Chiến tranh Xô–Đức 1941–1945 là cuộc chiến giữa Liên Xô và Đức Quốc Xã thời Chiến tranh thế giới thứ hai, trải dài khắp Bắc, Nam và Đông Âu từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 khi Quân đội Đức Quốc Xã (Wehrmacht) theo lệnh Adolf Hitler xoá bỏ hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Liên Xô-Đức và bất ngờ tấn công Liên bang Xô Viết tới ngày 9 tháng 5 năm 1945 khi đại diện Đức Quốc Xã ký kết biên bản đầu hàng không điều kiện Quân đội Xô Viết và các lực lượng của Liên minh chống Phát xít sau khi Quân đội Xô Viết đánh chiếm thủ đô Đức Berlin. Nó đã được biết đến bởi rất nhiều cái tên khác nhau tùy thuộc vào các quốc gia, phía Liên Xô gọi nó là Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Phía Đức có các đồng minh phe Trục ở châu Âu là Romania, Hungary, Phát xít Ý, Slovakia,Croatia, Phần Lan. Về phía Liên Xô, về sau họ đã cho thành lập quân đội các nước Ba Lan, Tiệp Khắc bên phía mình để chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia này và làm nòng cốt xây dựng quân đội các quốc gia này sau chiến thắng. Vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, khi quân đội Xô Viết tiến vào Romania, Hungary, các nước này đã quay sang chống lại Đức Quốc Xã và gia nhập Liên minh chống Phát xít.
Mặt trận này đã được đặc trưng bởi sự tàn khốc chưa từng thấy, sự hủy diệt quy mô lớn, và những tổn thất nhân mạng to lớn do chiến tranh, nạn đói, bệnh tật và cả những cuộc thảm sát. Đây cũng là nơi tập trung phần lớn các trại tập trung, các cuộc hành quân chết, các khu Do Thái, và những cuộc tàn sát, là trung tâm của cuộc Đại đồ sát người Do Thái. Trong tổng số người chết ước tính khoảng 70 triệu của Chiến tranh thế giới thứ hai thì trên 30 triệu người, trong đó có nhiều dân thường, đã chết tại mặt trận này. Cuộc chiến này có ý nghĩa quyết định đối với kết quả của chiến tranh thế giới thứ hai và là nguyên nhân chính cho sự thất bại của Đức và việc tiêu diệt nước Đức quốc xã. Sau chiến tranh, Liên bang Xô viết trỗi dậy trở thành một siêu cường quân sự và công nghiệp, còn toàn bộ cùng Đông Âu rơi vào khu vực kiểm soát của nước này và nước Đức bị phân đôi thành Cộng hoà Dân chủ Đức và Cộng hoà Liên bang Đức.
Hai cường quốc tham chiến chủ yếu là phát xít Đức và Liên Xô. Mặc dù không tham chiến tại đây, nhưng Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã viện trợ một khối lượng lớn về tài chính và vật chất hỗ trợ cho Liên Xô trong các giai đoạn sau của cuộc chiến. Cuộc chiến tranh tiếp diễn giữa Liên Xô và Phần Lan có thể coi là sườn phía bắc của mặt trận này. Ngoài ra, các hoạt động phối hợp của Đức-Phần Lan qua biên giới phía bắc Phần Lan-Liên Xô và tại khu vực Murmansk cũng được coi là một phần của Chiến tranh Xô-Đức.
Tư tưởng của Đức
Adolf Hitler đã lập luận trong cuốn tự truyện Mein Kampf cho sự cần thiết của "không gian sinh tồn", xác nhập lãnh thổ mới để tạo thuộc địa của Đức ở Đông Âu. Ông dự kiến giải quyết việc đó như là một cuộc chạy đua tổng thể, bằng cách tiêu diệt hoặc trục xuất hầu hết các cư dân tới Siberia và sử dụng phần còn lại là lao động nô lệ. Đối với một số nhà lãnh đạo Đức Quốc xã khác (như Himmler) thì cuộc chiến với Liên Xô là một cuộc đấu tranh của xã hội quốc gia chống cộng sảnvà của chủng tộc Aryan chống lại tộc Slav hạ đẳng. Hitler gọi nó trong một điều kiện duy nhất, gọi đó là một "cuộc chiến tranh hủy diệt". Trong Kế hoạch tổng thể phương Đông (Generalplan Ost) được Hitler phê duyệt ngày 25 tháng 5 năm 1940, dân số của Đông Âu và Liên Xô bị chiếm đóng sẽ một phần bị trục xuất sang Tây Siberia, một phần làm nô lệ và cuối cùng là bị tiêu diệt; vùng lãnh thổ chinh phục được là thuộc địa của Đức hoặc khu định cư của người Đức. Ngoài ra, Đức quốc xã cũng tìm cách để quét sạch lượng lớn dân số người Do Thái của Đông Âu như là một phần của chương trình phát xít nhằm tiêu diệt tất cả người Do Thái ở châu Âu.
Sau thành công ban đầu của Đức ở trận Kiev, Adolf Hitler đã nhìn thấy Liên Xô có nền quân sự yếu kém và chín muồi cho cuộc chinh phục ngay lập tức. Ngày 3 tháng 10 năm 1941, ông tuyên bố: "Chúng ta chỉ cần đá vào cửa và toàn bộ cái cấu trúc mục nát đó sẽ sụp đổ". Như vậy, Đức đã mong đợi một cuộc tấn công kiểu Blitzkrieg ngắn và đã không chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc chiến tranh kéo dài. Tuy nhiên, sau chiến thắng quyết định của Liên Xô tại trận Stalingrad và kết quả tình hình quân sự thảm khốc của Đức, Hitler và bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã đã tuyên bố cuộc chiến tranh là cuộc phòng thủ nước Đức thuộc văn minh phương Tây chống lại sự phá hoại của "đám người Bolshevik" đông đảo đang vào châu Âu.
Ý thức hệ Xô Viết
Nhà nước Xô viết, đứng đầu là Joseph Stalin, lập kế hoạch mở rộng hệ tư tưởng của họ (chủ nghĩa Mác-Lênin) và thúc đẩy sự tiến bộ của cách mạng Cộng sản trên thế giới. Trong thực tế, Stalin không tôn trọng toàn bộ giáo lý chủ nghĩa xã hội của Lenin khi ông xóa bỏ chính sách kinh tế mới của Lenin, đưa nền kinh tế chuyển sang chính sách kế hoạch hóa tập trung và sử dụng nó để biện minh cho sự lớn mạnh về công nghiệp của Liên Xô trong thập niên 1930. Phát xít Đức, những người định vị mình như là một hệ thống chống Cộng sản thống nhất, và chính thức hóa vị trí này bằng cách ký vào Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản, với Nhật Bản và Italy là một tư tưởng tương phản tuyệt đối trực tiếp với học thuyết Xô Viết. Những căng thẳng về ý thức hệ này đã chuyển đổi thành cuộc chiến ủy quyền giữa Đức Quốc xã và Liên Xô , khi vào năm 1936, Đức và Phát xít Ý can thiệp vào cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, hỗ trợ phe Quốc gia Tây Ban Nha của Franco, trong khi Liên Xô hỗ trợ những người cộng sản và xã hội chủ nghĩa, được dẫn đầu bởi Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha.
Việc sáp nhập Áo và thôn tính Tiệp Khắc của Đức đã chứng minh không thể nào để thiết lập hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Maxim Litvinov. Điều này, cũng như sự thất bại của Xô viết trong việc thuyết phục Anh và Pháp ký một liên minh chính trị và quân sự chống Đức đã dẫn đến ký kết Hiệp ước Xô-Đức vào cuối tháng 8, năm 1939 . Hiệp ước này dẫn đến một sự biến đổi mạnh mẽ về tuyên truyền của Liên Xô. Đức Quốc xã không được mô tả như là kẻ thù không đội trời chung nữa, và các phương tiện truyền thông của Liên bang Xô viết mô tả Đức là trung lập, đổ lỗi cho Ba Lan, Anh và Pháp cho sự bắt đầu của cuộc chiến. Tuy nhiên, sau khi Đức tấn công thì chính phủ Xô viết đã chuyển hoàn toàn sang việc khuyến khích cho việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.
Hiệp Ước Molotov – Ribbentrop
Năm 1938, ngay trước Thế chiến thứ hai, Liên Xô đã đề nghị lập liên minh chống phát xít với Anh-Pháp và sẵn sàng chuyển 120 sư đoàn bộ binh (mỗi sư đoàn có 10.000 quân), 16 sư đoàn pháo binh, 5.000 pháo hạng nặng, 9.500 xe tăng và khoảng 5.500 máy bay đến biên giới Đức để kiềm chế Hitler; nhưng phái đoàn Anh và Pháp đã không đáp lại đề nghị này.
Ngày 23 tháng 9 năm 1938, Anh và Pháp kí Hiệp ước München, thỏa thuận cắt một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc cho Đức. Nhờ vậy, Đức dễ dàng tiến mạnh sang phía đông, chiếm thêm nhiều vùng trù phú. Như một hệ quả, Liên Xô phải tìm cách hòa hoãn với Đức. Trong vòng 1 năm, tới tháng 8 năm 1939, mối quan hệ Liên Xô – Đức đã có sự thay đổi sâu sắc: từ quan hệ thù địch về tư tưởng và quyền lợi, hai nước liên tiếp ký kết các hiệp ước thương mại, hiệp ước hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau. Trong mối quan hệ an ninh quốc phòng hai nước ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau và biên bản bí mật phân chia khu vực ảnh hưởng giữa Đức và Liên Xô trên lãnh thổ các quốc gia khác. Xa hơn nữa, hai bên đang tiến hành tham khảo để Liên Xô gia nhập khối liên minh Đức – Ý – Nhật
Mối quan hệ hữu hảo toàn diện Liên Xô – Đức không phải là mối quan hệ của các quốc gia đồng minh có chung quyền lợi chiến lược lâu dài mà chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau nhất thời giữa các kẻ thù. Đức muốn rảnh tay ở phía đông để dồn quân tấn công Pháp, tránh phải chiến đấu trên hai mặt trận. Còn Liên Xô muốn tranh thủ hòa hoãn để có thêm thời gian củng cố quân đội và công nghiệp quốc phòng.
Quan hệ hữu hảo toàn diện Đức – Liên Xô đảm bảo cho Đức không phải chiến đấu trên hai mặt trận trong chiến tranh thế giới mà Hitler đang trù tính và sẽ sắp xảy ra, đồng thời phía Đức sẽ có nguồn nhập khẩu các nguyên liệu chiến lược từ phía Liên Xô mà không sợ vòng vây trên biển của khối Anh – Pháp phong toả, ngoài ra Đức còn được phía Liên Xô cung cấp các cơ sở cầu cảng, hậu cần, sửa chữa cho hạm đội tàu ngầm Đức tại các căn cứ hải quân Xô viết gần Biển Bắc trong chiến tranh Đại Tây Dương phong toả nước Anh. Các cơ quan mật vụ an ninh của hai nước cũng hợp tác trong việc cung cấp thông tin, dẫn độ các những người cộng sản Đức chống phát xít và các phần tử kháng chiến Ba Lan giao cho mật vụ Sicherheitsdienst (SD) của Đức: đến tháng 6 năm 1941 phía Liên Xô đã giao cho Đức khoảng 4.000 người trong đó có các đảng viên Đảng Cộng sản Đức cùng thân nhân của họ, về phía mình mật vụ SD cũng giao cho phía Liên Xô những người mà NKVD tìm kiếm...
Phía Liên Xô bằng cách ký kết hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau và biên bản bí mật đã không gặp trở ngại nào trong việc sát nhập các vùng lãnh thổ Ba Lan, các quốc gia Baltic, Phần Lan, Bessarabia. Nước này đồng thời muốn đẩy mũi nhọn chiến tranh của Đức hướng sang chống khối liên minh Anh – Pháp. Liên Xô cũng đặt hàng và được phía Đức cung cấp cả các hệ vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại để hiện đại hoá hải, lục, không quân của mình.
Sĩ quan Hồng quân và Đức trò chuyện trên đất Ba Lan
Theo đúng tinh thần của biên bản bí mật, ngay sau khi Đức tấn công Ba Lan gây chiến tranh thế giới (1 tháng 9năm 1939), Quân đội Xô Viết kéo vào Ba Lan chiếm lại Tây Belarus, Tây Ukraina (vùng lãnh thổ mà họ đã phải cắt cho Ba Lan sau cuộc chiến năm 1921), chiếm Bessarabia của Romania lập nên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Moldavia (ngày nay là Moldova). Năm 1940, Liên Xô sát nhập ba quốc gia vùng Biển Baltic: Estonia,Latvia, Litva lập nên ba nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa vùng Baltic và gây chiến tranh chống Phần Lanchiếm dải đất Karelia lập nên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Karelia...
Thực chất của cuộc chơi chính trị – ngoại giao này được thể hiện rõ qua Adolf Hitler: Hitler không bao giờ từ bỏ lập trường nguyên tắc của mình và luôn coi việc "giải quyết vấn đề người Slav" là mục đích số một của đời mình (sách Mein Kampf). Khi ký kết hiệp ước với Stalin, Hitler đã đạt được hai mục đích: một mặt đã phân hoá được các địch thủ Anh, Pháp, Liên Xô để tránh được việc phải chiến đấu trên hai mặt trận và đã đảm bảo thắng lợi trên chiến trường Ba Lan và châu Âu trong hai năm 1939 và 1940. Mặt khác những hiệp định này đã giúp cho Stalin rằng sẽ tránh được nguy cơ chiến tranh nổ ra sớm với Đức, và sau này yếu tố bất ngờ đã có vai trò rất lớn trong giai đoạn đầu thắng lợi của quân đội Đức trong chiến tranh Xô – Đức. Tất cả những nhượng bộ và giúp đỡ của phía Đức cho Liên Xô theo tính toán của Hitler chỉ là tạm thời và sẽ bị vô hiệu hoá khi chiến tranh chống Liên Xô bắt đầu và các toan tính này của Hitler đã thành công. Một ngày trước khi kí hiệp ước Xô-Đức, ngày 22 tháng 8 năm 1939 Hitler đã nói với các tướng lãnh Đức rằng:"Chúng ta sẽ đập nát Liên Xô. Kỷ nguyên thống trị của nước Đức trên Trái Đất sẽ bắt đầu!".
Về phía Stalin và ban lãnh đạo Liên Xô, họ không bao giờ tin tưởng vào sự thành thật của Hitler nhưng đã bị đánh lạc hướng. Họ biết chiến tranh với Đức sẽ nổ ra nhưng cho rằng không thể sớm hơn năm 1942. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng cảnh báo trước cho Stalin biết về việc Đức sẽ tấn công Liên Xô, Stalin chỉ nói ngắn gọn: "Tôi không cần lời cảnh báo nào cả. Tôi biết chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng tôi tin sẽ có thể làm nó chậm lại nửa năm nữa"
Sau những yếu kém rất rõ rệt của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan và sự thể hiện sức mạnh ghê gớm của quân đội Đức trong các chiến thắng tại chiến trường châu Âu, Stalin không muốn Liên Xô phải đương đầu với cuộc tấn công của Đức khi chưa có đủ thời gian chuẩn bị. Stalin trừng trị nghiêm khắc những người cảnh báo về khả năng Đức tấn công, tránh mọi hành động để có thể bị coi là khiêu khích Đức, không cho phép quân đội áp dụng các biện pháp dự phòng và sẵn sàng chiến đấu... Trong cuộc chơi "hữu nghị" với Hitler, Stalin đã thất bại và bị qua mặt. Sự thất bại và thiệt hại to lớn, nguy cơ mất nước nhãn tiền của Liên Xô trong giai đoạn thất trận năm 1941 có trách nhiệm rất lớn của cá nhân Stalin không chỉ vì đã để đất nước bị bất ngờ, mà còn cả vì những những "lý luận quân sự vô sản" mang nặng tính độc đoán, chủ quan của ông cùng sự loại bỏ một số lớn sĩ quan của Hồng quân trong cuộc thanh lọc chính trị ngay trước chiến tranh mà Stalin chủ xướng.
Nhưng ở một khía cạnh khác, việc đự đoán thời điểm Đức tấn công là không dễ, nếu đổ lỗi cho Stalin và ban lãnh đạo của ông cũng là không công bằng. Trong cuộc đấu này, Đức là bên chủ động, còn Liên Xô là bên bị động. Trước chiến tranh, Đức liên tiếp tung ra những tin tình báo giả, vô số những thời hạn tấn công đã được "hoạch định" rồi cố tình để lộ ra, làm nhiễu loạn tình báo Liên Xô. Mặt khác, tình báo Anh cũng tung ra những tin tức tương tự nhằm mong Liên Xô sẽ khai chiến với Đức. Nếu Stalin tin theo những dự đoán đó mà manh động thì không chỉ lãng phí thời gian chuẩn bị chiến tranh và huấn luyện quân đội, mà còn có thể khiến chiến tranh nổ ra sớm hơn. Trong Thế chiến thứ nhất, khi Nga hoàng ra lệnh tổng động viên, Đức đã ngay lập tức tuyên chiến với Nga, và Stalin không muốn điều đó lặp lại.
Quan trọng hơn, trong giai đoạn 2 năm hòa hoãn có được, Stalin và ban lãnh đạo Liên Xô cũng đã làm được nhiều việc, gây dựng nền móng to lớn cho quân đội Xô viết. Công nghiệp quốc phòng của Liên Xô có bước phát triển lớn. Kể từ 1-1-1939 tới 22-6-1941, Hồng quân đã được trang bị hơn 7.000 xe tăngvà nếu chỉ tính riêng năm 1941 thì đã được cung cấp gần 5.500 xe, 29.637 pháo dã chiến, 52.407 súng cối. Cuối năm 1940, sản xuất máy bay Liên Xô đã tăng 70%.. Quân số Hồng quân tăng 2,3 lần; pháo và súng cối tăng 2,1 lần; máy bay chiến đấu tăng 2,4 lần. Nhờ những bước tiến to lớn này, Hồng quân đã trụ vững được trước đòn tấn công mạnh mẽ nhất của Đức, thay vì sụp đổ hoàn toàn như Ba Lan hay Pháp trước đó.
Diễn biến
Các giai đoạn chính
Trong khi các nhà sử học Đức không áp dụng bất kỳ sự chỉ định cụ thể cho các diễn biến tại Mặt trận phía đông, tất cả các sử gia Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện tại) chia cuộc chiến tranh chống Đức của họ thành ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu của Thế chiến thứ hai từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 đến ngày 18 tháng 11 năm 1942, bao gồm:
- Chiến dịch Hè-Thu 1941 : 22 tháng 6 - 4 tháng 12 năm 1941.
- Chiến dịch Mùa đông 1941-1942 : 5 tháng 12 năm 1941 - 30 tháng 4 năm 1942.
- Chiến dịch Hè-Thu 1942 : 1 tháng 5 - 18 tháng 11 năm 1942.
Giai đoạn hai của Thế chiến thứ hai : từ ngày 19 tháng 11 năm 1942 đến ngày 31 tháng 12 năm 1943, bao gồm:
- Chiến dịch Mùa đông 1942-1943 : 19 tháng 11 năm 1942 - 3 tháng 3 năm 1943.
- Chiến dịch Hè-Thu 1943 : 1 tháng 7 - 31 tháng 12 năm 1943.
Giai đoạn ba của Thế chiến thứ hai: : từ ngày 1 tháng 1 năm 1944 đến ngày 9 tháng 5 năm 1945, bao gồm:
- Chiến dịch Đông-Xuân 1944 : 1 tháng 1 - 31 tháng 5 năm 1944.
- Chiến dịch Hè-Thu 1944 : 1 tháng 6 - 31 tháng 12 năm 1944.
- Chiến dịch tại châu Âu năm 1945 1 tháng 1 - 9 tháng 5 năm 1945.
Kế hoạch Barbarossa của Đức
Bản đồ ý đồ chiến lược của kế hoạch Barbarossa
Trong tháng 5 năm 1941 quân đội Đức đã triển khai xong đội hình tấn công với 3-5 triệu quân trên tổng số 7,2 triệu quân nhân đang tại ngũ theo đúng kế hoạch Barbarossa do Adolf Hitler phê duyệt từ18 tháng 12 năm 1940. Để thực hiện kế hoạch Barbarossa, nước Đức đã huy động 3/4 quân đội Đức cùng với quân đội nhiều nước đồng minh với Đức tại Châu Âu, chỉ để lại 1/4 quân số và phương tiện tại Tây Âu và Bắc Phi
Tính đến ngày 21 tháng 6 năm 1941, Quân đội phát xít Đức và đồng minh phe Trục (gồm Phần Lan, Ý, Hungary, România, Croatia, Slovakia và quân Tây Ban Nha của Franco) bao gồm 190 sư đoàn trong đó có 152 sư đoàn Đức, 38 sư đoàn các nước đồng minh với tổng quân số 5,3 triệu người, tập trung dọc theo hơn 2.900 km biên giới (1800 dặm) từ bờ biển Baltic phía bắc đến bờ biển Đen phía nam. Lực lượng Đức và đồng minh bố trí từ phía bắc xuống phía nam theo 4 cụm lực lượng như sau:
- Cụm tập đoàn quân Phần Lan – Na Uy: bố trí tại Phần Lan bao gồm tập đoàn quân "Na Uy" của Đức và 2 tập đoàn quân "Karelia" và "Đông nam" của Phần Lan. Tổng cộng cánh quân này có 21 sư đoàn và 3 lữ đoàn Đức và Phần Lan được yểm trợ bằng hạm đội không quân số 5 của Đức và không quân Phần Lan. Đối đầu với cụm Phần Lan – Na Uy là quân khu Karelia của Liên Xô sau đổi thành phương diện quân Karelia và phương diện quân "Bắc" sau đổi thành phương diện quân Leningrad. Nhiệm vụ của cụm quân Phần Lan – Na Uy này là phòng thủ Phần Lan vàNa Uy, phối hợp cùng cụm "Bắc" của Đức tấn công thành phố Leningrad từ hướng bắc, tấn công vào vùng cực chiếm Murmansk căn cứ chính của Hạm đội Biển Bắc của Liên Xô và sau đó chiếm thành phố lớn nhất vùng cực là Arkhangelsk.
- Cụm tập đoàn quân "Bắc" của Đức: Thống chế tư lệnh Wilhelm Ritter von Leeb bố trí tại Đông Phổ gồm 2 tập đoàn quân số 16, 18 và tập đoàn quân xe tăng số 4 tổng cộng 29 sư đoàn với sự yểm trợ của hạm đội không quân số 1 của Đức, có nhiệm vụ tấn công chiếm các nước cộng hoà Xô Viết vùng Baltic, chiếm các cảng tại vùng biển Baltic tiêu diệt các căn cứ của hạm đội Baltic của Liên Xô, chiếm các thành phố Pskov, Novgorod và cuối cùng mục tiêu quan trọng nhất là chiếm Leningrad, Kronstadt. Sau khi chiếm xong Leningrad hợp quân cùng quân đội Phần Lan đánh xuống phía nam phối hợp cùng cụm tập đoàn quân "Trung tâm" chiếm thủ đô Moskva. Đối chọi với cụm quân Bắc là quân khu đặc biệt Pribaltic của Liên Xô sau đổi thành phương diện quân tây bắc với lực lượng là 25 sư đoàn Xô viết trong đó có 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn bộ binh cơ giới dưới sự chỉ huy của tư lệnh Thượng tướng Fedor Isidorovich Kuznetsov.
- Cụm tập đoàn quân "Trung tâm" mạnh nhất của Đức của Thống chế tư lệnh Fedor von Bock: bố trí tại miền trung Ba Lan bao gồm tập đoàn quân số 4 và số 9, tập đoàn quân xe tăng số 2 và 3 tổng cộng 50 sư đoàn (trong đó có 15 sư đoàn xe tăng) và 2 lữ đoàn với sự yểm trợ của hạm đội không quân số 2. Cụm quân này có vai trò quan trọng nhất trong chiến tranh chớp nhoáng theo kế hoạch Barbarossa: đánh chia cắt bao vây khối quân Xô Viết tạiBelarus, chiếm Belarus, phát triển tấn công theo hướng Moskva, chiếm thủ đô Xô Viết. Đối đầu với cụm "Trung tâm" là quân khu đặc biệt "Tây" sau đổi thành phương diện quân "Tây" của Liên Xô, tư lệnh: đại tướng Dmitri Grigorievich Pavlov gồm 24 sư đoàn bộ binh, 12 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn cơ giới và 2 sư đoàn kỵ binh.
- Cụm tập đoàn quân "Nam" của Đức: tư lệnh Gerd von Rundstedt bố trí tại nam Ba Lan và România phát triển tấn công theo hướng Kiev chiếm Ukrainatiêu diệt khối chủ lực Xô viết tại bờ phải sông Dnepr và phối hợp với quân Romania phát triển tấn công theo bờ Biển Đen chiếm thành phố cảng lớnOdessa, chiếm bán đảo Crimea và Sevastopol căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen Xô Viết. Cụm "Nam" gồm 3 tập đoàn quân số 6, 11 và 17, tập đoàn quân xe tăng số 1 của Đức cùng 2 tập đoàn quân số 3, 4 của Romania tổng cộng 41 sư đoàn và 13 lữ đoàn (trong đó có 9 sư đoàn xe tăng)với sự yểm trợ của hạm đội không quân số 4 và không quân Romania. Đối chọi với cụm quân "Nam" là quân khu đặc biệt Kiev sau đổi thành phương diện quân "tây nam" của Liên Xô (tư lệnh thượng tướng Mikhail Petrovich Kirponos) với 32 sư đoàn bộ binh, 16 sư đoàn xe tăng, 8 sư đoàn cơ giới, 2 sư đoàn kỵ binh, và quân khu đặc biệt Odessa sau đổi thành tập đoàn quân duyên hải (tư lệnh Trung tướng Yakovlev Timofeevich cherevichenko) với 13 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới và 3 sư đoàn kỵ binh.
Nhiệm vụ đặt ra của quân Đức trong chiến tranh chớp nhoáng là trong năm 1941 bằng các đòn đánh mãnh liệt phải bao vây và tiêu diệt các khối quân chủ lực Xô Viết đối đầu không cho rút sâu vào nước Nga. Đến trước mùa đông năm 1941 quân đội Đức phải tiến đến được tuyến Arkhangensk – Volga –Astrakhan, và hoàn tất việc đánh bại Liên Xô sau 4 tháng.
Tổng cộng phía Đức và đồng minh có khoảng 5 triệu lính và sĩ quan, tính cả thê đội tấn công và dự bị có khoảng 190 sư đoàn, 5.000 xe tăng (trong đó có hơn 3.000 chiếc xe hạng trung Panzer T-IV), 4.950 máy bay. Lực lượng này tập trung dọc theo hơn 2.900 km biên giới (1800 dặm) từ bờ biển Baltic phía bắc đến bờ biển Đen phía nam. Khối tấn công mạnh nhất của Đức là cụm tập đoàn quân "Trung tâm" là cụm gần Moskva nhất, điều này thể hiện quan điểm đánh nhanh thắng nhanh của phía Đức.
Vào thời điểm này, Hồng quân Liên Xô có 230 sư đoàn tổng cộng Hồng quân có 5.774.000 binh sĩ, 117.600 pháo và súng cối, 25.700 xe tăng và xe thiết giáp (95% là xe tăng hạng nhẹ) và 18.700 máy bay các loại. Tuy nhiên, lực lượng này đóng quân rải khắp lãnh thổ bao la của Liên Xô, chỉ có khoảng một nửa đóng quân ở phía Tây để đối chọi với Đức. Khối các quân khu Xô Viết dọc biên giới phía tây có tất cả 170 sư đoàn (tại phần lãnh thổ Châu Âu có 149 sư đoàn) và 2 lữ đoàn, khoảng 3 triệu quân (không tính các đơn vị đóng trong lãnh thổ Liên Xô).
Các sư đoàn bộ binh Liên Xô chưa được bổ sung đầy đủ về quân số và trang bị. Các đơn vị thiết giáp có số lượng xe rất lớn, nhưng phần lớn đang trong giai đoạn xây dựng. Về chất lượng, chỉ có 1.800 xe tăng hạng nặng và hạng trung (trong đó có 1475 xe tăng kiểu mới T-34 và KV) là có thể đối chọi với 3.000 xe tăng hạng trung Panzer IV) của Đức. Lực lượng pháo binh của các quân khu phía tây có 34.695 pháo và cối (không kể cối 50 mm), nhưng rất thiếu xe kéo pháo và xe chở đạn. Lực lượng không quân của các quân khu phía tây lúc này có 1.540 máy bay kiểu mới và một số lớn máy bay kiểu cũ chỉ còn lại số giờ bay rất ít. Kế hoạch xây dựng lại lực lượng không quân: trang bị máy bay mới, hoàn thiện mạng sân bay, cải tiến hệ thống hậu cần đang trong quá trình tiến hành.
Bộ phận mạnh nhất của lực lượng Xô Viết ở khu vực biên giới phía tây là phương diện quân tây nam đóng tại Ukraina điều này thể hiện quan điểm của Liên Xô cho rằng nếu chiến tranh nổ ra đối phương trước tiên sẽ phải đánh chiếm những vùng quan trọng sống còn về kinh tế. Và kết quả là phương diện quân "Tây" tương đối yếu của Xô Viết tại Belarus đã gặp phải lực lượng chủ lực tấn công mạnh nhất của Đức và thảm bại vì đã bị các mũi xe tăng Đức áp đảo, chia cắt, bao vây, tiêu diệt lớn, mở toang cửa ngõ cho quân Đức đi vào trung tâm nước Nga thẳng tiến đến thủ đô Moskva.
Chiến sự năm 1941
Lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 không quân Đức đồng loạt tấn công các thành phố, doanh trại, căn cứ quân sự trong tầm từ biên giới Liên Xô đến sâu 300 km trong nội địa. Chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh của Đức bắt đầu. Ngay trong các giờ đầu tiên của các đợt tấn công bất ngờ hơn 1.200 máy bay chiến đấu Xô Viết đã bị phá huỷ ngay trên sân bay mà chưa kịp cất cánh, không quân Xô Viết gần như tê liệt, phía Đức đã làm chủ tuyệt đối bầu trời. Sau các đợt tấn công bằng không quân và pháo binh, các mũi xe tăng Đức tấn công mãnh liệt chia cắt các đơn vị Xô Viết. Chiến sự diễn ra trên mặt trận rộng lớn từ Biển Bắc đến Biển Đen.
Quân dự bị động viên của Liên Xô tiến ra mặt trận. Bảng trên cây bên trái ảnh có gi dòng chữ: "Chiến thắng hay là chết"(Ảnh của RIA NOVOSSTI)
Tại cánh bắc chiến trường Xô – Đức: khu vực biển Baltic cụm tập đoàn quân Bắc của Đức tấn công ồ ạt. Tại đây phương diện quân tây bắc của Liên Xô rối loạn, phương diện quân này bao gồm 3 tập đoàn quân số 8, 11 và 27. Do cụm tập đoàn quân Bắc chỉ có 1 tập đoàn quân xe tăng số 4 cùng với 2 tập đoàn quân bộ binh 16 và 18, nên quân Đức không thể tổ chức bao vây tiêu diệt gọn các tập đoàn quân số 8 và 11 của Liên Xô. Tập đoàn quân số 8 Xô Viết dùng quân đoàn xe tăng số 12 phản kích nhưng bị đánh tách khỏi khối lực lượng Xô Viết còn lại, bị dồn ép rút lui qua Litva, Latvia về phía biên giới Estonia và cuối cùng bị ép ra biển gần Tallinn thủ đô của Estonia. Thành phố Tallinn khi đó là căn cứ chính của hạm đội Baltic sắp mất. Hạm đội Baltic của Liên Xô phải vội vã di tản về Kronstadt thuộc Leningrad mang theo cả tập đoàn quân 8 về phòng thủ thành phố này. Toàn bộ các nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Baltic đã rơi vào tay quân Đức. Phương diện quân tây bắc bị giải thể, tập đoàn quân 11 Xô Viết may mắn không bị bao vây, bị đánh lui về phía Staraia Russa và cùng với tập đoàn quân 27 đã rút lui từ trước cầm cự tại đây đồng thời kết hợp cùng phương diện quân Tây phản kích để kìm hãm đà tiến công của địch và lùi dần về phía Leningrad. Và cuối cùng cụm tập đoàn quân Bắc của Đức chiếm đầu mối đường sắt Tikhvin, quân Đức tiến đến bờ nam hồ Ladoga cắt rời Leningrad khỏi miền đất còn lại. Hồng quân bị ép chặt về vành đai tử thủ cuối cùng sát thành phố.
Leningrad, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, công nghiệp, thành phố lớn thứ hai của Liên Xô đã bị cô lập hoàn toàn và tưởng như không thể giữ nổi: phía bắc là quân Phần Lan, phía nam là quân Đức, phía tây là biển Baltic, phía đông là hồ lớn Ladoga, nhưng với sự kháng cự kiên cường, anh dũng quyết tâm bảo vệ Leningrad của quân đội Xô Viết cùng Hạm đội Baltic, liên quân Đức – Phần Lan cuối cùng đã phải dừng bước tại đây, không đánh chiếm được Leningrad quân Đức và Phần Lan buộc phải bao vây phong toả thành phố. Đến cuối năm 1943 sau 900 ngày bị vây hãm Leningrad mới được giải toả với 62 vạn dân thành phố đã bị chết đói, thành phố này sau đó được mang tên Thành phố Anh hùng.
Tại cánh nam của mặt trận Xô – Đức: cụm tập đoàn quân Nam của Đức tấn công Phương diện quân tây nam của Xô Viết tại Ukraina. Cũng giống như cụm tập đoàn quân Bắc, quân Đức chỉ có một tập đoàn quân xe tăng số 1 và hai tập đoàn quân bộ binh số 6 và số 17 đã không thể tổ chức thành hai gọng kìm để bao vây và tiêu diệt các tập đoàn quân Xô Viết. Tại đây Hồng quân có lực lượng mạnh và có đội ngũ chỉ huy tốt gồm các tập đoàn quân 5, 6, 12 và 26. Trong những ngày đầu chiến tranh dưới áp lực quá lớn của quân Đức phương diện quân tây nam tuy đã bị tổn thất rất nặng nề nhưng đã không hoảng loạn, kháng cự có tổ chức, không cho đối phương đánh thọc sâu bọc sườn bắt buộc quân Đức tấn công chính diện một cách khó khăn, phương diện quân này vừa chống đỡ vừa liên tục dùng các quân đoàn xe tăng số 8, 15, 22, 9, 19 phản kích và lùi dần về phía Kiev một cách có tổ chức, bảo vệ được lực lượng. Một bộ phận khác là tập đoàn quân số 9 hay tập đoàn quân Duyên hải bị đẩy về phía Biển Đen đã cùng Hạm đội Biển Đen cố thủ vững chắc thành phố cảng Odessa từ 5 tháng 8 đến 16 tháng 10 năm 1941. Vào tháng 10 năm 1941 khi quân Đức tràn vào bán đảo Crimea đe dọa thành phố Sevastopol, lãnh đạo Xô viết cho rút bỏ Odessa và rút lực lượng ở đây về bảo vệ Sevastopol căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen Xô Viết. Trận đánh phòng thủ Sevastopol là một trận đánh phòng thủ rất nổi tiếng trong cuộc chiến tranh này: với lực lượng thua kém rất nhiều quân địch lực lượng Xô Viết của tập đoàn quân Duyên Hải dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Ivan Efimovich Petrov – người hùng phòng thủ Odessa và Sevastopol, kết hợp cùng hoả lực của Hạm đội Biển Đen đã phòng thủ kiên cường thành phố. Và mãi đến tận 4 tháng 7 năm 1942, trong cuộc tổng tấn công mùa hè của quân Đức tại cánh nam chiến trường Xô – Đức 1942 Sevastopol mới thất thủ. Sự chống trả kiên cường của phương diện quân tây nam và các cuộc phòng thủ Odessa, Sevastopol và Kiev đã kìm hãm sức mạnh công phá ban đầu của quân Đức tạo thời gian cho Liên Xô huy động lực lượng dự bị để chiến đấu lâu dài và đã ngăn cản được quân Đức tràn vào vùng công nghiệp nặng Donbass và vùng Kavkaz trung tâm dầu mỏ của Liên Xô.
Xe tăng KV-I của Liên Xô bị phá hủy trong tháng 9 năm 1941
Nhưng những sự kiện quyết định nhất diễn ra chủ yếu tại mặt trận Belarus nơi đối đầu giữa cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức chống lại Phương diện quân Tây của Hồng quân.
Thảm bại của Hồng quân tại Belarus
Tình hình tại phương diện quân Tây của Liên Xô thực sự là một thảm họa. Tại đây Hồng quân có 4 tập đoàn quân 3, 4, 10, 13 được bố trí bất hợp lý, lại phải chống chọi với hai tập đoàn quân xe tăng số 2, số 3 và hai tập đoàn quân bộ binh số 4 và số 9 của Đức. Chỉ trong vòng một tuần lễ cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức trong chiến dịch Belostok-Minsk đã bao vây và tiêu diệt gần hết lực lượng của phương diện quân Tây của Hồng quân. Ngay trong đêm 22 tháng 6 năm 1941 hai tập đoàn quân xe tăng Đức số 2 và số 3 từ hai phía nhắm vào Brest và Grodno đánh vào sườn của phương diện quân Tây. Các mũi tấn công của xe tăng Đức có cường độ cực mạnh và tốc độ tiến công cực cao lên tới 80 km/ngày-đêm. Tập đoàn quân xe tăng số 2 Đức của đại tướng Heinz Guderian đánh tan các quân đoàn xe tăng Xô Viết số 14, 17 và các đơn vị bộ binh của tập đoàn quân Xô Viết số 4. Tập đoàn quân xe tăng Guderian cùng với tập đoàn quân xe tăng Đức số 3 của đại tướng Hermann Hoth đe dọa bao vây các tập đoàn quân số 3, số 10 của Liên Xô. Hồng quân tại Belarus rối loạn và hỗn loạn rút lui, nhưng tốc độ rút lui thậm chí không nhanh bằng đà tiến quân của địch.
Trong ngày 24 tháng 6 phương diện quân Tây gắng gượng tổ chức phản kích bằng hai quân đoàn cơ giới số 6 và 11 và quân đoàn kỵ binh số 6 nhằm vào tập đoàn quân bộ binh số 9 của Đức. Cuộc phản công kém cỏi và sai hướng nên bị tiêu diệt mà không có kết quả. Ngày 27 tháng 6 hai tập đoàn quân xe tăng Đức của Heinz Guderian và Hermann Hoth đã đánh tan sự kháng cự của tập đoàn quân số 13 của Xô Viết và hợp vây hai tập đoàn quân số 3, số 10 Xô Viết tại phía tây thành phố Minsk. Ngày hôm sau hai tập đoàn quân Đức số 4 và 9 đã hợp vây được tại phía đông Belostok. Phương diện quân Tây đã rơi vào hai vòng vây lớn và mau chóng bị tiêu diệt. Ngày 29 tháng 6 thủ đô Minsk của Belarus thất thủ, ngày 30 tháng 6 toàn bộ lực lượng quân đội Xô Viết bị bao vây đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Trong tổng số 62,5 vạn binh lính và sĩ quan của phương diện quân Tây của Hồng quân chỉ trong một tuần chiến tranh đầu tiên đã mất 42 vạn tại Belarus.
Tuy nhiên các đơn vị xe tăng của Đức không thể tiến nhanh về phía Smolensk như dự kiến bởi phía sau phương diện quân Tây là phương diện quân Dự bị của Liên Xô vừa thành lập khá mạnh với các tập đoàn quân 19, 20, 21, 22 cùng với các tập đoàn quân vừa rút lui số 11 và 13. Sự chống cự của các đơn vị này đã kìm hãm sức tiến công của các tập đoàn quân xe tăng Đức trong nhiều ngày. Phương diện quân Dự bị bắt đầu dùng các đơn vị xe tăng phản công có tổ chức kiềm chế bước tiến của các đơn vị xe tăng Đức. Khoảng ngày 6-9 tháng 7, các quân đoàn xe tăng số 5 và số 7 cùng các quân đoàn bộ binh của Xô Viết đã mở cuộc phản kích rất mạnh tại Vitebsk và Orsha, chặn đứng tạm thời bước tiến các đơn vị xe tăng số 2, số 3 của Đức, bảo vệ thành công hai thành phố này. Các đơn vị Đức buộc phải dừng lại đợi tăng viện để tiếp tục tiến đánh Smolensk.
Tăng hạng nặng KV-II của Liên Xô
Thảm bại của Quân đội Xô Viết tại Belarus trước hết là tại đây bộ chỉ huy Đức xác định là điểm đánh chính nên đã tập trung binh lực vào đây. Trên mặt trận này ưu thế về quân số và vũ khí của Đức đều hơn hẳn. Hai tập đoàn quân xe tăng Đức như hai gọng kìm thép đã tiến hành tiến công thọc sâu vũ bão, chia cắt và bao vây gây cho Liên Xô những tổn thất cực kỳ to lớn. Yếu tố bất ngờ của chiến tranh cũng là đóng vai trò lớn, ngoài các yếu tố trên Hồng quân còn bộc lộ các điểm yếu to lớn của trước kiểu chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh hiện đại của đối phương:
- Trang bị và trình độ của Hồng quân quá ít và lạc hậu so với quân Đức: mức độ cơ giới hóa quá thấp dẫn đến tốc độ di chuyển, tập hợp, công kích thấp, thậm chí rút lui quá chậm chạp không thể kịp với tốc độ tấn công bằng thiết giáp cơ giới của địch. Mạng thông tin lạc hậu, chậm trễ kém hiệu quả. Trong các đơn vị có rất ít các phương tiện thông tin vô tuyến. Vào thời điểm bắt đầu tấn công quân báo Đức tung các toán biệt kích giả dạng lính biên phòng và lính của Bộ nội vụ NKVD đi đánh phá các tuyến dây thông tin hữu tuyến tấn công các cơ cấu chỉ huy, liên lạc làm rối loạn rất trầm trọng công tác chỉ huy từ trên xuống và hiệp đồng thống nhất của các đơn vị. Các phương tiện xe tăng, thiết giáp của Liên Xô quá lạc hậu (chỉ trừ loại tăng T-34 được xem là tốt nhất thế giới thời bấy giờ nhưng lại quá ít so với xe tăng Đức) và Hồng quân quá thiếu các phương tiện chống tăng. Vũ khí cá nhân của binh sĩ có số lượng áp đảo là súng trường Nga Mosin bắn phát một, mẫu của năm 1891 để chống lại súng tiểu liên Đức...
- Các cấp chỉ huy của Xô Viết từ sĩ quan cấp thấp đến Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, đến Tổng tư lệnh tối cao có tư duy chiến tranh đều thấp kém hơn tầng lớp sĩ quan tướng lĩnh Đức, đều không thể dự đoán nổi tính chất, cường độ, mật độ tấn công cơ động phủ đầu mãnh liệt ngay từ giờ phút đầu của đối phương. Cũng như chỉ huy các nước Anh, Pháp, Ba Lan... họ vẫn theo tư duy kiểu cũ, nặng về chiến tranh trận địa. Quân đội Xô Viết trông đợi kiểu chiến tranh mào đầu bằng các trận đánh trận địa thăm dò, vì vậy đã hoàn toàn bất ngờ, choáng váng, mất sự chỉ huy, không theo kịp diễn biến chiến sự.
- Quan điểm sai lầm trong việc xây dựng các khu vực phòng thủ: trong năm 1939-1940 đã di rời các khu vực phòng thủ chiều sâu từ biên giới cũ đến biên giới mới khi quân đội Xô Viết tiến vào miền đông Ba Lan. Các khu phòng thủ quá sát biên giới có hình dạng kéo dài hàng ngang không có chiều sâu phòng ngự đã mất ý nghĩa phòng thủ: rất dễ dàng bị đối phương đánh thọc sâu bọc sườn và bao vây ngay từ ban đầu. Hình thế chiến dịch bất lợi này đã được Bộ tổng tham mưu Xô Viết nhiều lần khuyến cáo nhưng Stalin và đặc biệt Bộ trưởng Quốc phòng Kliment Yefremovich Voroshilov với các lý do chính trị, tư tưởng đã không ra lệnh bố trí lại.
- Học thuyết quân sự giáo điều: theo học thuyết quân sự của Stalin quân đội vô sản là vô địch, bách chiến bách thắng chỉ có tấn công tích cực, xem nhẹ phòng ngự. Đề cao quá mức yếu tố tinh thần – chính trị, không đánh giá đúng vai trò cự kỳ quan trọng của vũ khí – kỹ thuật. Trước chiến tranh đã có nhiều sĩ quan tướng lĩnh Xô Viết tìm cách học tập nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức, huấn luyện, trang bị, cơ cấu lực lượng vũ trang, chiến thuật, chiến lược tiên tiến của Đức, nhưng các cố gắng đó bị coi là "phản động, thân phát xít"... Điều lệnh chiến đấu của Hồng quân khi đó quy định rằng khi chiến tranh nổ ra, toàn bộ lực lượng quân sự Xô viết ngay lập tức sẽ phải tổng tấn công giáng trả vào đất địch và chiến tranh sẽ diễn ra trên đất kẻ thù. Học thuyết này không dúng với thực tế so sánh lực lượng của các bên đối kháng khi đó. Cụ thể tại Belarus, trong những giờ phút chiến tranh ban đầu thay vì phải nhanh chóng rút lực lượng ra khỏi các khu phòng thủ đã mất tác dụng tránh để bị quân Đức đánh thọc sâu và bao vây, các đơn vị tiếp giáp phải tìm cách phản kích kìm chân địch để thiết lập tuyến phòng ngự chiều sâu, Hồng quân lại tập hợp chuẩn bị tổng phản công đánh sang đất địch.
- Trình độ sĩ quan chỉ huy yếu kém: tầng lớp sĩ quan chỉ huy Hồng quân sau đợt thanh trừ chính trị chưa tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh chỉ huy. Đặc biệt bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị thanh trừ nên tính chủ động, quyết đoán của cán bộ chỉ huy bị bó buộc: các cấp chỉ huy không dám ra quyết định, phần nhiều trông chờ vào mệnh lệnh của cấp trên... Các cấp chỉ huy Xô Viết nhất là tại phương diện quân Tây và tây bắc trong những ngày đầu đã rối trí chỉ huy mò mẫm, thiếu phối hợp, ở mức độ rất xa dưới mức yêu cầu của chiến tranh.
Kết quả: thảm họa của phương diện quân Tây đã mở thông đường cho quân Đức thẳng tiến vào trung tâm nước Nga. Phía trước cụm tập đoàn quân Trung tâm giờ đây là hướng Moskva. Với trách nhiệm vì đã để xảy ra thảm họa Belarus, đại tướng tư lệnh Dmitry Grigorievich Pavlov (từng là Anh hùng Liên xô), cùng tham mưu trưởng phương diện quân Klimovskik, và nhiều tướng lĩnh bộ chỉ huy phương diện quân đã bị cách chức và bị tòa án quân sự xử tử vì những yếu kém của họ và không phải của họ.
Trận Smolensk, Hồng quân tạm thời chặn đứng được quân Đức
Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 năm 1941 đã xảy ra một chuỗi trận đánh liên hoàn mà trận Smolensk và việc tiêu diệt phương diện quân tây nam của Xô Viết tại khu vực Kiev là những sự kiện lớn trong chuỗi trận đánh lớn này.
Sau các thắng lợi rất lớn ban đầu, quân đội Đức đã chiếm được các Nước cộng hoà Baltic, Belarus, Moldavia, phần đất của Nga và Ukraina trên bờ tâysông Tây Dvina và sông Dnepr. Chiến tuyến lúc đó dựa theo hai con sông này. Đến lúc này mặt trận đã quá dài, quân Đức không thể đảm bảo đủ mật độ quân lực trên một mặt trận quá lớn nên đã "không thể đồng thời tấn công tổng lực trên tất cả các hướng" mà phải lựa chọn tấn công trọng điểm theo thời gian. Điều đó cho thấy: dù có đạt được thắng lợi cực lớn ban đầu nhưng việc đánh thắng Liên Xô trong chiến tranh chớp nhoáng là quá sức đối với nước Đức Quốc Xã. Trong khi đó tiềm lực Xô Viết thật khó đánh giá, mặc dù đã tổn thất rất nặng nề, mất hơn 1 triệu quân trong tháng đầu tiên, nhưng quân số Hồng quân không ngừng tăng lên. Trên hướng Smolensk là hướng chiến lược phía tây, Bộ tổng tư lệnh tối cao Xô Viết điều động thê đội 2 của lực lượng dự bị chiến lược lập phương diện quân Dự bị phía sau phương diện quân Tây đang phòng thủ. Liên Xô định xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc nhiều tầng lớp theo tuyến Velikie Luki – Nevel – Vitebsk – Orsha – Moghilev – Gomel dựa trên hai con sông lớn Tây Dvina và Dnepr.
Trận Smolensk: Ngày 8 tháng 7 năm 1941 sau khi tập trung đủ quân Bộ chỉ huy tối cao Đức ra lệnh cho cụm tập đoàn quân Trung tâm dùng hai tập đoàn quân xe tăng số 2 và số 3 và một bộ phận tập đoàn quân xe tăng số 4 của tập đoàn quân Bắc cùng hai tập đoàn quân bộ binh số 2 và số 9 tấn công đánh tiêu diệt khối quân Xô Viết phòng thủ hướng Smolensk để mở ra đường ngắn nhất tiến chiếm thủ đô Moskva trong hành tiến. Trong 10 ngày từ 10 đến 20 tháng 7 Quân Đức tấn công mãnh liệt cánh phải và chính diện phương diện quân Tây Xô Viết và chọc thủng phòng tuyến sông Tây Dvina tiến sâu được 200 km chiếm các thành phố Moghilev, Smolensk, Orsha, Yelnya, Kritchev, bao vây các tập đoàn quân 13, 16, 20 Xô Viết tại khu vực Smolensk. Dù chỉ mới sau thảm bại thất thủ Belarus vài ngày nhưng sức kháng cự của Hồng quân đã khác: quân Đức gặp sự phản kháng mãnh liệt tăng lên từng ngày, các đơn vị Liên Xô bị lọt vào vòng vây liên tục kháng cự và phản kích. Từ 23 tháng 7 đến 7 tháng 8, Quân đội Xô Viết lấy lực lượng từ phương diện quân Dự bị tổ chức phản công mạnh mẽ với ý đồ hợp vây khối quân Đức tiên phong tại khu vực Smolensk. Cuộc phản công không tiêu diệt được khối quân đối phương nhưng đã giải cứu được các tập đoàn quân 16 và 20 và chặn đứng được sự phát triển tấn công của cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức về phía Moskva. Các trận đánh vẫn tiếp diễn tại vòng cung Yelnya: Từ ngày 20 tháng 8 đến 9 tháng 9, tập đoàn quân 24 của Xô viết phản công tại Yelnya: cuộc chiến diễn ra đẫm máu, cuối cùng quân Đức phải rút khỏi Yelnya và quay sang tập trung tấn công xuống phía nam để bao vây Kiev. Phương diện quân Tây của Hồng quân chịu thương vong rất lớn nhưng đã lập được phòng tuyến ổn định tại phía tây dẫn đến Moskva. Quân Đức đã không thể chiếm Moskva trong hành tiến.
Trận Smolensk kéo dài hai tháng đã làm rối kế hoạch chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh của Đức. Với sức kháng cự ngày càng tăng của phía Liên Xô thì giờ đây mục tiêu chiếm Moskva và tiến đến tuyến Arkhangelsk – Astrakhan trước mùa đông là khó hoàn thành. Tại trận Smolensk lần đầu tiên vũ khí mới của Liên Xô là dàn hoả tiễn Cachiusa đã xuất trận. Quân đội Liên Xô đã qua cơn choáng ban đầu và bắt đầu chiến đấu ngày càng có tổ chức. Đối với Đức mặt trận phía đông không còn là chiến thắng dễ dàng nữa.
Trận Smolensk vẫn tiếp diễn và chiến sự dần chuyển xuống phía nam. Các diễn biến tiếp sau của trận đánh này dẫn đến đột biến tại mặt trận của phương diện quân tây nam của Hồng Quân.
Trận Kiev (1941) – phương diện quân tây nam của Xô Viết bị tiêu diệt
Trong trận Smolensk, khi không thể đột phá trực tiếp về phía đông qua hướng Smolensk – Moskva, quân Đức tấn công dò tìm điểm yếu trong tuyến phòng thủ của Hồng quân, điểm yếu đó là phương diện quân Trung Tâm của Xô Viết trên hướng Gomel 300 km phía nam Smolensk. Cuối tháng 7 cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức chọc thủng phòng tuyến của phương diện quân Trung tâm của Xô Viết ào ạt tấn công theo hướng Bắc – Nam về phía Gomel và chiếm thành phố này ngày 20 tháng 8 năm 1941. Quân Đức đe doạ nghiêm trọng sườn phải và lưng của phương diện quân tây nam Xô Viết đang phòng thủ hướng Kiev. Với triển vọng đánh vào lưng và bao vây tiêu diệt cụm quân Xô Viết tại Kiev, Hitler ra lệnh cho cụm quân Trung tâm tạm dừng tấn công trên hướng Moskva điều một nửa lực lượng của cụm quân này là tập đoàn quân xe tăng số 2 của Guderian và tập đoàn quân bộ binh số 2 đánh xuống phía nam bên bờ Đông sông Dnepr kết hợp cùng cụm tập đoàn quân Nam của Đức bao vây tiêu diệt phương diện quân tây nam đang phòng thủ khu vực Kiev.
Quân đội Liên Xô phản công trên xe tăng BT-7
Ngay từ cuối tháng 7 năm 1941 trước hiểm hoạ đột phá tại phía nam mặt trận, Bộ tổng tham mưu Xô Viết kiên quyết đề nghị bỏ Kiev đưa toàn bộ lực lượng sang bờ Đông sông Dnepr lập tuyến phòng thủ mới nhưng Stalin là lãnh đạo tối cao không thể chấp nhận mất thủ đô Ukraina, đã lập tức cách chức Tổng tham mưu trưởng của đại tướng Georgy Konstantinovich Zhukov vì đề nghị này và ra lệnh tử thủ và phản công giữ vững Kiev.
Trong tháng 8 các nỗ lực phản công của phương diện quân Briansk của Liên Xô đánh vào sườn trái tập đoàn quân xe tăng số 2 và tập đoàn quân số 2 của Đức đều thất bại. Phương diện quân này tổn thất rất lớn và còn tạo ra lỗ hổng lớn trong phòng ngự. Đến ngày 10 tháng 9 tập đoàn quân xe tăng số 2 của Guderian từ phía bắc đánh xuống bên bờ Đông sông Dnepr đã chiếm được Chernigov và Konotop. Sau đó đánh đòn quyết định nhắm về phía về Lokhvitsa.
Trong thời gian đó từ 12 tháng 7 tới 10 tháng 8 tại mặt trận Kiev chiến sự giữa cụm tập đoàn quân Nam của Đức và phương diện quân tây nam Xô Viết đang xấu đột biến cho Hồng quân: các tập đoàn quân xe tăng số 1 và tập đoàn quân bộ binh số 6 Đức không thể tiến vào được Kiev từ phía tây và tây bắc đã thọc xuống phía nam Kiev kết hợp cùng tập đoàn quân 17 đánh thọc sườn vào hậu phương các tập đoàn quân 6, 12, 18 của Xô Viết. Các mũi tiến quân này phối hợp với quân Romania đã hoàn toàn bao vây và tiêu diệt các tập đoàn quân 6, 12 Xô Viết tạiPervomaisk- Uman. Thừa thắng từ ngày 11 tháng 8 đến 10 tháng 9 cụm tập đoàn quân Nam tấn công vũ bão đã chiếm một vùng rộng lớn tại phía nam Kiev:Krivoi Rog rồi Nikolaiev sau đó vượt sông Dnepr sang bờ đông chiếm Dnepropetrovsk, Zaporozhie và Kremenchuk.
Sau khi đột phá tại phía nam Kiev tập đoàn quân xe tăng số 1 của Paul Ludwig Ewald von Kleist thuộc cụm tập đoàn quân Nam của Đức từ bàn đạp Kremenchuk phía bờ Đông sông Dnepr đã tiến lên phía bắc. Ngày 15 tháng 9 tại Lokhvitsa tập đoàn quân xe tăng này đã gặp tập đoàn quân xe tăng số 2 của Guderian từ phía bắc đánh xuống, hợp vây hoàn toàn phương diện quân tây nam của Liên Xô.
Phương diện quân tây nam Xô Viết dù đã kháng cự rất quyết liệt từ ngày đầu chiến tranh và đã cầm cự có tổ chức được lâu dài giờ đây đã bỏ lỡ cơ hội rút lui, các tập đoàn quân Xô Viết của phương diện quân này đã rơi vào vòng vây siết chặt của quân Đức, lại bị ngăn cách bởi sông lớn Dnepr và đã bị tiêu diệt gọn. Khoảng 66,5 vạn quân Xô Viết đã tử trận hoặc bị bắt làm tù binh, trong đó có hầu hết các tư lệnh và chỉ huy các tập đoàn quân của phương diện quân này Thượng tướng Mikhail Petrovich Kirponos, tư lệnh phương diện quân bị tử thương khi một viên đạn cối của quân Đức nổ ngay cạnh ông. Trung tướng V. I. Tupikov tham mưu trưởng Phương diện quân tử trận tại làng Ovdievsk. Ủy viên hội dồng quân sự phương diện quân, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Ukraina đã tử trận tại khu rừng Sumeykovo. Chính ủy phương diện quân tây nam Yevgheni Pavpovich Rykov bị quân Đức bắt và hành quyết tại Lokhvitsa. Đây là một trong những chiến dịch thắng lợi to lớn nhất của quân Đức trong thế chiến II. Ngày 19 tháng 9 năm 1941, Kiev thất thủ.
Hồng Quân Liên Xô đầu hàng bị áp giải tới trại tù binh
Sau này có nhiều ý kiến cho rằng quyết định của Adolf Hitler phái một nửa lực lượng của cụm tập đoàn quân Trung tâm xuống phía nam tiêu diệt Kiev đã bỏ lỡ cơ hội đánh chiếm Moskva trước mùa đông. Tuy nhiên theo nguyên soái G.K Zhukov của Liên Xô thì quyết định này là đúng đắn cho quân Đức và sẽ phải xảy ra theo đúng quy luật quân sự và tình thế chiến trường khi đó. Và vì nhận thức được khả năng này Bộ tổng tham mưu Xô Viết đã đề nghị Stalin sớm bỏ Kiev rút sang bờ đông sông Dnepr phòng ngự, vì đề nghị này G.K Zhukov đã bị cách chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Xô Viết và được điều chuyển sang làm chỉ huy mặt trận phòng ngự Leningrad.
Nhưng thất bại to lớn của quân đội Xô Viết tại Kiev còn có một khía cạnh khác, nó tác động lên tâm lý của lãnh tụ hai bên làm ảnh hưởng đến kết cục chiến tranh sau này: Tổng chỉ huy tối cao của Liên Xô Stalin sau các thất bại tại Belarus và Kiev đã nhận thức được hạn chế về kiến thức quân sự của cá nhân mình và đã biết chú ý lắng nghe ý kiến của Bộ tổng tham mưu và các tướng lĩnh Xô Viết. Trong khi đó Hitler đã quá tự tin vào thiên tài quân sự và khả năng không thể sai lầm của mình nên càng ngày càng bỏ qua các ý kiến của các tướng lĩnh Đức, điều này đã ảnh hưởng đến quá trình điều hành chiến tranh sau này của hai bên.
Trận Moskva: chiến tranh chớp nhoáng của Đức không còn
Từ ngày 30 tháng 9 năm 1941 đến đầu tháng 1 năm 1942 đã diễn ra Trận Moskva trận đánh lớn trong chiến tranh Xô – Đức và Thế chiến thứ hai có tầm quan trọng bậc nhất cả về quân sự, chính trị cũng như tâm lý. Sau trận đánh này chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh của Đức đã thất bại, nước Đức Quốc Xã buộc phải chấp nhận tiến hành chiến tranh tiêu hao kéo dài với đối thủ là cường quốc rộng lớn nhất thế giới, đông dân với tiềm lực ngày càng được huy động. Đây là điềm báo trước thất bại của Đức trong toàn bộ cuộc chiến tranh.
Sau thất bại to lớn của quân đội Xô Viết tại Ukraina, mối đe doạ bị Hồng quân tấn công vào sườn phải cụm tập đoàn quân Trung Tâm không còn. Phía Đức trong tháng 9 năm 1941 đã dừng tấn công trên hướng Moskva để chuẩn bị kỹ cho chiến dịch cơn bão nhằm đánh chiếm thủ đô Xô Viết. Quân đội Đức đã tăng cường bổ sung cho cụm tập đoàn quân Trung tâm trong trận đánh này một lực lượng rất lớn: điều tập đoàn quân xe tăng số 2 của Heinz Guderian và tập đoàn quân bộ binh dã chiến số 2 vừa đánh thắng trận Kiev về, điều tập đoàn quân xe tăng số 4 của đại tướng Erich Hopner duy nhất của cụm Bắc xuống cho cụm Trung tâm. Lúc này cụm tập đoàn quân Trung tâm có ba tập đoàn quân bộ binh số 2, 4, 9 và ba tập đoàn quân xe tăng số 2, 3, 4 tổng cộng khoảng 75 sư đoàn và 1,8 triệu binh sĩ với 1.700 xe tăng, 14.000 pháo và súng cối, 1.400 máy bay tức là khoảng 34% quân số và 68% số xe tăng của Đức trên chiến trường khi đó. Bộ chỉ huy tối cao Đức dành cho chiến dịch này tầm quan trọng đặc biệt như bước quyết định để chấm dứt chiến tranh thắng lợi.
Đối với Liên Xô đây là thời kỳ nguy ngập nhất trong toàn bộ lịch sử từ ngày thành lập. Sự thất trận của Liên Xô đến lúc này là quá to lớn: tuy đất nước rộng lớn, dân số nhiều nhưng quân số không động viên kịp cho số bị tiêu diệt và bị bắt. Các cơ sở kinh tế lớn trên các vùng lãnh thổ phía tây đất nước trước đây chiếm đa phần tỷ trọng trong kinh tế đất nước nay đã bị Đức chiếm hoặc đang được tháo dỡ di chuyển sang phía đông chưa thể cho ra sản phẩm. Quân số thiếu mà vật chất tiền của để tiếp tục chiến tranh cũng ở mức độ nguy kịch. Chính lúc này sự giúp đỡ về kinh tế, vũ khí của khối đồng minh Anh – Mỹ cho Liên Xô là rất quan trọng, đặc biệt là chương trình Lend-lease của Chính phủ Hoa Kỳ. Những chuyến hàng đầu tiên của nó đến Liên Xô vào tháng 12-1941, góp phần giúp Liên Xô có thêm vũ khí để tiến hành chiến dịch phản công đánh bật Đức khỏi Moscow.
Cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ngày 7 tháng 11 năm 1941, đây là cuộc duyệt binh duy nhất mà các loại vũ khí được nạp đầy đủ đạn dược bởi ngay sau lễ duyệt binh, các đơn vị Hồng quân sẽ tiến thẳng ra chiến trường.
Hitler đã chuẩn bị một kế hoạch chiến tranh hủy diệt đối với Moskva. Trong một cuộc họp tại Bộ tham mưu cụm tập đoàn quân Trung tâm, Hitler đã tuyên bố: "Thành phố sẽ bị vây chặt, không một lính Nga, không một dân thường - đàn ông, đàn bà, trẻ em có thể trốn thoát. Mọi ý đồ rời khỏi thành phố sẽ bị đè bẹp bằng sức mạnh. Mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng để làm chìm ngập Moskva và vùng phụ cận. Nơi hôm nay là Moskva sẽ là một cái hồ lớn mãi mãi nhấn chìm thủ đô của bọn Nga!".
Để bảo vệ Moskva quân đội Xô Viết cho thiết lập ba tuyến phòng thủ: tuyến Rzhev – Viazma – Briansk cách thủ đô khoảng 200–500 km, tuyến Volokolamsk – Mozhaisk – Kaluga cách Moskva thoảng 100–150 km và tuyến cuối cùng là vành đai xung quanh thành phố. Quân đội Xô Viết bố trí ba phương diện quân Tây, Dự bị và Briansk để phòng thủ Moskva: tổng cộng gần 1,25 triệu quân, 1.000 xe tăng, gần 700 máy bay, 7.600 pháo và súng cối. Cho đến thời điểm tấn công quân Đức có lực lượng vượt trội cả về quân số, trình độ huấn luyện tác chiến, số lượng và chất lượng vũ khí.
Kế hoạch của quân Đức trước tiên hợp vây tiêu diệt các đơn vị Xô Viết tại tuyến Rzhev – Viazma – Brianskmở đường cho 2 mũi lao nhọn từ Bắc và Nam tiến đến bao vây Moskva tại Orekhovo-Zuevo khoảng 60 km về phía đông Moskva. Sau khi vây hãm Moskva, sẽ dùng không quân, xe tăng và bộ binh đánh chiếm thành phố.
Trận đánh bắt đầu vào ngày 30 tháng 9 năm 1941 và chia làm nhiều giai đoạn khốc liệt. Trong 10 ngày đầu tháng 10 năm 1941, quân Đức đập tan tuyến phòng thủ Rzhev – Viazma – Briansk của Hồng quân, bao vây tiêu diệt khoảng nửa triệu quân của ba phương diện quân Xô Viết. Tuyến phòng thủ vòng ngoài của Moskva đã bị đánh tan.
Tình thế Moskva nguy ngập, quân đội Xô Viết vội vã điều nốt các lực lượng dự bị cuối cùng củng cố tuyến phòng thủ thứ hai và áp dụng các biện pháp kiên quyết nhất để bảo vệ thủ đô... Trong tháng 10 các nỗ lực phòng thủ đã cho kết quả: quân đội Xô Viết trong chiến đấu đã tạo được tuyến phòng thủ chiều sâu dày đặc, cộng với việc quân Đức không thể bổ sung kịp thời cho các tổn thất rất to lớn trong quá trình chiến đấu, các điều kiện thời tiết cũng đã giúp cho phía Liên Xô làm chậm tốc độ và sức công phá của các cuộc tấn công của Đức. Và cuối cùng qua ba đợt tấn công càng ngày càng khó khăn đến đầu tháng 12 năm 1941, cuộc tấn công của Đức đã hụt hơi và bị chặn đứng tại ngay cửa ngõ Moskva.
ng với số chết trận, binh lính Đức còn chết vì tê cóng và bệnh dịch. Một số sư đoàn Đức rơi rụng chỉ còn 50% thực lực. Sư đoàn Thiết giáp số 6 của tướng Raus báo cáo mỗi ngày có khoảng 800 ca cóng lạnh. Nhiệt độ thấp nhất đo được trong toàn bộ kế hoạch này là -53 độ C (khu vực tây bắc Moscow vào ngày 26 tháng 1 năm 1942) trong khi trang thiết bị của Đức bắt đầu hỏng hóc khi nhiệt độ xuống -20 độ C. Mùa đông khắc nghiệt đã kìm chân kế hoạch Barbarossa lại vùng ven Moscow.
Vào ngày 2/12/1941, Sư đoàn Thiết giáp số 5 của Đức đã đâm thủng phòng ngự của quân Nga, dừng ở ngôi làng Dmitrov và Jokroma, áp sát và cách Moscow 14 km, cách Kremlin đúng 24 km. Lúc đó, quân Đức vẫn không được trang bị cho cuộc chiến trong mùa đông. Bình luận cả về sình lầy (mùa Thu) và tuyết lạnh (mùa Đông), Tướng Zhukov của Nga nói rất đơn giản rằng: quân Đức đáng ra phải hiểu rõ về thời tiết, nhưng họ đã không lo ứng phó với nó. Trong trường hợp này, thời tiết đóng một vai trò quan trọng (nhưng không phải là quan trọng nhất) giải thích tại sao Hồng quân Liên Xô – với hơn 1 triệu binh sĩ hy sinh trong giai đoạn đầu của kế hoạch Barbarossa kéo dài 2 tháng – không chỉ có thể giữ vững Moscow, mà còn tiến hành các đợt phản công mạnh mẽ.
Rõ ràng phía Đức đã không đánh giá hết được đối phương Xô Viết: lòng yêu nước, sự tin tưởng, trung thành của con người Xô Viết; tính kỷ luật kiên cường của Hồng quân; tiềm năng tổng động viên của nhà nước Xô Viết; tiềm năng kinh tế của Liên Xô; sự giúp đỡ của đồng minh; điều kiện tự nhiên rất đặc trưng của nước Nga. Kết quả: Đến đầu tháng 12 năm 1941 các nỗ lực tấn công cuối cùng của Đức đã hụt hơi trong khi đó các lực lượng dự bị hùng hậu của Hồng quân đã được huy động để phản công. Lúc này phía Xô viết vẫn còn tới 3 tập đoàn quân dự trữ để phản công còn phía Đức thì không còn lấy lực lượng dự trữ nào.
Thời điểm đầu tháng 12 năm 1941 là thời điểm kịch tính bản lề của trận đánh khi quân Đức đã suy kiệt không thể tấn công thêm, Sự không tham chiến của Nhật đã cho phép Liên Xô điều động các sư đoàn dự bị đầy sức sống, trang bị tốt từ các quân khu Viễn Đông và Siberi. Các lực lựng này đã kịp đến và tập hợp tại chiến trường đã sẵn sàng tham chiến, binh khí kỹ thuật của Liên Xô cũng được bảo đảm giành ưu thế đối với quân Đức nhất là ưu thế về không quân ném bom, và đặc biệt một lợi thế cực kỳ to lớn là quân đội Xô Viết quen tác chiến mùa đông là điều mà quân Đức chưa được chuẩn bị. Ngày 5 tháng 12 năm 1941 ngay sau khi cuộc tấn công của Đức đã hết hơi, cuộc tổng phản công tại Moskva của Hồng quân bắt đầu.
Quân đội Xô Viết ào ạt tấn công, cuộc phản công đã diễn ra thắng lợi. Tuy nhiên quân đội Xô Viết khi đó còn chưa hội đủ các điều kiện để tiến hành tấn công theo chiều sâu để bao vây tiêu diệt khối chủ lực của của địch, cuộc tấn công của Hồng quân mang tính chất tấn công chính diện đẩy lùi quân địch ra xa khỏi Moskva. Lực lượng Đức đã suy kiệt sau các nỗ lực tấn công Moskva bất thành lại đang trong đội hình tấn công không có hệ thống phòng ngự chiều sâu, ở hình thế lõm sâu vào vị trí đối phương, không quen chiến đấu trong mùa đông Nga khắc nghiệt và hoàn toàn không hề dự đoán khả năng quân địch tấn công. Mặc dù đã có lệnh của Hitler không lùi một bước, quân Đức bị hất ra xa ra khỏi Moskva từ 150 đến 300 km, hơn 500 ngàn quân bị tiêu diệt, hàng chục sư đoàn bị tiêu diệt và tiêu hao.
Chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh của Đức đã thất bại hoàn toàn.
Wikiperdia
MTA (st)