Việc Bộ Quốc phòng Mỹ hủy kế hoạch đưa máy bay F-35 sang dự Triển lãm hàng không Farnborough diễn ra ở Anh hồi tháng 7 đã đẩy chương trình này vào tình trạng “khóc dở mếu dở” .
Kỳ tích công nghệ tạo ra sản phẩm
Tiêm kích tàng hình F-35 là loại máy bay chiến đấu đa năng, có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền, trên biển và cả nhiệm vụ do thám. F-35 được thiết kế và xây dựng bởi một tổ hợp công nghiệp hàng không do tập đoàn Lockheed Martin dẫn đầu và các thành viên khác là BAE Systems và Northrop Grumman. Các nước tham gia tài trợ dự án này gồm có Anh, Italia, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 3600 từ buồng lái xuống mặt đất. F-35 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ngày 15/12/2006.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời và được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của phi đội máy bay chiến đấu Mỹ trong tương lai. Quân đội Mỹ có kế hoạch đặt mua tổng cộng 2.443 chiếc F-35 các loại với tổng kinh phí 391,2 tỷ USD để trang bị cho không quân, thủy quân lục chiến và hải quân. Việc chuyển giao các máy bay này cho quân đội Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2037.
Ngoài Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, các khách hàng tiềm năng của F-35 còn bao gồm Hàn Quốc (đặt mua 40 chiếc) và đặc biệt là Nhật Bản (đặt mua 42 chiếc). Hai quốc gia này vẫn đang có kế hoạch mua các tiêm kích F-35 trang bị cho không quân. Thêm vào đó, các tàu đổ bộ tiên tiến của Hàn Quốc và tàu khu trục chở trực thăng của Nhật Bản cũng được thiết kế để có thể mang máy bay F-35B, phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng.
Tuy nhiên, tới nay dự án F-35 đã bị chậm tiến độ tới 7 năm so với kế hoạch, do chi phí bị đội lên quá lớn. Ước tính, chi phí phụ trội để sản xuất F-35 đã tăng hơn hai lần so với dự toán ban đầu. Báo cáo ngày 21/8/2013 của Phòng kiểm toán chính phủ cho biết, chi phí đầu tư cho sản xuất F-35 đã lên tới gần 400 tỷ USD và mỗi năm sẽ còn “đội” thêm khoảng 12,7 tỷ USD nữa. Dự án đã phát triển “quá lớn tới nỗi không được phép thất bại”, Gordon Adams, giáo sư tại Đại học Mỹ và từng là quan chức Nhà Trắng, nhận định.
Tiêm kích nào lấp chỗ trống cho F-35?
Việc Bộ Quốc phòng Mỹ hủy kế hoạch đưa máy bay siêu tiêm kích tàng hình đa năng F-35 thuộc thế hệ thứ 5 sang dự Triển lãm hàng không Farnborough diễn ra ở Anh hồi tháng 7 vừa qua một lần nữa “đổ thêm dầu vào lửa,” làm bùng lên những ý kiến chỉ trích nhằm vào dự án chế tạo F-35 được coi là phức tạp và tốn kém nhất thế giới. Trước đó, F-35 liên tiếp gặp nhiều lỗi kỹ thuật khác nhau trong các chuyến bay thử nghiệm. Ngày 3/7/2014, quân đội Mỹ cho biết, đã cho đình bay toàn bộ phi đội siêu máy bay chiến đấu F-35 sau khi xảy ra vụ cháy trên một chiếc máy bay F-35A của không quân tại căn cứ không quân Eglin ở bang Florida, Mỹ. Trước đó, ngày 23/6, một chiếc F-35A đã bốc cháy khi phi công đang chuẩn bị cất cánh trong một chuyến bay huấn luyện.
Ngoài những điểm yếu về kỹ thuật, chuyên môn, chương trình F-35 còn dính hàng loạt bê bối về tài chính, chậm tiến độ. Thậm chí có những thông tin cho rằng, tập đoàn Lockheed Martin đã “đi đêm” để có được dự án này và Bộ Quốc phòng Mỹ đang “cố đấm ăn xôi” để dự án tiếp tục được triển khai (?!).
Giới phân tích nhận định, việc trì hoãn chương trình F-35 sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc khắc phục sự tụt hậu của lực lượng không quân nước này và có thể giành được ưu thế trước đối thủ tiềm năng của mình. Theo chuyên gia Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (trụ sở tại Moscow, Nga), hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay tiêm kích J-15 và đã đặt mua các máy bay chiến đấu Su-35S từ Nga. Việc nghiên cứu tính năng và đặc tính của Su-35S sẽ mở đường cho phiên bản nâng cấp J-15 với nhiều tính năng hơn.
Ông Vasily Kashin cho biết, trên thực tế, việc áp dụng đặc điểm thiết kế của Su-35S và các hệ thống của nó (như radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 400 km) sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển loại máy bay tiêm kích tiên tiến nhất thế giới. “Vì vậy, không loại trừ khả năng các tàu sân bay trang bị tiêm kích J-15 hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ xuất hiện trước khi F-35 của Nhật Bản đạt được khả năng sẵn sàng tác chiến”, ông Vasily Kashin nhận định.
Trong bối cảnh trên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tính tới một số giải pháp nhằm thay thế chương trình F-35. Theo themilitary.com, thay vì tiếp tục phát triển F-35, Lầu Năm góc đã cho nâng cấp máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet, đồng thời cho phép kéo dài tuổi thọ của máy bay cường kích A-10 hiện đang phục vụ trong quân đội Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể khởi động lại dây chuyền sản xuất máy bay tiêm kích F-22. Tuy nhiên, việc khởi động lại chương trình F-22 cũng rất tốn kém và không giải quyết được các vấn đề của Hải quân hay Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Hơn nữa, luật pháp Mỹ không cho phép xuất khẩu F-22, đồng nghĩa nó không giải quyết được các vấn đề ngoại giao nảy sinh khi chương trình F-35 bị hủy bỏ.
(Theo Tri Thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét