Trang

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Tàu sân bay CVN-21, sức mạnh hải quân Mỹ trong tương lai


Để tiếp tục giữ vị trí cường quốc hải quân số 1 thế giới, Mỹ đã đề ra kế hoạch phát triển thế hệ tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cho thế kỷ 21 (CVN-21) để thay thế các tàu sân bay thế hệ cũ lớp Nimitz.

Thực tế các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ gần đây ngày càng khẳng định vai trò của hải quân, nhất là các tàu sân bay trong việc thực hiện các đòn tiến công sâu vào trong lãnh thổ đối phương từ cự ly hàng trăm km.

Tàu sân bay là phương tiện có khả năng cơ động cao và là các căn cứ nổi an toàn, có thể cơ động đến các khu vực xảy ra khủng hoảng từ hải phận quốc tế và đóng vai trò như một đòn bẩy chính trị trong bối cảnh xảy ra xung đột vũ trang đồng thời có thể trở thành tiêu điểm của các hoạt động cứu trợ quốc tế.
Hải quân Mỹ đang tiến hành các chương trình đóng tàu sân bay sử dụng các vật liệu có độ bền cao và thay đổi các cấu trúc bên trong, trang bị lớp giáp mới, nâng cao khả năng phòng vệ nên tàu có sức chống đỡ các cuộc tiến công của tàu mặt nước và tàu ngầm của đối phương rất cao.
Hình vẽ tàu sân bay CVN-21 (Defence Industry Daily)
Theo kế hoạch, đến năm 2058, Hải quân Mỹ đóng 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Gerald R. Ford CVN-21 [CVN(X)] để thay thế các tàu lớp Nimitz.
Từ tháng 7./2003, Mỹ đã xúc tiến đóng 2 chiếc đầu tiên CVN-78 và CVN-79. Đến nay, Tập đoàn Northrop Grumman cơ bản hoàn thành phần vỏ tàu CVN-78 và dự kiến sẽ thay thế tàu USS Enterprise (CVN-65) vào năm 2015, chiếc thứ hai (CVN-79) sẽ bắt đầu được đóng vào năm 2012 và đưa vào hoạt động năm 2019. Tổng trị giá của 2 tàu sân bay này có thể lên tới 11,7 tỷ USD
Thiết kế kỹ thuật
Các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford có lượng giãn nước thiết kế 100.000 tấn, có thiết kế giống như tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN-77) lớp Nimitz trước đó, nhưng chỉ cần từ 500-900 nhân viên phục vụ. Các tàu sân bay này có ứng dụng các công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, có thể cắt giảm được khoảng 30% nhân công phục vụ trên tàu so với lớp Nimitz.
Một điều khác biệt và khá quan trọng so với các tàu thuộc lớp trước nó là, tàu có thể bảo đảm cho lực lượng không quân trên tàu thực hiện được khoảng 160 phi vụ xuất kích/ngày, nhiều hơn lớp Nimitz 20 lần. Tàu có độ ổn định cao và có tuổi thọ phục vụ trên 50 năm, được trang bị các hệ thống có tính tự động hóa cao và có khả năng phối hợp và tổ chức các hoạt động tác chiến khá linh hoạt.
Mặt boong bay được thiết kế khác hẳn so với phiên bản của lớp Nimitz, trong đó có nhiều phần được thay đổi như hệ thống chuyển giao máy bay, khoang chứa và khu vực chờ cất cánh của máy bay sẽ được đưa về phía sườn tàu. Tàu được trang bị một hệ thống phóng máy bay hiện đại.
 

Sơ đồ kết cấu tàu sân bay lớp CVN-21 Gerald R. Ford (trên) và CVN-71 Theodor Roosevelt lớp Nimitz (Defence Industry Daily)

Hệ thống vũ khí
Tàu sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow của Raytheon làm nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa, chủ yếu là tên lửa chống hạm. Đây là tên lửa hạm-đối-không tầm trung điều khiển bằng radar bán chủ động, được phát triển từ tên lửa không-đối-không AIM-7 Sparrow.
Ngoài ra, trên tàu bố trí một kho vũ khí rất hiện đại để cất trữ tên lửa, đạn pháo hàng không, bom và tên lửa không-đối-đất cho máy bay tiêm kích, ngư lôi cho các máy bay tác chiến chống ngầm.

Hệ thống lắp ráp vũ khí lên máy bay hoàn toàn tự động, có chức năng đưa vũ khí từ kho và tự lắp đặt lên máy bay. Quá trình lắp vũ khí này chỉ mất vài phút, trong khi việc lắp vũ khí cho máy bay trên các tàu lớp Nimitz mất hàng giờ.
Hệ thống tác chiến điện tử
Tàu được trang bị một hệ thống tác chiến điện tử hiện đại dùng để chế áp điện tử, trinh sát điện tử và bảo vệ điện tử, vô hiệu hoá hệ thống C3I (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và tình báo), hệ thống C4IRS (chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, tình báo, cảnh giới và trinh sát điện tử) của đối phương, bảo vệ hoạt động của hệ thống C3I, C4I của lực lượng mình.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống radar sục sạo và giám sát tích hợp. Đây là radar băng tần kép tích hợp radar đa năng AN/SPY-3 băng X và radar sục sạo băng S được chế tạo cho các tàu khu trục lớp DDG-1000 Zumwalt, hệ thống anten có tiết diện nhỏ hơn so với những loại thông thường và có thể thay thế cho 6-8 anten đơn. Tàu được trang bị một hệ thống thông tin liên lạc số và các kỹ thuật truyền tải xung, các hệ thống mã hóa và giải mã.
Lực lượng máy bay trên tàu
Hình vẽ tàu sân bay CVN-21 (Strategy Page)
Các tàu sân bay lớp CVN-21 được thiết kế để triển khai khoảng 70-90 máy bay chiến đấu, gồm tiêm kích JSF F-35 Lightining II, F/A-18E/F Super Hornet, máy bay trinh sát E-2D Advanced Hawkeye, máy bay tác chiến điện tử EA-18G, trực thăng MH-60R/S và các máy bay không người lái.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, tàu sân bay CVN-78 sẽ thay thế cho tàu USS Enterprise (CVN-65) đã cũ. Nhiệm vụ tác chiến trong tương lai đòi hỏi thế hệ tàu sân bay mới như CVN-78. Với khả năng kết cấu mặt boong bay, hệ thống phóng và hạ cánh cho các máy bay hiện đại, nên tàu có thể đảm bảo cho 220 lần xuất kích/ngày cho các máy bay khi có tình huống xảy ra.
Trên boong tàu được trang bị một hệ thống tiếp dầu cho máy bay khá hiện đại, với 18 cửa tiếp dầucó tốc độ bơm nhiên liệu nhanh, đảm bảo thời gian khẩn cấp theo yêu cầu của tình hình tác chiến

Nguồn: Naval Technology; VIT, 12.9.2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét