Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Nghĩa Hoà Đoàn dấy loạn tại Trung Quốc


Đoàn dân Nghĩa Hoà Đoàn
Đoàn dân Nghĩa Hoà Đoàn

I. Xã hội bất an cùng sự phát triển của Nghĩa Hòa Đoàn [1890-1900]
1.1. Dân sinh kinh tế điêu tàn
Sau khi điều ước Nam Kinh thành lập, các hàng hoá chính nhập khẩu : thứ nhất là thuốc phiện, thứ nhì là lụa sa, vải ; lụa sa, vải vừa đẹp lại giá rẻ, các hàng quyên, vải nội địa không thể cạnh tranh nổi. Từ năm 1860 toàn bộ Trung Quốc khai phóng, số lượng nhập khẩu gia tăng ; nhân nội địa Trung Quốc trồng nha phiến nên nhập khẩu giảm thiểu, riêng sa, vải tăng lên vùn vụt, đứng vào hạng nhất. Từ năm 1890, số lượng sa, vải nhập khẩu mỗi năm lên đến 1 vạn vạn lượng, so với 60 năm về trước gia tăng 80 %. Hiện kim dùng để mua hàng đều lấy từ xuất khẩu lương thực, nhưng lương thực thường không đủ nên nạn đói ra, vùng Hoa Bắc nghèo khổ lại càng nặng nề. Trà, tơ vốn là nguồn xuất khẩu lớn ; từ năm 1880 bị Ấn Độ và Nhật sản xuất nhiều, trà bị cạnh tranh nên trước kia chiếm đến 54 % lượng xuất khẩu lúc này bị giáng xuống chỉ còn 18 % ; riêng tơ cũng bị giảm nhiều.
Trước chiến tranh Giáp Ngọ [1894] với Nhật, ngoại quốc đã lập các xưởng tại cửa khẩu nhưng chưa nhiều ; sau chiến tranh ngoại quốc dành các quyền lợi bao gồm tu tạo thuyền bè, dệt vải lụa, chế điện khí, chế trà, ươm tơ, chế đường, ép dầu, quấn thuốc, làm giấy, chế thuốc vv… khiến cho một số đông người trở nên khốn khó vì bị giành mất kế sinh nhai.
Nạn đói kém do hạn hán, lụt lội ra rất nhiều tại phương bắc. Năm 1877-1878 thiên tai ra tại các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, kể từ mấy trăm năm chưa từng xảy ra lớn như vậy; số người chết vô số kể. Từ năm 1855, sông Hoàng Hà tại phía đông tỉnh Hà Nam bị vỡ ; dòng sông trước kia chảy qua phía bắc tỉnh Giang Tô, đổi sang tỉnh Sơn Đông ; sông mới hẹp nước chảy khó khăn, nên đê thường bị vỡ. Tháng 9/1887, vỡ đê tại Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam], nước chảy vào các sông Giả Lỗ, Hoài ; khiến vùng phía đông Hà Nam, phía bắc An Huy bị thiệt hại nặng. Tháng 1/1889, bắt đầu chặn dòng, hậu quả hơn 1 triệu người chết, dùng ngân khoản 1.000 vạn lượng. Cùng năm đó cho đến năm sau, tại tỉnh Sơn Đông lại có thêm hai lần vỡ đê. Từ năm 1892-1898, cơ hồ đê vỡ hàng năm, nhà cửa trôi dạt, người và súc vật chết ; khu vực bị thiên tai riêng tỉnh Sơn Đông có đến 60 châu, huyện ; tỉnh Trực Lệ đến 26 châu, huyện. Vào các năm 1888, 1890, 1892, 1893, 1896, sông Vĩnh Định liên tục bị vỡ đê, chỗ bị vỡ từ 10 trượng đến hơn 100 trượng ; khu vực bị thiên tai tại tỉnh Trực Lệ lên đến 26 châu, huyện. Năm 1899, tại các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Sơn Tây, cùng phía bắc Giang Tô bị hạn hán lâu, thực phẩm thiếu thốn, khiến người nghèo phải đem con đi bán.
Nạn chính phủ vơ vét là nguyên nhân thứ ba khiến nhân dân chịu thống khổ. Chính phủ phải vơ vét do chi tiêu gia tăng, nguồn tài chính kiệt quệ. Tài chính kiệt quệ do bởi liền năm chiến loạn, cung đình tiêu xài nhiều, chẩn tế cho các thiên tai, nhu cầu bởi chính sách đổi mới, và quan trọng nhất là tiền bồi thường cho nước ngoài. Từ năm 1895 trở về trước, mỗi năm phải trả nợ và tiền lời khoảng 3,4 trăm vạn lượng, còn có thể gắng sức gánh vác được. Sau chiến tranh Giáp Ngọ [1894] tiền vay về chi phí chiến tranh khoảng 1.200 vạn lượng ; tiền bồi thường cho Nhật khoảng 2.600 vạn lượng ; tất cả đều phải vay, mỗi năm phải trả 2 ngàn 3,4 trăm vạn lượng, ắt phải trù xuất. Do vậy phải khấu trừ tiền dưỡng liêm, tăng thuế ly kim, thuế ruộng ; tăng các sắc thuế về gạo, trà, muối, đường, thuốc phiện, thuốc lá, rượu và quyên thu các thương gia, nhưng cũng không đủ. Năm 1898, phát hành Chiêu tín cổ phiếu, 10.000 vạn lượng ; bằng mọi cách áp lực dân phải mua, nhưng chỉ thâu được không quá 1000 vạn lượng. Căn cứ báo cáo của bộ Hộ mỗi năm tiền trả nợ ngoại quốc, tiền quân vụ, dương vụ [cải cách thuyền binh], tiền tiêu của trung ương và địa phương, tổng cộng gần 10.000 vạn lượng, tiền thu nhập hơn 8.000 vạn lượng, số tiền thiếu hụt khoảng một ngàn mấy trăm vạn lượng. Chiếu mệnh tra hạch thêm quan thuế, thuế ly kim, thuế muối ; hẹn trong một tháng phải thu xếp xong, đốc thúc gấp rút như lửa cháy !
1.2. Lòng người phẫn uất và các vụ án về tôn giáo lại ra
Thiên tai và nhân họa là hai yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn của người dân, nhưng nhân họa là tối quan trọng. Cái gọi là nhân họa, thứ nhất do quan bắt đóng thuế nặng ; thứ hai do người Tây phương hà hiếp, cạnh tranh hàng hóa, cướp công ăn việc làm, rồi đến tiền bồi thường ngoại quốc gây nên thuế khoá nặng. Do mối oán kết tập bởi người Tây dương, nên việc làm của các nhà truyền giáo, càng gây giận dữ trực tiếp đến người dân. Phần lớn do bởi các thân sĩ mê hoặc sách động, những người bình dân dấy lên hưởng ứng theo ; coi người Tây phương là mối họa chính, quét sạch Tây phương thiên hạ sẽ thái bình ; trong hoàn cảnh này, giáo sĩ và giáo dân là mối xung đột trực tiếp.
Sau khi vụ án về tôn giáo tại Thiên Tân giải quyết xong, vào thập niên 1870 vẫn còn các vụ xung đột xảy ra tại Tứ Xuyên, An Huy, Phúc Kiến. Vào năm 1885, giáo dân tại Trùng Khánh gây hấn với các thí sinh, số thí sinh tử thương 30 người, dân chúng nổi giận đốt giáo đường, Trung Quốc phải bồi thường 20 vạn lượng. Năm 1890, Dư Đống Thần, tại Đại Túc [Dazu, Trùng Khánh] phía đông Tứ Xuyên, lãnh đạo đánh phá giáo đồ, phần lớn thành phần tham gia thuộc Ca Lão hội, hương đoàn ; hài tội rằng 30 năm ròng Tây dương khinh rẻ Trung Quốc, giáo sĩ truyền giáo không tuân pháp luật.
Thanh thế của Ca Lão hội tăng trưởng bắt đầu vào năm 70 thế kỷ 19. Phần đông Tương quân thuộc Ca Lão hội 1 “ mười vạn quân Sở, không ai không kết lời thề làm anh em ”. Sau khi bình định xong loạn Thái Bình Thiên Quốc và Niệm, Tương quân giải tán ; tại Giang Tô, Chiết Giang không dưới 10 vạn quân phải giải ngũ trở về quê quán, nhưng số này không chịu xắn tay áo trở về với nghề nông. Sau đó từ Thiểm Tây, Cam Túc trở về, có đến hàng vạn, phần lớn những số này gia nhập Ca Lão hội. Việc quân sự tại Tứ Xuyên, Vân Nam kết thúc, số quân bị triệt bỏ hàng chục vạn, cũng phần lớn trở thành Ca Lão hội. Quân giải ngũ tại Hồ Bắc, An Huy, Giang Tây cũng bắt chước theo, không có huyện nào không có người theo Ca Lão hội, với lời hiệu triệu “ đánh bọn giàu có, giúp người nghèo khổ ”. Lúc Dư Đống Thần mới nổi lên, Ca Lão hội tại các tỉnh khác như Giang Tây, An Huy, Hồ Nam chưa tham gia các vụ án về tôn giáo ; nhưng đến năm 1891 trở về sau tại Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô, Giang Tây, cùng Sơn Đông, giáo án bắt đầu phát sinh, hầu như tất cả đều do Ca Lão hội chủ mưu. Người cầm đầu đánh Tây giáo là Lý Hồng. Lý Hồng là con trai viên Đề đốc Giang Nam, Lý Thế Trung, bị xử tử ; với danh nghĩa báo thù cho cha, liên kết với Ca Lão hội đốt phá giáo đường. Cùng năm, các cuộc phản loạn phát sinh tại Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu ; tại Nhiệt Hà [Chengde, Trực Lệ] có Kim Đan giáo [chi phái Bạch Liên giáo] có đến mấy vạn, đánh phá các thành Triều Dương, Bình Tuyền, Xích Phong ; đốt phá giáo đường, lan rộng đến tỉnh Cát Lâm. Công sứ các nước đồng thanh đe doạ liên hợp hành động, cuối cùng triều đình phải cách chức, trừng trị phạm nhân, bồi thường, phủ tuất vv.. ngân khoản đều do địa phương phải gánh vác. Chu Hán, Đạo viên hậu bổ, người đất Hồ Nam vốn ghét các đạo Tây phương, bèn soạn văn, ca dao, họa đồ để ấn hành truyền bá. Năm 1893 triều đình ban chiếu tra cấm, cách chức quản thúc; nhưng việc chống giáo tại Lưỡng Hồ vẫn y nhiên không dừng.
Sau năm 1895, khí thế của Giáo sĩ, giáo dân càng cao ; dân, giáo tranh đấu càng quyết liệt, thái độ của liệt cường lại càng thêm hoành hành. Vào năm này, trước tiên giáo đường tại Thành Đô [Chengdu] tỉnh Tứ Xuyên bị hủy, tiếp đến giáo đường Anh tại Cổ Điền [Gutian] tỉnh Phúc Kiến bị phá. Sứ thần Đức, nhân giáo sĩ nước này bị đuổi tại Duyện Châu [Yanzhou] tỉnh Sơn Đông, bèn dùng nhiều lời hăm dọa Tổng thự ; năm 1896 tại giao giới hai tỉnh Sơn Đông, Giang Tô lại có nhiều giáo đường bị hủy. Ngoài ra có những vụ không liên quan đến tôn giáo, đã xảy ra tại các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Hà Nam từ năm 1892-1894. Hồi loạn vào năm 1895 tại Cam Túc kéo dài ra đến Tây Ninh [Xining, Thanh Hải], Hà Châu [Hezhou, Cam Túc] ; Đầu mục không chỉ một người, đám đông đến mấy vạn, kéo dài đến 1 năm 7 tháng mới dập tắt ; Thiên Địa hội tại Quảng Đông, Quảng Tây cũng rầm rộ cử sự.
Từ năm 1898-1899 liệt cường tại Hoa tranh đoạt hết sức mãnh liệt, thì sự động loạn trong nước cũng hết sức nghiêm trọng ; xảy ra suốt các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Hà Nam, An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông ; nhưng Tứ Xuyên, Quảng Tây, Trực Lệ và Sơn Đông nặng nhất. Tại Tứ Xuyên vẫn do Dư Đống Thần lãnh đạo, lại tái khởi sự vào năm 1898, hịch văn bao gồm xã hội, kinh tế, lễ giáo, lãnh thổ ; chỉ trích Tây dương với các tội trạng như : “ Thuyền bè Tây dương thông thương tại biển, Gia Tô truyền đạo, chiếm đoạt sinh kế làm ruộng, nuôi tằm ; phế luân thường đạo vua tôi, dùng nha phiến độc hại trung thổ, lấy dâm xảo khuynh loát lòng người. Mê hoặc nhân dân ta, khinh mạn triều đình, nắm quan phủ, chiếm nơi đô hội, lừa xảo lấy tiền bạc, coi tính mệnh trẻ em rẻ như quả dưa, nợ đòi nặng như gò núi. Đốt Hoàng cung, diệt thuộc quốc của ta. Đã chiếm Thượng Hải, lại cắt Đài Loan, lập cảng tại Giao Châu [Jiaozhou bay, Sơn Đông], đất nước muốn cắt ra từng mảnh. Từ xưa đến nay, Di Địch hoành hành, chưa hề xảy ra như ngày hôm nay ”. Lại bảo rằng chỉ đánh dẹp Tây dương, không quấy nhiễu địa phương ; hứa rằng một khi công việc hoàn thành không phải trả nợ cho Nhật Bản, không phải mua Chiêu tín cổ phiếu.
Đồ đảng của Dư Đống Thần ước 1 vạn người, trực tiếp quấy nhiễu hơn 10 châu thuộc phía đông tỉnh Tứ Xuyên ; gián tiếp ảnh hưởng hơn 30 châu. Hội Giang Hồ, một chi nhánh cùa Ca Lão hội, tại phía tây tỉnh Hồ Bắc cũng dùng cờ xí của Dư Đống Thần để hoạt động, làm chấn động cả vùng Nghi Xương (Yichang, Hồ Bắc) và phía tây tỉnh Hồ Nam. Bạch Liên giáo tại An Huy, dấy lên từ năm 1899, số người theo hơn 2 vạn người. Thiên Địa hội tại Quảng Tây, năm 1898 chiếm luôn mấy thành, quấy nhiễu lan ra đến tỉnh Quảng Đông. Một viên ngự sử nói bọn chúng là đảng của Tôn Văn, súng ống đạn dược do Tôn tiếp tế. Có người cho rằng nếu như chúng vào được Hồ Nam, rồi thuận theo sông Trường Giang xuôi phía đông, thì sẽ làm một Hồng Tú Toàn thứ hai. Triều đình nhà Thanh mệnh Tổng đốc Lưỡng Quảng điều tra tông tích Tôn Văn, cảnh giới dọc theo bờ sông, bờ biển ; đây là một sự hoang mang vô cớ, thực ra Tôn Văn không quan hệ với mối loạn tại Quảng Đông.
Cuộc vận động phản giáo, diệt Dương của Dư Đống Thần, xét về tính chất lúc khởi đầu giống như Nghĩa Hoà Đoàn tại miền đông bắc. Nhưng vùng Tứ Xuyên chỉ có Trùng Khánh là cửa khẩu thông thương, thuyền máy ngược dòng Trường Giang vận chuyển khó khăn, nên người dân Tứ Xuyên bị Tây dương xâm hại không quá lớn ; huống hồ Tứ Xuyên nhiều núi bao quanh, liên lạc với bên ngoài không dễ, nên ảnh hưởng của Dư Đống Thần chỉ hạn chế trong một vùng. Riêng Nghĩa Hoà đoàn khởi sự tại đông bắc thì tình thế khác hẳn, cuối cùng tạo thành biến cố to lớn chưa từng thấy tại Trung Quốc.
1.3. Nghĩa Hòa đoàn tại các tỉnh Sơn Đông, Trực Lệ
Dân tỉnh Sơn Đông vốn cương cường, được ca tụng là “ Sơn Đông hảo hán ”, có tinh thần phản kháng của Bạch Liên Giáo suốt từ thành thị đến thôn quê ; rất nhiều tiểu thuyết võ hiệp lấy Sơn Đông làm bối cảnh. Ngoài ra dân cư trù mật, sinh kế khó khăn, không khỏi có cảnh dân chúng tụ tập gây chuyện, vào thập niên 1860 như đàn ong dấy lên. Do bởi khai bến cảng tại Yên Đài [Yantai], hàng Tây dương du nhập cạnh tranh ; sông Hoàng Hà lụt lội, tỉnh Sơn Đông bị hoạ nặng nhất. Sơn Đông là khu vực Thiên Chúa giáo hoạt động sớm nhất, giáo dân toàn tỉnh khoảng 8 vạn người, phần lớn tại phía tây Sơn Đông, ven hai bên bờ Vận Hà. Vào năm 1888 nước Đức nắm quyền bảo hộ tôn giáo tại Sơn Đông, giáo sĩ càng hoành hành, cưỡng chiếm đất đai, bao che án kiện, bênh vực bọn xấu, tự tiện thu thuế, đầu cơ tích trữ ; nhân dân trong cảnh nằm trên dao thớt, các quan phủ cũng bị hiếp chế.
Năm 1895 quân Nhật đánh Uy Hải Vệ [Weihaiwei], chiếm cứ trong 3 năm, dày xéo các vùng Đăng Châu [Dengzhou], Lai Châu [Laizhou]. Năm 1897, Giao Châu Loan cùng các thành trì phụ cận bị người Đức chiếm cứ. Năm 1898, người Nhật đi, người Anh lại đến ; 2 cảng nam bắc Sơn Đông đều do ngoại quốc chiếm. Thế lực người Đức xâm nhập vào trong ruột, xây đường, khai mỏ khoáng ; giáo sĩ, giáo dân vu hãm những người chống đạo Tây dương, cho là đảng phỉ, doạ dùng vũ lực. Từ năm 1898 đến 1899, tại phía nam Sơn Đông phát sinh những vụ án về tôn giáo, cùng người Đức bị đánh ; quân Đức xâm lược thôn trang, lạm dụng giết chóc, lại đòi bồi thường. Năm 1899, phía người Anh có giáo án tại Phì Thành, cũng đòi bồi thường, chiếm đất.
Phản giáo hoặc phản Tây dương hình thành được một cuộc vận động, phải nhờ một tổ chức nòng cốt. Lực lượng phản giáo của Dư Đống Thần tại Tứ Xuyên dựa vào hương đoàn. Hương đoàn vốn được lập ra để bảo vệ dân, tại Sơn Đông hương đoàn và Bạch Liên giáo không đối lập. Sau khi giáo án được dẹp yên, trị an tại địa phương dựa vào hương đoàn, phần tử Bạch Liên giáo trở về làng xóm lại chui vào hương đoàn. Chỉ huy hương đoàn là những thân sĩ, những người này ghét giáo sĩ giáo đồ ; tín ngưỡng của Bạch Liên giáo cũng không dung tôn giáo Tây dương ; nên lập trường hai bên dần dần nhất trí. Bạch Liên Giáo nguyên thờ Phật Di Lặc làm chủ tể, sau đó hấp nhiễm đạo giáo cùng các thứ mê tín khác ; có nhiều chi phái, nhưng thế lực của Bát Quái giáo mạnh nhất ; giáo này chia làm các nhánh như Kim Đan, Hồng Đăng, Thiên Lý, thành viên chủ yếu là nông dân tại nhà quê. Bát Quái giáo luyện Nghĩa Hoà quyền, còn có tên là Mai Hoa quyền ; tự xưng rằng khi múa quyền, miệng đọc thần chú, khiến gươm đao không phạm, súng đạn không sát thương.
Lúc đầu Nghĩa Hoà quyền lưu hành tại vùng ven bờ Vận Hà, là nơi giáo đồ tụ tập, nên gây ra sự tranh chấp. Lý Bỉnh Hoành nhậm chức Tuần phủ Sơn Đông [1895-1897], coi Nghĩa Hoà quyền là nghĩa dân, nên số người theo càng đông, có các tên riêng như Đại Đao hội, Hồng Đăng Chiếu, tự cho là “ có thể tránh pháo súng… hưng đại Thanh, diệt Dương giáo ”. Lúc đầu Đại Đao hội chủ trương dẹp thổ phỉ địa phương, giúp duy trì trị an, nên được quan lại địa phương âm thầm chấp nhận. Nhưng sau đó có sự xung đột giữa dân và giáo, Đại Đao hội bắt đầu phản đối Thiên Chúa giáo, cướp tài sản giáo dân, thiêu đốt nhiều nhà cửa. Dưới áp lực của các công sứ Đức, Pháp ; Lý Bỉnh Hoành quyết định đàn áp, tháng 7/1896 đem 2 đầu đảng Đại Đao hội là Lưu Sĩ Thuỵ, Tào Đắc Lễ ra xử tử, khiến Đại Đao hội không còn công khai hoạt động.
Nhưng sự yên lặng chỉ là bề ngoài, ngày 1/11/1897 xảy ra vụ giáo án tại huyện Cự Dã, phủ Tào Châu [Juye, Sơn Đông] ; hai Giáo sĩ Thiên Chúa giáo đang đêm bị giết tại giáo đường, thủ phạm lai lịch không rõ. Người Đức mượn cớ gây hấn, mang quân chiếm Giao Châu loan sau đó, riêng Tuần phủ Lý Bỉnh Hoành bị nhà Thanh đem ra xét xử, nhưng vì làm quan thanh liêm nên dân bất bình khi bị mất chức. Tại huyện Bắc Quan phía tây tỉnh Sơn Đông giáo và dân tranh chấp từ lâu, rồi đến năm 1898-1899 lây ra đến hàng chục châu huyện khác, danh tiếng Nghĩa Hoà quyền nổi lên. Phản giáo tại đông nam tỉnh Sơn Đông lại nổi lên như ong, riêng xứ Cân Châu xảy ra mấy chục vụ. Nghĩa Hoà quyền tham gia ngăn cản người Đức xây đường tại phía đông tỉnh Sơn Đông, triều đình nhà Thanh ra lệnh điều tra ; tuần phủ Sơn Đông Trương Nhữ Mai làm công việc “ bịt tai ăn trộm chuông ”, đem Nghĩa Hoà quyền gia nhập vào hương đoàn, gọi là “ Nghĩa Hoà đoàn ”, vô hình trung hợp pháp hoá lực lượng này.
Mùa xuân năm 1899, Dục Hiền, một viên quan tàn bạo ngu dốt đến trấn nhậm Tuần phủ Sơn Đông tin rằng Nghĩa Hoà quyền có nhiều thần lực, dùng để chống Tây dương ắt đại thắng. Do đó khí thế Nghĩa Hoà đoàn dấy lên, đến nơi thì giết giáo dân, phá giáo đường ; treo cờ màu đỏ vàng với hàng chữ “ Thần lực Nghĩa Hoà đoàn, quét sạch giáo, diệt Dương ” ; Dục Hiền cho rằng ai chống lại giáo sĩ, giáo dân là lương dân. Vào tháng 9, tháng 10, Nghĩa Hoà đoàn chống lại quan quân, bị Viên Thế Khải đánh bại.
Phía nam tỉnh Trực Lệ giáp giới Sơn Đông, vào năm 1898 Nghĩa Hoà đoàn ra vào bất thường. Đến tháng 12 năm sau, Viên Thế Khải giữ chức Tuần phủ Sơn Đông dùng sách lược “ rút củi làm nguội bếp ”, xui bỏ đạo, chống đạo, để giảm thiểu sự quấy nhiễu của Nghĩa Hoà đoàn, một mặt dùng vũ lực tiễu trừ, đánh tan tổ chức Nghĩa Hoà đoàn. Việc ra lệnh bỏ đạo, chống đạo bị lãnh sự Mỹ tại Yên Đài phản đối nên nửa chừng phải bỏ, chỉ thi hành triệt để cấm đoán Nghĩa Hoà đoàn với các biện pháp như : địa phương có xưởng luyện tập Nghĩa Hoà quyền, bất luận nhiều hay ít các quan đều bị trị tội, có kẻ bị xử tử ; những nơi cho mở xưởng tài sản bị sung công, người theo và tập bị giết không tha. Quan dân gặp Nghĩa Hoà đoàn đều đánh đuổi, chỉ cầu cho nơi mình ở vô sự, không cần biết chúng chạy đi đâu.
Qua việc trấn áp của Viên Thế Khải, Nghĩa Hoà đoàn chạy lên phía bắc ; dọc đường phát tán yết thị “ Đạo Thiên Chúa và nhà thờ Gia Tô huỷ bang thần thánh, trên thì lừa vua tôi Trung Hoa, dưới thì áp bức nhân dân, thần và dân đều giận… Bọn ta luyện tập được Nghĩa Hoà thần quyền, sẽ bảo hộ trung nguyên, xua đuổi giặc Tây dương ”. Bắc Kinh là nơi Công sứ ngoại quốc trú đóng, vua tôi Trung Quốc trực tiếp chịu sự khinh nhờn của ngoại quốc ; Thiên Tân là chốn tập trung của người Tây dương, dân Trung Hoa thường bị đàn áp ; cả hai nơi là mục tiêu chính của Nghĩa Hoà đoàn.
Ngoài ra lúc này phía bắc tỉnh Hà Bắc hạn hán, dân bị tai dịch chết nhiều, Nghĩa Hoà đoàn thừa cơ tuyên truyền rằng tai dịch do giáo sĩ, giáo dân không chịu kính trời. Tổng đốc Trực Lệ, Dụ Lộc, đóng tại Thiên Tân thì tầm thường khiếp nhược ; Đình Ung, Án sát trú tại Bảo Định [Baoding] có ý che chở ; Nghĩa Hoà đoàn bèn từ phía nam tiến vào miền trung tỉnh Hà Bắc, chia làm hai hướng. Hướng đến Thiên Tân hội họp với Nghĩa Hoà đoàn tại các địa phương như huyện Tĩnh Hải [Jinghai, Thiên Tân], Vĩnh Thanh [Yongqing, Thiên Tân]. Hướng từ Bảo Định, đến tháng 5/1900 qua các huyện Lai Thuỷ [Laishui], Trác Châu [Zhuozhou], rồi đến vùng ngoại ô Bắc Kinh như Trường Tân Điếm [Changxindian], Phong Đài [Fengtai], ra tay giết các giáo sĩ, giáo dân, đốt giáo đường, cùng chống lại quan binh.
1.4. Từ Hy Thái hậu buông che cho Nghĩa Hoà đoàn
Nghĩa Hoà đoàn có thể tồn tại được tại tỉnh Sơn Đông, rồi thừa dịp khuếch trương, là do trong vòng 5 năm các Tuần phủ có ý che chở, chìa khoá do bởi thái độ của Từ Hy Thái hậu. Nguyên nhân trong vòng hơn một năm nay, người ngoại quốc đồng tình với việc biến pháp, chống việc truất phế Quang Tự, ra mặt đối lập với Từ Hy. Năm 1899, các nước liên tục bạo hành, ngoại việc quân Đức tại Sơn Đông, có quân Nga vây khốn Kim Châu [Jinzhou] bán đảo Liêu Ninh, người Anh xua đuổi quan quân tại Cửu Long [Kowloon, Hương Cảng], Pháp cưỡng chiếm hai đảo tại Quảng Châu Loan [Quảng Đông] ; mọi việc đều gia tăng lòng ghét giận ngoại quốc của bà.
Lập trường của Nghĩa Hoà đoàn với hy vọng của Từ Hy không hoàn toàn phù hợp ; tuy nhiên lòng ghét hận Tây dương và phản giáo thì cả hai tương thông. Biện pháp Từ Hy ứng phó lúc ban đầu, hầu như theo chính sách hai mặt : vừa mới ban lệnh ràng buộc, tiếp lại xuống chiếu buông thả. Tháng 11 năm 1898, vừa mới ra lệnh đàn áp Nghĩa Hoà đoàn, kế đó lại xuống chiếu khuyến khích tỉnh Sơn Đông mạnh mẽ tổ chức bảo giáp đoàn luyện để phòng lúc hoãn cấp. Tháng 4 năm 1899, mật dụ Tuần phủ Dục Hiền đối với giáo án không phải vụ nào cũng nhượng bộ ; trong các tháng 5, 6 ban dụ các tỉnh lưu ý luyện tập đoàn luyện. Qua các chiếu chỉ, thấy ý Từ Hy che chở Nghĩa Hoà đoàn nhiều hơn là cấm chỉ.
Công sứ các nước rất chú ý đến việc phát triển Nghĩa Hoà đoàn tại Sơn Đông. Các tháng 11, 12/1899 Công sứ Mỹ E. W. Conger [Khang Khách] liên tiếp yêu cầu có hành động bảo hộ người ngoại quốc tại tỉnh này, cuối cùng yêu cầu triệt chức Tuần phủ Dục Hiền, điều quân tinh nhuệ tại Thiên Tân đến giúp ; do vậy Viên Thế Khải được thay thế viên Tuần phủ này. Từ Hy tuy sợ ngoại quốc, nhưng cũng muốn lợi dụng Nghĩa Hoà đoàn, hai ba lần dụ Viên Thế Khải không được làm mạnh “ Nếu liệu biện không tốt, gây tao động trong nội bộ, thì cứ đem Viên Thế Khải ra hỏi ”. Trước đó, anh Khải là Vương Thế Đôn làm quan coi doanh tại phía bắc Sơn Đông, nhân việc đánh bắt giặc nên bị hài tội cách chức về quê, đủ để cảnh cáo Viên Thế Khải. Đối với việc dân ngăn cản người Đức xây đường cũng không được dùng binh, với lý do “ khiến mất bản ý đoàn kết quốc gia ”.
Dục Hiền đến kinh đô cực lực đề cao Nghĩa Hoà đoàn trung nghĩa có thể dựa được ; Từ Hy triệu kiến thưởng cho chữ “ Phúc ” đích thân viết, và trao chức Tuần phủ Sơn Tây. Ngoài ra quan quân thuộc Hổ Thần doanh của Tái Ỷ cũng được tưởng thưởng ; tên của đạo quân này, chữ “ Thần ” trái với “ Quỷ ”, chữ “ Hổ ” trái với “ Dương ” 2, ý chỉ quân Hổ Thần doanh có thể diệt quỷ Tây dương. Tháng 2/1900, nhân Nghĩa Hoà đoàn tiến lên phía bắc, công sứ các nước yêu cầu ban chiếu chỉ tiêu trừ gấp ; Từ Hy không thể dừng được, ngày 19 bèn ban chiếu chỉ cho Tổng đốc Trực Lệ, Tuần phủ Sơn Đông cấm chỉ “ tư lập hội doanh, quấy nhiễu gây chuyện… nếu cố chấp không tỉnh ngộ, sẽ bị trừng trị nặng ”. Nhưng khi các Sứ thần yêu cầu công bố chiếu thư này thì bị cự ; họ hiểu rằng tình hình đã đến lúc nghiêm trọng, bèn điện về nước xin thêm quân, một mặt tập trung chiến hạm tại cửa biển tỉnh Trực Lệ để thị uy và giao hẹn với Tổng thự trong 2 tháng phải dẹp xong Nghĩa Hoà đoàn, nếu không liên quân các nước sẽ làm thay. Tuy rằng sau đó đã cho công bố chỉ dụ nêu trên, nhưng lại ban dụ cho tỉnh Trực Lệ có ý che chở cho Nghĩa Hoà đoàn với lời như sau “ Nghĩa Hoà đoàn từ tỉnh khác đến nơi gây sự mê hoặc… cần mở đường dẫn dắt, chỉ hỏi có cướp hay không, chứ không trị tội thuộc hội này hội kia. Viên Tồng đốc Dụ Lộc cần nghiêm sức các quan lại xét theo tình lý nên làm, triều đình không thể chế ngự từ xa ”. Một mặt giao cho Dụ Lộc tự ý hoành hành, người tâm phúc của Từ Hy là Tiết chế vũ vệ Vinh Lộc cũng chỉ chần chừ nhìn ngó không có hành động gì thiết thực.
Cuộc giao tranh giữa Nghĩa hoà đoàn và liên quân 8 nước tại Bắc Kinh năm 1900
Cuộc giao tranh giữa Nghĩa hoà đoàn và liên quân 8 nước tại Bắc Kinh năm 1900
II. Dùng Nghĩa Hoà đoàn, Từ Hy một phen liều thắng bại [1900-1902]
2.1. Nghĩa Hoà đoàn khống chế Thiên Tân và Bắc Kinh
Trước tháng 5/1900, Từ Hy Thái hậu chưa chắc đã có quyết tâm liều thắng bại với Tây phương ; quá lắm thì chỉ muốn lợi dụng thế nhân dân để cho ngoại bang uý kỵ, không dám khinh thường. Cuối tháng 4, Nghĩa Hoà đoàn xuất hiện tại Bắc Kinh, trung tuần tháng 5, công nhiên dán thiếp, căng biểu ngữ. Sau đó 10 ngày thì đường rày, xe lửa, đường dây điện thoại bị phá huỷ, 4 người Tây dương bị giết, 4 người khác bị thương. Công sứ các nước điều binh đến kinh đô. Từ Hy cảm thấy tình hình nghiêm trọng bèn ra các chiếu chỉ vào ngày 29 và 30/5, mệnh bắt đầu sỏ quan trọng, giải tán người theo, ra sức bảo hộ giáo đường, giáo dân ; bài xích Nghĩa Hoà đoàn quấy nhiễu là “ quyền phỉ ” “ nếu chúng dám chống lại quan binh, thì phải tuỳ cơ mà tiễu trừ ”. Nhưng đến ngày 3/6 ban 2 chỉ dụ hầu như tương phản với chiếu chỉ trước. Dụ thứ nhất, mệnh Tổng đốc Trực Lệ Dụ Lộc khuyên bảo Nghĩa Hoà đoàn, không được khinh suất làm tổn thương sinh mệnh của dân, không được gây hấn để lập công ; dụ thứ hai mệnh Thống soái Vũ vệ quân Vinh Lộc không được thi hành biện pháp mạnh, khích động đánh dẹp, gây nên mối hoạ lớn. Ngày 5 và 6/6, sai Quân cơ đại thần Triệu Thư Kiều đến Trác Châu, Cương Nghị đến Bảo Định để chiêu phủ hiểu dụ.
Tình hình chuyển biến lớn như vậy, có 3 nguyên nhân :
– Thứ nhất, các tôn thất quý tộc, các quan trụ cột cơ mật như Đoan quận vương Tái Ỷ, Trang thân vương Tái Huân, Bối Lặc Tái Liêm, Phụ quốc công Tái Lan ; Quân cơ đại thần Cương Nghị, Khải Tú ; Đại học sĩ Từ Đồng đều ôm mối thù không đội trời chung với Tây dương “ Cả triều đình như mê, như điên… phần lớn đều tôn phụng quyền phỉ [Nghĩa Hoà đoàn] thần minh ” “ Đều bảo rằng quyền phỉ là nghĩa dân, trung dũng như thế nào, kỷ luật như thế nào, có pháp thuật đích xác ngàn vạn lần, lòng người tại ngoài kinh thành đều hướng đến họ ”. Với những lời như vậy, nên Từ Hy không thể không nghe theo. Những người hiểu một chút sự lý như Vinh Lộc, Dịch Úc, Vương Văn Thiều tuy biết rằng đó là tà thuật, quyết không thể thành việc ; nhưng không dám có chủ trương dõng mạnh, hoặc nếu có ngăn trở thì Từ Hy cũng không nghe.
– Thứ hai, Vũ vệ quân là lực lượng mạnh nhất tại tỉnh Trực Lệ, thì Hữu quân do Viên Thế Khải chỉ huy đã điều đi Sơn Đông ; Tả quân do Tống Khánh, Mã Ngọc Côn chỉ huy đóng tại Sơn Hải quan, Tiền quân của Niếp Sĩ Thành đóng tại Thiên Tân ; còn Trung quân và Hậu quân đóng tại Bắc Kinh. Thống lãnh Hậu quân Đổng Phúc Tường, xuất thân từ thổ phỉ tại tỉnh Cam Túc, tính ngang tàng không vào khuôn phép, bộ hạ hầu hết thuộc Nghĩa Hoà đoàn ; Trung quân trên danh nghĩa do Vinh Lộc kiêm quản, nhưng Trương Tuấn, tướng nắm quyền trọng yếu thì cũng cùng một loại với Đổng Phúc Tường. Hổ Thần doanh của Tái Ỷ đều thuộc Nghĩa Hoà đoàn. Từ Hy bảo “ Các quân Mãn, Hán đều thông đồng với chúng nó [Nghĩa Hoà đoàn], do đó không dám nói việc đánh dẹp ” ; lời nói này xét ra đúng sự thực.
– Thứ ba, Công sứ đoàn không đợi triều đình chấp thuận, điều quân vào để bảo vệ. Vào đầu tháng 6, hơn 100 lính Tây dương tiến vào sứ quán, 600 quân vào tô giới tại Thiên Tân ; 4 000 hải quân Nga từ Uy Hải Vệ trên đường đến Thiên Tân. Công sứ đoàn tiếp tục tăng quân đến kinh đô, đòi yết kiến Thái hậu, Hoàng đế.
Vào ngày 9/6 Từ Hy mệnh Đổng Phúc Tường mang quân vào đóng trong kinh thành ; Đổng Phúc Tường nói “ Phụng mệnh Thái hậu tiêu diệt quân Tây dương, mệnh Nghĩa Hoà đoàn làm tiên phong, quân ta tiếp ứng ”. Ngày hôm sau sai Tái Ỷ quản lý Tổng thự, từ đó trong kinh đô ai cũng bảo rằng Nghĩa Hoà đoàn tình nguyện đánh Tây dương. Đại đội nghĩa Hoà đoàn hùng dũng tiến vào kinh thành, nơi nơi đều thiết lập thần đàn, dăng cao biểu ngữ “ Phụng chỉ Nghĩa Hoà đoàn ” “ Nghĩa Hoà Thần quyền ” hoặc “ Trợ Thanh diệt Dương, thế thiên hành đạo ”. Trên từ Vương, Công, Khanh, Tướng ; xuống dưới cho đến xướng ca, tôi tớ, lính quèn, đều đến cầu vái Nghĩa Hoà đoàn như điên như cuồng. Dụ Lộc dùng lễ đãi Thủ lãnh Nghĩa Hoà đoàn, mời vào dinh Tổng đốc đón tiếp như khách quý ; quân Nghĩa Hoà đoàn gặp các quan ngồi kiệu hay cưỡi ngựa, đều bắt hạ xuống, cởi mũ đứng bên đường, không tuân thì dùng dao hăm doạ, Vũ Vệ quân mới thấy đằng xa đã lẩn tránh.
Sau khi quân của Đổng Phúc Tường vào thành Bắc Kinh, theo lời yêu cầu của Sứ đoàn, hải quân thuộc 8 nước Anh, Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Ý, Áo điều 2 000 quân từ Thiên Tân đến tiếp viện ; vào ngày 10/6 dưới quyền viên thống lãnh của Đề đốc hải quân Anh E. H. Seymour [Tây Ma] xuất phát. Ngày 11, bộ hạ của Đổng giết viên Thư ký Nhật, Sam Sơn Bân. Bắt đầu vào ngày 12 đốt phá quấy nhiễu giáo đường, nhà cửa giáo dân, cùng các tiệm bán hàng cho người Tây dương, khiến ánh lửa bay ngút trời ; suốt đêm la giết, tiếng khóc vang dậy. Đến ngày 13, số giáo dân bị giết hơn 300 người, bọn Tái Lan đốc suất đốt phá ; khu phồn hoa ngoài cửa thành lửa cháy cực mạnh vượt vào trong thành đến phía đông khu Sứ quán, nơi của cải tinh hoa tụ tập tại phía bắc thành cũng bị cướp phá sạch không, 10 nhà thì 9 nhà bỏ trốn, Bắc Kinh trở thành nơi khủng bố bi thảm. Tình hình tại Thiên Tân tương đồng, cục điện báo và hải quan đều bị phá huỷ, người người dìu già, bế trẻ đi tỵ nạn ; lính Tây dương không cho phép chạy vào tô giới, nổ súng bắn. Trước và sau ngày 13, nhân lời khuyên của Vinh Lộc, từng mấy lần ban bố dụ giải tán Nghĩa Hoà đoàn, nhưng hoàn toàn không có hiệu lực ; Nghĩa Hoà đoàn đã khống chế Bắc Kinh, cho dù Từ Hy muốn thay đổi cũng không còn khả năng. Dịch Khuông đến gặp mặt Công sứ đoàn, tự nhận không còn sức dẹp loạn.
2.2. Từ Hy tuyên chiến
E. H. Seymour đốc suất liên quân đến Dương Thôn, phía Tây Bắc Thiên Tân 10 lý, vì đường sắt bị hư phải vừa sửa, vừa tiếp tục đi ; lúc dến Lang Phòng [Langfang, Hà Bắc], nửa đường Thiên Tân – Bắc Kinh, bị Nghĩa Hoà đoàn ngăn đánh không tiến được. Seymour lúc đầu cho rằng chỉ cần 2 000 quân có thể đánh bại, đến nay thực tế thấy rằng không dễ. Từ Hy nghe tin quân Tây dương đến, bèn điều quân Niếp Sĩ Thành phòng thủ đường sắt tại Thiên Tân, mệnh Dụ Lộc ngăn quân Tây dương tiếp tục đến, giới nghiêm cửa khẩu Đại Cô [Dagu, Thiên Tân]. Cùng lúc quân của Seymour bị đánh, hơn 1 000 quân Nga đến Thiên Tân, Dụ Lộc cho nghiêm phòng Đại Cô. Cảng khẩu Đại Cô lúc này có hơn 30 binh thuyền ngoại quốc, vào ngày 16/6 các nước đều ra lệnh phải giao pháo đài tại cảng này. Cũng vào giờ Ngọ cùng ngày, Từ Hy cử hành hội nghị, tham dự gồm các Vương, Đại thần lục bộ, cửu khanh, hơn 100 người ; hai phái phản đối và ủng hộ Nghĩa Hoà đoàn cùng tranh biện. Một trong những người phản đối là Tổng thự Viên Sưởng cho rằng “ Nghĩa Hoà đoàn chính là dân làm loạn, không thể nào dựa được. Từ xưa tới nay chưa bao giờ có chuyện nhờ những bọn như vậy mà thành việc lớn ”. Từ Hy bác rằng “ Pháp thuật không dựa được, nhưng lòng người lại không dựa được ư ! Ngày hôm nay Trung Quốc suy nhược đến cùng cực, chỗ dựa chỉ còn nhân tâm mà thôi, nếu để nhân tâm mất đi, lấy gì mà dựng nước ? ”. Bèn ra lệnh viên Tổng thự đại thần Hứa Cảnh Trừng ra khỏi kinh đô khuyên Tây dương dừng quân, một mặt sai Vinh Lộc mang quân cảnh giới phía đông thành, khuyên nhân viên Sứ quán muốn đến Thiên Tân, hãy chờ đường xe lửa sửa xong sẽ định ; chứng tỏ không muốn tấn công Sứ quán ngay, chỉ muốn quân Tây dương đừng tiến vào.
Vào 8 giờ sáng ngày 17, liên quân đánh chiếm pháo đài tại Đại Cô ; 3 giờ chiều cùng ngày, chiếu ban hội nghị khẩn cấp tại Ngự Tiền, Từ Hy tuyên dụ “ Mới đây Tây dương đòi 4 điều : thứ nhất, chỉ rõ một địa điểm để Hoàng đế cư trú ; thứ hai, thay mặt thu tiền lương tại các tỉnh ; thứ ba, thay mặt nắm binh quyền trong nước… Hôm nay đánh nhau do tại họ, nước mất tại trước mắt, nếu cứ chắp tay mà nhường, ta không còn mặt mũi thấy liệt Thánh ; nếu đợi mất, hãy đánh một trận rồi mất không hơn hay sao ? ”. Một điều quan trọng trong 4 điều là muốn Từ Hy từ bỏ chính trị, bà không tiện nói ra. Có người cho rằng 4 điều này được tạo dựng ra, tuy nhiên không phải vô căn cứ. Giáo sĩ William Alexander Parsons Martin [Đinh Vĩ Lương] từng kiến nghị với Công sứ đoàn khôi phục Trung Quốc trật tự như sau : thứ nhất, lệnh Hoàng hậu thoái ẩn, khôi phục Hoàng đế địa vị, do các nước cộng đồng giám sát ; những điều thi hành sau chính biến Mậu Tuất [1898] hoàn toàn phế bỏ ; thứ ba, kế hoạch cải cách của Hoàng đế được xúc tiến thực hiện ; thứ tư, phạm vi khống chế của các nước ; những lời này so với tuyên bố của Từ Hy có nhiều điểm tương đồng. Sở dĩ Từ Hy quyết định đánh vì do Tây phương buộc bà phải giao hoàn chính quyền ; rồi bọn Tái Ỷ cùng chung một lời khuyên “ không đánh không được ”. Từ Hy nói với các Đại thần rằng “ Chuyện ngày hôm nay, các Đại thần đã nghe rồi ; ta vì giang sơn xã tắc, bất đắc dĩ tuyên chiến. Sự việc không biết được như thế nào, nếu như sau cuộc chiến, giang sơn xã tắc không giữ được ; các vị ngày hôm nay tại đây, biết sự khổ tâm của ta, đừng quy lỗi riêng cho ta bảo Hoàng thái hậu làm mất 300 năm thiên hạ ”. Bà hiểu rằng “ sự việc không biết được như thế nào ”, chứng tỏ không chắc sẽ chiến thắng ; đó là những lời bà kể lại sau này. Riêng Vinh Lộc kể lại cho bọn Lưu Khôn Nhất rằng “ Trên cho đến cửu trùng, dưới đến thần dân đều bị nhục bởi ngoại bang đến cực điểm ; nay xuất hiện Nghĩa đoàn là do trời khiến… vả lại tôi tớ tại hai cung và các Vương, Hầu, quá nửa là thuộc Nghĩa Hoà đoàn ; lính Mãn, Hán cũng quá nửa, trong thành có mấy vạn, đi lại như ruồi, tuy lưỡng cung anh minh cũng khó mà xoay vần.”
Trong cuộc họp vào ngày 19/6 Từ Hy biểu thị tối hậu quyết tâm, hạn Công sứ các nước phải ra khỏi kinh đô trong 24 giờ, mệnh Dụ Lộc triệu tập Nghĩa Hoà đoàn trợ giúp quan quân chống cự Tây dương ; sáng ngày 20 triệu tập Quân cơ đại thần tuyên bố khai chiến. Ngày 21/6 hạ chiếu tuyên chiến, đả kích kịch liệt về việc 30 năm nay bị ngoại bang áp bức :
“ Khinh nhục quốc gia ta, xâm lấn đất đai ta, dày xéo dân ta, hạch sách của cải ; triều đình càng nhường nhịn, bọn chúng càng hung hoành, ngày càng quá quắt, không gì không làm. Nhỏ thì áp bức nhân dân, lớn thì khinh mạn thần thánh, con dân nước ta cùng chung lửa hận, ai mà chịu cam tâm ; đó là do lai tại sao nghĩa dõng đốt giáo đường, giết giáo dân. Triều đình vẫn không gây hấn, che chở như trước… Bọn chúng không biết cảm khích, lại còn buông tuồng đòi hỏi chèn ép… công nhiên đòi ta phải rút khỏi pháo đài Đại Cô. Trong sự giao thiệp với lân quốc hàng ngày, ta chưa từng thất lễ với họ ; bọn chúng tự xưng là nước có giáo hoá lại vô lễ hoành hành, chuyên dựa vào binh mạnh, khí giới sắc bén… Trẫm nay khóc cáo tiên miếu, khẳng khái thề với quân dân, so với việc cẩu thả mong sống còn, lưu nhục đến vạn cổ ; chi bằng ra tay đánh dẹp, nhất quyết thư hùng 1. Qua mấy ngày triệu kiến Đại thần, bàn mưu đồng lòng, các tỉnh gần kinh kỳ như Sơn Đông, nghĩa dõng tụ tập không dưới mấy chục vạn, cho đến nhi đồng cũng có thể cầm qua bảo vệ xã tắc. Chúng dùng mưu xảo trá, ta dựa vào lẽ trời ; chúng dựa vào sức lực hung hãn, ta dựa vào nhân tâm. Nhân dân ta lấy nhân nghĩa làm giáp trụ, lấy lễ nghĩa làm khí giới, người người liều chết ; với đất đai hơn 22 tỉnh, dân cư hơn 400 triệu, không khó dẹp sự hung dữ của các ngươi, để biểu dương uy thế quốc gia.”
Thư tuyên chiến trình bày nhiều sự thực, lời văn bi tráng, có được phần nào sự đồng tình của kẻ dưới. Tiếc rằng cảm tình khích dộng trong lòng Từ Hy không chiếu cố đến thời thế, làm liều một mất một còn, công nhiên tuyên chiến một lúc với nhiều nước ngoài, một hành động xưa nay đông tây chưa từng thấy.
2. 3. Chiến tranh tại trung ương và địa phương
Chiến trường chủ yếu tại thành Bắc Kinh ; sau tháng 5, người ngoại quốc tập trung tại khu vực Sứ quán phía đông thành. Vào trung tuần tháng 6, Nghĩa Hoà đoàn và người Tây dương mấy lần xung đột, Công sứ Đức Vonketteler [Khắc Lâm Đức], chỉ huy quân Tây dương chống đánh. Sáng ngày 20 viên Công sứ bị giết ; 4 giờ chiều quân của Đổng Phúc Tường và Nghĩa Hoà đoàn mấy ngàn người tiến công. Khu vực Sứ quán diện tích khoảng 4 km2, gồm Sứ quán 11 nước, nhân viên hơn 470 nam nữ, 450 quân Tây dương phòng vệ ; giáo dân hơn 2 000 đảm nhiệm đào công sự ; Đổng Phúc Tường cho rằng chỉ cần 5 ngày, có thể phá khu vực này thành đất bằng. Vào ngày 24/6 vùng khu nhà Hàn lâm viện, hải quan gần đó bị đốt. Ngày 13/7 chiến cuộc càng mạnh, đến ngày 24 quân Tây dương chết đến 100 người. Do Vinh Lộc ngầm che chở, tâm tình Từ Hy biến đổi bất thường, lúc thì cho đánh mạnh, lúc thì đình chỉ, lúc thì đàm phán, lúc thì trao tặng thức ăn. Giáo sĩ và giáo dân tập trung tại khu vực Tây Thập Khố phía tây thành, lính phòng thủ Tây dương 40 người, nhưng quân Thanh cũng không chiếm được.
Trong hoàn cảnh quốc gia trong vòng nước lửa ; qua viên Công sứ Ngũ Đình Phương tại Mỹ, ngày 19/7 vua Quang Tự gửi điện thư cầu cứu Tổng thống William McKinley [Mạch Kim Lai], bản dịch như sau :
“ Trung Quốc từ trước tới nay cùng với nước Mỹ quan hệ hữu hảo, cũng hiểu một cách sâu xa rằng nước Mỹ chú ý việc mậu dịch quốc tế ; giữa Mỹ và Trung Quốc không có sự hoài nghi hoặc bất tín nhiệm. Gần đây xẩy ra việc người Trung Quốc và giáo sĩ Cơ Đốc giáo có sự ghét giận, dẫn đến sự hoài nghi của liệt cường đối với triều đình, cho rằng chính phủ Thanh tán thành cho nhân dân kỳ thị truyền giáo, hoài nghi này vô căn cứ. Nhưng sự hoài nghi này dẫn đến việc pháo đài Đại Cô [Dagu, Thiên Tân] bị đánh chiếm, cùng dẫn đến xung đột quân sự hậu quả hết sức tai hại, tình hình nguy cơ hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi mới nhận được điện báo của Sứ thần Ngũ Đình Phương, rất lấy làm an ủi rằng chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục qua lại hữu hảo, đối với tình hình hiện tại hết sức chú ý. Trước mắt Trung Quốc lâm vào tình trạng bị khu động bởi tiến trình bất khả kháng, bất hạnh dẫn đến sự phẫn hận phổ biến trên trường quốc tế. Mong giải quyết sự khốn khó trước mắt, Trung Quốc hết sức tin dựa vào Mỹ, chúng tôi đặc biệt đặt lòng tin ở Ngài, hy vọng Ngài sắp đặt phương cách, bắt tay hành động, hiệp điều các nước nhất trí khôi phục trật tự, nỗ lực ra tay đưa đến hoà bình. Khẩn thiết yêu cầu Ngài, cùng vạn phần mong đợi Ngài hồi âm. Quang Tự ngày 23/6 năm thứ 26 [19/7/1900] ”.
Ba ngày sau [21/7] Tổng thống Mỹ hồi âm ; ông không cự tuyệt lời thỉnh cầu của vua Quang Tự, nhưng đề xuất mấy điểm cần triều đình Trung Quốc làm ngay, như : chính phủ Thanh bảo đảm nhân viên sứ quán an toàn, bảo đảm sứ quán cùng các nước liên lạc thông suốt, phối hợp với các nước trong việc cứu viện :
“ Tôi đã nhận được thư tín ngày 19/7 của Ngài, hân hạnh báo Ngài rõ ngoại trừ chính nghĩa và công bình, chính phủ Mỹ và nhân dân không mong muốn gì hơn. Mục đích chúng tôi phái quân đội đến Trung Quốc để giài cứu công sứ quán gặp nguy nan, bảo hộ sinh mệnh tài sản người Mỹ tại Hoa được an toàn ; chiếu theo quốc tế công pháp và hiệp ước, họ đáng được hưởng quyền lợi như vậy. Các quốc gia khác phái binh đến quý quốc cũng công khai phát biểu mục đích tương tự.
“ Từ những tin tức ngài cung cấp tôi suy đoán rằng bọn tội phạm nhiễu loạn hoà bình Trung Quốc, mưu giết Công sứ Đức và nhân viên sứ quán Nhật Bản, hiện nay đang vây đánh những nhân viên ngoại giao Bắc Kinh may mắn còn sống sót ; không những không được Ngài tán đồng khích lệ, ngược lại bọn chúng hành động trái với quyền uy của Bệ hạ. Nếu sự thực đúng như vậy, tôi trình trọng đôn đốc chính phủ Ngài xác nhận với công chúng những điều sau đây :
– Thứ nhất, nhân viên sứ quán còn sống hay chết, nếu còn sống thì tình trạng của họ ra sao ?
– Thứ hai, lập tức để cho các nhân viên ngoại giao được tự do liên lạc với nước họ ; giải trừ mối nguy uy hiếp về tự do và tính mệnh.
– Đả thông liên lạc với các nước đế quốc, cùng quân viễn chinh của họ, để tiện bề khai triển giải cứu Công sứ quán. Tiến hành hợp tác việc bảo hộ người ngoại quốc và khôi phục trật tự.
“ Nếu như đạt được các mục tiêu nêu trên, chính phủ chúng tôi tin rằng về phương diện liệt cường sẽ không có chướng ngại trong việc thoả thuận giải quyết các phiền nhiễu xẫy ra gần đây. Đạt được mục tiêu nêu trên và được các nước đồng ý ; các cơ quan của chính phủ chúng tôi rất vui vẻ tiếp thụ sự an bài của Bệ hạ. Ngày 21/7/1900 Tổng thống William McKinley, do Quốc vụ khanh John Hay thuật lại ”.
Lúc bấy giờ vua Quang Tự đang bị giam lỏng sau 100 ngày biến pháp ; hoàn toàn không có khả năng thay đổi chính sách của Từ Hy Thái hậu, tuy nhiên điện thư nêu trên cũng nói lên nỗi lòng của nhà vua đối với thời cuộc.
Ngoài ra về chiến trường tại Thiên Tân, ngày 17/6 pháo đài Đại Cô mất, quân Thanh và Nghĩa Hoà đoàn vây đánh tô giới Thiên Tân. Ngày 19 quân của E. H. Seymour bị thua tại Lang Phòng phải rút về phía đông, bị quân Niếp Sĩ Thành đánh chận, nhưng được quân Nga tiếp cứu, ngày 26 trở về Thiên Tân, thương vong đến 2/10. Lực lượng liên quân tại Đại Cô, trước hết giải vây tô giới Thiên Tân, chiếm cục cơ khí, rồi tấn công thành Thiên Tân, Vũ Vệ quân chống cự trong 9 ngày, Niếp Sĩ Thành tử trận ; Mã Ngọc Côn đánh tô giới cũng thua. Trước đó Thiên Tân bị Nghĩa Hoà đoàn cướp đốt, rồi đến gần một tháng trời đánh nhau, tàn phá không kể xiết, đến ngày 14/7 bị hãm. Liên quân càng hung tàn, tử thi chồng chất, phòng ốc bị phá huỷ 8 đến 9/10. Sau đó các nước phân chia khu vực chiếm lãnh “ Quân Nhật, Mỹ rất hoà bình ; thứ đến quân Anh ; duy Đức, Pháp, Nga càn quét không dừng, số đông phụ nữ bị ô nhục ”. Ngày 30 tháng 7, tạm thi hành “ Quản lý trong ngoài quận thành địa phương sự vụ nha môn ” thì việc sống chết, cướp đoạt tự ý thi hành.
Trước khi tuyên chiến, Bắc Kinh, Thiên Tân trở thành những khu vực tranh hoành của Nghĩa Hoà đoàn ; sau khi tuyên chiến toàn tỉnh Trực Lệ không chỗ nào không có đốt nhà giết người. Người Tây phương và Giáo sĩ phần lớn trốn tránh ; Giáo dân phòng thủ tại các trại, một khi bị đánh chiếm thì cướp giết không bỏ sót. Ngoài tỉnh Trực Lệ, bạo động giết Tây dương, diệt giáo xẩy ra nhiều tại Phụng Thiên [Liêu Ninh], Sơn Tây, Hà Nam, Chiết Giang. Vào tháng 6, 7, các giáo đường và đường sắt tại Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh], Liêu Dương [Liaoyang, Liêu Ninh] bị huỷ, 20 Giáo sĩ bị giết ; tình trạng lan ra các châu, huyện lân cận, cùng tỉnh Cát Lâm. Nghĩa Hoà đoàn tại Sơn Tây có sự giúp đỡ của viên Tuần phủ mới Dục Hiền ; sau khi triều đình tuyên chiến, bèn đốt giáo đường và y viện ngoại quốc. Dục Hiền giả cách tập trung Giáo sĩ tại Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây] để tiện việc bảo hộ, rồi đầu tháng 7 đem ra xử tử ; các châu huyện Giáo sĩ bị hại gồm 178 người. Giáo đường Nam Dương [Nanyang] tại Hà Nam bị vây, một nữa giáo đường trong tỉnh bị huỷ. Tại Hoành Châu [Hengzhou] Hồ Nam có 30 giáo sĩ bị giết. Tại Cù Châu [Quzhou] Chiết Giang 11 người bị giết. Các chỗ khác như Thiểm Tây, Cam Túc, Vân Nam, Tứ Xuyên đều xẩy ra tương tự. Thống kê cả nước số giáo sĩ bị giết khoảng 250 người, phần lớn người nước Anh, tiếp đến các nước Mỹ, Pháp, Tỷ Lợi Thì, Hà Lan ; số giáo dân nhà bị phá, người bị giết, có đến hàng vạn.
Trong ngày Từ Hy tuyên chiến, bèn thông dụ cho các Tổng đốc, Tuần phủ “ Giữ gìn lãnh thổ, tiếp tế kinh sư, liên hiệp như một, cùng chung cứu vãn nguy cục ”. Phần lớn Tổng đốc các tỉnh quan trọng là người Hán, cự không tuân mệnh ; như Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Hồng Chương, Tổng đốc Lưỡng Giang Lưu Khôn Nhất, Tổng đốc Hồ Quảng Trương Chi Đổng. Lúc Nghĩa Hoà đoàn mới dấy lên, Lý Hồng Chương không có ý kiến gì, Lưu Khôn Nhất xin tiễu trừ gấp, Trương Chi Đổng tán đồng. Ngày 31/5/1900 Trương gửi điện đi các nơi như sau : “ Mới đây nhận điện từ Bắc lộ cho biết bọn quyền phỉ [Nghĩa Hoà quyền] nhân chống giáo gây chuyện, thế lực dữ dội. Các xưởng máy và đường sắt từ Định Hưng [Dingxing, Hà Bắc] đến Lô Cầu Kiều [Luguoqiao, Hà Bắc] đều bị thiêu huỷ hết, thực hết sức kinh dị… Bọn giặc phỉ này, chống cự quan binh, giết hại viên chức võ quan cấp cao, phá huỷ đường sắt của quốc gia, theo pháp luật đáng tru lục. Còn bọn ra tay phá đường, đốt nhà, theo luật giết đi không cần xét xử, đáng chuẩn cho quan quân nổ súng bắn. Bọn này dựa vào việc chống giáo rồi gây loạn, vả lại đường sắt và nhà thờ có gì liên quan với nhau ? Thấy rõ rằng chúng là giặc, không phải là dân lương thiện. Nếu làm loạn không dừng, các nước sẽ dựa vào việc bảo hộ giáo sĩ, giáo dân, phái binh tự giải quyết, thì đại cuộc khó mà thu xếp.”
Nước Anh sợ khu vực sông Trường Giang xẩy ra sự biến, Nga với thế ngư ông đắc lợi xâm nhập, làm tổn hại quyền lợi Anh, nên muốn trật tự tại Trung Quốc mau vãn hồi ; thái độ của Lưu, Trương phù hợp với nguyện vọng của nước này.
Thân sĩ Thượng Hải, cùng Đại thần đốc biện đường sắt Thịnh Tuyên Hoài sợ ngoại quốc mang binh thuyền bảo hộ ngoại kiều tại ven biển, ven sông, rồi đi đến xung đột thì đại cuộc sẽ đổ vỡ, nên tìm cách cứu chữa. Vào ngày 14/6 Lãnh sự Anh tại Thượng Hải kiến nghị với chính phủ Luân Đôn giúp cho Lưu Khôn Nhất, Trương Chi Đổng duy trì trị an tại lưu vực sông Trường Giang, được phê chuẩn ; Mỹ, Nhật cũng tỏ ý giúp đỡ. Bọn Thịnh Tuyên Hoài đề ra nguyên tắc để Lưu, Trương cùng các nước thoả thuận binh thuyền ngoại quốc không vào sông Trường Giang, ngoại kiều tại nội địa do Lưu, Trương phụ trách bảo hộ, tại tô giới Thượng Hải do ngoại quốc đảm trách. Lúc triều đình Bắc Kinh tuyên chiến, Thịnh điện cho Lưu, Trương và Lý Hồng Chương xin cùng với các nước minh ước “ dẹp Nghĩa Hoà đoàn, bảo vệ giáo dân, hộ vệ thương nghiệp, các bên không xâm phạm ”. Thịnh bảo rằng dụ triều đình có câu “ Các tỉnh Đốc, Phủ liên lạc nhất trí, bảo vệ cương thổ ” có thể lấy đó làm căn cứ. Lưu, Trương lúc đầu do dự, sợ triều đình không tha ; nhưng sau khi Trương Tái, Thẩm Tăng Thực giải thích, bèn cho thi hành ; nhưng yêu cầu Thịnh Tuyên Hoài cùng với Đạo viên Thượng Hải Dư Liên Nguyên bàn với Lãnh sự các nước biện pháp ổn thoả, cùng liên danh tâu lên để chứng tỏ không bội phản triều đình. Vào ngày 26/6, Dư Liên Nguyên cùng các Lãnh sự bàn định “ Bảo hộ buôn bán và chương trình tôn giáo ” cùng “ Bảo hộ tô giới Thượng Hải chương trình ”. Chẳng bao lâu các Lãnh sự biết rằng có chỉ dụ mệnh giết Tây dương và viên Công sứ Đức bị giết, nên có lời dị nghị. Ngày 3/7 Lưu Khôn Nhất và Trương Chi Đổng thanh minh rằng mọi việc đều chiếu theo chương trình đã định mà liệu biện ; nước Anh cũng quyết định thi hành, nên vùng lưu vực sông Trường Giang được vô sự.
Chương trình thoả thuận lúc đầu chỉ nằm trong phạm vi 5 tỉnh dưới quyền Lưu, Trương ; sau đó Chiết Giang, Phúc Kiến tiếp tục tham gia. Lý Hồng Chương thanh minh rằng giữ Lưỡng Quảng, không tuân cái gọi là chiếu tuyên chiến. Tuần phủ Sơn Đông Viên Thế Khải là người ra sức dẹp Nghĩa Hoà đoàn, đương nhiên nhất trí với Lưu, Trương. Các Tổng đốc, Tuần phủ tại Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Nam cũng đồng ý chủ trương của Lưu, Trương ; thực tế bao gồm 13 tỉnh. Trong một nước mà chính phủ trung ương tuyên chiến, riêng nhà đương cuộc địa phương có hành động riêng, cùng với kẻ địch thành lập thoả ước “ cả hai không quấy nhiễu nhau ” để được độc lập ; bởi vậy không lấy làm lạ có kẻ kết án Lưu Khôn Nhất, Trương Chi Đổng là “ Phản thần theo ngoại bang ”. Tuy nhiên nhờ vậy mà mối loạn được chặn lại một phần, phía nam sông Hoàng Hà tránh được binh đao ; nếu không vậy thì toàn quốc lâm vào cuộc chiến, các nước có dã tâm thừa cơ xâu xé, Trung Quốc chịu cảnh qua phân.
Thái độ tâm tình của Từ Hy thực mâu thuẫn, phát động chiến tranh mong một lần quét sạch ngoại bang tại Hoa ; không ngờ rằng mấy vạn quân mà không đánh chiếm được khu Sứ quán, lại khổ tâm hơn bị các quan tại các tỉnh chống mệnh, nên đành phải tranh thủ phân trần. Các ngày 25 và 26/6 xuống chiếu giải thích cho Lý Hồng Chương, Lưu Khôn Nhất, Trương Chi Đổng “ Cuộc biến lần này, do nhiều nguyên nhân gây lên, ngoài ý liệu định… Nghĩa Hoà đoàn tại nơi kinh thành, thù với giáo dân cướp đốt, chính gặp khó khăn trong việc tiễu phủ, thì binh thuyền các nước lại đánh chiếm pháo đài Đại Cô ”. “ Các ngươi Đốc, Phủ xét thế lượng lực, không muốn gây hấn với ngoại quốc… không như Nghĩa Hoà đoàn lần này man diên tại kinh thành, đánh dẹp thì mối hoạ đã vào tận nách, chỉ nên nhân đó mà dùng rồi từ từ cứu vãn ”. Hy vọng bọn Lý lo trù tính binh lương, đừng tiếp tục nhìn ngó. Ngày 29/6 điện mệnh cử Đại thần đem tình hình uỷ khúc thanh minh cùng các nước, sẽ theo chính sách cũ bảo vệ Sứ quán, tuỳ cơ trừng trị loạn dân, nợ ngoại quốc sẽ trả đúng kỳ. Ngày 3/7 gửi thư cho các nước Anh, Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Pháp, mong Trung Quốc và các nước sẽ hoà hảo. Nhưng cùng ngày lại dụ cho các tỉnh đồng lực, đồng tâm “ đem chữ hoà, giải trừ ngay trong bụng ”. Ngày 10/7 tưởng thưởng Nghĩa Hoà đoàn tiền 10 vạn lượng. Vào trung tuần tháng 7, do Lý, Lưu, Trương mấy lần yêu cầu bảo vệ Công sứ, kế đó Thiên Tân mất ; bèn sai Vinh Lộc, Dịch Khuông bàn xin dời Công sứ vào Tổng thự. Ngày 19, mệnh bảo vệ Công sứ không dùng nơi này làm chiến địa của Nghĩa Hoà đoàn ; mệnh các Tổng đốc, Tuần phủ vẫn tiếp tục trù việc chiến, thủ. Cuối tháng 7 phái chủ chiến do Lý Bỉnh Hoành nắm quân tại tiền tuyến, giết Tổng thự đại thần chủ hoà Hứa Cảnh Trừng, Viên Sưởng ; thái độ thật của Từ Hy thực khó dò.
Sau khi sự việc xẩy ra, Từ Hy cho biết “ Bọn quyền phỉ đánh đảng giáo, cướp giết, mắt ta thấy không chỉ một lần ; biết rõ rằng không dùng được, không dựa được. Nhưng lúc bấy giờ thế lực chúng đã lớn, số lượng nhiều, trong cung, ngoài cung rầm rộ ; bọn Thái giám cùng hộ vệ trộn lẫn cùng một phe với chúng nó, lồng lên như mê như say, thái độ khác với ngày thường… Ở trong có nhiều sự uẩn khúc, nên một mặt hơi chiều đãi chúng để làm yên lòng đám đông, một mặt tìm cách khiên chế, khiến bọn chúng đối với ta còn chút ngưỡng vọng ; bấy giờ triều đình như con cọp giấy đã bị đâm thủng, cũng không biết mối loạn sẽ dấy lên đến mức nào ”. Lại bảo rằng : “ Ta từ trước đến nay vốn không có ý chống đối Tây dương, nhân người Tây dương khinh rẻ thái quá, không khỏi giận dữ. Tuy không ngăn trở Nghĩa Hoà đoàn, nhưng trước sau không xui bọn chúng náo động đến cùng. Một khi binh lửa qua, ta lại ngoái đầu lại chiếu cố, chỗ nào cũng để cho con đường sống. Nếu ta để cho bọn chúng làm đến cùng, không lẽ không đánh tan được khu vực Sứ quán ”. Tuy lời nói có ý phân trần, nhưng không phải không thực tình.
2. 4. Bắc Kinh thất thủ lần thứ hai rồi bị luân hãm
Sau khi Thiên Tân thất thủ, liên quân chưa tiến quân ngay được vì những lý do sau đây : Thứ nhất thấy trong chiến dịch tại Thiên Tân quân Hoa chiến đấu kiên cường, trước mắt binh lực không đủ, không muốn dẫm vào vết xe của viên chỉ huy người Anh E. H. Seymour. Thứ hai, các tỉnh phía nam đứng trung lập, nếu tiến công vào Bắc Kinh ngay, sợ gây mối phản cảm ; vậy cần triệt thoái kiều dân tại nội địa trước, để đề phòng mối nguy hiểm vạn nhất xẩy ra. Thứ ba, nội bộ liệt cường có nhiều nghi kỵ, Nga, Anh, Đức đều muốn nắm địa vị chỉ huy ; Nga đã dùng toàn lực xâm phạm miền đông bắc, Anh còn bận đánh nhau tại Nam Phi, nhất thời không thể phái đại quân. Quân Đức thì đang trên đường đi, Mỹ, Pháp trú quân tại Đông Á không nhiều, riêng Ý, Áo thì không đủ để nói đến. Chỉ có nước Nhật có thể cung cấp đại quân, nhưng theo lệ thường các nước Tây phương tỏ vẻ lãnh đạm với Nhật ; nhưng rồi bất đắc dĩ nước Anh tán đồng, các nước khác cũng yên lặng thông qua.
Ngày 4/8 liên quân hành quân, cánh bên trái gồm 8 000 quân Nhật, 3 000 quân Anh, 2 000 quân Mỹ ; cánh bên phải 4 000 quân Nga, 800 quân Pháp ; quân Áo, Ý khoảng mấy chục người, tổng cộng 18 000 người. Quân Đức không giữ được vị trí trọng yếu, tạm không tham gia. Ngày mồng 5, liên quân chiếm Bắc Thương [Thiên Tân], đánh bại quân Tống Khánh, Mã Ngọc Côn, qua một cuộc đại chiến. Ngày mồng 6, chiếm Dương Thôn [Thiên Tân] Tổng đốc Dụ Lộc tự tử. Ngày 9,10 chiếm trấn Hà Tây Vụ [Haxiwu, Thiên Tân] Vũ vệ quân Bang biện Lý Bỉnh Hoành tự tử. Ngày 14, liên quân trên đường tiến vào Bắc Kinh, giải vây cho Sứ quán, tính thời gian bị vây tổng cộng 55 ngày.
Vào năm 1860 quân Tây phương vào chiếm Bắc Kinh trong 18 ngày, mối tai hại chưa quá lớn. Lần này quân số đông, thời gian đến 13 tuần, việc cướp đoạt báo thù giết chóc có hệ thống. Ngày 23/8 quân Đức bắt đầu đến nơi, sau đó hơn một tháng viên Tư lệnh Đức Von Waldersee [Ngoã Đức Tây] đến, cư trú trong Tử Cấm thành, hành vi rất tàn ác. Quân Đức khoảng 20 000, quân Nhật 22 000 ; Nga, Anh quân mỗi nước 20 000 ; quân Pháp 15 000, quân Mỹ 7 000, Ý 2 000, Tỷ Lợi Thì 600, quân Áo 140 ; tổng cộng hơn 100 000. Nghĩa Hoà đoàn và quân Thanh chạy trốn trước, những dân buôn ở lại trở thành đối tượng bị độc hại, chết chất đống không biết bao nhiêu. “ Trên đường thi thể khắp nơi, nhiều quân Thanh đốt lửa tự thiêu, hoặc đóng cửa tự tử ; đại ước trong cấm thành, một trăm nhà thì còn lại không đến mươi nhà ”, đó là lời kể của người Hoa. Riêng người Nhật miêu tả như sau “ Phố xá huỷ hoại khoảng 2 hoặc 3/10, phụ nữ bị người ta làm nhục, liên quân đốc suất quân sĩ càn quét cướp phá. Vàng, bạc, châu ngọc thì không cần phải nói ; ngoài ra sách, tranh vẽ, y phục, xe, ngựa, những vật bán ra tiền đều bị dân, hoặc quân lính lấy. Các nơi trong thành thấy thây đàn ông mặc triều phục, thi thể phụ nữ mặc quần hồng, y phục trong nội cung ”. Người Tây phương cũng chép tương tự ; những bảo vật tại Di Hoà viên, liên quân chuyển vận không ngừng cả tháng đến Thiên Tân.
Liên quân chia Bắc Kinh ra nhiều khu cho mỗi nước chiếm cứ, trong vùng quân Nga chỉ còn lại chó ; vùng Pháp, Ý đóng cảnh tiêu điều như không có bóng người ; vùng Đức chiếm lại càng thảm, các dụng cụ thiên văn từ thời Tu sĩ Matteo Ricci đều bị dọn đi bằng sạch ; trong vùng Anh quốc “ tuy còn có khói bếp, nhưng vẫn tiêu điều ” ; vùng quân Nhật tuy “ vui vẻ đi lại như thường ”, nhưng đã lấy mất số tiền 300 vạn lượng lưu tại bộ Hộ ; vùng Mỹ chiếm thì “ yên ổn như cũ, chợ vẫn mở, lòng người bình tĩnh ”. Biến cố này, người ngoại quốc bị hại khoảng 300, riêng người Trung Quốc chết vì quân ngoại quốc có đến hàng vạn.
Khi liên quân vào thành [14/8/1900] sáng hôm sau, Từ Hy vội vã cùng Quang Tự chạy trốn về phía tây bắc, đến huyện Hoài Lai [Huailai, Hà Bắc] mới hoàn hồn. Bà khóc nói với viên Tri huyện Ngô Vĩnh về hoàn cảnh trải qua, viên này ghi lại một cách sinh động qua quyển sách Canh Tý tây thú túng đàm 2, Từ Hy nói : “ Suốt ngày đi đến mấy trăm lý… không được ăn uống, đã lạnh lại đói… tối hôm qua ta và vua ngồi trên chiếc phản, dựa lưng vào nhau, chờ cho đến sáng ”. Vua Quang Tự tóc bù xù, mặt dơ, y phục không chỉnh, tiều tuỵ đến cực điểm. Trú tại đình Hoài Lai 3 ngày, lại tiếp tục đi về phía tây bắc, qua Tuyên Hoá [Xuanhua, Hà Bắc], Đại Đồng [Datong, Sơn Tây], ngày 10/9 đến Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây], dọc đường hạch sách cung ứng. Lại có tin liên quân sắp đánh Sơn Tây, nên từ Thái Nguyên đi về hướng nam, đến ngày 20/10 đến Tây An [Xian, Thiểm Tây]. Sau đó được các tỉnh phía nam tiếp tế nhiều, khôi phục sinh hoạt hào hoa của bà.
Ngay khi loạn Nghĩa Hoà đoàn bắt đầu xảy ra, nước Mỹ sợ các nước Âu Châu thừa cơ chia cắt Trung Quốc, nên mấy lần cảnh cáo triều đình nhà Thanh. Ngày 2/7, sau khi triều đình Bắc Kinh tuyên chiến, Quốc vụ khanh Mỹ John Hay [Hải Ước Hàn] liên lạc với liệt cường yêu cầu thừa nhận các tỉnh chịu bảo hộ người nước ngoài là đại biểu cho Trung Quốc, để giữ hoà hảo. Các nước cần cứu gấp quan dân ngoại quốc tại Bắc Kinh, tái lập an ninh Trung Quốc, bảo toàn lãnh thổ hoàn chỉnh ; bảo đảm quyền lợi các nước được ghi trong điều ước, bảo hộ nguyên tắc bình đẳng công chính giữa các nước ; đó là điều bổ sung cho chính sách môn hộ khai phóng. Nước Nga tăng lòng dục vọng, về quân sự đơn độc hành động, về ngoại giao thì lợi dụng Lý Hồng Chương. Hoàng đế Wilhelm II von Deutschland đệ nhị nước Đức, với dã tâm lộ liễu, lợi dụng cái chết của viên Công sứ Vonketteler, khuyến khích quân Đức ra sức chém giết ; lại nhắm đề cao thanh vọng quân Đức, để tướng Von Waldersee làm Thống soái liên quân. Nước Anh muốn chế ngự Nga khuếch trương, một mặt liên lạc với Mỹ, Nhật, một mặt thành lập hiệp định với Đức, cả hai đồng ý khai phóng phạm vi thế lực và duy trì nước Trung Quốc hoàn chỉnh ; nhưng các nước này tuy ngồi cùng chiếu, nhưng ôm mộng khác nhau.
Liên quân bất thường hành quân tại Bắc Kinh và Thiên Tân. Tướng Von Waldersee và 2 vạn quân Đức tích cực ra tay ; sau tháng 10 hợp với quân Anh, Pháp, Ý tiến công Bảo Định tại phía tây nam Bắc Kinh, giết viên Án sát Đình Ung ; phía nam và trung tỉnh Trực Lệ cũng chịu cảnh dày xéo. Một cánh quân hướng tây bắc, chiếm Trương Gia Khẩu [Zhangjiakou, Hà Bắc] ; một cánh quân theo hướng đông nam, tiến tới biên giới tỉnh Sơn Đông ; lại còn đạo quân Pháp đánh Sơn Tây, uy hiếp Tây An. Từ tháng 12/1900 cho đến tháng 4/1901, liên quân xuất quân 46 lần, trong đó 35 lần do quân Đức đơn độc hành động. Giáo dân kết thành đội, cướp phá bốn phương, xưng là “ Phụng mệnh phục cừu ”, đây là mệnh của các giáo sĩ ; quan quân tại tỉnh Trực Lệ cũng giúp giáo dân đánh phá.
Nước Nga vốn từ lâu coi miền đông bắc Trung Quốc như vật để trong túi áo, mấy năm trời xây đường, xây cảng, tự tiện trú quân, chiếm đoạt tài sản của dân. Từ khi loạn Nghĩa Hoà đoàn xảy ra, quân Nga hơn 18 vạn chia đường tấn công ; ngày 15/7 chiếm Hải Lan Bào [Haiilanboo, nay thuộc Nga] tỉnh Hắc Long Giang, tiếp đến các vùng Viên Hồn [Heihe, Hắc Long Giang], Hắc Nhĩ Căn [Hắc Long Giang], Hô Luân Bối Nhĩ [Hắc Long Giang], Hô Lan [Hulan, Hắc Long Giang] kế tiếp mất, Tướng quân Hắc Long Giang Thọ Sơn tự tử, vào ngày 30/8 vào chiếm tỉnh thành. Vào ngày 30/7 cánh quân phía đông chiếm Y Lan [Yilan, Hắc Long Giang], một cánh chiếm Hồn Xuân [Hunchung, Cát Lâm], rồi ngày 21/9 chiếm tỉnh thành Cát Lâm. Vào ngày 4/8 lộ phía nam chiếm Doanh Khẩu [Yingkou, Liêu Ninh], kế chiếm Liêu Dương [Liaoyang, Liêu Ninh], rồi đến ngày 2/10 vào tỉnh thành Thẩm Dương [Shangyang, Liêu Ninh]. Chỉ trong vòng 72 ngày, quân Nga chiếm xong Đông Tam Tỉnh 3, đó là lần thứ nhất ba tỉnh đông bắc bị mất.
2. 5. Quân Tự lập và quân cách mệnh Hưng Trung hội
Các Tổng đốc Tuần phủ phía nam chỉ tạm thời không tuân mệnh lệnh của Từ Hy, nhưng vẫn giữ danh phận quân thần. Riêng có hai phái không chịu cùng tồn tại với Từ Hy : thứ nhất, phái bảo hoàng mưu giành quyền cho Quang Tự ; thứ hai, phái cách mệnh, căn bản phủ nhận thống trị của Mãn Thanh.
Vào năm 1897 Tôn Trung Sơn từ Luân Đôn trở lại Nhật Bản. Tôn cho rằng Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cũng có chí cứu nước, trước đây có bàn đến chuyện hợp tác, nay thì kết giao với Lương. Riêng Khang ngang nhiên tự cao, cho Hưng Trung hội của Tôn là đảng cướp, không thèm giao tiếp, Quang Tự sẽ có một ngày trở lại ngôi vua, nên lập kế hoạch khởi binh cần vương. Lương ít thành kiến, có phần động tâm với thuyết của cách mệnh. Người đất Hồ Nam là Đường Tài Thường giao tình rất sâu với Đàm Từ Đồng, thề không đội trời chung với Từ Hy, lúc này cũng đến Nhật Bản, ra vào giao thiệp với Tôn, Lương.
Lúc Từ Hy âm mưu phế lập ; Tôn, Khang, Lương, Đường đều quyết định cử sự. Đường trở về Thượng Hải, Khang đến Tân Gia Ba, Lương đến Honolulu [Đàn Hương Sơn, Mỹ]. Lương cho rằng Tôn có ảnh hưởng tại Honolulu, mong hai người nhất trí hành động. Tôn cũng biết rằng hai người không dễ hợp tác, nhưng cũng muốn lôi kéo Lương vào con đường cách mệnh, bèn giới thiệu Lương. Sau khi Lương đến Honolulu, tuyên bố rằng phái bảo hoàng và cách mệnh tuy tên khác, nhưng thực đồng, tôn chỉ không khác nhau ; chẳng qua mượn bảo hoàng để thi hành cách mệnh. Do đó đại bộ phận hội viên Hưng Trung Hội tại Honolulu chuyển sang theo phái bảo hoàng.
Đường Tài Thường một mặt liên lạc với các phần tử trí thức tại Thượng Hải, một mặt liên lạc với các hội đảng dọc sông Trường Giang, chủ yếu là Ca Lão hội tại Hồ Nam, Hồ Bắc. Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu chú trọng đến Quảng Đông ; Lương chủ trương ám sát Lý Hồng Chương, tiêu trừ trở lực ; tương lai nếu không chiếm được miền bắc thì cũng có căn cứ tại phía nam. Hưng Trung hội cũng chuẩn bị đem toàn lực mưu đồ Quảng Đông, nhưng quan điểm xung đột với phái bảo hoàng. Tháng 3/1900 Lương nói với Khang rằng “ Tôn Trung Sơn hàng ngày bố trí, nếu ta không sớm mưu đồ, Quảng Đông vào tay y, bọn ta không có chỗ để hoạt động ”. Lương viết thư cho Tôn Trung Sơn bảo rằng nếu dùng danh hiệu cần vương, chỉ cần đưa một nửa sức lực mà công gấp bội “ Lật đổ Mãn Thanh để hưng dân chính là ý nghĩa chung, nhưng mượn cần vương để hưng dân chính, là điều nên làm trong thời thế hôm nay ” ; lại khuyên Tôn đừng khinh suất hành động vì sợ Tôn ra tay trước. Đối với Khang Hữu Vi thì khuyên nên xông ra trước, thành bại quyết ra tay lần này ; lại bảo muốn thành đại sự nghiệp không hợp lực được hào kiệt trong thiên hạ không xong.
Đường Tài Thường trước đây từng tổ chức Chính Khí hội tại Thượng Hải, khi loạn Nghĩa Hoà đoàn phát sinh, nhận ra đây là cơ hội ngàn năm một thuở ; nhưng chưa được hội Bảo hoàng toàn lực chi trì. Đường không thể đợi, nên để tiện việc hiệu triệu bèn đổi Chính Khí hội thành Tự Lập hội, để lôi kéo các tỉnh miền nam muốn tự lập. Ngày 26/7/1900, Đường tại Thượng Hải triệu tập “ Trung Quốc nghị hội ” tuyên bố không thừa nhận chính quyền nhà Thanh, liên kết ngoại giao, bình nội loạn, bảo toàn Trung Quốc tự chủ, mở rộng văn minh tiến hoá ; cử Dung Hoằng, Nghiêm Phục làm chánh phó hội trưởng. Người thực tế liên lạc với các hội đảng gồm Lâm Khuê, Tần Đỉnh Di, Thẩm Tẫn ; đặt tên là Tự Lập quân, định ngày nổi dậy tại Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy. Có người chủ trương sau khi khởi nghĩa tuyên bố dân chủ, có người chủ trương lập vua Quang Tự, có người chủ trương ủng hộ Trương Chi Đổng giành độc lập. Tuy nhiên Đường Tài Thường đã từng liên lạc với Trương hay chưa, thì không một ai biết ; nhưng vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, báo Tây dương đăng rằng đảng cách mệnh sẽ nổi dậy trong 4 tỉnh phía nam, nhưng không nói rõ thuộc lực lượng Tôn, hay Đường ; điều này chắc Trương biết rõ. Trương và nước Anh có đính ước tự bảo vệ, Anh không muốn trong vùng lưu vực sông Trường Giang phát sinh biến cố, Ca Lão hội thường có hành động đánh phá giáo hội và nêu khẩu hiệu diệt Tây dương. Cơ quan của Đường tại Hán Khẩu thiết lập nơi tô giới ; Trương được Lãnh sự Anh thông tri rằng Ca Lão hội, Duy Tân đảng cùng với Nghĩa Hoà đoàn tại phương bắc sắp nổi dậy. Vào ngày 9/8/1900 Tự Lập quân cử sự tại Đại Thông [Datong] tỉnh An Huy, không thành ; ngày 21 bọn Đường Tài Thường bị Trương Chi Đổng bắt xử tử ; Tự Lập quân tại Hồ Bắc, Hồ Nam thất bại, trước sau bị giết khoảng 2,3 trăm người. Đúng như lời Lương Khải Siêu nói “ Nếu một lần cử sự thất bại, các lần sau đều khó khăn ” từ đó phái bảo hoàng không có hành động nào tương tự.
Tháng 11/1899, Trịnh Sĩ Lương, Tất Vĩnh Niên thuộc Hưng Trung hội mời thủ lãnh hội đảng thuộc các tỉnh Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, Hồ Nam, Hồ Bắc họp tại Hương Cảng, lập Hưng Hán hội, đưa Tôn Trung Sơn lên làm hội trưởng. Hưng Trung Hội tại Quảng Đông do Trịnh Sĩ Lương, Sử Kiên Như làm lãnh tụ. Tổng đốc Nhật Bản tại Đài Loan hứa khi quân cách mệnh tiến đến Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến] sẽ tiếp tế vũ khí, ý muốn lợi dụng cơ hội này để chiếm Phúc Kiến. Người Nhật tên Cung Kỳ Dần Tàng đến thuyết phục Lý Hồng Chương, khuyên Lý cùng Tôn Văn mưu độc lập nhưng không kết quả. Nghị viên Hương Cảng Hà Khải cũng yêu cầu Tổng đốc Hương Cảng H. A. Blake [Bốc Lực] khuyên Lý, Blake cũng có ý theo, nhưng chính phủ Luân Đôn không cho là đúng ; riêng Lý cũng không có ý thoát ly khỏi triều đình nhà Thanh. Vào tháng 7, Tôn đến Hương Cảng, định vào nội địa lãnh đạo, nhưng không lên bờ được, bèn quay sang Đài Loan để sách ứng. Vào ngày 7/10/1900 Trịnh Sĩ Lương phát động tại vùng phụ cận Huệ Châu [Huizhou, Quảng Đông], tiếp tục đánh phá quân Thanh tại miền duyên hải, quân số đến 2 vạn, tiến đến phía nam tỉnh Phúc Kiến. Không ngờ nội các mới của Nhật Bản, Tổng lý Y Đằng Bác Văn quyết theo chính sách của liệt cường, duy trì triều đình nhà Thanh, không cho phép Tổng đốc Đài Loan viện trợ quân cách mệnh. Quân Trịnh Sĩ Lương đánh trong nửa tháng, rồi bắt buộc phải giải tán. Sử Kiên Như mưu tạc đạn Tổng đốc tào vận Lưỡng Quảng Đức Thọ thất bại, khẳng khái hy sinh năm 21 tuổi. Tự Lập quân và quân cách mệnh Hưng Trung hội thất bại đều liên quan đến thái độ của ngoại quốc.
2.6. Điều ước năm Tân Sửu [1901]
Từ các tháng 6-7/1900, Thịnh Tuyên Hoài, Lưu Khôn Nhất trước sau xin Lý Hồng Chương lãnh chức tiễu trừ loạn Nghĩa Hoà đoàn ; Công sứ Nga cũng khuyên Tổng thự triệu Lý lên phía bắc, do đó có đạo dụ vào ngày 15/6 mệnh Lý cấp tốc lên Bắc Kinh. Lý chủ trương phải bình định nội loạn trước, nếu như được chấp thuận sẽ khởi hành. Sau khi tuyên chiến, các phe lại kế tục thúc dục, Lý cho rằng “ không có khả năng thành sự ” nên từ chối. Ngày 1/7 qua điện phúc đáp Lưu Khôn Nhất, Lý cho rằng Vinh Lộc, Dịch Khuông không vãn hồi được đại cuộc, ông ta không có khả năng gì hơn. Ngày 3/7, Từ Hy thỉnh cầu các nước điều giải, cùng thúc dục Lý lên phía bắc. Ngày 8/7, điều Lý giữ chức Tổng đốc Trực Lệ, Bắc dương đại thần, trả lại nguyên chức quan, Từ Hy đối với Lý vẫn trọng vọng như cũ. Nên ngày 17 rời Quảng Đông ; ngày 21 đến Thượng Hải, lại dừng lại không đi, hoặc muốn nhìn ngó hành động của liên quân. Ngày 8/8, nhân liên quân đã vào đến kinh thành, bèn giao cho Lý Hồng Chương chức Toàn quyền đại thần về nghị hoà. Đến lúc Bắc Kinh thất thủ, Lưu Khôn Nhất gửi 2 điện khẩn yêu cầu Lý lên phía Bắc, điện rằng “ Đại Thanh mất còn, toàn dựa vào ông ” “…Xin ông nghĩ đến 4 triều 4 ân sủng, 2 cung 5 ỷ trọng, đồng liêu suy cử, thiên hạ ngưỡng vọng nhiều, cấp tốc lên phía bắc ”. Ngày 20/8, Từ Hy ban chiếu tự hạch tội, ngày 24 giao cho Lý tiện nghi hành sự ; dụ ngày 8/9 kỳ vọng bức thiết, gia tăng tưởng thưởng, lại nói rằng “ Sự biến ngày hôm nay tội do ta, hối không kịp nữa… Đại thần [Lý] đi lần này không những liên quan đến sự an nguy, mà sự mất còn cũng dựa vào, thay đổi càn khôn, người khác không thể gánh được ”. Khoảng tháng 8, tháng 9, nước Nga biểu thị triệt binh, hy vọng Từ Hy trở về, cuộc nghị hoà sẽ khai mạc ; lại còn Toàn quyền đại thần Dịch Khuông đã đến Bắc Kinh, được Anh và Nhật đối xử tương đối tốt. Vào ngày 14/9 Lý Hồng Chương rời Thượng Hải, ngày 19 đến Thiên Tân ; ngày 11/10 do quân Nga hộ vệ đến Bắc Kinh.
Ý kiến của liên quân không thống nhất, Anh, Mỹ, Nhật cùng một trận tuyến ; Nga, Pháp cùng một trận tuyến ; riêng Đức thì có con đường riêng, lúc tả, lúc hữu. Trước khi đàm phán, liên quân cần điều giải nội bộ, đặc biệt là thái độ đối với nhà Thanh. Nước Nga chi trì Lý Hồng Chương và Từ Hy ; Anh, Đức lúc đầu không thừa nhận tư cách hợp pháp của Lý, tức không thừa nhận chính quyền Từ Hy. Nước Đức chủ trương đem kẻ trọng yếu gây hoạ ra xử trước khi đàm phán, nhưng một trong những kẻ trọng yếu gây hoạ đương nhiên là Từ Hy. Điều này không những Nga, Pháp phản đối, mà Anh, Mỹ, Nhật cũng không tán thành ; vì sợ triều đình nhà Thanh tan vỡ, Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh đại hỗn loạn. Hơn nữa kinh qua cuộc biến này, chứng tỏ tinh thần quốc gia của dân Trung Quốc cao, với đất rộng, dân đông, nếu Trung Quốc thành công trong việc cải cách, xuất hiện một chính quyền có năng lực, thì rất bất lợi cho liệt cường. Biện pháp an toàn nhất là chiếu theo cách cũ duy trì nhà Thanh, một chính quyền không có khả năng, yếu đuối, buộc phải tuân theo ; chính quyền này do liệt cường giám đốc khống chế, mới có thể hưởng thụ những lợi ích đã và sẽ thu hoạch. Robert Hart [Hách Đức], người từng trải qua 40 năm giữ chức quan trọng tại Trung Quốc, ra sức khuyên các nước dùng chính sách khoan hoà, đừng chia cắt Trung quốc hoặc thay đổi chính quyền, rồi sẽ từ từ biến đổi chính sách Trung Quốc đối với nước ngoài có lợi hơn nữa. Chấp nhận nguyên tắc này, liệt cường tiếp tục giao thiệp với chính quyền của Từ Hy.
Quyết định trên cũng còn quan hệ đến các Tổng đốc, Tuần phủ tại phương nam. Trong thời gian Nghĩa Hoà đoàn làm loạn, thành phần đảng mới như Trương Tái, Hà Tự Côn, Trần Tam Lập một mặt khuyên Lưu Khôn Nhất giữ trung lập, một mặt khuyên rước vua Quang Tự xuống phương nam và loại trừ Từ Hy. Lưu bàn mưu với Trương Chi Đổng, nhưng Trương không cho là đúng. Trương cho rằng nếu gặp bất trắc thì vẽ cọp không xong mà lại mang hoạ ; hơn nữa Quang Tự không sẵn sàng xuống phương nam. Huống chi theo giải pháp này thì phải dùng những người thuộc phái Khang Hữu Vi, điều này bọn Lý Hồng Chương, Viên Thế Khải sẽ không chấp thuận. Khi Từ Hy trên đường chạy loạn xuống phương nam, Trương và Lưu khuyên đừng đến Tây An, sớm lo trở về Bắc Kinh ; chứng tỏ Lưu, Trương còn ủng hộ Từ Hy ; liên quân không thể không thận trọng khảo xét.
Ngày 4/10, nước Pháp đề nghị các nước những điểm quan trọng về hoà đàm bao quát nghiêm trừng kẻ đứng đầu gây hoạ, cấm chuyển vận vũ khí, bồi thường, chấp nhận trú quân tại Sứ quán, huỷ pháo đài Đại Cô, bảo đảm giao thông từ kinh đô đến cửa biển. Kinh qua các nước bàn luận bổ sung, hoàn thành đại cương, ngày 22/12 giao cho Lý Hồng Chương, Dịch Khuông, bảo rằng không thể sửa đổi ; ngày 27 chiếu chỉ của Từ Hy chấp thuận. Về vấn đề liên quan đến kẻ đứng đầu gây hoạ, Lý Hồng Chương theo sự khuyến cáo của nước Nga, xin cho triều đình tự làm việc này để chứng tỏ thành tâm. Từ Hy lo lắng bản thân sẽ nằm trong danh sách kẻ đứng đầu gây mối hoạ, nên ngày đêm lo lắng “… mỗi ngày xem điện từ kinh đô đến, thì mừng ít lo nhiều, khiến cho lòng khiếp đảm ” nên chủ tâm đem bọn Tái Kỳ ra trị tội để mong được khoan lượng. Các nước kiên trì phải đem ra xử tử, nếu còn che chở mối hoạ sẽ vào thân. Ngày 21/2/1901 chiếu mệnh đem Tái Kỳ, Tái Lan phát vãng Tân Cương, vĩnh viễn giam cấm ; bọn Tái Huân, Triệu Thư Kiều, Dụ Hiền, Khải Tú bị xử tử ; những người đã chết như Từ Đồng, Cương Nghị, Lý Bỉnh Hoành bị truy đoạt chức quan, triệt tiêu tuất điển 6 ; Đổng Phúc Tường bị cách chức ; các quan tại địa phương có liên quan, bị xử tử hơn 100 người. Tuần phủ tại Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Chiết Giang, Quảng Tây đều bị cách chức.
Bồi khoản là vấn đề thực tế mà các nước chú trọng nhất. Nước Đức đòi 750 000 000 lượng ; Nga, Pháp muốn càng nhiều càng tốt ; Anh, Mỹ, Nhật khuyên nên chú ý đến sức lực Trung Quốc có thể gánh vác được, nên đòi hỏi nhẹ hơn. Robert Hart đề nghị khoảng 300 000 000 lượng ; kết quả chấp nhận 450 000 000 lượng, ước 67 000 000 bảng Anh [Great Britain Pound], tương đương với thu nhập trong 5 năm của Trung Quốc. Số tiền được chia ra như sau : 80 % dành cho chính phủ các nước, số còn lại bồi thường cho tư nhân. Về số tiền bồi thường cho các nước, Nga chiếm 29 %, Đức 20 %, Pháp 16 % kém, Anh 21 % hơn, Nhật 8 % kém, Mỹ 7 % hơn, Ý 6 % kém, Tỷ Lợi Thì 2 % kém ; số còn lại dành cho Áo, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Số tiền bồi thường cho các nước vượt quá phí tổn chiến tranh nhiều ; tiền bồi thường chia trả trong 39 năm, mỗi năm chịu 0,4 % tiền lời.
Phạm vi Sứ quán liệt cường khuyếch trương rộng ra gấp bội, gồm 1 200 mẫu, trong địa phận này người Hoa không được cư trú. Số quân đồn trú hơn 2 000, gồm 400 quân Nhật, 350 quân Nga, 300 quân Đức ; Anh, Pháp, Áo mỗi nước 250, Ý 200, Mỹ 100 ; xây thành đặt pháo, cảnh vệ nghiêm nhặt ; giống như một nước thù địch trong thành Bắc Kinh. Lại còn có 12 địa điểm trú quân từ Bắc Kinh đến bờ biển như : Hoàng Thôn [Bắc Kinh], Lang Phòng [Langfang, Hà Bắc], Dương Thôn [Yangcunxiang, Hà Bắc], Thiên Tân [Tianjin], Quân Lương Thành [Junliangcheng, Thiên Tân], Đường Cô [Tanggu, Hà Bắc], Lô Thai [Lutaizhen, Hà Bắc], Đường Sơn [Tangshan, Hà Bắc], Loan Châu [Luanzhouzhen, Hà Bắc], Xương Lê [Changle, Hà Bắc], Tần Hoàng Đảo [Quinhoangdao, Hà Bắc], Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc].
Ngoài ra phái quan Đại thần đến các nước Đức, Nhật tạ tội ; lập bia, mộ chí cho Công sứ Đức và những nhân viên ngoại quốc khác bị hại ; các nơi từng lăng ngược với ngoại quốc bị cấm thi 5 năm, nếu còn xảy ra thì quan địa phương bị cách chức ngay ; những điều này nhắm gieo tâm lý trong nhân dân lòng phục tùng Tây phương tuyệt đối. Về quân sự nhắm làm suy nhược sức đề kháng, cấm nhập vũ khí đạn dược, trong 2 năm không được nhập các nguyên liệu chế tạo. Về ngoại giao cải Tổng lý nha môn thành bộ Ngoại vụ, đứng đầu 6 bộ.
Đại cương về 12 điều hoà ước, vào ngày 17/12/1900 Từ Hy đã chấp thuận ; sau đó đàm phán về chi tiết thực thi. Ngày 7/9/1901 Lý Hồng Chương và Dịch Khuông cùng 11 nước Đức, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ý, Áo, Tây Ban Nha, Tỷ Lợi Thì, Hà Lan ký kết. Vào ngày 17 liên quân rút ra khỏi Bắc Kinh, ngày 22 rút ra khỏi tỉnh Trực Lệ ; ngoại trừ Thiên Tân trú cho đến 18/7/1902, liên quân tự do diễn tập, quân Hoa không tiến vào vùng phụ cận Thiên Tân trong vòng 20 lý. Chỉ giao hoàn Thiên Tân với điều kiện vệ binh tỉnh Trực Lệ không quá 300 tên, không được trùng tu pháo đài thành trì, các pháo đài Đại Cô, Tần Hoàng, Sơn Hải Quan không được phòng thủ.
Từ Hy đến Tây An, lại quay về với cuộc sống huy hoàng, thuộc hạ như Vinh Lộc thì tham ô, quan viên lại rượu chè thanh sắc ca hát như cũ. Sau khi liên quân rút ra khỏi Bắc Kinh, vào ngày 6/10/1901, Từ Hy từ Tây An hồi loan. Khi ra đi, chạy loạn tay không, nhưng lúc trở về tải đến 3 000 rương hòm. Nơi đi qua cho tu sửa ngự đạo 7, hành doanh 8, phí tổn mỗi dịch trạm đến trên 5 vạn lượng. Dọc đường được tin vào ngày 7/11 Lý Hồng Chương mất, vô cùng chấn hãi. Lý 79 tuổi, thân già nắm trọng trách phải lo nghĩ nhiều, bệnh gan phát nặng, khiến ngoại quốc đã nghĩ đến người thay thế. Tuần phủ Sơn Đông Viên Thế Khải mấy năm vừa qua được liệt cường đánh giá tốt, lại có thực lực, là nhân vật đang được chú ý. Lý Hồng Chương gấp rút ký hoà ước xong, biết rằng không gượng dậy được, giao cho Viên thay thế ; làm Tổng đốc Trực Lệ, kiêm Bắc dương đại thần. Ngày 11/12 Viên Thế Khải điện cáo rằng “ Các nước không có vẻ làm khó, lại mỗi nước một ý kiến, không thể hợp lại để mưu đồ ta ”. Từ Hy an tâm, ngày 14 rời Khai Phong [Kaifeng, Hà Nam]. Ngày 3/1/1902 đáp xe lửa từ Chính Định [Zhengding, Hà Bắc] lên phía bắc, dừng tại Bảo Định [Baoding, Hà Bắc], đến ngày 7 đến kinh đô. Để biểu thị hoà hiếu với ngoại quốc, Từ Hy sai Vinh Lộc gửi thư cảm tạ các nước đã bảo vệ cung thất ; lại sai Quang Tự tiếp kiến Công sứ các nước tại điện Càn Thanh, riêng Từ Hy tiếp kiến Công sứ phu nhân.
Vùng Thiên Tân và Bắc Kinh là nơi Nghĩa Hoà đoàn tập trung, cùng với liên quân trải qua 2 tháng chiến đấu. Sau khi liên quân chiếm đóng, tình hình thay đổi lớn, mọi nhà đều treo cờ trắng, người đi đường cũng treo cờ trắng, trên có ghi “ người dân lương thiện thuộc… xứ sở ”. Có người nhận xét “ Trước kia thì mang đao đòi trả thù, muốn diệt bọn này để làm bữa ăn sáng, nay thì xuống nước nịnh giặc ”. “ Kinh sư cùng các chỗ đô hội, những thông dịch viên, thông sự, danh giá gia tăng, thế lực cực thịnh ; trước kia khoa bảng được ngưỡng mộ, nay thay đổi chạy theo bọn người này ”. Nhưng vẫn không ít dân chúng tiếp tục đề kháng, như dùng tạc đạn huỷ kho thuốc súng, phá đường sắt vv…
Hành động của Nghĩa Hoà đoàn tuy rằng ngu muội, nhưng động cơ thì không thể hoàn toàn mạt sát. Người nước ngoài nhận định rằng : quần chúng Trung Quốc có nhiều tinh thần bồng bột, đất đai lại rộng, khó quốc gia nào có thể cai trị nổi một dân tộc chiếm ¼ dân số thế giới.
 Hồ Bạch Thảo
(nguồn : nghiencuulichsu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét