Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Máy bay tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F

MiG-35 (NATO gọi là Fulcrum-F) là máy bay tiêm kích chiến thuật đa năng thế hệ 4++, 1 và 2 chỗ ngồi do OKB Mikoyan phát triển dựa trên MiG-29.

 
Máy bay tiêm kích là sự phát triển tiếp theo của các máy bay chiến đấu MiG-29К/KUB và MiG-29М/М2 theo hướng nâng cao hiệu quả chiến đấu và tính vạn năng, cũng như cải thiện các tính năng khai thác.

Lịch sử:MiG-35 được OKB Mikoyan phát triển vào đầu những năm 2000 dựa trên khung máy bay MiG-29, có sử dụng trang thiết bị điện tử, động cơ và các hệ thống tối tân khác.

Máy bay thực hiện chuyến bay đầu vào năm 2007, dự kiến sản xuất loạt vào năm 2013-2014.

Đặc điểm:
- Vector lực kéo của động cơ thay đổi;
- Sử dụng vũ khí đa kênh;
- Radar mạng pha chủ động Zhuk-AE.
 

Theo các nguồn tin khác nhau, Nga đã chế tạo 4-10 MiG-35. Dự định, Nga sẽ sản xuất số lượng lớn MiG-35 cho Không quân Nga và xuất khẩu.

Không quân Ấn Độ chưa lựa chọn loại máy bay thắng cuộc trong cuộc thầu MMRCA (ngoài MiG-35 còn có sự tham gia của F-16I Viper, F/A-18 E/F Super Hornet (Mỹ), Rafale (Pháp), Typhoon (châu Âu) và JAS-39 Gripen (Thụy Điển), tuy nhiên gần đây báo chí Ấn Độ đưa tin MiG-35 đã bị loại khỏi cuộc chơi...MiG-35 đang tham gia cuộc thầu MMRCA cung cấp 126 máy bay tiêm kích hạng trung cho Không quân Ấn Độ mà một trong những yêu cầu phải đáp ứng là có radar mạng pha chủ động với tầm phát hiện mục tiêu không dưới 130 km.

Radar thế hệ 5 với anten mạng pha chủ động Zhuk-AE đã đạt cự ly phát hiện mục tiêu 148 km, dự kiến sẽ tăng lên đến 200 km.

Trước khi Zhuk-AE xuất hiện, chỉ có tiêm kích thế hệ 5 F-22 của Mỹ được trang bị radar mạng pha chủ động, còn ở châu Âu radar này vẫn chưa được sản xuất.

Zhuk-AE với anten mạng pha chủ động được hãng Fazotron phát triển từ năm 2000. Nó có thể nhận dạng đến 30 mục tiêu và cho phép tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó. Đơn giá sản xuất loạt radar có thể là 4 triệu USD, trong khi đơn giá radar của Mỹ là 20 triệu USD.

MiG-29 thuộc loại tiêm kích hạng nhẹ, song với trọng lượng cất cánh tối đa của MiG-35 tăng lên đến gần 30 tấn, người ta khó coi đây là tiêm kích hạng nhẹ. Tuy nhiên, trọng lượng của mẫu kế tiếp Su-27 là Su-35BM đến suýt soát 40 tấn khiến cho tương quan giữa tiêm kích hạng nhẹ và hạng nặng vẫn duy trì như cũ.

Trọng lượng cất cánh của MiG-35 tăng là do tăng dự trữ nhiên liệu và tải trọng chiến đấu của máy bay, đồng thời được bù lại bằng các động cơ mạnh hơn có vector lực kéo thay đổi, cho phép MiG-35 thể hiện phẩm chất cơ động tuyệt vời kể cả so với MiG-29 nhẹ hơn.

Ngoài động cơ, MiG-35 khác với MiG-29 ở thiết bị avionics hiện đại hơn, cho phép tác chiến hiệu quả chống cả mục tiêu trên không và mặt đất.

Tính năng kỹ-chiến thuật


Kích thước: chiều cao x chiều dài x sải cánh, m: 4,73 x 17,32 x 11,99

Diện tích cánh, m2: 38,06

Trọng lượng: rỗng/có tải, kg: 11.000 / 17.500

Trọng lượng cất cánh: bình thường / tối đa, kg: 17.500 / 29.700

Động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có buồng tăng lực và vector lực kéo thay đổi: 2 x RD-33MKV.

Lực đẩy của động cơ: 2 x 5.400 kgf

Lực đẩy tối đa (ở chế độ tăng lực) của động cơ: 2 x 9.000kgf

Trần bay, m: 17.500

Tốc độ tối đa ở độ cao nhỏ / lớn, km/h: 1.450 / 2.560 (2,35M)

Quá tải khai thác tối đa, g: 10

Tầm bay không thùng dầu phụ / có thùng dầu phụ , km: 2.000 / 3.100

Trần bay thực tế, m: 18.000

Bán kính hoạt động với tải trọng chiến đấu bình thường, km: 1.000

Tổ lái, người: 1 (MiG-35) và 2 (MiG-35D)

Vũ khí:
- 1 pháo 30 mm GSh-30-1 cơ số đạn 150 viên;

- đến 7 tấn vũ khí treo trên 9 giá treo ngoài (các tên lửa không-đối-không tầm trung R-27, RVV-AE, tầm ngắn R-73…, chống hạm Kh-31A, Kh-35, chống radar Kh-31P; không-đối-diện Kh-25ML, Kh-29T, Kh-29L; rocket; bom có điều khiến bằng laser, truyền hình; bom không điều khiển...

Có thể sử dụng hầu như tất cả các loại vũ khí có điều khiển và không điều khiển lớp không-đối-không và không-đối-diện do Nga phát triển cho máy bay chiến thuật.
  • Nguồn: Rian 2008, 17.9.2009; migavia.ru, wikipedia.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét