khoảng cách quá ngắn trước mặt địch làm giảm ưu thế của khí giới có tầm bắn xa và chính xác của ta; mặc dù tầm đạn của ta chính xác, liên tục và ưu thế hơn, nhưng sức kháng cự của bọn An nam không bị đánh tan cũng không nao núng chút nào.
Thương vong của ta tăng lên; đại tướng de Vassoigne, đại tá Tây ban nha Palanca Gutierrez, chuẩn úy Lesèble và thượng sĩ Joly bị thương nặng. Thủy sư đề đốc bèn trực tiếp cầm quân và ra hiệu lịnh. Các hàng quân chuyển động. Các cổ súng cối miền núi bắn yểm trợ hai bên cánh. Một đại đội lính đánh bộ xung kích tiến lên bắn loạn xạ để dẫn đầu cánh quân bên phải; một đại đội thủy quân đánh bộ dùng súng nhẹ dẫn đầu cánh quân bên trái. Lính công binh lên trước, tiếp theo sau là quân Tây ban nha, bộ binh, thủy quân đánh bộ. Vì phải để dành sức cho phút chót nên tất cả chỉ chẩm rải dấn lên, địch bắn xối xả, quân tấn công tiến xéo qua bên phải để khỏi rơi vào vùng đầm lầy. Còn khoảng chừng ba mươi thước, một tiếng thét vang ‘’Hoàng đế muôn năm!’’ vụt nổi lên át hết tiếng súng; quân lính ở hàng đầu nhào lên; tuy bị tầm đạn của súng hỏa mai ngay trước ngực nhưng họ vẫn cố vạch chà tre chằng chịt để bước từng bước trên miệng các hầm chông, nhảy qua bàn chông, nhào xuống hố, phá chà gai để tiến tới, tay và mặt đầy máu, quần áo rách tả tơi nhưng vẫn tiến đến bờ thành của địch một cách vinh quang.
Cánh quân bên trái cũng can trường phá gẩy tuyến phòng thủ phía ngoài của địch. Dẫn đầu là thủy binh đột kích. Họ tự mang lấy thang, câu liêm có cán, sào móc, lựu đạn: bọn cu li mang thang đều được thay ở trạm tiến quân thứ hai; việc mang thang kể như là một công tác danh dự. Không có chỗ nào phải chạm trán xáp lá cà, khi các quân lính Pháp đầu tiên nhẩy được vào bên trong, trên các các bệ bắn phía sau tường, thì họ thấy bọn An nam thối lui mang theo giáo mác, súng lớn và súng tay của họ. Quân An nam lùi lại một bước thế thôi, gần như thản nhiên, giống như những người thợ đang làm việc rồi ngưng tay; thật quả là lạ lùng, mặc dù tình thế cấp bách vì cả một đạo quân đang trèo lên tường để tràn vào; chỉ có một số thật ít bỏ chạy mà thôi. Trong mấy phút sau là họ rút về phía đại quân có cờ đuôi nheo phấp phới bên trong thành Kì hòa.
Trong trận đánh ngày 24 tháng 2 này, quân An nam chấp nhận đối đầu bằng đại pháo với ta tuy họ yếu kém nhưng không thấy lòng can trường của họ bị sứt mẻ hay nao núng một chút nào cả: nhiều xác chết rải rác dọc theo tường phòng thủ cho thấy hiệu quả của súng nòng có khía của ta. Nhưng khi quân ta xung phong, tiến thẳng vào họ, thì họ thối lui nhưng không chạy, khoảng cách vẫn còn nhìn thấy nhau. Chuyện này cũng thấy ghi trong các phúc trinh về những trận đánh trước đây ở Saĩgon và Touranne.
Thiếu úy Thénard của công binh và trung úy hải quân Berger là hai người trèo lên tường thành trưóc nhất tại hai điểm phòng thủ bị đánh gẫy: một do đạo quân bên phải và một do đạo quân bên trái.
Trận này làm ta thiệt hại 6 người chết và 30 bị thương, trong số này có một đại tướng, một đại tá, một chuẩn úy và một thượng sĩ. Một người cu li công binh bị giết và một bị thương. Sau cùng cu li công binh cũng tiến tới chướng ngại chót, theo đúng với giao ước thường ký như vậy ở bên Tàu, mục đích là dành cho quân đánh thuê một chút danh dự. Pháo binh có nhiều ngựa và la chết hoặc bị thương. Pháo binh hành quân trên một địa thế rất khó khăn, lầy lội, giếng, hố, tường chắn rải rác, chướng ngại nhân tạo đủ loại; địa thế như vậy cực kỳ thuận lợi cho quân đánh bộ, nhưng lại bất tiện cho đại pháo dùng ngựa kéo, nhất là khi thụt lùi.
(Hết Phần Một) - Mời xem phần 2 : PHẦN HAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét